Chủ tịch Quốc hội: Ngành Tòa án đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao

Nhóm PV| 06/01/2020 13:12
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Kết quả công tác và những đổi mới trong công tác xét xử của Tòa án thời gian qua đã góp phần củng cố niềm tin của người dân vào một nền công lý, dân chủ, công bằng, nghiêm minh, Chủ tịch Quốc hội nêu rõ.

Chủ tịch Quốc hội: Ngành Tòa án đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân phát biểu chỉ đạo Hội nghị

Dự Hội nghị triển khai công tác Tòa án năm 2020 diễn ra sáng ngày 6/1, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đã có bài phát biểu chỉ đạo quan trọng.

Ngành Tòa án có đóng góp quan trọng vào thành tựu chung của đất nước

Trong bài phát biểu của mình, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho biết: Năm 2019 đã đi qua với những diễn biến hết sức phức tạp, khó lường tại khu vực và trên thế giới; ở trong nước, tình hình thiên tai, dịch bệnh, biến đổi khí hậu cũng gây những khó khăn không nhỏ đối với phát triển kinh tế - xã hội. Song đất nước ta tiếp tục đạt được những thành tựu toàn diện trên tất cả các lĩnh vực: chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, quốc phòng, an ninh và đối ngoại. Những thành tựu này có được là do sự nỗ lực, chung sức, chung lòng của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân và  cả hệ thống chính trị, trong đó sự có đóng góp quan trọng của các Tòa án.

Qua theo dõi tình hình hoạt động của Tòa án và Báo cáo tổng kết, các ý kiến phát biểu, các phóng sự,…tại hội nghị, đã thể hiện sự nỗ lực phấn đấu, quyết tâm đổi mới, nâng cao chất lượng xét xử và những kết quả mà các Tòa án đã đạt được trong năm qua.

Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh, trong bối cảnh số lượng các vụ án Tòa án phải thụ lý mỗi năm tăng trên 10% nhưng phải tinh giản biên chế theo yêu cầu chung, TANDTC đã đề ra 14 giải pháp đột phá và tập trung các nguồn lực triển khai thực hiện. Kết quả là, tỷ lệ giải quyết án đạt cao, gần 90%, chất lượng ngày càng được nâng lên, hoàn thành các chỉ tiêu cơ bản theo yêu cầu Nghị quyết của Quốc hội. Trong quá trình xét xử, Tòa án đã đề cao nguyên tắc tranh tụng, bảo đảm nguyên tắc độc lập xét xử, suy đoán vô tội và các nguyên tắc tố tụng khác.

Đặc biệt, trong những năm gần đây chưa phát hiện trường hợp nào kết án oan người vô tội. Các vụ án lớn, phức tạp, dư luận xã hội quan tâm đã được đưa ra xét xử kịp thời, nghiêm minh, được Nhân dân đồng tình ủng hộ. Nhiều vụ án đã đi vào lịch sử tố tụng bởi tính chất đặc biệt nghiêm trọng, với số lượng lớn các bị cáo, luật sư, người tham gia tố tụng được triệu tập lên tới hàng trăm người (như vụ án xảy ra tại Ngân hàng Đại dương; vụ án đánh bạc nghìn tỷ qua mạng xảy ra tại Phú Thọ và một số địa phương…). Song các Thẩm phán đã chấp hành nghiêm túc các quy định của pháp luật tố tụng, nắm chắc chứng cứ trong hồ sơ vụ án, điều hành phiên tòa một cách khoa học trong suốt quá trình xét xử, tạo điều kiện thuận lợi để các Luật sư tiếp cận sớm hồ sơ vụ án và thực hiện tốt quyền bào chữa. Những đổi mới trong công tác xét xử thời gian qua đã góp phần củng cố niềm tin của người dân vào một nền công lý, dân chủ, công bằng, nghiêm minh.

