Chung tay bảo vệ trẻ em

Trung Nguyễn| 07/06/2018 08:14
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Tại phiên chất vấn Bộ trưởng Bộ LĐTBXH, nhiều câu hỏi đã được các vị đại biểu Quốc hội đặt ra đối với Bộ trưởng cũng như lãnh đạo các bộ, ngành Trung ương về tình trạng xâm hại trẻ em, vi phạm quyền trẻ em hiện nay.

Vấn đề xâm hại trẻ em, trong đó đặc biệt là xâm hại tình dục đối với trẻ em, là vấn đề rất bức xúc trong đời sống xã hội. Trong 6 tháng đầu năm 2018, cơ quan chức năng đã khởi tố 701 vụ, truy tố 753 vụ với 805 bị can và đưa ra xét xử 648 vụ, 690 bị can.

Ông Lê Minh Trí, Viện trưởng VKSNDTC cho rằng, để bảo vệ trẻ em hiệu quả thì phải bảo đảm đồng bộ cả trong phòng ngừa, cũng như khi phát hiện thì phải xử lý nghiêm, kịp thời với tất cả các hành vi xâm hại trẻ em, trong đó có hành vi xâm hại tình dục. Thời gian qua, các luật liên quan đã được ban hành, trở thành một cơ sở pháp lý rất quan trọng trong bảo vệ quyền trẻ em; pháp luật đã hoàn thiện, vấn đề đặt ra ở đây là tính thực thi của pháp luật, đòi hỏi sự đồng bộ và sự phối hợp trong thực thi pháp luật là hết sức quan trọng.

Theo Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, con số 2.000 vụ việc xâm hại trẻ em, 1.300-1.500 trẻ em bị xâm hại tình dục hàng năm ở Việt Nam chỉ là “phần nổi rất nhỏ của tảng băng chìm”. Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nêu quan điểm, công tác bảo vệ, giáo dục, chăm sóc trẻ em không chỉ là xử lý các vụ việc vi phạm bị phát hiện. Luật Trẻ em năm 2016 và các văn bản liên quan đã quy định rõ 3 cấp độ: Phòng ngừa, hỗ trợ, can thiệp, với trách nhiệm cụ thể của 17 cơ quan, bộ ngành, tổ chức về trách nhiệm bảo vệ trẻ em.

Phó Thủ tướng cho biết trước khi Luật Trẻ em năm 2016 có hiệu lực (1/6/2017), Chính phủ đã ban hành Nghị định số 80 về xây dựng môi trường trường học thân thiện, an toàn, phòng chống bạo lực; Thủ tướng ban hành Chỉ thị số 18 về tăng cường giải pháp phòng chống bạo lực xâm hại trẻ em với rất nhiều các giải pháp, đề án. Song qua hơn 1 năm thực hiện, rất nhiều điều trong Luật Trẻ em chưa triển khai được.

Phó Thủ tướng nêu 3 ví dụ cụ thể: Điều 12 của Luật quy định UBND xã phải chỉ định, tập huấn cho người được phân công trách nhiệm về bảo vệ trẻ em ở cấp xã nhưng đến giờ phút này rất ít tỉnh thực hiện được. Về nguồn lực dành cho công tác bảo vệ trẻ em, ngoài kinh phí từ ngành y tế, giáo dục, còn nguồn kinh phí từ ngành LĐTBXH nhưng chưa đến một nửa địa phương thực hiện. Bên cạnh các cơ quan như tòa án, kiểm sát, công an, Luật còn quy định trách nhiệm của Đoàn TNCS Hồ Chí Minh, Hội phụ nữ, Hội Bảo vệ quyền trẻ em… nhưng đến nay chưa có một chương trình tập huấn đồng bộ của các cơ quan, đoàn thể này dành cho cán bộ phụ trách công tác trẻ em ở cơ sở.

Phó Thủ tướng khẳng định, điều quan trọng nhất là có các giải pháp đồng bộ để không chỉ là 2.000 vụ việc mà nhiều vụ xâm hại trẻ em được phát hiện, thông báo, xử lý. Cùng với đó là một quy trình điều tra xét xử thực sự thân thiện để những nạn nhân mạnh dạn trình bày, tố cáo với sự tham gia ngay từ đầu của các chuyên gia tâm lý, nhà hoạt động xã hội. Các biện pháp đồng bộ sẽ tạo nên sự thay đổi, hình thành cách nghĩ, cách làm đúng đắn đối với công tác chăm sóc, bảo vệ trẻ em.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Chung tay bảo vệ trẻ em