Thời gian gần đây trên nhiều tờ báo, trang mạng xã hội rộ lên chuyện “cả họ làm quan”, rồi “cả nhà làm quan” gây nhiều bức xúc trong dư luận, có thể làm giảm niềm tin của người dân vào chính quyền các cấp.
Nói đến chuyện cả nhà làm quan, tôi chợt nhớ lần đi làm từ thiện với Hoa hậu thế giới người Việt Ngô Phương Lan ở miền Trung. Khi qua Nghệ An, chúng tôi được gia tộc họ Ngô (bố Ngô Phương Lan là ông Ngô Quang Xuân, từng là Đại sứ Việt Nam tại Liên hợp quốc, nguyên phó Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội) đón tiếp rất thân tình và được vào thăm nhà thờ họ Ngô, là một công trình được xếp hạng di tích văn hóa cấp quốc gia.
Tại đây tôi mới biết vào đời Lê Trung Hưng cả nhà ông Ngô Trí Tri đều làm quan to. Bố, con, rồi cháu ông Ngô Trí Tri đều làm quan cùng triều.
Đây là gia tộc có tam đại đồng tiến sỹ, có phụ tử đồng khoa tiến sỹ. Ông Ngô Trí Tri đậu tiến sỹ cùng khóa với con trai ông là Ngô Trí Hòa, năm đó ông Ngô Trí Tri 56 tuổi, con trai Ngô Trí Hòa 28 tuổi, hai bố con cùng đi thi và cùng đậu tiến sỹ.
Khi ông Ngô Trí Hòa làm quan Thượng thư bộ hộ thì con trai ông đi thi cũng đậu tiến sỹ. Cả nhà làm quan vì cả nhà đỗ đạt cao, đều có tài, đều được người dân tôn kính, ngưỡng mộ...
Rồi đến thời của nước Việt Nam mới, khi tôi đi lấy tài liệu viết bài về nhà bác học tài danh Tạ Quang Bửu, mới biết cả nhà ông cũng làm quan. Dòng họ Tạ Quang có một câu nói nổi tiếng được sơn son thếp vàng treo trong nhà ấy là “Phụ giáo tử đăng khoa” (tạm dịch là cha dạy con thi đỗ).
GS Tạ Quang Bửu từng làm Bộ trưởng Bộ Quốc phòng trong Chính phủ cụ Hồ, rồi Bộ trưởng Bộ Đại học và Trung học chuyên nghiệp. Em ông là Tạ Quang Đạm cũng làm quan, là người được mệnh danh là “cuốn từ điển sống”, rồi đến cháu ông Tạ Quang Ngọc từng là Bộ trưởng Bộ Thủy sản ...
Như vậy, cả nhà làm quan không phải là chuyện xấu, nếu cả nhà có tài, có đức, có tâm huyết với đất nước, với nhân dân, được nhân dân tôn kính, ngưỡng mộ.
Nhưng chuyện "cả nhà làm quan, cả họ làm quan" mà báo chí nêu thời gian qua lại không phải vậy, đó là việc lạm dụng quyền lực, ban phát quyền lực cho bà con, họ hàng dẫn đến nhiều hệ lụy tiêu cực khác.
Đại biểu Quốc hội Lê Thanh Vân mới đây trả lời một tờ báo đã cho rằng: Chuyện cả họ làm quan, cả nhà làm quan quy trình không sai, nhưng “hộp đen” xử lý là “gọt chân cho vừa giày”; ông lấy ví dụ một dây chuyền sản xuất gạch, dù dây chuyền có hiện đại, hoàn hảo đến đâu nhưng khi người ta cho bùn, cho rác vào thay cho đất sét thì sản phẩm làm ra sẽ không còn là gạch nữa...
Ông đề nghị phải có một bộ khung chuẩn cho các chức danh nhà nước và cần nghiêm trị những ai lợi dụng chức quyền để ban phát chức vụ cho người nhà, cho họ hàng, người thân, người quen...
Thực ra, không phải bây giờ mà từ chế độ phong kiến chuyện lạm dụng quyền lực, ban phát quyền lực cho người nhà, cho họ hàng, bà con đã diễn ra và ngay từ chế độ cũ đó đã tự đặt ra những điều luật rất nghiêm khắc để loại bỏ điều này.
Một trong những ví dụ mà hầu như chúng ta đều biết đó là: Nếu anh đậu đạt cao, được bổ nhiệm làm quan thì không được làm quan ở ngay chính quê anh. Nghĩa là anh sẽ được điều đi làm quan ở địa phương khác, như tôi người Hà Tĩnh phải ra Thanh Hóa hay Nghệ An làm quan chứ nhất quyết không được làm quan ở Hà Tĩnh dù làm tri phủ, hay tri huyện...
Bởi vậy, để chấm dứt hiện tượng cả nhà làm quan, cả họ làm quan theo kiểu ban phát gây bức xúc trong dư luận, thiết nghĩ chúng ta phải có những chế tài cụ thể, khách quan và hiệu quả chứ không chỉ lên án, hay kêu gọi chung chung ...