Khẳng định chưa bao giờ công cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng được đẩy mạnh và thu được kết quả nổi bật, rõ nét như hiện nay, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho đánh giá: Năm 2019, Tòa án các cấp đã đưa ra xét xử 279 vụ với 636 bị cáo phạm các tội tham nhũng, trong đó có nhiều vụ án lớn, nghiêm trọng và được dư luận xã hội quan tâm như: vụ án MobiFone mua 95% cổ phần của AVG; vụ án Phan Văn Anh Vũ về tội “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn khi thi hành công vụ” xảy ra tại Đà Nẵng và một số địa phương; vụ án Nguyễn Ngọc Sự và đồng phạm về tội “Lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản” …

Việc xét xử với tinh thần là “rõ đến đâu, xử đến đấy, không có vùng cấm, không có ngoại lệ bất kể người đó là ai”; kịp thời đưa các vụ án ra xét xử đúng người, đúng tội, đúng pháp luật; tuyên hình phạt công bằng, nghiêm minh đạt mục tiêu trừng trị, giáo dục, răn đe nhưng cũng rất nhân văn, được dư luận xã hội đồng tình và đánh giá cao; khẳng định quyết tâm chống tham nhũng của Đảng và Nhà nước ta.

Điểm sáng trong các phiên tòa xét xử các vụ án tham nhũng vừa qua đó là các Tòa án đã áp dụng đồng bộ các biện pháp để thu hồi triệt để tài sản tham nhũng ngay trong quá trình xét xử. Như vụ án Mobile phone mua  95% cổ phần của AVG, Hội đồng xét xử đã cho tạm dừng phiên tòa, tạo mọi điều kiện để bị cáo nộp lại tài sản tham nhũng, và ngay trước ngày tuyên án, bị cáo đã nộp đủ 66 tỷ đồng tiền nhận hối lộ. Đây là kinh nghiệm rất tốt cho việc xét xử các vụ án tham nhũng thời gian tới. Cùng với đó, Tòa án các cấp qua mỗi vụ án đã chú trọng việc đưa ra các kiến nghị về xây dựng, hoàn thiện pháp luật, quản lý nhà nước, quản lý cán bộ, phòng ngừa và phát hiện vi phạm, tội phạm.

Tiếp đến là tăng cường tính công khai, minh bạch trong hoạt động xét xử được Tòa án chú trọng. Yêu cầu này đã được Tòa án các cấp thực hiện tốt trong thời gian qua, bảo đảm quyền tiếp cận thông tin của người dân. Đặc biệt, TANDTC đã tiến hành công khai các bản án, quyết định trên Cổng thông tin điện tử. Đây là một trong những cơ chế hữu hiệu để người dân kiểm tra, giám sát hoạt động của Tòa án; đồng thời đặt ra yêu cầu với mỗi Thẩm phán phải luôn với tinh thần tự đào tạo để nâng cao năng lực, trình độ, bản lĩnh, kỹ năng xây dựng bản án, không chỉ về căn cứ, lập luận chặt chẽ, mà cả về văn phong, từ ngữ.

Chủ tịch Quốc hội: Ngành Tòa án đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân, lãnh đạo TANDTC và các đại biểu tham dự Hội nghị sáng ngày 6/1

Đặc biệt, TANDTC đã trình Quốc hội dự án Luật hòa giải, đối thoại tại Tòa án là một phương thức mới trong giải quyết tranh chấp, khiếu kiện trên cơ sở tôn trọng nguyên tắc thỏa thuận, tự định đoạt của các bên nhằm giảm tải cho các tòa án. Quá trình xây dựng dự án Luật này được tiến hành bài bản, đúng quy trình của pháp luật như báo cáo Ban Chỉ đạo cải cách tư pháp Trung ương cho phép triển khai thí điểm tại 16 tỉnh, thành phố; đánh giá thực trạng pháp luật trong nước; nghiên cứu kinh nghiệm nước ngoài; tổ chức nhiều hội thảo, tọa đàm… Đây là dự án luật được các ĐBQH rất đồng tình, đánh giá cao.

Những năm qua, TANDTC đã ban hành nhiều Nghị quyết của Hội đồng Thẩm phán hướng dẫn các luật trong lĩnh vực tư pháp, qua đó tháo gỡ kịp thời những vướng mắc trong thực tiễn áp dụng pháp luật, góp phần đưa Hiến pháp và pháp luật đi vào cuộc sống. Công tác phát triển án lệ được Tòa án chú trọng. Các án lệ được công bố đã góp phần khắc phục những khiếm khuyết của hệ thống pháp luật, được các chuyên gia, nhà khoa học, đặc biệt là các cán bộ tố tụng, giới luật sư đón nhận. Đến nay, đã có hàng trăm bản án áp dụng án lệ để giải quyết các vấn đề đặt ra trong thực tiễn.

