Chính trị

Chú trọng phát triển chuyển đổi số, nâng cao hiệu quả cung cấp và sử dụng dịch vụ công trực tuyến

31/08/2024 - 13:33

Sáng 31/8, tại thành phố Đà Nẵng, Thủ tướng Phạm Minh Chính - Chủ tịch Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số chủ trì Hội nghị chuyên đề nâng cao hiệu quả cung cấp và sử dụng dịch vụ công trực tuyến.

ttg.jpg
Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị chuyên đề nâng cao hiệu quả cung cấp và sử dụng dịch vụ công trực tuyến. (Ảnh: THANH GIANG)

Các đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị: Nguyễn Hòa Bình, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ; Lương Tam Quang, Bộ trưởng Công an đồng chủ trì hội nghị; cùng dự có đại điện lãnh đạo các bộ, ngành, cơ quan Trung ương. Hội nghị được truyền trực tuyến đến các bộ, ngành, ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.

Phát biểu ý kiến khai mạc Hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh cần rà soát lại mục tiêu mà Đại hội lần thứ XIII của Đảng đã đề ra để đánh giá những chỉ tiêu nào đã làm tốt rồi thì làm tốt hơn, những chỉ tiêu chưa đạt được phải có giải pháp đột phá; những chỉ tiêu có khả năng đạt được thì phải tăng tốc hơn.

Thủ tướng bày tỏ, quỹ thời gian để chuẩn bị Đại hội Đảng các cấp và tiến tới Đại hội lần thứ XIV của Đảng còn rất hạn hẹp, do đó phải chạy đua với thời gian.

Thủ tướng nêu rõ, việc chọn Đà Nẵng tổ chức hội nghị này vì thành phố là một trong những địa phương đi đầu trong cả nước về chuyển đổi số; cho biết, trong chuyển đổi số có 3 trụ cột chính: xây dựng Chính phủ số, xã hội số và công dân số. Về Chính phủ số, nhiều địa phương tích cực triển khai, trong đó Đà Nẵng đạt kết quả nổi trội.

ttg2.jpg
Thủ tướng Phạm Minh Chính tới dự và chủ trì Hội nghị. (Ảnh: THANH GIANG)

Thủ tướng chia sẻ, chuyển đổi số đã trở thành xu thế tất yếu, yêu cầu khách quan và lựa chọn chiến lược, ưu tiên hàng đầu của nhiều quốc gia và Việt Nam. Chuyển đổi số không những tập trung cho lĩnh vực phát triển kinh tế-xã hội mà cũng đi vào các ngành nghề, lĩnh vực khác như an ninh quốc phòng, đối ngoại, ảnh hưởng cả hòa bình, chiến tranh, xung đột…

Chuyển đổi số không còn là vấn đề của một quốc gia, một cơ quan, đơn vị, con người mà đang là vấn đề liên quan toàn cầu, toàn diện, toàn dân, do đó, chúng ta cũng phải có cách tiếp cận toàn cầu, toàn diện và toàn dân, đồng thời cũng phải có cách giải quyết trọng tâm, trọng điểm.

Trong quá trình cải cách, chúng ta lấy người dân làm trung tâm, chủ thể. Do đó, chuyển đổi số tập trung sử dụng hiệu quả cung cấp dịch vụ công. Cả phía cung cấp và sử dụng dịch vụ công đều vận dụng chuyển đổi số sao cho có hiệu quả; cả phía quản lý nhà nước và người thụ hưởng dịch vụ công đều phải nâng cao hiệu quả sử dụng các dịch vụ công trực tuyến.

ttg3.jpg
Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu ý kiến chỉ đạo Hội nghị. (Ảnh: THANH GIANG)

Thủ tướng nêu rõ, chuyển đổi số được thúc đẩy phát triển mạnh mẽ cả khu vực công và khu vực tư, từ Trung ương đến địa phương, thành thị đến nông thôn, từ các cháu nhỏ đến các ông, các bà hay nói cách khác chuyển đổi số đã “đến từng ngõ, gõ từng nhà, đến từng đối tượng”; tư duy, hành động, thói quen của các cơ quan hành chính các cấp và người dân, doanh nghiệp trong thực hiện các thủ tục hành chính chuyển dần từ giấy tờ truyền thống sang môi trường mạng giúp nâng cao hiệu quả và năng suất các hoạt động kinh tế xã hội. Cải cách hành chính có 6 lĩnh vực, trong đó đặt trọng tâm cải cách cho người dân, doanh nghiệp. Từ phong trào này, có nhiều mô hình hay, sáng tạo, hiệu quả trong chuyển đổi số nói chung, cung cấp dịch vụ công trực tuyến nói riêng. Thủ tướng nhấn mạnh cần đánh giá những nơi nào làm tốt, làm hay để chia sẻ kinh nghiệm.

