Phát biểu tại buổi làm việc với Lãnh đạo TANDTC, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang ghi nhận, biểu dương và đánh giá cao những nỗ lực của toàn ngành TAND trong thực hiện nhiệm vụ chính trị mà Đảng, Nhà nước, nhân dân tin tưởng giao cho.
Ngày 23/12, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang, Trưởng ban Chỉ đạo Cải cách tư pháp Trung ương và Đoàn công tác đã tới thăm và làm việc với TANDTC. Các thành viên của Đoàn công tác có ông Giang Sơn, Phó Chủ nhiệm Thường trực Văn phòng Chủ tịch nước; bà Lê Thị Thu Ba, Phó Trưởng ban Thường trực Ban chỉ đạo Cải cách tư pháp Trung ương; đại diện lãnh đạo Ủy ban Tư pháp Quốc hội, Ban Nội chính Trung ương, Bộ Tư pháp, Bộ Công an, VKSNDTC, Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch - Đầu tư.
Ngành TAND thực hiện tốt nhiệm vụ chính trị được giao
Tham dự buổi làm việc có Bí thư Trung ương Đảng, Chánh án TANDTC Trương Hòa Bình; Phó Chánh án Thường trực TANDTC Bùi Ngọc Hòa; Phó Chánh án TANDTC, Chánh án TAQS Trung ương Trần Văn Độ; Phó Chánh án TANDTC Tống Anh Hào, Tưởng Duy Lượng; các thành viên Hội đồng Thẩm phán TANDTC và lãnh đạo các đơn vị thuộc TANDTC.
Chủ tịch nước Trương Tấn Sang (bên phải) và Chánh án TANDTC Trương Hòa Bình chủ trì buổi làm việc
Thay mặt Ban cán sự Đảng và lãnh đạo TANDTC, Phó Chánh án Thường trực Bùi Ngọc Hòa trình bày với Chủ tịch nước và Đoàn công tác báo cáo công tác của ngành TAND trong năm 2013. Theo đó, năm 2013 ngành TAND triển khai thực hiện các nhiệm vụ công tác trong tình hình tội phạm diễn ra còn phức tạp; các tranh chấp có xu hướng gia tăng. Trên cơ sở quán triệt các nghị quyết của Đảng, Quốc hội về công tác cải cách tư pháp cũng như ý kiến chỉ đạo của lãnh đạo Đảng, Nhà nước đối với công tác ngành Tòa án, ngay từ đầu năm, Ban cán sự Đảng và lãnh đạo TANDTC đã xây dựng, ban hành các nghị quyết, chỉ thị để chỉ đạo toàn ngành thực hiện tốt nhiệm vụ chính trị được giao.
Về giải quyết, xét xử các loại vụ án, năm 2013 toàn ngành đã giải quyết được 364.819 vụ án các loại trong tổng số 395.415 vụ án đã thụ lý (đạt tỷ lệ 92,3%); số vụ án còn lại hầu hết là mới thụ lý và còn trong thời hạn giải quyết theo quy định của pháp luật. So với năm 2012, số vụ án đã thụ lý tăng 34.474 vụ; đã giải quyết tăng 31.915 vụ. Mặc dù số lượng án tăng nhiều, tính chất các vụ án ngày càng phức tạp, phát sinh một số hành vi phạm tội và tranh chấp mới, nhưng với việc chủ động nắm bắt tình hình, đề ra nhiều giải pháp hữu hiệu và tổ chức quyết liệt trong toàn ngành nên các trường hợp án tuyên không rõ ràng đã giảm 40%; chất lượng giải quyết, xét xử các loại vụ án được đảm bảo; tỷ lệ bản án, quyết định bị hủy, sửa giảm hơn 0,12% so với cùng kỳ năm trước. Việc xét xử các vụ án hình sự đúng người, đúng tội, đúng pháp luật, không có trường hợp nào kết án oan người không có tội; các Tòa án đã tổ chức 9.690 phiên tòa xét xử lưu động tại địa phương nơi xảy ra vụ án; việc xử phạt tù nhưng cho bị cáo được hưởng án treo, nhất là các bị cáo phạm tội về tham nhũng được giám sát chặt chẽ; đã khắc phục về cơ bản việc trả hồ sơ điều tra bổ sung không có căn cứ. Việc giải quyết các vụ việc dân sự và vụ án hành chính đã đảm bảo quyền, lợi ích hợp pháp của các bên đương sự; số lượng hòa giải thành trong giải quyết các vụ việc dân sự tăng 10.622 vụ so với năm 2012.
