Chủ tịch nước: Cảng Liên Chiểu sẽ là “điểm sáng tạo bứt phá”

Trang Trần| 14/12/2022 14:04
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Sáng 14/12, UBND TP Đà Nẵng tổ chức Lễ khởi công Dự án đầu tư xây dựng Bến cảng Liên Chiểu, phần cơ sở hạ tầng dùng chung. Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc và Thường trực Ban Bí thư Võ Văn Thưởng tham dự Lễ khởi công.

tin-14-12-khoicong-3.jpg
Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc và Thường trực Ban Bí thư Võ Văn Thưởng nghe giới thiệu về tổng thể dự án.

Chủ tịch UBND thành phố Đà Nẵng Lê Trung Chinh cho biết, Cảng Tiên Sa, Sơn Trà hiện tại không thể phát triển mở rộng, đảm nhận vai trò cảng cửa ngõ quốc tế ở khu vực miền Trung (loại đặc biệt) do hạn chế về không gian phát triển lớn và điều kiện kết nối giao thông. Do đó, phương án đầu tư phát triển cảng Liên Chiểu dần thay thế cho cảng Tiên Sa và từng bước chuyển đổi công năng khu bến Tiên Sa thành bến cảng du lịch là phù hợp với tiến trình phát triển của thành phố.

tin-14-12-khoicong-2.jpg
Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng Lê Trung Chinh phát biểu tại buổi lễ.

Dự án đầu tư xây dựng Bến cảng Liên Chiểu - phần cơ sở hạ tầng dùng chung là tiền đề thu hút các nguồn lực khác đầu tư, phát triển các bến trong giai đoạn tới theo quy hoạch, giảm tải cho khu bến Tiên Sa, tăng cường kết nối vùng và liên vùng, góp phần phát triển bền vững kinh tế - xã hội của thành phố Đà Nẵng và trong khu vực.

tin-14-12-khoicong-1.jpg
Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc phát biểu chỉ đạo tại buổi lễ khởi công

Phát biểu tại buổi lễ, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đánh giá Cảng Liên Chiểu - phần cơ sở hạ tầng dùng chung là một hợp phần rất quan trọng của Cảng Đà Nẵng. Cảng Đà Nẵng không những có tiềm năng về giao lưu kinh tế, thương mại, đầu tư quốc tế, mà còn là có vị trí “yết hầu” về quốc phòng-an ninh của đất nước. Là điểm trung chuyển phía Đông của vùng miền Trung đón các dòng lưu chuyển hàng hóa trên tuyến Hành lang kinh tế Đông-Tây, cũng như các tỉnh trong khu vực với thị trường quốc tế.

Chủ tịch nước nêu rõ việc khởi công dự án đầu tư xây dựng bến Cảng Liên Chiểu là bước cụ thể hiện thực hóa mục tiêu chiến lược tại Nghị quyết của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển thành phố Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Dự án sẽ đáp ứng thông qua lượng hàng đến 5 triệu tấn/năm giai đoạn đầu và phát triển các bến giai đoạn tiếp theo để giảm tải cho khu bến Tiên Sa và Sơn Trà, giảm áp lực giao thông đường bộ đi qua nội đô thành phố Đà Nẵng; tăng cường kết nối vùng và liên vùng, phát triển bền vững kinh tế-xã hội.

Với vị trí thuận lợi về độ sâu, kho bãi rộng, gần tuyến hàng hải quốc tế, thị trường hàng hóa dồi dào, Chủ tịch nước cho rằng Cảng Liên Chiểu sẽ là “điểm sáng tạo bứt phá” không chỉ với ngành vận tải, logistics mà ngành du lịch và dịch vụ Đà Nẵng cũng sẽ được hưởng lợi, tạo thành mạng lưới thương mại quốc tế đa diện, phong phú, mở rộng không gian phát triển không chỉ cho Đà Nẵng mà cho cả khu vực miền Trung. Dự án còn nhằm đảm bảo quốc phòng, an ninh, giữ vững “phên dậu, mạng sườn” tiền tiêu cho Tổ quốc.

tin-14-12-khoicong-5.jpg
Các đại biểu bấm nút khởi công dự án

“Việc Nhà nước đầu tư Cảng Đà Nẵng không có nghĩa là đầu tư riêng cho Đà Nẵng mà đầu tư cho cả vùng miền Trung. Bởi nếu chỉ một mình quy mô kinh tế của Đà Nẵng khai thác cảng thì sẽ không thể đủ quy mô kinh tế hiệu quả, khi đó việc đầu tư là không cần thiết, thay vào đó phải hướng đến quy mô kinh tế cả vùng hay ít nhất là các tỉnh lân cận phải cùng chia sẻ không gian và hạ tầng chung, khi đó mới phát huy hiệu quả và lợi thế cạnh tranh cảng biển. Nhận thức này cũng cần được lan tỏa trong công tác lập quy hoạch chiến lược phát triển cảng biển Việt Nam nói riêng và các dự án đầu tư cơ sở hạ tầng lớn có tính liên kết vùng nói chung. Vì vậy, các cảng Chân Mây… đều có đề án phát triển riêng”, Chủ tịch nước nhấn mạnh.