TANDTC đã quán triệt nghiêm túc yêu cầu của Đảng, xây dựng và triển khai Đề án đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của TAND bảo đảm tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả. Đặc biệt, đã chủ động nghiên cứu để đề xuất Bộ Chính trị, Ban Bí thư cho phép thực hiện thí điểm sáp nhập một số Tòa án cấp huyện làm cơ sở cho việc đề xuất đổi mới tổ chức Tòa án ở cấp này trong thời gian tới.

Công tác xây dựng đội ngũ cán bộ, nhất là đội ngũ Thẩm phán được chú trọng theo hướng nâng cao phẩm chất, năng lực, đề cao trách nhiệm, tăng cường kỷ cương, kỷ luật. Hoạt động bồi dưỡng, tập huấn TANDTC đã đổi mới công tác tập huấn luật và giải đáp vướng mắc thông qua việc định kỳ tổ chức đối thoại trực tuyến về nghiệp vụ với Thẩm phán cả nước.

TANDTC cũng đã chỉ đạo mở các phiên tòa mẫu, phiên tòa rút kinh nghiệm ở nhiều địa phương. Đây thực sự là cách làm mới, khác với cách tập huấn truyền thống trước đây, tạo diễn đàn trao đổi nghiệp vụ sôi nổi, tháo gỡ kịp thời những vướng mắc phát sinh, bảo đảm nhận thức và áp dụng thống nhất pháp luật, đồng thời tiết kiệm kinh phí, thời gian đi lại. Ngoài năng lực, trình độ, bản lĩnh nghề nghiệp, đòi hỏi người cán bộ Tòa án phải có cái tâm trong sáng, phải thực sự là người “phụng công, thủ pháp, chí công, vô tư” như lời Bác Hồ kính yêu đã dạy.

Năm nhiệm vụ giao cho Tòa án năm 2020

Trên cơ sở tán thành với các mục tiêu, phương hướng, nhiệm vụ trọng tâm năm 2020 mà ngành Tòa án đề ra, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đồng thời nhấn mạnh thêm một số vấn đề quan trọng.

Thứ nhất, cần tiếp tục thực hiện tốt các Nghị quyết của Đảng, của Quốc hội giao. Năm 2020 là năm cuối thực hiện Nghị quyết Đại hội XII của Đảng và Nghị quyết số 49 về Chiến lược cải cách tư pháp. Nhiệm vụ đặt ra với Tòa án các cấp là phải bám sát các chỉ đạo của Trung ương Đảng, tập trung thực hiện tốt những yêu cầu cải cách tư pháp và những nhiệm vụ còn lại của cả nhiệm kỳ. Triển khai thực hiện tốt Nghị quyết của Quốc hội về công tác tư pháp vừa được ban hành tại Kỳ họp thứ 8.

Thứ hai, tiếp tục nâng cao chất lượng xét xử, không để xảy ra oan, sai, bỏ lọt tội phạm và người phạm tội. Đây là trách nhiệm chính trị của Tòa án các cấp, của các Thẩm phán trước Đảng, trước Nhân dân. Do đó, nhiệm vụ trọng tâm của Tòa án các cấp là phải tập trung nâng cao chất lượng xét xử, bảo đảm xét xử nghiêm minh, đúng người, đúng tội, đúng pháp luật, tâm phục, khẩu phục, được nhân dân đồng tình ủng hộ. Hạn chế đến mức thấp nhất các bản án, quyết định bị hủy, sửa do lỗi chủ quan của Thẩm phán; kiên quyết khắc phục việc để án quá hạn luật định, vi phạm thời hạn tố tụng. Tăng cường xem xét, giải quyết các đơn đề nghị giám đốc thẩm, tái thẩm.

Đối với việc xét xử các vụ án tham nhũng, phát huy thành quả và kinh nghiệm vừa qua, tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các cơ quan tố tụng đẩy nhanh tiến độ giải quyết vụ án; áp dụng đồng bộ các biện pháp để có thể thu hồi triệt để tài sản ngay trong quá trình xét xử; chú trọng kiến nghị khắc phục những sơ hở của cơ chế, chính sách, sự buông lỏng trong quản lý cán bộ. Đối với việc xét xử các vụ án hành chính, cần đánh giá đầy đủ nguyên nhân của những hạn chế, tồn tại trong xét xử loại án này thời gian qua và có các giải pháp cụ thể khắc phục trong thời gian tới.

