Chuột rút – có phải bệnh nguy hiểm?

Uyên Uyên(TH)| 02/03/2016 08:36
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Chuột rút là triệu chứng bệnh thường gặp, xảy ra chủ yếu vào ở chân vào ban đêm. Chứng bệnh này có thể xảy ra ở mọi lứa tuổi, tuy nhiên nếu thấy tái phát nhiều lần, nên đến kiểm tra bác sĩ vì có thể tiềm ẩn của một căn bệnh nào đó.

Vậy chuột rút có phải là bệnh nguy hiểm hay không?Hãy cùng tìm hiểu nguyên nhân và cách phòng ngừa chứng bệnh này.

Nguyên nhân bị chuột rút:

Mặc dù chứng chuột rút rất hay gặp nhưng nguyên nhân, cơ chế chính xác của chứng bệnh này lại chưa biết rõ, nhưng có thể khẳng định đa số các trường hợp bị chuột rút không phải do bệnh. Biểu hiện của chứng này là cơ bị có thắt đột ngột không tự ý, đa số xảy ra ở cơ bắp chân, thỉnh thoảng là cơ đùi và cơ bàn chân.

Chuột rút – có phải bệnh nguy hiểm?

Chuột rút khi đang lái xe hay ngồi gần bếp lửa sẽ rất nguy hiểm

Các nguyên nhân dẫn đến chuột rút có thể do: Đứng hoặc ngồi quá lâu, ngủ nằm tư thế chân không đúng; Uống nước không đủ dẫn đến cơ thể bị thiếu nước; Thiếu các khoáng chất trong máu như kali, canxin, magie; Tập luyện hoặc lao động chân tay quá mức; Phụ nữ có thai; Bị ngộ độc chì.

Do thuốc như: ngừa thai, lợi tiểu, hạ mỡ máu nhóm statin và clofibrate, chống trầm cảm, hạ huyết áp nifedipine, chống viêm dạ dày cimetidine, giãn phế quản salbutamol, terbutaline...; Do bệnh lý tuyến giáp, thiếu máu, đái tháo đường, Parkinson, bệnh mạch máu hai chân, xơ gan, bệnh thần kinh, người có bàn chân phẳng...

Biểu hiện khi bị chuột rút:

- Vị trí bị chuột rút rất đau, kéo dài từ vài giây đến vài phút

- Chân không thể cử động được trong khoảng thời gian này.

- Sờ vào chỗ đau thấy cơ bị co cứng thành cục

Xử lý khi bị chuột rút:

- Khi bị chuột rút, bạn hãy dừng vận động, cố gắng thả chùng chân bị chuột rút để thư giãn. Nhẹ nhàng xoa bóp bắp cơ, nếu có dầu nóng thì thoa dầu lên vùng da của bắp thịt đang bị co rút rồi xoa bóp nhẹ nhàng. Nếu chuột rút ở cẳng chân, bạn nên nhẹ nhàng vươn duỗi cơ theo chiều đối ngược: kéo đầu ngón chân và bàn chân lên cao hướng về đầu gối.

Chuột rút – có phải bệnh nguy hiểm?

Xoa bóp nhẹ nhàng phần bị chuột rút

- Khi bị chuột rút bắp đùi, cần nhờ người khác kéo thẳng chân ra, một tay nâng cao gót chân, tay kia đồng thời ấn đầu gối xuống. Trường hợp chuột rút cơ xương sườn, bạn phải hít thở sâu để thư giãn cơ hoành đồng thời xoa bóp nhẹ các bắp thịt xung quanh lồng ngực.

- Uống nước trà đường nóng, cà phê pha ngọt, nước oresol, nước cam, nước chanh… Sau khi đã qua cơn đau, về nhà bạn có thể tắm nước nóng để thư giãn bắp thịt. Bạn nên đi giày vừa chân, gót giày không quá cao.

Bình thường chuột rút không kéo dài và không gây nguy hiểm. Nhưng nếu chuột rút xảy ra khi đang lái xe, điều khiển máy móc, đang bơi dưới nước… thì có thể gây tai nạn, chết đuối.

Nếu thỉnh thoảng bạn mới bị chuột rút thì không đáng ngại. Nhưng nếu bạn thường xuyên bị chuột rút, hoặc bị chuột rút gây đau đớn, thì cần đi khám bệnh, xét nghiệm để được chẩn đoán và điều trị đúng bệnh gây ra chuột rút.

Phòng ngừa chứng chuột rút:

- Uống đủ nước trong ngày; Giới hạn hoặc tránh uống nhiều rượu bia, cà phê; Ăn uống cân bằng, bảo đảm đầy đủ canxi, kali, magie...

- Tập xe đạp tại chỗ hoặc tập kéo căng cơ bắp chân vài phút trước khi ngủ.

- Nếu bạn đang dùng thuốc để chữa bệnh và bị chuột rút, hãy thông báo với bác sĩ điều trị xem có phải nguyên nhân do thuốc.

- Khi thực hiện các hướng dẫn trên mà chuột rút vẫn xảy ra, bạn cần được kê toa thuốc để điều trị chứng bệnh này.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Chuột rút – có phải bệnh nguy hiểm?