Phó Chánh án Thường trực TANDTC Bùi Ngọc Hòa trình bày báo cáo công tác Tòa án năm 2013
Song song với công tác xét xử, Tòa án cấp sơ thẩm đã ra quyết định thi hành án hình sự đối với 128.887 người bị kết án mà bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật (đạt tỷ lệ 99,7%), ra quyết định giảm thời hạn chấp hành hình phạt tù cho 52.159 phạm nhân do cải tạo tốt. Các Tòa án cũng đã tích cực tham gia công tác đặc xá năm 2013. Việc ra quyết định kháng nghị hoặc không kháng nghị và trình Chủ tịch nước xem xét đơn xin ân giảm hình phạt tử hình đã được Chánh án TANDTC thực hiện nghiêm túc, kịp thời, đúng quy định của pháp luật. Bên cạnh đó, TANDTC và TAND cấp tỉnh cũng làm tốt công tác giám đốc kiểm tra, giải quyết đơn đề nghị giám đốc thẩm, tái thẩm. Toàn ngành đã giải quyết được 7.438/11.756 đơn (vụ) đề nghị giám đốc thẩm, tái thẩm (đạt tỷ lệ 63,3%)), tăng hơn cùng kỳ năm trước 5,3%, vượt 3,3% so với yêu cầu Nghị quyết số 37 ngày 23/11/2013 của Quốc hội đề ra. Công tác giám đốc kiểm tra của Tòa án cấp trên đối với Tòa án cấp dưới cũng được duy trì thường xuyên và nghiêm túc.
Trong công tác xây dựng pháp luật, TANDTC đã và đang xây dựng, hoàn thiện ba dự án luật, ba dự án pháp lệnh; đóng góp ý kiến đối với nhiều dự án luật, pháp lệnh do các cơ quan khác chủ trì soạn thảo. TANDTC đã xây dựng Kế hoạch triển khai Đề án “Đẩy mạnh cải cách chế độ công vụ, công chức”, xây dựng quy hoạch phát triển nguồn nhân lực ngành TAND giai đoạn 2013-2020 và về cơ bản đã hoàn thành quy hoạch và bổ nhiệm cán bộ lãnh đạo quản lý các cấp của ngành TAND. Việc tăng cường cơ sở vật chất, điều kiện làm việc cho Tòa án các cấp cũng được TANDTC chú trọng. Cho đến nay, việc xây mới, sửa chữa, cải tạo trụ sở Tòa án đều tính đến việc đổi mới mô hình tổ chức hệ thống Tòa án theo tinh thần Nghị quyết số 49-NQ/TW của Bộ Chính trị. Ngoài ra, công tác cán bộ của ngành TAND được triển khai thực hiện theo hướng xây dựng đội ngũ cán bộ Tòa án trong sạch, vững mạnh nên từng bước khắc phục được tình trạng thiếu cán bộ, Thẩm phán ở TAND các cấp. Trình độ chuyên môn nghiệp vụ và trình độ lý luận chính trị của đội ngũ cán bộ, đặc biệt là Thẩm phán TAND các cấp được nâng cao so với những năm trước. Bên cạnh những kết quả đã đạt được, năm 2013, hoạt động của ngành TAND cũng còn một số hạn chế. Đó là: Tỷ lệ các bản án quyết định bị hủy, sửa do lỗi chủ quan của Thẩm phán tuy có giảm nhưng chưa được như mong muốn, nhất là trong giải quyết các vụ án hành chính; giải quyết đơn đề nghị giám đốc thẩm, tái thẩm ở một số đơn vị chưa cao…
Toàn cảnh buổi làm việc
Sau khi nghe lãnh đạo TANDTC báo cáo tổng quan các mặt công tác của ngành TAND, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đã gợi mở một số vấn đề để các đại biểu tham dự buổi làm việc phát biểu ý kiến. Đa số các thành viên của Đoàn công tác đều nhất trí cao với những nội dung mà lãnh đạo TANDTC trình bày, đồng thời cùng trao đổi, làm rõ những vấn đề liên quan đến việc thực hiện cải cách tư pháp, chỉ tiêu biên chế, tổ chức bộ máy, công tác đào tạo, chế độ chính sách, bổ nhiệm Thẩm phán, cơ sở vật chất đối với ngành TAND… Tất cả vấn đề trên của Đoàn công tác đều được Chánh án TANDTC và các Phó Chánh án TANDTC giải đáp, làm rõ.
