Chính trị

Chủ tịch Tôn Đức Thắng: Người tiêu biểu cho chính sách đại đoàn kết toàn dân tộc

Phúc Thịnh-Huy Tâm 18/08/2023 16:20

Chủ tịch Tôn Đức Thắng không chỉ là linh hồn của khối đại đoàn kết toàn Đảng, toàn dân, mà hơn thế trong quan hệ quốc tế với các nước anh em (các nước XHCN trước đây), đồng chí còn là cầu nối được viết bằng chữ vàng giữa Việt Nam và Liên Xô.

bac-ton1.jpg
Bác Hồ và Bác Tôn tham dự kỳ họp thứ 6 Quốc hội khoá I từ ngày 29/12/1956 đến 25/1/1957 (Ảnh tư liệu)

Hơn 30 năm liên tục trực tiếp lãnh đạo tổ chức xây dựng, mở rộng, phát triển mặt trận đoàn kết dân tộc ở nước ta, Chủ tịch Tôn Đức Thắng đã đóng góp quan trọng và đặc biệt xuất sắc trong việc bồi đắp, phát huy sức mạnh của khối đại đoàn kết dân tộc là người tiêu biểu nhất cho chính sách đại đoàn kết của Đảng và của Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Trong khối đại đoàn kết toàn dân tộc, hình ảnh Chủ tịch Tôn Đức Thắng sâu đậm về uy tín và đức độ. Đồng chí đã có những đóng góp quý giá về lý luận, làm sáng tỏ và phong phú tư tưởng Hồ Chí Minh, nhất là trong xây dựng khối đại đoàn kết dân tộc ở nước ta.

tdthang.jpeg
Chủ tịch Tôn Đức Thắng và các đại biểu dự Đại hội Mặt trận thống nhất Việt Nam, ngày 31/1/1977 (Ảnh tư liệu)

Nắm vững những nguyên lý cơ bản của chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, luôn khẳng định vai trò quyết định của sức mạnh đại đoàn kết dân tộc, đồng chí Tôn Đức Thắng đã góp phần xử lý và giải quyết thành công trong cả lý luận và thực tiễn mối quan hệ giữa dân tộc - giai cấp, mối quan hệ giữa quyền lợi của dân tộc với lợi ích của bộ phận để xây dựng mặt trận đoàn kết dân tộc trong cách mạng giải phóng dân tộc cũng như trong cách mạng xã hội chủ nghĩa ở nước ta.

Đồng chí Tôn Đức Thắng đã chỉ ra rằng, Đảng phải nắm bắt và phân tích sâu sắc sự vận động của những điều kiện lịch sử dân tộc và thời đại để làm rõ và xử lý đúng đắn mối quan hệ dân tộc - giai cấp, xác định đúng “những điểm chung cho toàn thể dân tộc”, theo tư tưởng Hồ Chí Minh, trong nội dung các khẩu hiệu chiến lược của cách mạng để tập hợp được lực lượng, đoàn kết dân tộc ở mỗi thời kỳ, để định hướng trong tổ chức, xây dựng Nhà nước của dân, do dân, vì dân và trong việc “điều giải một cách hợp lý” mâu thuẫn và quyền lợi giữa các giai cấp... nhằm phát huy tối đa, sức mạnh của chủ nghĩa yêu nước và truyền thống đại đoàn kết của dân tộc ta.

Tổng kết từ thực tế, đồng chí Tôn Đức Thắng đã chỉ ra rằng: “Không phải như một số đồng chí hiểu lầm rằng công tác mặt trận do ngành mặt trận chuyên trách, mà trái lại, toàn Đảng phải chăm lo”.

Trong công tác mặt trận phải “nêu cao sự lãnh đạo của Đảng”, phải nắm vững nguyên tắc “quyền lãnh đạo của Đảng quyết không thể chia sẻ cho ai, quyết không thể làm lu mờ được”.

Đồng chí Tôn Đức Thắng khẳng định, vấn đề hàng đầu để đoàn kết toàn dân là phải đoàn kết từ trong nội bộ Đảng và sự đoàn kết đó không chỉ là sự thống nhất tư tưởng, hành động trong thực hiện đường lối của Đảng mà còn là tình cảm tôn trọng, yêu mến, giúp đỡ lẫn nhau giữa những người đảng viên cộng sản.

Theo đồng chí, “phương pháp duy nhất giúp ta thành tựu ý muốn ấy là tự chỉ trích và thân ái chỉ trích bạn mình”. “Đảng ta cần phải liên hệ tốt với quần chúng, cần phải đoàn kết chung quanh Đảng các giai cấp, các tầng lớp nhân dân cách mạng” và cùng với việc đề ra đường lối, chính sách đúng, Đảng phải có phương thức, lề lối làm việc dân chủ để mọi thành viên trong mặt trận đều được bàn bạc, thống nhất hành động.

