Chủ tịch Quốc hội: Cần quan tâm việc giải quyết khiếu nại tố cáo sau Hội nghị hiệp thương lần 3

Ngọc Mai| 22/03/2021 14:40
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Theo Chủ tịch Quốc hội, việc chỉ đạo thành lập các tổ bầu cử, tập huấn bầu cử cũng như chỉ đạo giải quyết khiếu nại tố cáo đang được triển khai và sắp tới cần quan tâm hơn, nhất là khi đã xong Hội nghị hiệp thương lần thứ ba.

chu-tich-qh-nguyen-thi-kim-ngan.jpg
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân, Chủ tịch Hội đồng bầu cử quốc gia phát biểu kết luận phiên họp

Sáng 22/3, tại Nhà Quốc hội đã diễn ra Phiên họp thứ 4 Hội đồng bầu cử quốc gia. Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân, Chủ tịch Hội đồng bầu cử quốc gia chủ trì phiên họp.

Việc chuẩn bị bầu cử theo đúng kế hoạch

Báo cáo tại phiên họp, Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội, Chánh Văn phòng Hội đồng Bầu cử quốc gia Nguyễn Hạnh Phúc cho biết, tính đến 17h ngày 14/3/2021, sơ bộ đã nhận được 1.136 hồ sơ ứng cử đại biểu Quốc hội, trong đó có 1.060 hồ sơ của người ứng cử do các cơ quan, tổ chức, đơn vị giới thiệu và 76 hồ sơ tự ứng cử.

Sau khi kết thúc thời gian nhận hồ sơ, Ủy ban bầu cử các tỉnh, thành phố đã chuyển và bàn giao hồ sơ những người ứng cử đại biểu Quốc hội Khóa XV về Hội đồng Bầu cử quốc gia.

“Nhìn chung, hồ sơ của những người ứng cử đại biểu Quốc hội đều bảo đảm kê khai theo đúng quy định, tuy nhiên cũng có một số hồ sơ kê khai còn thiếu thông tin hoặc chưa đầy đủ đã được hướng dẫn bổ sung, hoàn thiện theo đúng quy định”, ông Nguyễn Hạnh Phúc cho biết.

Về bầu cử đại biểu HĐND, theo thông tin sơ bộ, Ủy ban bầu cử các tỉnh, thành phố đã nhận được 7.495 hồ sơ ứng cử đại biểu HĐND cấp tỉnh, trong đó, có 7.448 hồ sơ của người ứng cử được các cơ quan nhà nước, tổ chức giới thiệu và 47 hồ sơ tự ứng cử.

Tính đến ngày 19/3/2021, Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam và Ban Thường trực Ủy ban MTTQ các cấp đã tổ chức Hội nghị hiệp thương lần thứ hai để lập danh sách sơ bộ những người ứng cử đại biểu Quốc hội và ứng cử đại biểu HĐND các cấp. Theo đó, tổng số người ứng cử đại biểu Quốc hội là 1.084 người, trong đó có 205 người do các cơ quan, tổ chức, đơn vị ở Trung ương giới thiệu, 803 người do các cơ quan, tổ chức, đơn vị ở địa phương giới thiệu, 76 người tự ứng cử, đạt tỷ lệ bình quân 2,17 lần so với tổng số đại biểu Quốc hội được bầu.

Công tác thông tin tuyên truyền về cuộc bầu cử đã được triển khai rộng khắp trong cả nước với nhiều hoạt động, nội dung, hình thức đa dạng, phong phú. Công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo về bầu cử được Hội đồng Bầu cử quốc gia chỉ đạo các cơ quan, đơn vị phối hợp tiếp công dân, tiếp nhận và xử lý đơn, thư khiếu nại, tố cáo về bầu cử.

Đến thời điểm này, số lượng đơn, thư khiếu nại, tố cáo, kiến nghị phản ánh liên quan đến công tác bầu cử chưa nhiều. Công tác chuẩn bị để bảo đảm an ninh, an toàn tuyệt đối cho cuộc bầu cử trong toàn quốc đã được triển khai nghiêm túc, đồng bộ; trong đó, đã triển khai việc tổ chức nắm tình hình, dự báo các phương án, phòng, chống âm mưu, hoạt động chống phá của các thế lực thù địch đối với cuộc bầu cử, các biện pháp phối hợp bảo đảm an ninh, trật tự, an toàn xã hội có liên quan trước, trong và sau cuộc bầu cử, các biện pháp phòng, chống và ngăn ngừa khả năng lây lan của dịch Covid – 19...

Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Hội đồng Bầu cử quốc gia cũng đã phối hợp triển khai các đoàn giám sát, kiểm tra công tác bầu cử tại các địa phương. Qua giám sát, kiểm tra cho thấy, các địa phương đã tích cực, chủ động triển khai các nội dung công việc chuẩn bị bầu cử theo đúng kế hoạch, chỉ đạo và hướng dẫn của Hội đồng Bầu cử quốc gia và các cơ quan, ban, ngành ở Trung ương.

Phát biểu ý kiến kết luận phiên họp, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân, Chủ tịch Hội đồng bầu cử quốc gia đánh giá, công tác chuẩn bị bầu cử đến nay trong phạm vi cả nước đã và đang được triển khai đúng pháp luật và bảo đảm theo tiến độ đề ra, chưa phát sinh vấn đề nào ảnh hưởng đến cuộc bầu cử.

Kịch bản cần bổ sung khả năng về thiên tai có thể xảy

Tại Phiên họp thứ 4, Hội đồng bầu cử quốc gia đã thảo luận, tham gia góp ý những ý kiến về dự thảo báo cáo kết quả triển khai công tác bầu cử Quốc hội khóa XV và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021-2026.

Những ý kiến phát biểu tại Phiên họp thứ 4 tập trung vào các nội dung gồm: xây dựng những kịch bản để phòng chống dịch và kiểm soát an toàn vệ sinh thực phẩm cũng như tổ chức bầu cử ở những nơi có cách ly y tế tập trung phòng, chống dịch COVID-19 thì cần tạo điều kiện thuận lợi, an toàn để cho người dân đi bỏ phiếu, kể cả những người đang được cách ly; về đối sách phòng chống các hoạt động xuyên tạc, phá hoại bầu cử; làm tốt công tác phòng chống cháy nổ trước và trong ngày bầu cử.

Hội đồng bầu cử quốc gia thông qua nguyên tắc phân bổ đại biểu Trung ương về ứng cử ở địa phương cũng như rà soát, nhất trí với kết quả hiệp thương lần thứ hai. Chủ tịch Quốc hội đề nghị cơ quan chức năng tiếp tục chỉ đạo trong tình huống không chỉ có dịch bệnh, cần bổ sung khả năng về thiên tai có thể xảy ra vào thời điểm bầu cử trong tháng 5 tới. Các kịch bản phải chắc chắn, chặt chẽ.

Theo Chủ tịch Quốc hội, việc chỉ đạo thành lập các tổ bầu cử, tập huấn bầu cử cũng như chỉ đạo giải quyết khiếu nại tố cáo đang được triển khai và sắp tới cần quan tâm hơn, nhất là khi đã xong Hội nghị hiệp thương lần thứ ba. Công tác này phải được thực hiện đúng quy định.

Về việc bầu cử sớm, Chủ tịch Quốc hội đề nghị Văn phòng Hội đồng bầu cử quốc gia thông báo đến những địa phương có nhu cầu bầu cử sớm để đăng ký.

Hướng dẫn kê khai tài sản cần đúng quy định của pháp luật

Theo Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân, việc bầu cử sớm do Hội đồng bầu cử quốc gia quyết định, khi bầu cử rồi mà bầu thiếu, muốn bầu cử lại hay không thì các địa phương sẽ báo cáo xin ý kiến Hội đồng bầu cử quốc gia và quyền cho bầu cử lại, bầu cử thêm cũng thuộc thẩm quyền của Hội đồng bầu cử quốc gia.
Về quy định in ấn tài liệu, đấu thầu, Chủ tịch Quốc hội đề nghị Văn phòng Hội đồng bầu cử quốc gia có văn bản đề nghị Bộ Tài chính hướng dẫn bổ sung thêm trong trường hợp khẩn cấp cần in ấn không qua đấu thầu thì cũng cần có thêm có hướng dẫn.

Chủ tịch Quốc hội cũng lưu ý một số công tác trong thực hiện về kê khai tài sản, hướng dẫn kê khai tài sản… cần được thực hiện theo đúng quy định của pháp luật.

Về tuyên truyền, một số nơi có sáng kiến, nếu có sáng kiến tốt thì áp dụng rộng rãi cho cả nước. Chủ tịch Quốc hội đề nghị tăng cường tuyên truyền thêm, nhiều hơn, hiệu quả hơn cho đợt hội nghị hiệp thương lần thứ ba và cho tới ngày bầu cử 23/5 tới với mật độ tăng cường.

Sau khi có kết quả hội nghị hiệp thương lần ba, sẽ lên danh sách chính thức những người ứng cử đại biểu Quốc hội và Hội đồng nhân dân.

Về đảm bảo cơ cấu ứng cử là nữ cho đại biểu Quốc hội và Hội đồng nhân dân các cấp, hiện nay cố gắng thực hiện theo phương hướng bầu cử, tức là trong danh sách bầu cử có ít nhất 35% ứng cử viên là nữ. Chủ tịch Quốc hội cho rằng phải tiếp tục quan tâm tuyên truyền, nâng cao kiến thức, kỹ năng của các nữ ứng cử viên mà Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam đã thực hiện rất tốt.

Chủ tịch Quốc hội đề nghị Chánh Văn phòng Hội đồng bầu cử quốc gia tiếp thu đầy đủ các ý kiến của các thành viên Hội đồng bầu cử quốc gia để hoàn thiện các văn bản gửi tới các đại biểu Quốc hội về báo cáo nhiệm kỳ, báo cáo của Hội đồng bầu cử quốc gia; đồng thời tập trung tham mưu giúp Hội đồng bầu cử quốc gia và các Tiểu ban đôn đốc theo dõi việc triển khai tiếp theo để chuẩn bị cho bầu cử.
Các tiểu ban và Văn phòng của Hội đồng bầu cử quốc gia cũng như các cơ quan của Chính phủ, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các bộ, ban, ngành tiếp tục rà soát lại những công việc theo chức năng, nhiệm vụ được phân công để khẩn trương chỉ đạo, triển khai nhiệm vụ về công tác bầu cử.

Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam chỉ đạo việc chuẩn bị tổ chức Hội nghị lấy ý kiến cử tri nơi công tác trừ những người tự ứng cử (76 người). Tất cả những ứng cử viên phải được lấy ý kiến nơi cư trú. Đối với những người đã nộp hồ sơ ứng cử cho tới ngày 14/3/2021, nhất là được Hội nghị Hiệp thương lần thứ hai biểu quyết, thông qua. Đây là những người phải được lấy ý kiến tại hai nơi (nơi cư trú và công tác).

Văn phòng Hội đồng bầu cử quốc gia tiếp tục tham mưu, xây dựng kế hoạch triển khai giám sát để báo cáo Hội đồng bầu cử quốc gia sau khi Hội đồng bầu cử quốc gia được kiện toàn để chuẩn bị cho các đợt kiểm tra, giám sát tiếp theo.

Tại phiên họp, Hội đồng bầu cử quốc gia đã xem xét thông qua hai nghị quyết đó là Nghị quyết về xử lý trường hợp khuyết người ứng cử Hội đồng nhân dân vì lý do bất khả kháng và Nghị quyết về nguyên tắc phân bổ ứng cử viên của Trung ương về địa phương ứng cử đại biểu Quốc hội.

Chủ tịch Quốc hội đề nghị Tiểu ban văn kiện, pháp luật và thông tin tuyên truyền, Tiểu ban nhân sự tiếp thu các ý kiến tại phiên họp để nhanh chóng hoàn thiện trình các văn bản. Riêng văn bản về nguyên tắc phân bổ đại biểu, đề nghị trình Chủ tịch Hội đồng bầu cử quốc gia sau khi được kiện toàn ký, để gắn với Hội nghị hiệp thương lần thứ ba...

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân, Chủ tịch Hội đồng bầu cử quốc gia nêu rõ, sau phiên họp, các cơ quan Chính phủ, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các bộ, ngành, địa phương và các cơ quan có liên quan tích cực chủ động trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo. Việc nào cần hướng dẫn phải hướng dẫn sớm để cho các Ủy ban bầu cử biết, thực hiện và trả lời cho đúng.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Chủ tịch Quốc hội: Cần quan tâm việc giải quyết khiếu nại tố cáo sau Hội nghị hiệp thương lần 3