Thứ ba, chăm lo xây dựng Đảng, đóng góp tích cực vào thành công của Đại hội Đảng các cấp, xây dựng Ngành, xây dựng đội ngũ cán bộ.  Năm 2020 là năm tổ chức Đại hội đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội XIII của Đảng, đề nghị các đồng chí làm tốt nhiệm vụ lựa chọn, giới thiệu lãnh đạo Tòa án nhân dân địa phương có đủ tiêu chuẩn, điều kiện, phẩm chất, năng lực, uy tín tham gia cấp ủy nhiệm kỳ 2020 – 2025 theo yêu cầu cải cách tư pháp. Đồng thời, thông qua công tác xét xử, tập trung xử lý dứt điểm các vụ án được dư luận xã hội quan tâm, những vụ án phục vụ nhiệm vụ chính trị của địa phương, những vụ án tiềm ẩn nguy cơ xảy ra điểm nóng, khiếu kiện phức tạp, đông người.

Đối với công tác cán bộ, việc xây dựng đội ngũ cán bộ, nhất là đội ngũ Thẩm phán phải là ưu tiên hàng đầu của Tòa án các cấp. Mỗi Thẩm phán phải lấy chuẩn mực trong Bộ Quy tắc đạo đức và ứng xử của Thẩm phán để phấn đấu, giữ gìn và rèn luyện. Tiếp tục đổi mới và tăng cường công tác đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ. Chú trọng kiện toàn đội ngũ lãnh đạo Tòa án các cấp; làm tốt công tác luân chuyển cán bộ để rèn luyện, thử thách trong các môi trường công tác. Tăng cường thanh tra, kiểm tra để kịp thời phát hiện các hạn chế, thiếu sót. Kiên quyết xử lý nghiêm các cán cán bộ vi phạm.

Thứ tư, tiếp tục đổi mới tổ chức bộ máy theo yêu cầu cải cách tư pháp, tăng cường hướng dẫn áp dụng thống nhất pháp luật. Tập trung nghiên cứu yêu cầu của Chiến lược cải cách tư pháp về đổi mới hệ thống tổ chức Tòa án theo thẩm quyền xét xử, không phụ thuộc vào đơn vị hành chính, đồng thời chủ động xây dựng cơ chế pháp lý cho việc tổ chức Tòa án khu vực. Trước mắt, khẩn trương hoàn thành việc nghiên cứu để trình Bộ Chính trị, Ban Bí thư, báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội việc thí điểm sáp nhập một số Tòa án cấp huyện.

Thứ năm, Tòa án cần tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, đẩy mạnh cải cách hành chính tư pháp. Thực hiện cam kết trong Cộng đồng ASEAN, Việt Nam phải hoàn thành việc xây dựng Tòa án điện tử trước năm 2025. Xây dựng Tòa án điện tử sẽ mang lại nhiều lợi ích. Tính công khai, minh bạch trong hoạt động của Tòa án được tăng cường. Người dân sẽ thuận tiện hơn khi có công việc liên quan đến Tòa án. Do đó, đề nghị tiếp tục đẩy nhanh việc xây dựng Tòa án điện tử theo đúng lộ trình đã cam kết; đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính tư pháp gắn với việc ứng dụng công nghệ thông tin để người dân dễ tiếp cận và phù hợp với việc tinh giản biên chế.

Nhân dịp này, Chủ tịch Quốc hội cũng đề nghị các cơ quan có thẩm quyền quan tâm, bảo đảm cơ sở vật chất phù hợp với đặc thù của hoạt động xét xử và yêu cầu cải cách hệ thống Tòa án; đề nghị cấp ủy, chính quyền địa phương phối hợp chặt chẽ, tạo điều kiện để Tòa án các địa phương hoàn thành tốt trọng trách được giao.

Nhấn mạnh, năm 2020 đất nước có nhiều sự kiện chính trị quan trọng của đất nước, cũng là dịp hệ thống Tòa án nhân dân kỷ niệm 75 năm Ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh ký Sắc lệnh thành lập, Chủ tịch Quốc hội mong muốn các cán bộ, công chức, viên chức, người lao động ngành Tòa án khắc ghi lời dạy của Bác Hồ: mỗi cán bộ Tòa án phải thực sự là người “phụng công, thủ pháp, chí công, vô tư”, phải thực sự “hiểu dân, gần dân, giúp dân và học dân” để hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Chủ tịch Quốc hội tin tưởng Tòa án sẽ vượt qua mọi khó khăn, thách thức, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, xứng đáng với niềm tin yêu của Đảng, Nhà nước và sự kỳ vọng của Nhân dân giao phó.

Đọc tiếp
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Chủ tịch Quốc hội: Ngành Tòa án đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao