Chủ tịch Hồ Chí Minh và cuộc cải cách tư pháp đầu tiên

Phương Nam| 09/09/2014 10:05
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Cuộc cải cách tư pháp đầu tiên của Nhà nước cách mạng nhân dân diễn ra vào năm 1950 dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản, được đánh dấu bởi sự ra đời của Sắc lệnh số 85-SL ngày 22/5/1950 do Chủ tịch Hồ Chí Minh ký.

Tư pháp có tốt thì xã hội mới tốt

Sau khi lãnh đạo Đảng và nhân dân ta tiến hành Cách mạng tháng Tám 1945 thành công, giành chính quyền về tay nhân dân, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đặc biệt quan tâm đến việc xây dựng một Nhà nước thuộc về nhân dân, lợi ích phải vì dân; một Nhà nước dân chủ, trong đó nhân dân là chủ và nhân dân làm chủ; một Nhà nước phải vận hành và quản lý bằng pháp luật... Suy nghĩ của Hồ Chủ tịch là cơ sở tư tưởng cho việc hình thành tư tưởng Hồ Chí Minh về Nhà nước pháp quyền và về công tác tư pháp.

Trong thư gửi Hội nghị công tác tư pháp tháng 2/1948, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã viết: “Cán bộ tư pháp phải tuyệt đối trung thành”, “các bạn là những người phụ trách thi hành luật pháp, lẽ tất nhiên các bạn phải nêu cao tấm gương “phụng công thủ pháp, chí công vô tư” cho nhân dân noi theo”. Cán bộ làm công tác tư pháp (làm việc trong các cơ quan Tư pháp, Toà án, Viện kiểm sát…) là những người được giao nhiệm vụ thi hành pháp luật, vì vậy hơn ai hết phải là những người gương mẫu trong việc chấp hành pháp luật, phải hết lòng vì sự nghiệp chung của đất nước, vì nhân dân mà bảo vệ pháp luật. Là người cầm cân nảy mực, cán bộ tư pháp phải thực thi pháp luật cho rõ ràng, công bằng, công minh, khách quan, cho “chí công, vô tư” theo đúng quy định của pháp luật; bảo đảm cho pháp luật được chấp hành nghiêm minh và thống nhất. Chủ tịch Hồ Chí Minh không chỉ yêu cầu người làm công tác tư pháp phải “chí công vô tư” mà còn phải biết “phụng công, thủ pháp”, bởi vì “Phụng công thủ pháp, chí công, vô tư” được coi là một trong những tiêu chuẩn quan trọng của cán bộ tư pháp.

Chủ tịch Hồ Chí Minh quan niệm: Công tác tư pháp suy cho cùng là ở đời và làm người. Vì vậy, Hồ Chủ tịch đã căn dặn cán bộ tư pháp phải luôn công bằng, khi áp dụng pháp luật và khi xử lý các vụ việc, không được lẫn lộn giữa công và tội. Theo Người: Có công thì được thưởng, có lỗi thì phải bị phạt.

Hồ Chủ tịch coi việc xây dựng hệ thống các cơ quan tư pháp là cơ sở để xã hội phát triển. Người từng nói: Tư pháp có tốt thì xã hội mới tốt, xã hội tốt người dân mới có được hệ thống pháp luật bảo vệ, có được ánh sáng của Đảng dìu dắt. Song song với đó là phải kiên quyết đấu tranh xử lý tội phạm, đấu tranh chống những hành vi xâm hại đến danh dự, uy tín của Đảng, của Nhà nước.

Tại Hội nghị cán bộ tư pháp năm 1950, Chủ tịch Hồ Chí Minh căn dặn: Trong công tác xử án phải công bằng, liêm khiết, trong sạch… Phải gần dân, hiểu dân, giúp dân, học dân; giúp dân, học dân để giúp mình thêm liêm khiết, thêm công bằng. Thêm nữa là phải luôn luôn cố gắng học tập lý luận, học tập đường lối, chính sách của Chính phủ. Theo Bác, xét xử đúng là tốt, nhưng nếu không phải xét xử thì càng tốt hơn.