Đối với những công việc chung, đồng chí cho rằng, cần phải bàn bạc dân chủ, lắng nghe ý kiến của mọi người. Ý kiến đúng, chúng ta hoan nghênh, ý kiến sai phải giải thích và thực hiện phương pháp thân ái, tự phê bình trong nội bộ mặt trận; phải nắm vững nguyên tắc: “Đối với bạn đồng minh, phải vừa đoàn kết, đoàn kết để giữ vững mặt trận cách mạng, đấu tranh để đi đến đoàn kết cao hơn, không thể đoàn kết một chiều, thủ tiêu đấu tranh, cũng không thể đấu tranh vô nguyên tắc ảnh hưởng đến đoàn kết”, nhưng phải “tiến hành đấu tranh trong nội bộ mặt trận một cách có lợi, có lý, có chừng mực để chĩa mũi nhọn vào bọn đế quốc xâm lược”.

Do vậy, Đảng phải không ngừng nâng cao trí tuệ, hoàn thiện sự lãnh đạo của mình để xứng đáng là người lãnh đạo chính trị đối với xã hội, lãnh đạo khối đại đoàn kết dân tộc, xứng đáng với niềm tin yêu của Nhân dân. Đó là tư tưởng và cũng là bài học có tính thời sự hết sức quý báu mà đồng chí Tôn Đức Thắng để lại cho chúng ta.

phong-cach-bac-ton.jpeg
Chủ tịch Tôn Đức Thắng thăm công nhân vùng mỏ

Hơn nửa thế kỷ hoạt động cách mạng đầy gian khổ và nguy hiểm, trong đó có 17 năm bị đầy đọa trong các nhà giam và ngục tù Côn Đảo với đủ mọi cực hình; với 27 năm giữ những trọng trách: Hội trưởng Hội Liên hiệp quốc dân Việt Nam, Chủ tịch Mặt trận Liên Việt, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Chủ tịch danh dự Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và hơn 10 năm trên cương vị Chủ tịch nước, đồng chí Tôn Đức Thắng đã để lại cho Đảng, Nhà nước, Mặt trận những bài học sâu sắc, những kinh nghiệm quý, nêu cho cán bộ, đảng viên và Nhân dân ta một tấm gương sáng về chuẩn mực sống của một công dân yêu nước, tinh thần và biểu tượng của khối đại đoàn kết toàn dân tộc.

Như vậy, từ quá trình hoạt động cách mạng và những cống hiến vĩ đại của Chủ tịch Tôn Đức Thắng, có thể thấy được một nhân cách cộng sản sáng ngời và tinh thần đoàn kết lớn lao - tinh thần đại đoàn kết, đoàn kết quốc tế vì sự nghiệp giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước, xây dựng chủ nghĩa xã hội và bảo vệ Tổ quốc.

bi-thu-an-giang-le-hong-quang.jpeg
Đồng chí Lê Hồng Quang, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy An Giang ghi sổ lưu niệm tại đền thờ Chủ tịch Tôn Đức Thắng, ở xã Mỹ Hòa Hưng, TP. Long Xuyên, tỉnh An Giang (Ảnh Báo An Giang)

Như TS. Lê Hồng Quang, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy An Giang đã từng viết: "Suốt cuộc đời hoạt động cách mạng của mình, Bác Tôn luôn phấn đấu, cống hiến, hy sinh vì lợi ích của Đảng, của dân tộc, của nhân dân. Bác là người con ưu tú của Tổ quốc, người yêu nước vĩ đại, người cộng sản mẫu mực, biểu tượng của đại đoàn kết toàn dân tộc, người lãnh đạo kiệt xuất của Đảng, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, người chiến sĩ cộng sản quốc tế chân chính, một nhân cách lớn".

Trong thời đại ngày nay, tinh thần yêu nước và đoàn kết ấy càng cần được nhận thức đúng đắn và phát huy cao độ trong quá trình xây dựng chủ nghĩa xã hội và hội nhập quốc tế “Tập trung khơi dậy mạnh mẽ tinh thần yêu nước, niềm tự hào, ý chí tự cường, lòng nhân ái, tinh thần đoàn kết, đồng thuận xã hội và khát vọng phát triển đất nước của toàn dân tộc”.

Chỉ có như thế chúng ta mới có sức mạnh to lớn để vượt qua những khó khăn, thách thức để phát triển toàn diện kinh tế, văn hóa - xã hội, nâng cao hơn nữa vị thế quốc gia trên trường quốc tế.

"Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh An Giang nguyện sống, chiến đấu, công tác, học tập theo gương Chủ tịch Tôn Đức Thắng, cùng đoàn kết một lòng, góp phần xây dựng quê hương An Giang ngày càng giàu đẹp, như sinh thời Bác Tôn hằng mong muốn", TS. Lê Hồng Quang, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy An Giang nhấn mạnh.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Chủ tịch Tôn Đức Thắng: Người tiêu biểu cho chính sách đại đoàn kết toàn dân tộc