Chủ tịch Quốc hội: Chính phủ sẽ báo cáo về việc đưa lịch sử thành môn học lựa chọn

Ngọc Mai| 14/05/2022 18:25
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Liên quan những băn khoăn, lo ngại của cử tri về việc đưa lịch sử thành môn học lựa chọn đối với bậc học THPT, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho rằng đây là vấn đề rất lớn, Ủy ban Văn hoá, Giáo dục đang làm việc rất tích cực. Bộ Giáo dục và Đào tạo, Chính phủ cũng sẽ có báo cáo về vấn đề này để tiếp tục rà soát, đánh giá, nghiên cứu, bởi việc học, hiểu rõ về lịch sử có ý nghĩa hệ trọng đối với sự phát triển của quốc gia, dân tộc.

chu-tich-quoc-hoi-chinh-phu-se-co-bao-cao-ve-viec-dua-mon-lich-su-thanh-mon-hoc-tu-chon.jpg
Chủ tịch Quốc hội: Việc học, hiểu rõ về lịch sử có ý nghĩa hệ trọng đối với sự phát triển của quốc gia, dân tộc

Sáng 14/5, tại thành phố Hải Phòng, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ và Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hải Phòng tiếp xúc cử tri tại quận Lê Chân.

Tại cuộc tiếp xúc cử tri, cử tri quận Lê Chân đã nêu nhiều ý kiến tâm huyết về công tác xây dựng pháp luật, hoàn thiện thể chế về quản lý, sử dụng các nguồn lực công, kiểm soát quyền lực nhà nước…

 Cử tri đánh giá các kỳ họp vừa qua của Quốc hội khóa XV đã thành công rất tốt đẹp, trong đó có vai trò chủ trì, điều hành linh hoạt, hiệu quả, sâu sát của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ và tinh thần đổi mới trong các hoạt động của Quốc hội. Cử tri bày tỏ sự ủng hộ và tin tưởng vào công cuộc phòng, chống tham nhũng của Đảng, Nhà nước.

Đặc biệt tại Hội nghị Trung ương 5 vừa qua, quan điểm "trên dưới đồng lòng, dọc ngang thông suốt" trong công tác phòng, chống tham nhũng của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tiếp tục được thể hiện mạnh mẽ khi Ban Chấp hành Trung ương thống nhất cao với đề án thành lập Ban Chỉ đạo phòng, chống tham nhũng, tiêu cực cấp tỉnh, cho thấy quyết tâm của Đảng, Nhà nước trong công tác này.

Quốc hội đã ban hành Luật Phòng, chống tham nhũng và nhiều văn bản quy phạm pháp luật, tạo sơ sở pháp lý vững chắc cho công tác phòng, chống tham nhũng, góp phần tăng cường niềm tin của nhân dân…

Sẽ tập trung giám sát cả nội dung, chất lượng của các văn bản hướng dẫn

Thay mặt Đoàn đại biểu Quốc hội Thành phố trao đổi, làm rõ thêm các vấn đề được cử tri quan tâm, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cảm ơn cử tri quận Lê Chân đã có nhiều ý kiến phát biểu hết sức tâm huyết, trách nhiệm, sâu sắc, đánh giá cao những kết quả toàn diện của đất nước thời gian qua, nhất là trong công tác phòng, chống dịch bệnh và phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội những tháng đầu năm nay.

Chia sẻ ý kiến của các cử tri về việc tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng, bảo đảm “tuổi thọ” lâu dài của luật, có cơ chế hiệu quả hơn nữa để kiểm soát quyền lực, chống lợi ích nhóm ngay trong quá trình soạn thảo luật, Chủ tịch Quốc hội nêu rõ, nhiệm kỳ Khoá XV là nhiệm kỳ đầu tiên Đảng đoàn Quốc hội đã rà soát, xây dựng và trình Bộ Chính trị ban hành Kết luận số 19-KL/TW về Định hướng chương trình xây dựng pháp luật của Quốc hội nhiệm kỳ Khoá XV và Đề án về định hướng chương trình xây dựng pháp luật của Quốc hội nhiệm kỳ Khoá XV. Đảng đoàn Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã ban hành kế hoạch chi tiết để chủ động triển khai thực hiện, có dự án đến năm 2025 mới trình Quốc hội xem xét nhưng hiện đã giao rõ cho các cơ quan chủ trì tiến hành nghiên cứu, soạn thảo.

Chủ tịch Quốc hội cũng cho biết, vừa qua, Trung ương đã chỉ đạo, triển khai xây dựng và đang khẩn trương hoàn thiện Đề án "Chiến lược xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam đến năm 2030, định hướng đến năm 2045”, trong đó có Đề án “Chiến lược xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật và tổ chức thi hành pháp luật đến năm 2030, định hướng đến năm 2045, đáp ứng yêu cầu hoàn thiện Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam”.

"Đây là những giải pháp vừa ngắn hạn vừa dài hạn, căn cơ để nâng cao chất lượng của hệ thống pháp luật, nâng cao hơn nữa chất lượng luật pháp cả về hình thức thể hiện và nội dung, bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ, khả thi và hiệu quả của hệ thống pháp luật”, Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh.

