Chúng tôi là những người khuyết tật, nhưng chúng tôi không để sản phẩm của mình bị khuyết tật”, đó là thông điệp mà chương trình “Giáo dục trải nghiệm – tay trong tay – gắn kết cộng đồng” gửi đến những người tham quan, trải nghiệm tại chương trình.
Nhằm hướng tới nhóm đối tượng yếu thế, giúp đỡ người khuyết tật tự tin hòa nhập với cuộc sống, sáng nay (27/5), Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam phối hợp với Doanh nghiệp xã hội Kym Việt tổ chức chương trình “Giáo dục trải nghiệm – tay trong tay – gắn kết cộng đồng” nhân dịp Quốc tế thiếu nhi 1/6.
Với mong muốn tạo ra một sân chơi sáng tạo, mới mẻ, hướng đến cách sống nhân văn trong mỗi người. Đây cũng là cơ hội để trẻ em bình thường được tiếp xúc, gắn kết với trẻ em khuyết tật, thiếu may mắn, xóa đi khoảng cách giữa trẻ khuyết tật và trẻ bình thường.
Đối với người lớn, chương trình như một thông điệp giúp ta sống chậm lại, lắng nghe những người khuyết tật chia sẻ kinh nghiệm sống, nghị lực vươn từ những điều không may mắn, xây dựng một cộng đồng sống văn minh hơn.
Màn trình diễn thời trang do chính những người khuyết tật của công ty Kym Việt biểu diễn, đồng thời tự giới thiệu các sản phẩm mình làm ra. Ảnh Ngô Chuyên.
Tại chương trình này, phụ huynh và học sinh được trải nghiệm màn trình diễn thời trang do chính những người khuyết tật biểu diễn nhằm giới thiệu sản phẩm của họ làm ra, chia sẻ câu chuyện vươn lên trở thành những tấm gương thành công trong cuộc sống của người khuyết tật.
Đồng thời, trẻ em tham dự chương trình được thực hành giúp đỡ người khuyết tật qua những tình huống cụ thể. Đặc biệt trẻ em được học và tham gia trò chơi bằng ngôn ngữ ký hiệu, cách làm thú nhồi bông, móc chìa khóa... do chính những người khuyết tật dạy.
Không ai nhận ra, những người mẫu trên sàn catwalk là những người bị khuyết tật. Ảnh Ngô Chuyên.
Chương trình không chỉ hướng đến mục tiêu đem lại cơ hội cho người khuyết tật gắn kết cộng đồng mà còn tạo cơ hội việc làm giúp họ tự tin khẳng định mình trong xã hội. Đặc biệt là chính họ sẽ lan tỏa nghị lực sống, niềm cảm hứng, tình yêu cuộc đời đến với các bạn trẻ có hoàn cảnh như mình trên.
Chia sẻ về những trải nghiệm thú vị trong chương trình, em An Bình, học sinh lớp 11 (trường THPT Nhân Chính - Hà Nội) nói: “Chương trình là cơ hội để con được trải nghiệm, cũng như được tiếp xúc nhiều hơn đối với những người có hoàn cảnh khó khăn, những người bị có số phận thiệt thòi nhiều hơn, biết được nghị lực vươn lên vượt qua chính mình của người khuyết tật”.
Đây cũng là cơ hội để người khuyết tật khẳng định mình và vượt qua những rào cản do khuyết tật. Ảnh Ngô Chuyên.
“Đến đây con không tin nổi đây là những sản phẩm do người khuyết tật làm ra bởi họ làm rất đẹp và mang tính nghệ thuật cao. Con nghĩ chưa chắc những người bình thường như chúng con đã làm được. Đặc biệt hơn khi chứng kiến cảnh các anh chị khuyết tật câm, điếc trình diễn thời trang và giới thiệu sản phẩm. Họ vô cùng chuyên nghiệp, nếu chỉ nhìn con sẽ không nhận ra họ là những người mang trên mình khuyết tật”, An Bình cho biết thêm.