Bên cạnh những kết quả đạt được, Thủ tướng cũng thẳng thắn chỉ ra nhiều hạn chế, bất cập: tư duy, nhận thức và hành động của các cấp lãnh đạo chưa đáp ứng yêu cầu của thực tiễn; hạ tầng số chưa phát triển đồng bộ, có nơi, có lúc còn khó khăn như vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo, đi đôi với đó là hạ tầng điện cũng cần phải đi trước một bước; hiệu quả triển khai dịch vụ công trực tuyến chưa đạt như kỳ vọng, mới chỉ có 17% hồ sơ ở địa phương được xử lý trực tuyến, còn 80% chưa xử lý được.

Thủ tướng yêu cầu tìm ra nguyên nhân của tình trạng này, phải phân tích, mổ xẻ, chọn việc nào dứt việc đó; bên cạnh bất cập do chính hệ thống chưa được hiệu quả, có thách thức lớn như phải đáp ứng ngày càng nhiều, đòi hỏi ngày càng cao của nền hành chính các cấp và người dân, doanh nghiệp trong sử dụng dịch vụ công trực tuyến và phát triển nhanh của các hoạt động kinh tế-xã hội.

Hiệu quả triển khai dịch vụ công trực tuyến chưa đạt như kỳ vọng, mới chỉ có 17% hồ sơ ở địa phương được xử lý trực tuyến, còn 80% chưa xử lý được.

ttg4.jpg
Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu ý kiến khai mạc Hội nghị. (Ảnh: THANH GIANG)

Thủ tướng nêu rõ, tình hình thế giới và khu vực diễn biến nhanh và phức tạp, do đó phản ứng chính sách của các cấp chính quyền và hệ thống chính trị phải nhanh, kịp thời, hiệu quả, trong đó phải có các công cụ để phục vụ phản ứng chính sách, trong đó có công cụ số.

"Chúng ta thấy vấn đề này đặt ra thách thức, đó là phải có hạ tầng điện, nguồn nhân lực, có sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp trong hệ thống chính trị, trong lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành. Chúng ta không thể thực hiện giao dịch thủ tục điện tử trên nền tảng hồ sơ chứng từ nửa thủ công, nửa điện tử, thủ công được mà phải đồng bộ, toàn diện; cần phải có những dữ liệu, số hoá dữ liệu, dữ liệu quốc gia và chia sẻ những dữ liệu này, từ đó mới có trí tuệ thông minh; cơ sở dữ liệu phải có, phải đầy đủ và kết nối", Thủ tướng nhấn mạnh.

Thủ tướng trăn trở, nguồn lực nhà nước có hạn vì phải lo rất nhiều vấn đề lớn, vì vậy, phải huy động các nguồn lực khác cho phát triển chuyển đổi số, phục vụ các dịch vụ công trực tuyến.

Theo Thủ tướng, nguồn lực bắt nguồn từ tư duy; động lực bắt nguồn từ sự đổi mới; sức mạnh bắt nguồn từ nhân dân. "Từ tư duy và nhận thức như thế nào để ra được nguồn lực? Vì vậy, chúng ta phải rà soát lại thể chế; vấn đề là phải có thể chế để phát huy nguồn lực. Vậy phải huy động nguồn lực từ nhân dân và doanh nghiệp bằng cách nào?". Thủ tướng khẳng định điều này chỉ có thể giải quyết bằng thể chế, quy chế, quy định.

