Khi dự án khu dân cư thương mại Uyên Hưng “rơi” đúng phần đất của mình, nhiều nông dân lại lâm vào cảnh thất nghiệp, mất ruộng, phải đi làm thuê, bán vé số kiếm sống. Lạ kỳ hơn, ngay cả khi chưa có quyết định giao đất, doanh nghiệp vẫn tiến hành san ruộng của nông dân để xây dựng, bán nhà đất “tái định cư”…
Sai trình tự
Ngày 4-5-2004, UBND tỉnh Bình Dương có Công văn số 2040, chấp thuận giao Công ty Xây dựng Tư vấn - Đầu tư Bình Dương (viết tắt là Công ty Biconsi) đầu tư xây dựng khu dân cư thương mại Uyên Hưng (huyện Tân Uyên) có diện tích khoảng 19ha. Hơn 4 năm sau, ngày 17-11-2008, UBND tỉnh Bình Dương mới chính thức ra Quyết định số 55 giao đất đợt 1 cho Công ty Biconsi để đầu tư xây dựng khu dân cư với tổng diện tích 155.875m2. Tháng 1-2009, UBND tỉnh Bình Dương giao tiếp đất đợt 2 với diện tích 6.906m2.
Thời điểm năm 2005, mặc dù UBND tỉnh Bình Dương chưa có quyết định giao đất nhưng việc giải toả trắng đất ruộng của nông dân, xây dựng chợ đã diễn ra sôi động. Nhiều nông dân cho biết từ tháng 6-2004, UBND thị trấn Uyên Hưng đã thông báo về việc thu hồi đất cho Công ty Biconsi làm dự án khu dân cư thương mại. Đơn giá bồi thường đất nông nghiệp chỉ từ 40.000 đồng đến 60.000 đồng/1m2.
Bà Lê Thị Tuyết Lương (ngụ tại khu phố 1, thị trấn Uyên Hưng) cho biết: Người dân có yêu cầu công khai các quyết định liên quan đến dự án xem có đúng trình tự thu hồi, bồi thường hay không. Tuy nhiên, yêu cầu trên không được đáp ứng. Ngày 5-11-2004, nhân viên Công ty Biconsi và cán bộ huyện đến đo đạc nhà đất của bà Lương. Bà Lương kể lại: “Gia đình tôi bị buộc giao lại đất đai cho Biconsi trong khi cơ quan chức năng chưa ra quyết định thu hồi đất. Đến đầu năm 2005, tôi nhận được thông báo nhận tiền đền bù (không số, không ngày tháng) kèm theo Bảng tổng hợp giá trị bồi thường (không ghi ngày tháng) của thị trấn. Hơn 2.100m2 đất bị thu hồi chỉ được bồi thường 108 triệu đồng”.
Bà Lê Thị Thành đi bán vé số đứng trước mảnh ruộng bỏ hoang sau khi bị thu hồi
Sau 4 năm bị giải toả trắng, ngày 3-7-2008, UBND huyện Tân Uyên mới công bố, bàn giao quyết định thu hồi đất cho bà Lê Thị Tuyết Lương và nhiều hộ dân khác. Diễn biến trên cho thấy việc thu hồi đất đã sai trình tự. Khi người dân khiếu nại, Phó Chủ tịch UBND huyện Tân Uyên Võ Văn Danh ký văn bản thừa nhận “UBND huyện Tân Uyên có sai sót về trình tự, thủ tục trong việc chậm ban hành quyết định thu hồi đất”. Sai sót rất nghiêm trọng nhưng ông Danh vẫn khẳng định “không làm ảnh hưởng đến quyền lợi” của dân(!?).
Nông dân mất ruộng đi bán vé số
Cùng cảnh ngộ với bà Lương, rất nhiều hộ dân khác phải xa rời mảnh ruộng là phương tiện mưu sinh của gia đình họ từ bao đời để giao đất cho Công ty Biconsi. Nhiều hộ dân sau khi bị giải toả, số tiền đền bù quá thấp, không đủ để mua lại nhà và nền tái định cư do Công ty Biconsi bán ra. Như hộ bà Trần Thị Gái có 5.829m2 đất bị thu hồi, được bồi thường tổng cộng 437 triệu đồng. Bà Gái nhận căn nhà phố chợ do Công ty xây có giá 329 triệu đồng, nộp tiền đất tái định cư 180 triệu đồng, tổng giá trị nhà đất tái định cư bà Gái phải nộp lên đến 509 triệu đồng. Bà Gái chua xót: “Tính ra vợ chồng tôi vừa mất đất, vừa mất thêm hơn 70 triệu đồng để được mua nhà và đất “tái định cư”.
Sau khi bị giải toả, nhiều nông dân không còn ruộng canh tác, lâm vào cảnh thất nghiệp, phải đi bán vé số kiếm sống. Bà Lê Thị Thành (SN 1947, ngụ tại khu phố 2, thị trấn Uyên Hưng) bị thu hồi hơn 3.000m2 đất nông nghiệp. Với mảnh ruộng trên, bà Thành trồng hành, cây ăn trái và có thu nhập ổn định nuôi sống gia đình. Nay mất đất trồng trọt, bà Thành đành đi bán vé số để mưu sinh dù tuổi cao, sức yếu. Cùng cảnh ngộ với bà Thành là bà Trần Thị Liên (SN 1951), bị thu hồi 800m2 đất ruộng. Khi vườn cây ăn trái không còn, bà Liên thất nghiệp nên phải đi bán vé số. Gia đình bà Nguyễn Triều Hậu (SN 1962, ngụ tại khu phố 3, thị trấn Uyên Hưng) bị thu hồi 6.414m2, phải đi cạo mủ cao su, làm đủ nghề kiếm sống.
Bà Trần Thị Gái đứng trước căn nhà bị giải toả
Đứng trước lô đất ruộng bị giải toả cách đây 6 năm nhưng nay vẫn chỉ là bãi đất lồi lõm, bà Thành chua xót: “Đất bị bỏ hoang hết vụ này đến vụ khác trong khi người nông dân như chúng tôi lại phải lang thang bán vé số. Chúng tôi mong lắm những chính sách hỗ trợ cho nông dân chuyển đổi nghề để ổn định cuộc sống”. Ông Dương Văn Nhân, Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ nông dân - Hội Nông dân Tp. Hồ Chí Minh bày tỏ: “Chúng tôi cảm thấy xót xa khi đời sống nông dân gặp nhiều khó khăn do không còn ruộng để sản xuất vì đất bị đưa vào quy hoạch, đô thị hóa, ô nhiễm…, rồi đây những người nông dân sẽ làm gì kiếm sống khi không còn đất ruộng sản xuất?”.
Không chỉ vấn đề an sinh xã hội, đảm bảo tái định cư, UBND tỉnh Bình Dương cần xem xét, xử lý những vi phạm về trình tự, thủ tục thu hồi đất nhằm đảm bảo quyền lợi và cuộc sống cho người nông dân.
An Dương