Âm nhạc - Phim

Chương trình “Vinh quang thầm lặng 2024” tôn vinh ngành Cơ yếu Việt Nam

PV 30/08/2024 07:00

Chương trình nghệ thuật “Vinh quang thầm lặng 2024” hứa hẹn sẽ giúp khán giả cảm nhận về chặng đường các thế hệ cán bộ, nhân viên cơ yếu đã cùng nhau bước vào một hành trình gian lao, thử thách, nhiều hiểm nguy nhưng cũng thật vinh quang.

Chương trình không chỉ đánh dấu 79 năm Ngày truyền thống của ngành Cơ yếu Việt Nam (12/9/1945 - 12/9/2024), mà còn là dịp để chào mừng 80 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam (22/12/1944 - 22/12/2024) và 35 năm Ngày hội Quốc phòng toàn dân (22/12/1989 - 22/12/2024).

a21i079520240829211645.jpg
Thiếu tướng Nguyễn Hữu Hùng, Phó Trưởng ban Ban Cơ yếu Chính phủ, Trưởng Ban Tổ chức chương trình chia sẻ tại buổi họp báo.

Cách đây 79 năm, sau thắng lợi của Cách mạng tháng Tám năm 1945, công tác bảo vệ bí mật nội dung thông tin lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng, Nhà nước, lực lượng vũ trang trở thành một yêu cầu hết sức quan trọng và cấp bách. Để đáp ứng nhiệm vụ đó, ngày 12/9/1945 - chỉ đúng 10 ngày sau khi Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc bản Tuyên ngôn độc lập, khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa (nay là Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam), Ban Mật mã quân sự - tổ chức tiền thân của Ngành Cơ yếu Việt Nam được thành lập tại cơ quan Bộ Tổng Tham mưu Quân đội Nhân dân Việt Nam. Ngày 12/9/1945 là mốc son lịch sử trong chặng đường vinh quang của Ngành Cơ yếu Việt Nam.

Lớn lên cùng cách mạng, dưới sự lãnh đạo của Đảng, sự quản lý của Nhà nước, thực hiện lời căn dặn của Chủ tịch Hồ Chí Minh, từ một tổ chức mật mã còn non trẻ, đơn vị đã phát triển thành một ngành khoa học kỹ thuật cơ mật đặc biệt được tổ chức thống nhất, chặt chẽ.

Với kỹ thuật mật mã hiện đại, đảm bảo tuyệt đối bí mật, chính xác, kịp thời thông tin lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng, Nhà nước, chỉ huy của lực lượng vũ trang trong mọi tình huống, Ban Cơ yếu Chính phủ đã góp phần quan trọng trong sự nghiệp giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam XHCN.

Trong thời kỳ kháng chiến, đã có hàng triệu bức điện mật mang nội dung lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng, Nhà nước và lực lượng vũ trang được lực lượng cơ yếu mã hóa, dịch mã và truyền đưa một cách bí mật và kịp thời, phục vụ thắng lợi nhiều chiến dịch lớn như: Chiến dịch Việt Bắc năm 1947; Chiến dịch Biên giới Thu - Đông và Chiến dịch Trần Hưng Đạo năm 1950; Chiến dịch Hoàng Hoa Thám đầu năm 1951; Chiến dịch Hòa Bình năm 1951-1952; Chiến dịch Thượng Lào năm 1953, đặc biệt trong chiến dịch Điện Biên Phủ, chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử…

Trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, Ngành Cơ yếu đã tiếp thu thành tựu khoa học - công nghệ mật mã trên thế giới để xây dựng nền khoa học - công nghệ mật mã Việt Nam từng bước hiện đại, phục vụ đắc lực sự lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng, quản lý của Nhà nước, chỉ huy của lực lượng vũ trang. Đặc biệt là Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, sự ra đời của máy tính lượng tử và các công nghệ mới mở ra nhiều cơ hội nhưng cũng xuất hiện nhiều nguy cơ mất an toàn thông tin đối với tất cả các quốc gia. Việc sử dụng mật mã để bảo mật thông tin bí mật nhà nước, góp phần bảo vệ chủ quyền, an ninh quốc gia được các nước trên thế giới đặc biệt coi trọng và ưu tiên triển khai.

Chương trình nghệ thuật “Vinh quang thầm lặng 2024” với những hình ảnh, câu chuyện, gặp gỡ nhân chứng, các tiết mục nghệ thuật đặc sắc ca ngợi lịch sử hào hùng của Ngành Cơ yếu Việt Nam, lòng biết ơn sự hy sinh vĩ đại của các thế hệ đi trước và khơi dậy lòng sục sôi quyết tâm của thế hệ trẻ hôm nay để viết tiếp truyền thống vẻ vang của Ngành, thực hiện sứ mệnh thiêng liêng của lịch sử và thời đại.

Bên cạnh việc tôn vinh những thành tựu và cống hiến của các thế hệ cán bộ, nhân viên Ngành Cơ yếu qua các thời kỳ, chương trình còn khẳng định vai trò, vị trí quan trọng của Ngành Cơ yếu trong thời kỳ hội nhập quốc tế, với những thách thức mới về an ninh mạng, an toàn thông tin.