Đảng ta đã tổng kết khái quát: nhân dân làm nên lịch sử. Chúng ta phải suy nghĩ vì thực tiễn đặt ra yêu cầu thì phải điều chỉnh. Do đó, phát triển sản phẩm công nghệ số trước hết phải phục vụ cho nhu cầu người dân, doanh nghiệp, rồi vươn ra tầm khu vực và thế giới vì trong bối cảnh hội nhập toàn cầu hiện nay, đối với một vấn đề mang tính toàn cầu thì một nước không thể giải quyết được. Chuyển đổi số đang len lỏi đến từng nhà, từng người trên toàn cầu. Vấn đề hội nhập như thế nào để phát huy sức mạnh dân tộc kết hợp với sức mạnh thời đại trong lĩnh vực chuyển đổi số phù hợp từng giai đoạn cách mạng.

ttg5.jpg
Lãnh đạo các bộ, ngành Trung ương tham dự Hội nghị. (Ảnh: THANH GIANG).

Thủ tướng đề nghị các bộ, ngành, các cấp cần đánh giá kết quả về nhận thức, tư duy, lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành, tổ chức thực hiện, lợi ích mang lại cho người dân, doanh nghiệp; tìm ra mô hình hay, cách làm hiệu quả, kinh nghiệm quý; nhìn thẳng vào sự thật, trong tư duy, nhận thức có vấn đề gì không? Trong lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành còn có gì chưa thông thoáng? Thể chế có vấn đề gì cần tháo gỡ? Tổ chức thực hiện như thế nào? Chúng ta đặt mục tiêu hướng đến người dân, doanh nghiệp là trung tâm thì có người dân, doanh nghiệp có thụ hưởng được không? Có vướng mắc gì mà Nhà nước cần tháo gỡ, cần rút ra kinh nghiệm gì, đặc biệt là hoàn thành các mục tiêu mà Đại hội lần thứ XIII của Đảng và Đại hội Đảng các cấp đã đề ra?

Thủ tướng nhấn mạnh, thời gian có hạn, nội dung thì nhiều, mong các đại biểu tập trung suy nghĩ, trí tuệ, nêu cao tinh thần trách nhiệm, nghiên cứu phát biểu đúng, trúng, ngắn gọn, đi thẳng vào vấn đề, có đầu ra tháo gỡ vướng mắc, chia sẻ kinh nghiệm hay, cách làm tốt cho cả nước.

ttg6.jpg
Hội nghị được truyền trực tuyến tới các bộ, ngành Trung ương, các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. (Ảnh: THANH GIANG)

Theo Bộ Thông tin và Truyền thông, trong khoảng 20 năm qua, cung cấp dịch vụ công trực tuyến là nhiệm vụ trọng tâm, cốt lõi của cơ quan nhà nước trong triển khai ứng dụng công nghệ thông tin, phát triển chính phủ điện tử, chính phủ số; khi lấy người dân làm trung tâm, là đối tượng phục vụ. Điều này, được thể hiện rõ trong các văn bản định hướng, chiến lược, chỉ đạo điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ. Trong giai đoạn phát triển theo chiều rộng (từ năm 2020 đến nay): tính từ khi bắt đầu triển khai Chương trình Chuyển đổi số quốc gia tại Quyết định số 749/QĐ-TTg ngày 3/6/2020 của Thủ tướng Chính phủ. Giai đoạn này, số lượng thủ tục hành chính được đưa lên trực tuyến tăng đột biến (bao gồm cả dịch vụ công trực tuyến một phần và trực tuyến toàn trình). Hàng năm tăng trưởng số lượng bằng cả giai đoạn 10 năm trước đó, cụ thể như sau:

Về số lượng: tỷ lệ thủ tục hành chính được cung cấp dưới dạng dịch vụ công trực tuyến đạt khoảng 81%. Trong đó, tỷ lệ thủ tục hành chính có phát sinh hồ sơ được cung cấp dưới dạng dịch vụ công trực tuyến toàn trình toàn quốc đạt 55,5%1, khối bộ đạt 59,68%; khối địa phương đạt 55,38%.

Một số bộ, ngành đã triển khai rất tốt, với 100% dịch vụ công trực tuyến toàn trình như Bộ Công thương, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội, Bộ Thông tin và Truyền thông, Bảo hiểm xã hội Việt Nam.

