Năm nào cũng vậy, hễ đến mùa thị mùi thơm từ nhà ông Lê Văn Thưởng xóm 2 xã Nghi Thịnh, huyện Nghi Lộc (Nghệ An) lại tỏa hương ngào ngạt khắp làng. Trong đó, 5 cây thị có độ tuổi 670 năm được coi là vô giá khi gắn liền với những kỳ tích của các Tướng tài.
Đi tìm sự tích….
Theo ông Thưởng, hiện không xác định được ai là người trồng 5 cây thị nhưng trong gia phả họ Lê có ghi chép: Vào khoảng thế kỷ 14, Tướng Lê Văn Hoan gốc xứ Thanh, phò vua tiến bắc đánh giặc Chiêm Thành. Dọc theo bờ biển dạt dào sóng đến vùng đất Nghi Thịnh nay, thấy giữa đại ngàn cát trắng, nắng gió chan hòa lại có 5 cây thị xanh tốt, tiếng chim lảnh lót hát vang trời, dìu nhau mổ quả trĩu cả cành.
Thực là một khung cảnh hữu tình, một chỗ nghỉ ngơi lý tưởng cho binh sĩ, tướng Hoan lập tức hạ lệnh cho quân lính dừng chân. Đang mơ màng dưới bóng cây hưởng gió biển mơn man trên mặt cùng hương quả ngào ngạt, thì bỗng có tiếng lộp bộp liên hồi, khiến cho quân lính giật mình vớ giáo thế thủ. Sau một hồi quan sát, thấy dưới chân ngập tràn một mầu vàng tươi những quả thị chín da căng mọng, hiểu ra sự tình quân, tướng cùng cười vang và nhặt thị ăn thỏa thích.
Lạ kỳ sau lần nghỉ chân ấy, tướng Hoan dẫn quân đánh đâu thắng đấy, dẹp đâu yên đó. Sau khi khải hoàn trở về, nhìn 5 gốc thị to mọc lên theo hình chòm sao bắc đẩu, biết đây là vùng đất lành, ông quyết định chọn làm nơi lập làng xã sầm uất lấy tên là Xuân Tình. Dòng họ Lê Văn từ đó thành chủ sở hữu 5 cây thị này.
Những cây thị có đến 670 năm tuổi
Khi biên cương phía Bắc Tổ quốc dậy sóng, tướng Hoan tiên phong ra trận dẹp loạn giữ yên bờ cõi. Ông lập ở làng Xuân Tình một doanh trại huấn luyện quân lính đêm ngày trở thành những lực lượng tinh nhuệ. Khi khởi binh, gót ngựa ông phi đến đâu xác giặc làm thảm rải đến đó, toàn thắng trở về ông được phong chức làm Nguyên soái Lê Quý Công.
Để ghi dấu và bảo tồn 5 cây thị, tướng Hoan đã lập một ngôi đền thờ và căn dặn con cháu: “Năm cây thị từng cột đàn voi chiến cho ta đánh giặc thắng trận trở về, nên con cháu họ Lê phải bảo tồn làm di tích sau này. Ai chặt phá chém không tha”.
Bóng thị tỏa rợp trời
Sử cũ cũng chép lại rằng: Vào những năm 1788, đại quân hoàng đế Quang Trung, khi hành quân bằng voi mệt mỏi, đàn voi rã rời đói lả và không chịu nghe lời. Khi gặp 5 cây thị, ông liền cho cột đàn voi chiến quanh gốc cây để chúng nghỉ ngơi, đàn voi nhờ quả thị mà sung sức. Thấy thiên, địa thuận hòa, lợi cho việc phòng thủ và bồi dưỡng sức mạnh quân binh, Hoàng đế Quang Trung đã dừng tại đây một thời gian để chiêu mộ thêm binh lính, rèn luyện tăng cường thêm lực lượng. Đến khi lực lượng hùng mạnh, Quang Trung tiến quân ra Bắc Hà ùn ùn như vũ bão khiến quân Thanh bạt vía kinh hoàng.
Rễ bám sâu vào lòng đất
Ông Thưởng cũng kể rằng: Trong nạn đói năm 1945, riêng làng Xuân Tình không có ai chết đói là nhờ vườn thị này. Ngày đó, bố ông Lê Văn Chung (Đảng viên năm 1931, bị Pháp bắt từ năm 1939) vừa được thả ra khỏi tù, đúng lúc vườn thị đang được mùa. Ông bảo mọi người quả xanh gọt chấm muối biển, quả chín bóp nục, mềm rồi ăn, mọi người nhờ đó mà cầm hơi qua cơn đói.
Năm 1958, có người trong Ban điều hành hợp tác xã Nghi Thịnh đòi lấy vườn thị để sung vào đất tập thể. Mặc cho họ Lê Văn quyết liệt phản đối, ông này vẫn hùng hổ xách dao đến trèo lên cây thị to nhất để chặt cành, nhưng vừa trèo lên thì bỗng ngã lăn xuống chết. Từ đó, không ai dám nhắc đến chuyện tịch thu vườn thị nữa.
Những năm chống Mỹ gian khổ, Quân khu 4 đã đóng doanh trại cạnh vườn thị. Năm 1968, giặc Mỹ ném bom khiến doanh trại của Quân khu 4, nhà thờ họ Lê và 28 gia đình trong làng Xuân Tình chìm trong biển lửa, riêng 5 cây thị vẫn hiên ngang, sừng sững giữa đất trời.
Thị đứng hiên ngang sừng sững
Giá trị muôn đời
Những cây thị ngót ngàn tuổi đã trở thành những nhân chứng lịch sử quan trọng cần được bảo vệ và lưu giữ cho muôn đời sau. Hiểu được điều đó, nên mặc dù đã có rất nhiều dân chơi, nhiều chuyên gia cây cảnh trả giá đến hàng chục, hàng trăm triệu rồi lên đến chục tỉ đồng ông Lê Văn Thưởng vẫn kiên quyết không bán để giữ lại nguồn cội cha ông.
Sự quyết tâm đó cuối cùng cũng được đền đáp khi 5 cây thị cổ đã được các nhà khoa học xác định có tuổi 670 năm và được Hội bảo vệ thiên nhiên và môi trường Việt Nam (VACNE) công nhận là “Cây Di sản Việt Nam”.
Ngày 16/3/2012, gia tộc họ Lê cùng gia đình ông Thưởng đã tổ chức đón nhận và gắn biển cây Di sản văn hóa quốc gia cho 5 cây thị cổ do Hội thiên nhiên và bảo vệ môi trường Việt Nam trao tặng.
5 cây thị có giá chục tỉ đồng nhưng ông Thưởng kiên quyết không bán
Ông Thưởng nói: “Trở thành cây di sản, tức là cây của Nhà nước thì việc quản lý, bảo vệ cây khó khăn hơn. Trước mắt, hàng ngày tôi sẽ chăm sóc và dọn vườn sạch sẽ, làm hướng dẫn viên cho du khách đến tham quan vườn thị. Sau này, tôi không còn sức khoẻ thì sẽ bàn giao vườn thị lại cho con trai”.
Tấm lòng của ông Thưởng thực là đáng trân trọng khi hàng ngày hàng giờ du khách đến tham quan 5 cây thị liên tục hỏi mua và ra giá lên đến 10 tỉ đồng, nhưng ông chỉ cười xòa và nói: “5 cây thị là chứng tích, là máu thịt của người dân xứ Nghệ xưa, nó phải được lưu giữ cho đến muôn đời và mãi mãi sau này…”