Chương trình có sự kết nối tinh tế giữa quá khứ - hiện tại - tương lai - tạo nên một bức tranh hoàn chỉnh về hành trình thầm lặng mà rất đỗi vinh quang của Ngành Cơ yếu Việt Nam.

a21i062320240829213402.jpg
Các nghệ sĩ góp mặt trong chương trình.

Thiếu tướng Nguyễn Hữu Hùng, Phó Trưởng ban Ban Cơ yếu Chính phủ, Trưởng Ban Tổ chức chương trình cho biết: Toàn bộ nội dung, kịch bản của chương trình đều có ý nghĩa cả về nghệ thuật và tính nhân văn. Vì đặc thù của nhiệm vụ cơ mật trọng yếu cho nên ngay cả những chiến công của Ngành Cơ yếu dường như cũng được “mã hóa” và hiếm được vinh danh.

Với chủ đề “Vinh quang thầm lặng 2024”, chương trình sẽ tôn vinh những cống hiến hi sinh lặng thầm mà vẻ vang của Ngành Cơ yếu Việt Nam trong chặng đường 79 năm hình thành và phát triển; đồng thời là cơ hội để truyền cảm hứng và tiếp lửa cho các thế hệ tiếp theo tiếp tục phát huy truyền thống tốt đẹp của Ngành, quyết tâm hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ trong tình hình mới.

Chương trình hứa hẹn sẽ mang đến niềm tự hào, xúc động cho những ai đã, đang cống hiến cho Ngành Cơ yếu Việt Nam và những góc nhìn mới lạ, khác biệt để khán giả hiểu thêm về một lực lượng quan trọng, đã và đang góp phần không nhỏ trên hành trình xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Đúng như tên gọi “Vinh quang thầm lặng 2024”, chương trình là sự kết hợp nhuần nhuyễn các loại hình nghệ thuật đặc sắc như: Âm nhạc, múa, thơ ca, phóng sự, giao lưu cùng các thủ pháp sân khấu hiện đại, tạo nên một bức tranh trọn vẹn, đầy cảm xúc để nêu bật hành trình gần 80 năm đầy ắp những thành tựu rất đáng tự hào, đầy vinh quang nhưng cũng hết sức thầm lặng mà cán bộ, chiến sĩ trong ngành miệt mài cống hiến suốt lịch sử hình thành và phát triển.

Nhằm vinh danh và tô đậm lòng tự hào của lực lượng Cơ yếu, chương trình sẽ làm sống lại những năm tháng gian khó và rất đỗi hào hùng và mang đến tầm nhìn, khát vọng trong thời kì mới, trong hành trình vẻ vang tiếp theo của Ngành Cơ yếu Việt Nam.

Đạo diễn Mai Thanh Tùng, Tổng đạo diễn chương trình chia sẻ: Công tác chuẩn bị cho chương trình đòi hỏi sự tâm huyết của rất nhiều nghệ sĩ, từ nội dung kịch bản đến âm thanh, ánh sáng, vũ đạo… đều phải công phu, tỉ mỉ đến từng chi tiết. Do đó, chương trình “Vinh quang thầm lặng 2024” sẽ đem đến cho khán giả một đêm diễn đặc sắc, ấn tượng, ý nghĩa, khắc họa đầy đủ những cống hiến và thấm đẫm lòng tự hào của cán bộ, chiến sĩ Cơ yếu Việt Nam.

Chương trình nghệ thuật “Vinh quang thầm lặng 2024” được chia làm 3 chương: Sứ mệnh lịch sử; Những chiến công thầm lặng; Hành trình vinh quang.

Trong đó, hoạt cảnh thơ múa “Vinh quang thầm lặng 2024” qua phần thể hiện lời bình trầm hùng và truyền cảm của giọng đọc huyền thoại Đạo diễn - NSND Lê Chức và tập thể nghệ sĩ sẽ tái hiện tầm vóc ý nghĩa của hành trình 79 năm hình thành, xây dựng, chiến đấu và trưởng thành của Ngành Cơ yếu từ mùa thu lịch sử năm 1945, qua những dấu mốc quan trọng của đất nước và nhắc nhở về sứ mệnh lịch sử thiêng liêng của Ngành Cơ yếu Việt Nam, nhấn mạnh truyền thống vẻ vang “Trung thành, Tận tụy, Đoàn kết, Kỷ luật, Sáng tạo”.

Phóng sự “Những bức điện mật lịch sử” với phần thể hiện lời bình của nghệ sĩ Nguyễn Hữu Chiến Thắng sẽ tái hiện vai trò quan trọng của công tác mật mã trong thắng lợi của các chiến dịch quân sự lớn như Điện Biên Phủ, chiến dịch Hồ Chí Minh, Chiến dịch Biên giới phía Bắc...

