Chia sẻ khó khăn với ngành giáo dục, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc động viên thầy trò phát huy tinh thần hiếu học, quyết tâm chinh phục tri thức.
Hôm 2/9, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc gửi thư tới các thầy giáo, cô giáo, cán bộ quản lý, người lao động ngành giáo dục, phụ huynh và học sinh, sinh viên nhân dịp khai giảng năm học 2021-2022.
Biểu dương kết quả ngành giáo dục đạt được thời gian qua, Chủ tịch nước bày tỏ sự chia sẻ, cảm thông khi nhiều gia đình giáo viên, học sinh, đặc biệt là ở TP HCM và các tỉnh phía Nam bị xáo trộn cuộc sống, bị mất người thân do Covid-19. Giáo viên, học sinh, sinh viên không thể đến lớp vào mùa tựu trường.
"Tuy nhiên, như lịch sử đã chứng minh, không có thách thức nào có thể vượt cao hơn tinh thần hiếu học, không khó khăn nào có thể làm chùn bước ý chí phấn đấu, quyết tâm dùi mài kinh sử, chinh phục tri thức để làm rạng danh tiên tổ, để phụng sự đất nước", Chủ tịch nước viết.
Trong đợt dịch lần thứ tư, nhiều học sinh, sinh viên đã trải qua những ngày tháng khó khăn do phong tỏa, giãn cách. Việc học trực tuyến còn hạn chế, nhất là vùng nông thôn, miền núi, gia đình khó khăn. Chủ tịch nước đề nghị ngành giáo dục cùng các ngành, các cấp có biện pháp giảm thiểu tối đa tác động tiêu cực, đặc biệt là nguy cơ một số học sinh, sinh viên bị tụt hậu so với bạn đồng trang lứa.
Bước vào năm học mới, Chủ tịch nước mong muốn ngành giáo dục tiếp tục tạo đột phá trong đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, thu hút và trọng dụng nhân tài. Kế hoạch năm học mới cần được xây dựng và triển khai linh hoạt để vừa đảm bảo an toàn, sức khỏe cho học sinh, sinh viên, giáo viên, vừa hoàn thành chương trình giáo dục được thiết kế phù hợp với môi trường số hóa và thích ứng với mọi diễn biến của dịch bệnh.
Khoảng 22 triệu học sinh, sinh viên cả nước bước vào năm học mới 2021-2022 trong bối cảnh 23 tỉnh thành đang giãn cách xã hội, số ca Covdi-19 đã vượt 480.000 với hơn 12.000 người tử vong, tính từ ngày 27/4. Hàng loạt tỉnh thành phải lùi lịch khai giảng, thậm chí không tổ chức và chuyển sang học online. Nhiều gia nghèo không đủ máy tính, đường truyền mạng cho con học.