Bên cạnh đó, Chủ tịch nước đề nghị chính quyền, nhà đầu tư cũng như các bên liên quan công trình gương mẫu, tiên tiến trong thi công; không để xảy ra thất thoát, không tham nhũng; đặc biệt cần đảm bảo đúng tiến độ và đưa vào sử dụng năm 2025. Đầu tư ứng dụng các công nghệ hiện đại, nhất là công nghệ tự động hóa, công nghệ số vào quản trị và khai thác cảng biển, hướng đến xây dựng mô hình “cảng xanh” theo xu hướng của thế giới.

Chủ tịch nước cũng đề nghị cần đặt mục tiêu giảm chi phí sử dụng hạ tầng cảng biển và logistics nhằm giảm chi phí kinh doanh cho doanh nghiệp, nâng cao tính cạnh tranh của hàng hóa xuất nhập khẩu qua cảng biển Đà Nẵng. Đảm bảo tính đồng bộ trong đầu tư hạ tầng kết nối cảng biển và hạ tầng logistics, nhất là hệ thống giao thông liên kết vùng, bao gồm đường bộ, đường sắt, đường thủy, hệ thống kho bãi và các hạ tầng hỗ trợ liên quan.

tin-14-12-khoicong-4.jpg
Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc và Thường trực Ban Bí thư Võ Văn Thưởng tham quan nơi khởi công dự án.
tin-14-12-khoicong-6.jpg
Các phương tiện ra quân thi công sau nghi thức lễ khởi công.

Lưu ý lượng hàng hóa rất quan trọng đối với cảng, hàng nhiều, chất lượng cao thì hiệu quả cảng cao và ngược lại, Chủ tịch nước đề nghị thành phố Đà Nẵng có biện pháp thu hút các nguồn hàng ở khu vực Đông Nam Á và thế giới đến với cảng. Tiếp tục phát huy tinh thần năng động, sáng tạo và quyết liệt, nhận thức đầy đủ trách nhiệm trong việc kiểm tra, đôn thúc để dự án sớm hoàn thành, đem lại hiệu quả phát triển kinh tế-xã hội cho Đà Nẵng và các địa phương lân cận.

Dự án đầu tư xây dựng Bến cảng Liên Chiểu - phần cơ sở hạ tầng dùng chung được triển khai trên địa bàn phường Hòa Hiệp Bắc (quận Liên Chiểu, TP Đà Nẵng), gồm các khu chức năng chính như: Các khu bến chính: Khu bến container tiếp nhận được tàu đến 8.000 Teus (giai đoạn 1) và định hướng tiếp nhận các tàu đến 18.000 Teus (tương đương 200.000 DWT) trong dài hạn, gồm 08 bến với tổng chiều dài 2.750m cho tàu từ 30.000-200.000DWT.

Khu bến tổng hợp với tổng số lượng bến và chiều dài 06 bến/1.550m, tiếp nhận tàu có trọng tải 100.000DWT (phía ngoài) và các tàu cỡ nhỏ phía trong (khoảng 30.000 DWT). Khu bến thủy nội địa với tổng chiều dài tuyến bến 1.200m tiếp nhận tàu trọng tải đến 5.000DWT để phục vụ gom/chia hàng cho khu bến container, tổng hợp đến các cảng biển, thủy nội địa khác trong cả nước.

Khu bến hàng lỏng/khí: Gồm 06 bến bố trí tại khu vực đê chắn sóng, tiếp nhận tàu trọng tải 30.000DWT. Khu kho bãi đường sắt: Làm bãi tập kết, bốc xếp hàng hóa phục vụ đường sắt nhằm kết nối trực tiếp khu bến Liên Chiểu với mạng đường sắt quốc gia. Khu hạ tầng kỹ thuật đầu mối; Khu hành chính dịch vụ; vành đai cây xanh cách ly.

Hạ tầng dùng chung gồm: Đê kè chắn sóng, luồng tàu và khu nước, đường giao thông kết nối cảng và hạ tầng kỹ thuật khác.

Phần cơ sở hạ tầng dùng chung, quy mô đầu tư xây dựng: Xây dựng đê chắn sóng, kè chắn sóng, luồng tàu, hạ tầng kỹ thuật kết nối khả năng đáp ứng cho các tàu tổng hợp, hàng rời trước mặt trọng tải đến 100.000 DWT, tàu container có sức chứa 6.000 – 8.000 Teus.

Tổng mức đầu tư dự án là 3.426 tỷ đồng, trong đó nguồn vốn trung ương giai đoạn 2021-2025 là 2.995 tỷ đồng, phần còn lại sử dụng ngân sách thành phố Đà Nẵng. Theo kế hoạch, dự án này sẽ được xây dựng hoàn thành và đưa vào sử dụng vào năm 2025.

Tác giả trích dẫn

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Chủ tịch nước: Cảng Liên Chiểu sẽ là “điểm sáng tạo bứt phá”