Tòa án là cơ quan thực hiện quyền tư pháp
Phát biểu tại buổi làm việc, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang ghi nhận, biểu dương và đánh giá cao những nỗ lực của toàn ngành TAND trong thực hiện nhiệm vụ chính trị mà Đảng, Nhà nước, nhân dân tin tưởng giao cho. Năm 2013, mặc dù số lượng các vụ án tăng 15%, nhưng tỷ lệ xét xử, giải quyết vẫn đạt tỷ lệ cao; tỷ lệ án bị hủy, sửa hoặc quá hạn luật định đã giảm mạnh, Tòa án đã thể hiện rõ vị trí, vai trò là cơ quan bảo vệ công lý. Thời gian qua, ngành TAND đã tích cực thực hiện cải cách tư pháp, đáp ứng ngày càng tốt hơn yêu cầu nhiệm vụ trong thời kỳ đổi mới. Về phương hướng hoạt động trong năm tới, Chủ tịch nước chia sẻ, ngày 1/1/2014, bản Hiến pháp mới có hiệu lực thi hành, trong đó khẳng định Tòa án là cơ quan thực hiện quyền tư pháp. Vì vậy, ngành TAND cần khẩn trương sửa đổi Luật Tổ chức TAND và thể chế hóa các quy định của Hiến pháp.
Mặt khác, TANDTC đang triển khai xây dựng mô hình Tòa án 4 cấp, quy mô xét xử ngày càng lớn, vì vậy ngành TAND cần có sự thống nhất cao với các cơ quan tố tụng trong việc triển khai thực hiện thành lập TAND sơ thẩm khu vực. Hiện nay, ngành Tòa án là cơ quan duy nhất thực hiện quyền tư pháp, nên lãnh đạo ngành TAND phải không ngừng nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, Thẩm phán; nâng cao chất lượng xét xử, khắc phục tình trạng oan sai, hạn chế tối đa án bị hủy, sửa… Nói đến lời di huấn của Chủ tịch Hồ Chí Minh đối với ngành Tòa án, Chủ tịch nước yêu cầu mỗi cán bộ, công chức ngành Tòa án cần thực hiện "Phụng công, thủ pháp, chí công vô tư" và “Phải gần dân, hiểu dân, giúp dân, học dân”, phải không ngừng trau dồi bản lĩnh, nghiệp vụ chuyên môn, phẩm chất, đạo đức xây dựng ngành TAND ngày càng trong sạch, vững mạnh theo đúng tinh thần Nghị quyết số 49-NQ/TW của Bộ Chính trị về Chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2010.
Thay mặt Ban cán sự Đảng và lãnh đạo TANDTC, đồng chí Trương Hòa Bình cảm ơn sự quan tâm, giúp đỡ, chỉ đạo sát sao của Chủ tịch nước Trương Tấn Sang và các bộ, ban, ngành ở Trung ương cũng như địa phương đã phối hợp với ngành TAND trong thực hiện nhiệm vụ. Năm 2014, Ban cán sự Đảng TANDTC sẽ tăng cường chỉ đạo đơn vị trong ngành cụ thể hoá và xây dựng kế hoạch thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ được giao. Về lâu dài, ngành TAND tập trung củng cố, kiện toàn đội ngũ cán bộ, Thẩm phán Toà án các cấp; đề cao trách nhiệm nghề nghiệp và tăng cường kỷ luật công vụ; chống tiêu cực, tham nhũng trong ngành TAND. Đồng chí Trương Hòa Bình mong muốn Chủ tịch nước và lãnh đạo các bộ, ngành liên quan tăng cường và tạo điều kiện ủng hộ về mọi mặt đối với hoạt động của ngành Tòa án như: Tăng cường cơ sở vật chất, trang thiết bị, phương tiện làm việc; về cơ chế tạo nguồn nhân lực; về chế độ chính sách và các chế độ đặc thù khác để giúp cho ngành TAND hoàn thành các nhiệm vụ được Đảng, Nhà nước và nhân dân giao phó.
Trần Minh Giang