Người cao tuổi đã và đang có nhiều đóng góp quan trọng, đúng như lời Bác Hồ đã nói "Tuổi cao, ý chí càng cao", thực sự là vốn quý của dân tộc, là lực lượng quan trọng của đất nước, là rường cột của gia đình và xã hội Việt Nam.
"Kính lão đắc thọ" là truyền thống tốt đẹp của dân tộc Việt Nam từ ngàn xưa, thể hiện luôn kính trọng người cao tuổi. Lãnh đạo Đảng, Nhà nước qua các thời kỳ đều coi trọng công tác người cao tuổi. Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng luôn quan tâm và đề cao vai trò của người cao tuổi.
Đặc biệt, kể từ khi Liên Hợp quốc khởi xướng Ngày Quốc tế Người cao tuổi (1/10), Việt Nam là một trong số các nước đã hưởng ứng ngay từ đầu và được Liên hợp quốc đánh giá cao. Đảng, Nhà nước và toàn xã hội đã quan tâm đến Ngày Quốc tế Người cao tuổi hàng năm bằng những việc làm thiết thực, cụ thể.
Ngày Quốc tế Người cao tuổi hàng năm là dịp để toàn xã hội bày tỏ tình cảm trân trọng, tấm lòng biết ơn đối với người cao tuổi; đồng thời cũng khẳng định trách nhiệm chăm sóc và phát huy vai trò người cao tuổi phù hợp với những giá trị truyền thống và thời đại. Việt Nam là quốc gia sớm triển khai và có nhiều hành động cụ thể để hưởng ứng ngày Quốc tế người cao tuổi.
Phát huy truyền thống đạo lý tốt đẹp của dân tộc, Đảng và Nhà nước ta luôn quan tâm, coi trọng và dành nhiều nguồn lực cho công tác chăm sóc người cao tuổi, để người cao tuổi được tôn vinh, được chăm sóc tốt nhất trong điều kiện có thể. Đồng thời luôn phát huy uy tín, kinh nghiệm, trí tuệ của người cao tuổi, tất cả vì sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại từng nói: “Một lời nói của phụ lão có ảnh hưởng đến hưng bang…Đối với gia đình, đối với Tổ quốc, phụ lão đã có trọng trách là bậc tôn trưởng. Đối với làng xóm, đối với bà con, phụ lão có sự tín nhiệm lớn lao. Phụ lão hô, nhân dân hưởng ứng. Phụ lão làm, nhân dân làm theo”. Tiếp nối tư tưởng đó, trong chặng đường cách mạng, phát triển đất nước, Đảng, Nhà nước và nhân dân luôn coi trọng, phát huy vai trò, sức ảnh hưởng của người cao tuổi trong nhiều hoạt động xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền, xây dựng hệ thống chính trị.
Theo Tổng cục Thống kê, Việt Nam hiện có khoảng 11,4 triệu người cao tuổi, chiếm khoảng 11,86% dân số. Từ năm 1989 đến năm 2019, tuổi thọ trung bình của người Việt Nam liên tục tăng, từ 65,2 tuổi lên 73,6 tuổi, dự báo đến năm 2030, số người cao tuổi ở Việt Nam chiếm khoảng 17% và đến năm 2050 là 25% dân số. Như vậy, với tỷ lệ người cao tuổi ngày càng gia tăng trong cơ cấu dân số của Việt Nam, cần nhận thức rõ các tiềm năng, lợi thế của nhóm đối tượng này trong việc đóng góp cho sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, đi đôi với việc bảo đảm các quyền lợi chính đáng của người cao tuổi.
Người cao tuổi luôn được xem là nguồn lực quan trọng của dân tộc, là rường cột của gia đình và xã hội Việt Nam. Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định: “Nước nhà hưng, suy, tồn, vong; phụ lão đều gánh trách nhiệm rất nặng nề”.
Ngày Quốc tế Người cao tuổi là dịp để chúng ta nhìn lại vai trò quan trọng của người cao tuổi trong gia đình và xã hội Việt Nam. không chỉ là nguồn lực tinh thần, kinh nghiệm sống quý báu mà còn góp phần xây dựng xã hội thông qua những đóng góp cụ thể về kinh tế và văn hóa.
Để đảm bảo một cuộc sống tốt đẹp cho người cao tuổi, xã hội cần tiếp tục có những giải pháp thiết thực hơn trong việc nâng cao chất lượng cuộc sống, chăm sóc sức khỏe và đảm bảo quyền lợi của họ.
Sáng 28/9, Hội Người cao tuổi Việt Nam phối hợp với tỉnh Hải Dương tổ chức lễ phát động Tháng hành động vì người cao tuổi Việt Nam 2024 với chủ đề "Chung tay bảo vệ, chăm sóc và phát huy vai trò người cao tuổi".
Phó Thủ tướng Lê Thành Long, Chủ tịch Ủy ban quốc gia về người cao tuổi (NCT) Việt Nam dự buổi lễ cùng lãnh đạo một số bộ, ngành, tỉnh Hải Dương và hơn 600 đại biểu đại diện cho 17 triệu NCT cả nước.
Dịp này, Ban Chấp hành Trung ương Hội NCT Việt Nam kêu gọi NCT cả nước tiếp tục phát huy vai trò "Tuổi cao chí càng cao, nêu gương sáng vì sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc", đóng góp tích cực vào công cuộc đổi mới do Đảng ta lãnh đạo.