Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn lưu ý, muốn luật, nghị quyết đi vào cuộc sống thì phải triển khai thi hành. Đặc biệt, phải đánh giá kỹ pháp luật có thấm, thấu vào nhân dân chưa? Khi hiểu được pháp luật, mới sống và làm việc theo pháp luật.
Tiếp tục chương trình làm việc Phiên họp thứ 37, sáng 12/9, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) đã cho ý kiến đối với Báo cáo của Chính phủ về tình hình thi hành Hiến pháp, luật, nghị quyết của Quốc hội.
Sớm ban hành 133 văn bản quy định chi tiết các luật, nghị quyết
Trình bày Báo cáo tóm tắt thẩm tra sơ bộ, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng nêu rõ, Chính phủ đã hoàn thành khối lượng lớn nhiệm vụ lập pháp cơ bản bảo đảm tiến độ, không có tình trạng xin rút các dự án đã có trong Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh.
Tuy nhiên, nhiều dự án được bổ sung vào Chương trình sát thời điểm tổ chức kỳ họp Quốc hội, phiên họp của UBTVQH. Số lượng văn bản quy định chi tiết nợ mới phát sinh nhiều, văn bản nợ đọng kéo dài chưa được khắc phục triệt để; số lượng văn bản ban hành chậm, không bảo đảm hiệu lực thi hành đồng thời với luật còn nhiều.
Thường trực Ủy ban Pháp luật kiến nghị Chính phủ, đôn đốc và có giải pháp cụ thể, kịp thời ban hành 133 văn bản quy định chi tiết các luật, nghị quyết có hiệu lực thi hành trong thời gian tới.
Quyết liệt trong việc thẩm tra các dự án luật
Phát biểu tại phiên họp, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn nhấn mạnh luật, nghị quyết muốn đi vào cuộc sống thì phải triển khai thi hành, theo dõi việc triển khai thi hành.
Chủ tịch Quốc hội lưu ý, cần phải đánh giá kỹ pháp luật có thấm, thấu vào nhân dân chưa, phải hiểu được pháp luật thì mới sống và làm việc theo pháp luật.
Chủ tịch Quốc hội đề nghị đổi mới việc triển khai, kiểm tra thi hành Hiến pháp, luật, nghị quyết của Quốc hội, pháp lệnh, nghị quyết của UBTVQH một cách “tới nơi tới chốn”.
“Chỗ nào làm tốt, chỗ nào làm chưa tốt? Làm tốt thì phải có biểu dương, khen thưởng kịp thời, còn chỗ nào làm chưa tốt thì phải phê bình, kiểm điểm”, Chủ tịch Quốc hội yêu cầu.
Cho biết Bộ Chính trị đã ban hành Quy định 178 về kiểm soát quyền lực, phòng chống tham nhũng, tiêu cực trong xây dựng pháp luật, Chủ tịch Quốc hội đặt câu hỏi “có lợi ích nhóm, lợi ích cục bộ trong xây dựng pháp luật không?” và đề nghị Bộ Tư pháp tăng cường kiểm soát, kiểm tra đối với vấn đề này.
Chủ tịch Quốc hội cũng yêu cầu Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban thời gian tới cần nề nếp, kỷ cương, quyết liệt trong việc thẩm tra các dự án luật để thể hiện chính kiến. Mong muốn cuối cùng là “các luật, nghị quyết ra đời phải có chất lượng và tuổi thọ”.