Chiều 27/9, Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Nguyễn Thiện Nhân đã chủ trì buổi họp báo thông báo kết quả Đại hội đại biểu toàn quốc MTTQ Việt Nam nhiệm kỳ 2014 - 2019 và trả lời các câu hỏi của báo giới về các nội dung liên quan.
Tại buổi họp báo, đại diện Tiểu ban Tuyên truyền Đại hội cho biết: Đại hội đã hiệp thương cử ra Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam khóa VIII, gồm 383 người (tăng 30 người, gần 9% so với khóa VII). Mục tiêu của MTTQ Việt Nam (nhiệm kỳ 2014 -2019) là: Tập trung đổi mới mạnh mẽ nội dung và phương thức hoạt động nhằm phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, thực hiện tốt chức năng đại diện, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của nhân dân, tăng cường đồng thuận xã hội, phát huy dân chủ, thực hiện giám sát và phản biện xã hội, tích cực tham gia xây dựng Đảng, chính quyền vững mạnh, góp phần phát triển bền vững kinh tế - xã hội, đẩy nhanh sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa, xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh, giữ vững hòa bình, bảo vệ vững chắc chủ quyền quốc gia, vì nước Việt Nam dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.
Ông Nguyễn Thiện Nhân (giữa), Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam khóa VIII trả lời phỏng vấn báo chí. (Ảnh: TTXVN)
Trả lời câu hỏi của phóng viên về trách nhiệm và những nội dung ưu tiên của Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam trong nhiệm kỳ tới, Chủ tịch Nguyễn Thiện Nhân cho biết: Phát biểu của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Đại hội đã nhấn mạnh đến việc Mặt trận các cấp phải thực sự là trung tâm đoàn kết, tập hợp mọi lực lượng xã hội, là nơi mọi người có thể nói lên tiếng nói, nguyện vọng của mình, đóng góp trí tuệ, công sức cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. MTTQ Việt Nam coi đây là nhiệm vụ trong thời gian tới. Ngay sau Đại hội, MTTQ sẽ cùng các đồng chí Ban Thường trực trên cơ sở thống nhất với Đoàn Chủ tịch, tổ chức triển khai Nghị quyết Đại hội, cụ thể hóa thành chương trình hành động Mặt trận trong năm 2015.
Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam khóa VIII, nhiệm kỳ 2014-2019 ra mắt Đại hội. (Ảnh: TTXVN)
Xung quanh công tác giám sát, phản biện xã hội, Chủ tịch Nguyễn Thiện Nhân cho rằng đây vừa là nhiệm vụ mới Hiến pháp giao, đồng thời cũng là việc MTTQ Việt Nam cố gắng làm tích cực trong một năm qua. Tuy nhiên, kết quả thực tiễn chưa nhiều. MTTQ Việt Nam đang tập trung làm 4 chương trình giám sát. Trước mắt là chương trình tổng rà soát chính sách người có công trong hai năm 2014 - 2015, còn 3 chương trình sẽ tiến hành sau Đại hội là việc thực hiện pháp luật về sản xuất, kinh doanh vật tư nông nghiệp; thực hiện pháp luật về bảo hiểm xã hội trong các doanh nghiệp và việc chấp hành chính sách pháp luật của các cơ sở y tế tư nhân. Bên cạnh đó, Mặt trận cũng tiếp tục đoàn kết tập hợp nhân dân thực hiện các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, tham gia xây dựng, giám sát bảo vệ Đảng, Nhà nước, tham gia quản lý xã hội, góp phần tăng cường mối liên hệ mật thiết giữa nhân dân với Đảng và Nhà nước.
Trao đổi thêm về nội dung này, Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Nguyễn Văn Pha cho biết: Chức năng giám sát và phản biện xã hội của MTTQ Việt Nam đã được ghi trong văn kiện Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ X, XI và Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (bổ sung, phát triển năm 2011) và đặc biệt đã được thể chế hóa trong Điều 9 Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam năm 2013. Ngày 12/12/2013, Bộ Chính trị đã ban hành quy chế giám sát và phản biện xã hội của MTTQ Việt Nam và các đoàn thể chính trị - xã hội. Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam đã chủ động triển khai các quy định trong văn kiện của Đảng cũng như trong Hiến pháp bằng 5 nội dung giám sát, phản biện. Với mỗi chương trình giám sát, Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam sẽ phối hợp với một tổ chức thành viên và kèm theo đó, có các cơ quan Nhà nước tham gia để nội dung giám sát, phản biện rõ ràng, thuyết phục, đúng pháp luật; đáp ứng được lòng mong đợi của nhân dân. Năm nay, Mặt trận tiến hành giám sát thí điểm, năm 2015, sẽ thực hiện trên diện rộng với phương châm vừa làm vừa rút kinh nghiệm để mang lại kết quả thiết thực, tránh hình thức.
Trước băn khoăn của báo giới về việc số lượng chức danh Phó Chủ tịch chuyên trách giảm nhưng lượng công việc ngày càng tăng lên, Ban Thường trực Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam khẳng định đây là một khó khăn trong quá trình triển khai nhiệm vụ. Song, với trách nhiệm chung, Ban Thường trực sẽ có kế hoạch phân công nhiệm vụ cụ thể cho từng người và trong quá trình thực hiện nhiệm vụ, bộ máy tham mưu giúp việc là lãnh đạo của các ban, đơn vị trong cơ quan Mặt trận cùng các tổ chức thành viên sẽ giúp Ban Thường trực hoàn thành nhiệm vụ Đại hội giao cho.
Tại buổi họp báo, Ban Thường trực Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam cũng trả lời nhiều câu hỏi về vai trò tập hợp khối đại đoàn kết dân tộc của Mặt trận khi nguy cơ chủ quyền quốc gia bị xâm phạm; phát huy sức mạnh của cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài; vấn đề tạo hành lang pháp lý cho cán bộ Mặt trận phát huy vai trò, hoạt động…