Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc thăm chính thức Thụy Sĩ, Nga

Trọng Bằng| 25/11/2021 07:42
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Chuyến thăm của Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc thể hiện sự coi trọng và mong muốn thúc đẩy hợp quan hệ hợp tác nhiều mặt giữa Việt Nam với Liên bang Thụy Sĩ và Liên bang Nga

chu-tich-nuoc-nguyen-xuan-phuc-tham-chinh-thuc-thuy-si-nga.jpg
Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc

Chuyến thăm của Chủ tịch nước được thực hiện theo lời mời của Tổng thống Liên bang Thụy Sỹ Guy Parmelin và Tổng thống Liên bang Nga Vladimir Putin. Đây là chuyến thăm chính thức châu Âu đầu tiên của Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc trên cương vị mới.

Thăm Thụy Sĩ đúng dịp Việt Nam-Thụy Sĩ kỷ niệm 50 năm ngày thiết lập quan hệ ngoại giao (1971-2021), chuyến thăm của Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc thể hiện sự coi trọng và mong muốn thúc đẩy hợp quan hệ hợp tác nhiều mặt giữa Việt Nam-Thụy Sĩ.

Chuyến thăm khẳng định đường lối đối ngoại do Đại hội Đảng 13 đề ra là độc lập, tự chủ, đa dạng hóa, đa phương hóa quan hệ đối ngoại, tiếp tục đưa các mối quan hệ song phương đi vào chiều sâu...

Ngày 11/10/1971, Việt Nam Dân chủ Cộng hòa và Liên bang Thụy Sĩ thiết lập quan hệ ngoại giao ở cấp Đại sứ. Tháng 2/1973, Thụy Sĩ mở Đại sứ quán tại Hà Nội và tháng 3/1994 mở Lãnh sự quán tại Thành phố Hồ Chí Minh.

Ngày 3/7/1984, Việt Nam mở Lãnh sự quán tại Geneva và nâng cấp lên Tổng lãnh sự quán vào ngày 15/12/1994. Ngày 28/1/2000, Việt Nam chính thức khai trương Đại sứ quán tại thủ đô Bern.

Thời gian qua, hai quốc gia ở hai châu lục Á-Âu đã thường xuyên trao đổi đoàn cấp cao. Quan hệ hợp tác kinh tế giữa hai nước diễn ra tốt đẹp. Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu giữa Việt Nam và Thụy Sĩ năm 2020 và các năm 2016-2018 duy trì ở mức dưới 1 tỷ USD, trong đó giá trị nhập khẩu luôn gần gấp 1,5-2 lần xuất khẩu, ngoại trừ năm 2019 tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam và Thụy Sĩ là 2,28 tỷ USD do Thụy Sĩ nhập khẩu đột biến mặt hàng vàng và kim loại quý từ Việt Nam.

Đây cũng là mặt hàng khiến kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang Thụy Sĩ biến động tương đối lớn qua các năm.

Từ năm 2020 đến nay, dịch COVID-19 ảnh hưởng nhiều đến thương mại song phương giữa hai nước. Theo thống kê của Tổng cục Hải quan Việt Nam, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu năm 2020 đạt 863,5 triệu USD, giảm 62,14 % so với năm 2019; nhập khẩu của Việt Nam từ Thụy Sĩ đạt 594,25 triệu USD, giảm 17,43 % so với năm 2019.

Trong 10 tháng của năm 2021, tổng kim ngạch xuất khẩu giữa hai nước đạt 706,3 triệu USD, trong đó xuất khẩu đạt 184,7 triệu USD và nhập khẩu đạt 521,6 triệu USD.

Về đầu tư, theo thống kê của Cục Đầu tư nước ngoài-Bộ Kế hoạch đầu tư, tính đến tháng 5/2021, Thụy Sĩ có 177 dự án đầu tư trực tiếp tại Việt Nam với tổng vốn đăng ký khoảng 1,9 tỷ USD, đứng thứ 20 trong số 140 quốc gia và vùng lãnh thổ có vốn đầu tư trực tiếp vào Việt Nam.

Đầu tư của Thụy Sĩ chủ yếu tập trung vào các ngành xây dựng, văn hóa, y tế, giáo dục, công nghiệp, nông nghiệp và dịch vụ du lịch tại nhiều địa phương của Việt Nam. Đa số các nhà đầu tư Thụy Sĩ lựa chọn hình thức công ty 100% vốn nước ngoài khi đầu tư vào Việt Nam.