Chủ tịch Quốc hội khẳng định, hệ thống pháp luật phải tiếp tục hoàn thiện để cá nhân, tổ chức “không thể, không muốn và không dám tham nhũng”. Trong đó, "không thể thì hệ thống pháp luật phải chặt chẽ, không có sơ hở. Không muốn thì chế độ, chính sách đãi ngộ, tiền lương phải thoả đáng. Không dám thì chế tài phải đủ mạnh, tính răn đe, phát hiện kịp thời, xử lý nghiêm minh, không có vùng cấm. Tại Hội nghị Trung ương vừa qua đã quyết định thành lập Ban chỉ đạo phòng, chống tham nhũng, tiêu cực cấp tỉnh để tiếp tục đẩy mạnh, nâng cao hơn nữa hiệu quả công tác này".

Chủ tịch Quốc hội cũng cho rằng, việc ban hành các văn bản hướng dẫn thi hành luật trong thời gian gần đây đã có những chuyển biến tích cực, số lượng văn bản hướng dẫn bị nợ đọng đã giảm rất nhiều nhưng "vẫn phải cố gắng hơn nữa".

Song song với việc tiếp tục hoàn thiện hệ thống pháp luật, Chủ tịch Quốc hội chỉ rõ điểm yếu vừa qua là khâu tổ chức thực thi pháp luật, do đó, lần này, công tác hướng dẫn, tổ chức, triển khai thực thi pháp luật được đặc biệt chú trọng.

Để bảo đảm văn bản hướng dẫn phải bám sát quy định của Luật, khắc phục tình trạng văn bản dưới luật chồng chéo, mâu thuẫn, Quốc hội sẽ tăng cường giám sát việc ban hành văn bản hướng dẫn thi hành luật. "Trước đây chủ yếu giám sát về thời hạn ban hành có đáp ứng yêu cầu của luật hay không, bây giờ sẽ tập trung giám sát cả nội dung, chất lượng của các văn bản hướng dẫn". Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng hướng dẫn, yêu cầu Hội đồng Nhân dân các địa phương cũng phải có chương trình xây dựng nghị quyết 5 năm, không "ăn đong", không chờ UBND trình cái gì xem xét cái đó, đồng thời, giám sát việc triển khai thực hiện chính sách, pháp luật tại địa phương.

Hiểu rõ về lịch sử có ý nghĩa hệ trọng đối với sự phát triển của quốc gia, dân tộc

Đề cập đến Luật Đất đai sửa đổi, Chủ tịch Quốc hội nêu rõ, vừa qua, Trung ương đã ban hành Nghị quyết mới về "Tiếp tục đổi mới, hoàn thiện thể chế, chính sách; nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý và sử dụng đất; tạo động lực đưa nước ta trở thành nước phát triển có thu nhập cao", tập trung vào 6 lĩnh vực. Đảng đoàn Quốc hội và Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã bàn và nhất trí trình Quốc hội xem xét, quyết định việc sửa đổi Luật Đất đai theo đúng tinh thần Nghị quyết mới của Trung ương và có thể trình Quốc hội xem xét theo quy trình tại 3 Kỳ họp để bảo đảm chất lượng tốt nhất, đáp ứng yêu cầu của Trung ương và thực tiễn cuộc sống đặt ra. Trong quá trình đó, phải xây dựng đồng bộ các nghị định hướng dẫn thi hành Luật để Luật ban hành thực thi được ngay.

Chia sẻ băn khoăn, lo ngại của cử tri về việc đưa lịch sử thành môn học lựa chọn đối với bậc học THPT, Chủ tịch Quốc hội cho biết, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã giao Ủy ban Văn hoá, Giáo dục chủ động tổ chức, nghiên cứu, tham vấn ý kiến chuyên gia về vấn đề này. Chủ tịch Quốc hội nhất trí với đề nghị của cử tri quận Lê Chân về việc phải đổi mới cách thức dạy và học lịch sử nhằm bảo đảm “dân ta phải biết sử ta, cho tường gốc tích nước nhà Việt Nam” như sinh thời Chủ tịch Hồ Chí Minh đã căn dặn. "Đây là vấn đề rất lớn, Ủy ban Văn hoá, Giáo dục đang làm việc rất tích cực. Bộ Giáo dục và Đào tạo, Chính phủ cũng sẽ có báo cáo về vấn đề này để tiếp tục rà soát, đánh giá, nghiên cứu, bởi việc học, hiểu rõ về lịch sử có ý nghĩa hệ trọng đối với sự phát triển của quốc gia, dân tộc", Chủ tịch Quốc hội nêu rõ.

Về đầu tư công, Chủ tịch Quốc hội cho biết, phân bổ vốn đầu tư công quá chậm, đến nay vẫn còn đến 11 bộ, ngành và 3 địa phương chưa phân bổ vốn đầu tư công; 3 tháng đầu năm mới giải ngân được khoảng 11%. "Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã phê bình việc này. Mấu chốt là do khâu chuẩn bị đầu tư còn yếu, không kỹ lưỡng, chưa đáp ứng yêu cầu”, Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh. Vừa qua Thủ tướng đã thành lập 6 Đoàn công tác kiểm tra, giám sát tại các địa phương. Đây cũng sẽ là một nội dung trọng tâm được xem xét trong chuyên đề giám sát tối cao của Quốc hội về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí vì “chúng ta có tiền mà không tiêu được thì lãng phí rất lớn”. Chủ tịch Quốc hội hy vọng, với sự nỗ lực của cả Quốc hội và Chính phủ sẽ tạo chuyển biến trong công tác này.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Chủ tịch Quốc hội: Chính phủ sẽ báo cáo về việc đưa lịch sử thành môn học lựa chọn