Phần âm nhạc cũng được lựa chọn kĩ càng với những tác phẩm nổi tiếng, sống mãi với thời gian và ghi đậm dấu ấn trong lòng người yêu nước Việt Nam như: Một đời người một rừng cây (Trần Long Ẩn); Linh thiêng Việt Nam (Lê Quang); Hồ Chí Minh đẹp nhất tên Người (Trần Kiết Tường); Khát vọng (Phạm Minh Tuấn)…

Các giọng hát giàu nội lực và được khán giả yêu mến như: Tùng Dương, Minh Quân, Vũ Thắng Lợi (Á quân Sao Mai 2011), Nguyễn Thu Thủy (Quán quân Sao mai 2017), Nguyễn Ngọc Anh (Á quân Sao Mai 2005), Ngọc Ký (Á quân Sao Mai 2019), Viết Danh (Huy chương Vàng chuyên nghiệp toàn quốc), Minh Đức, Lê Anh, Lê Trang, Nguyễn Minh Quân, Tuấn Ngọc, Quỳnh Lady, Thái Sơn, Thuý Nga, Violin Qinie…cùng lực lượng tham gia phụ hoạ hùng hậu của Vũ đoàn Lavender, Vũ đoàn Oscar, Câu lạc bộ Sao Tuổi Thơ, Tập thể sinh viên Học viện kỹ thuật mật mã… sẽ là bảo chứng cho một chương trình nghệ thuật thành công và đầy sức sống, thu hút khán giả mọi lứa tuổi.

Đặc biệt, chương trình cho hai ca khúc do chính người trong ngành cất lên tiếng nói của “người trong cuộc”. Đó là tác phẩm “Hành khúc Cơ yếu Việt Nam” (Thơ: Đồng chí Văn Duy - Nguyên Phó Trưởng Ban Cơ yếu Chính phủ; Nhạc: An Thuyên) và “Vinh quang thầm lặng” (Thơ: Thiếu tướng Nguyễn Hữu Hùng - Phó Trưởng ban Ban Cơ yếu Chính phủ; Nhạc: Bùi Hoàng Uyên Minh) cho thấy cán bộ Ngành Cơ yếu không chỉ giỏi chuyên môn còn có tâm hồn phong phú và rất nghệ sĩ.

Các tác phẩm được thể hiện tại chương trình đều mang ý nghĩa và nội dung sâu sắc.

Theo thống kê chưa đầy đủ, đến nay, toàn ngành Cơ yếu Việt Nam có gần 1.000 liệt sĩ hy sinh, trong đó, nhiều tấm gương đã hy sinh anh dũng để bảo đảm an toàn tuyệt đối tài liệu, kỹ thuật mật mã không để rơi vào tay kẻ thù. Sự hy sinh của cán bộ, nhân viên ngành cơ yếu không chỉ trong chiến tranh mà còn cả trong thời bình. Mỗi cán bộ, nhân viên cơ yếu luôn có bản lĩnh chính trị vững vàng, tuyệt đối trung thành với Tổ quốc, với Đảng, Nhà nước và Nhân dân; giữ bí mật thông tin, bí mật nhà nước và bí mật công tác cơ yếu, kể cả khi thôi làm việc trong tổ chức Cơ yếu.

Tiết mục “Mật mã Pha Long” (sáng tác Trương Quý Hải) với phần trình diễn của ca sĩ Ngọc Ký sẽ mang đến một câu chuyện đầy cảm động về sự hy sinh cao cả của những người lính cơ yếu trên tuyến biên giới.

Tiết mục “Khát vọng tuổi trẻ” được thể hiện bởi ca sĩ Tùng Dương sẽ khẳng định tinh thần, quyết tâm của thế hệ trẻ Ngành Cơ yếu Việt Nam trong hành trình tiếp nối truyền thống vẻ vang, vươn lên những tầm cao mới.

Trong khi đó, phần giao lưu với các nhân chứng lịch sử sẽ khiến khán giả phần nào thấu hiểu và kính trọng trước sự sáng tạo, dũng cảm với những nhiệm vụ tối mật và vô cùng quan trọng mà họ đã trải qua. Đó là bác Nguyễn Văn Khôi (Bắc Ninh) trực tiếp phục vụ Mã dịch điện mật của Bộ Chính trị, Đại tướng Võ Nguyên Giáp hay đồng chí Nguyễn Bùi Cương - tác giả chuẩn mật mã MKV được đề xuất ban hành thành chuẩn mật mã đầu tiên của Việt Nam, đưa Việt Nam vào nhóm ít các quốc gia trên thế giới có chuẩn mật mã riêng (Nga, Mỹ...).

Chương trình “Vinh quang thầm lặng 2024” sẽ chính thức diễn ra vào 20h10 ngày 06/9/2024 tại Trung tâm Hội nghị Quốc gia (đường Phạm Hùng, Nam Từ Liêm, Hà Nội). Chương trình được truyền hình trực tiếp trên kênh Truyền hình Quốc phòng, tiếp sóng trực tiếp trên các kênh truyền hình Trung ương và địa phương, đồng thời được truyền thông trước, trong và sau sự kiện bởi nhiều cơ quan báo chí trên toàn quốc.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Chương trình “Vinh quang thầm lặng 2024” tôn vinh ngành Cơ yếu Việt Nam