Trong số các tập đoàn lớn của Thụy Sĩ đầu tư tại Việt Nam, có thể kể đến Nestlé (thực phẩm, đồ uống), Novatis/Ciba - Sandoz (hóa dược), Roche (dược phẩm), ABB (thiết bị điện, xây dựng trạm biến thế), Sulzer (cơ khí, thiết bị điện), SGS (giám định), Escatec (thiết bị điện tử), Ringier (in ấn), André/ CIE (thương mại) và một số doanh nghiệp khác…

Là một trong số ít các nước Tây Âu duy trì viện trợ phát triển và hợp tác kinh tế đối với Việt Nam trong ba thập kỷ qua, tổng kinh phí tài trợ của Thụy Sĩ dành cho Việt Nam lên tới 600 triệu USD. Các dự án hợp tác phát triển do Thụy Sĩ tài trợ ở cả song phương và đa phương được triển khai tích cực, đóng góp hiệu quả cho phát triển kinh tế, xã hội và thực hiện các Mục tiêu thiên niên kỷ, hướng tới thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững của Việt Nam.

Tháng 3/2021, Thụy Sĩ đã công bố Chương trình hợp tác phát triển Thụy Sĩ - Việt Nam 2021-2024 với số vốn ODA là 70 triệu CHF (Franc Thụy Sĩ). Việt Nam tiếp tục là một trong số ít nước nằm trong danh sách đối tác ưu tiên hợp tác. Chiến lược hợp tác phát triển mới tập trung vào hai chủ đề ưu tiên: Thúc đẩy phát triển các điều kiện khung về kinh tế theo định hướng thị trường và đáng tin cậy; tăng cường khả năng cạnh tranh và tiếp cận thị trường của khu vực tư nhân. Tổng kinh phí dành cho chương trình 4 năm này là 70 triệu CHF.

Nổi tiếng là trung tâm đào tạo có uy tín trong lĩnh vực ngân hàng, du lịch, bảo hiểm và công nghệ cao, hiện nay có khoảng 150 thực tập sinh, sinh viên và nghiên cứu sinh Việt Nam đang theo học tại các trường đại học Thụy Sĩ. Nước này cũng tích cực giúp đỡ Việt Nam thông qua các dự án hỗ trợ giáo dục về môi trường, quản lý và các dự án đào tạo thạc sỹ, tiến sỹ các chuyên ngành tài chính, ngân hàng, quản trị kinh doanh.

Ở lĩnh vực văn hóa-du lịch, hai bên chưa ký kết văn bản hợp tác trong lĩnh vực văn hóa nên hoạt động giao lưu còn nhiều hạn chế. Hai bên cũng chưa ký văn bản hợp tác về du lịch, cùng với khoảng cách địa lý xa và không có đường bay trực tiếp nên số lượng trao đổi khách chưa nhiều.

Năm 2019 Việt Nam đón 36.577 lượt khách Thụy Sĩ thăm Việt Nam, tăng 5,9% so với năm 2018. Năm 2020 hoạt động du lịch giữa hai nước bị đình trệ do dịch COVID-19.

Hai nước cũng ký Hiệp định về bảo hộ sở hữu trí tuệ và hợp tác trong lĩnh vực sở hữu trí tuệ, triển khai Chương trình hợp tác đặc biệt Việt Nam-Thụy Sĩ về sở hữu trí tuệ (SPC) và Dự án hợp tác về sở hữu trí tuệ (SVIP).

Cộng đồng người Việt Nam tại Thụy Sĩ khoảng 12.000 người, có mặt ở hầu hết các bang, nhưng tập trung đông ở các thành phố lớn như Geneva, Zürich, Bern, Basel, Lausanne, Luzren và Fribourg. Nhìn chung, cộng đồng người Việt hòa nhập tốt, chăm chỉ và được chính quyền sở tại đánh giá cao.

Chuyến thăm của Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc tới Thụy Sĩ sẽ là điểm nhấn quan trọng, góp phần làm sâu sắc hơn quan hệ hai nước, từ đó mở ra cơ hội mới trong các lĩnh vực còn nhiều tiềm năng hợp tác giữa hai quốc gia Á-Âu trong thời gian tới.

* Việt Nam và Liên bang Nga thiết lập quan hệ ngoại giao vào năm 1950, sau đó quyết định nâng tầm quan hệ lên đối tác chiến lược vào năm 2001. 11 năm sau, hai nước trở thành đối tác chiến lược toàn diện. Quan hệ giữa hai nước được tăng cường thông qua trao đổi các phái đoàn và những cuộc gặp song phương ở mọi cấp.

Phó chủ tịch Hội đồng Liên bang Nga Konstantin Kosachev hồi tháng 9 khẳng định Việt Nam là đối tác quan trọng và thân thiết của Nga ở châu Á - Thái Bình Dương, cho biết Việt Nam là nước duy nhất Tổng thống Vladimir Putin đã thăm 5 lần.

Ông cũng nhấn mạnh không quên sự hỗ trợ của Việt Nam vào thời điểm dịch bệnh bùng phát đầu năm 2020, khi nước Nga gặp khó khăn do chưa sản xuất được nhiều khẩu trang, khẳng định sẽ nỗ lực hết sức trong đẩy nhanh cung cấp vaccine Sputnik V cho Việt Nam.

Đọc tiếp
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc thăm chính thức Thụy Sĩ, Nga