Một số địa phương triển khai rất tốt dịch vụ công trực tuyến toàn trình như Đà Nẵng đạt 95,56%; Cà Mau đạt 91,99%; Tây Ninh: 91,98%. Cổng dịch vụ công quốc gia đã tích hợp khoảng gần 4.400 dịch vụ công trực tuyến, giúp người dân, doanh nghiệp thuận tiện truy cập dịch vụ dịch vụ công trực tuyến của các bộ, ngành, địa phương thông qua “một cửa” duy nhất.

ttg7.jpg
Quang cảnh Hội nghị. (Ảnh: THANH GIANG)

Về chất lượng, ngày 24/6/2022, Chính phủ ban hành Nghị định số 42/2022/NĐ-CP quy định về việc cung cấp thông tin và dịch vụ công trực tuyến của cơ quan nhà nước trên môi trường mạng, trong đó nổi bật là quy định về Dịch vụ công trực tuyến toàn trình và Quản lý, giám sát, đánh giá hiệu quả, mức độ sử dụng dịch vụ công trực tuyến của các cơ quan nhà nước tự động thông qua Hệ thống giám sát, đo lường mức độ cung cấp và sử dụng dịch vụ Chính phủ số (EMC).

Thực hiện nhiệm vụ được giao, Bộ Thông tin và Truyền thông đã triển khai Hệ thống EMC để đo lường, giám sát, đánh giá hiệu quả, mức độ sử dụng dịch vụ công trực tuyến thực sự của việc cung cấp dịch vụ công trực tuyến.

Từ cuối năm 2023, Bộ Thông tin và Truyền thông đo lường tỷ lệ hồ sơ trực tuyến toàn trình của các bộ, ngành, địa phương thông qua Hệ thống EMC. Kết quả đạt được đến nay, tỷ lệ hồ sơ trực tuyến toàn trình của cả nước đạt 43%, tăng gấp 2,5 lần so với cuối năm 2023; trong đó khối bộ, ngành đạt 63%2, khối địa phương đạt 17,9%.

Đánh giá chung về triển khai dịch vụ công trực tuyến và hướng đi trong giai đoạn tiếp theo: Việt Nam đã trải qua 2 giai đoạn phát triển về dịch vụ công trực tuyến tính từ năm 2011 đến nay. Trong đó, giai đoạn 1 là giai đoạn khởi động khi số lượng dịch vụ công trực tuyến mức cao được triển khai rất ít trên phạm vi cả nước; giai đoạn 2 là giai đoạn phát triển theo chiều rộng, khi có bước phát triển đột phá về số lượng dịch vụ công trực tuyến.

Việc triển khai dịch vụ công trực tuyến đã có thành công nhưng không đồng đều giữa các bộ, ngành, địa phương, bên cạnh những đơn vị đạt kết quả cao, vẫn còn nhiều đơn vị đạt kết quả rất thấp, đặc biệt là hồ sơ trực tuyến toàn trình. Một số địa phương đạt tỷ lệ rất cao lên tới 69%, tuy nhiên, vẫn còn nhiều địa phương đạt tỷ lệ rất thấp dưới 5%, trung bình khối địa phương mới chỉ đạt 17,9%.

Dịch vụ công trực tuyến toàn trình mang lại hiệu quả thực sự khi mà người dân, doanh nghiệp có thể thực hiện đơn giản, thuận tiện toàn bộ quy trình trên môi trường mạng và không phải hiện diện tại cơ quan nhà nước, thể hiện thông qua tỷ lệ hồ sơ trực tuyến toàn trình. Để bước vào giai đoạn 3 - Phát triển theo chiều sâu, cần tập trung vào phổ cập dịch vụ công trực tuyến toàn trình tới mọi người dân, doanh nghiệp, mục tiêu đặt ra là tỷ lệ hồ sơ trực tuyến toàn trình đạt 70%.

Việc phổ cập dịch vụ công trực tuyến toàn trình sẽ đưa mọi hoạt động của công chức, viên chức phục vụ người dân và doanh nghiệp lên môi trường mạng. Khi đó, các cơ quan nhà nước có đầy đủ dữ liệu số để chỉ đạo, điều hành trực tuyến và dựa trên dữ liệu. Hoàn thành phổ cập dịch vụ công trực tuyến toàn trình, Việt Nam sẽ hoàn thành nhiệm vụ phát triển Chính phủ điện tử, chuyển sang phát triển Chính phủ số

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Chú trọng phát triển chuyển đổi số, nâng cao hiệu quả cung cấp và sử dụng dịch vụ công trực tuyến