Cuộc cải cách tư pháp đầu tiên

Vào năm 1950, đất nước ta phải tập trung cao độ mọi nguồn lực cho cuộc kháng chiến toàn dân, toàn diện. Trong giai đoạn này, lý luận của Chủ nghĩa Mác -Lênin, đặc biệt là lý luận về chính quyền chuyên chính vô sản cũng đã bắt đầu chớm nở và bắt rễ vào công cuộc xây dựng chính quyền nhân dân, trong đó có bộ máy tư pháp. Trong bối cảnh đó, ngày 22/5/1950, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ký Sắc lệnh số 85 về cải cách bộ máy tư pháp, xây dựng nên những nguyên tắc tiến bộ đầu tiên cho nền tư pháp non trẻ của nước ta. Cuộc cải cách tư pháp đầu tiên đã được tiến hành.

Các nội dung chính của cải cách tư pháp lần thứ nhất bao gồm: Dân chủ hóa bộ máy Tư pháp (bao gồm hình thành chế độ hội thẩm nhân dân, hội đồng hòa giải, chế độ trang phục); cải cách về thẩm quyền để công việc xét xử được nhanh chóng và gần dân hơn; cải cách về tố tụng để thủ tục được hợp lý và giản dị hơn.

Trong Tờ trình Dự án Sắc lệnh tạm cải cách bộ máy Tư pháp và Luật Tố tụng hiện hành, trong khi chờ cải tổ toàn thể bộ máy, Bộ Tư pháp khẳng định: “Về tổ chức Tư pháp: Bộ máy Tư pháp cần được dân chủ hóa. 1. Thành phần nhân dân cần được đa số trong việc xét xử 2. Hội thẩm nhân dân được ngồi xử cả việc Hình lẫn việc Hộ và có quyền biểu quyết. 3. Hội đồng hòa giải: Nhiệm vụ chính của cơ quan Tư pháp không những là xét xử mà còn là hòa giải những vụ xích mích ở địa phương để bớt sự tranh tụng. Sự thành lập Hội đồng hòa giải tại mỗi huyện có mục đích giao cho nhân dân trực tiếp phụ trách việc hòa giải, tất cả các việc Hộ kể cả việc ly dị mà từ trước tới nay chỉ có Chánh án Tòa án tỉnh mới có thẩm quyền. Biên bản hòa giải thành có chấp hành lực: đây là một điều tiến bộ đối với thể lệ cũ. Khi các đương sự đã thỏa thuận trước hội đồng hòa giải thì việc hòa giải được đem thi hành ngay. 4. Áo chùng đen của Thẩm phán và Luật sư nay bỏ đi”.

Về thẩm quyền, Tờ trình khẳng định: “Việc cải cách có mục đích làm nhẹ bộ máy Tư pháp để công việc xét xử được nhanh chóng và gần dân hơn. Vì vậy: 1. Cần tăng thẩm quyền cho Ban Tư pháp xã về việc phạt vi cảnh. Một số việc ít quan trọng về mặt trị an sẽ được giải quyết mau chóng ngay tại xã. Và uy tín của Ban tư pháp xã được tăng lên. 2. Để có thể giải quyết mau chóng những việc cấp bách về mặt Hộ, tránh sự thiệt hại cho đương sự và khỏi tốn phí cho đương sự phải lên Tòa án tỉnh, cần giao cho Tòa án nhân dân Huyện quyền ấn định các phương pháp bảo thủ, dù việc xử kiện không thuộc thẩm quyền Tòa án nhân dân Huyện”.

Chủ tịch Hồ Chí Minh và cuộc cải cách tư pháp đầu tiên

Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn dành sự quan tâm cho công tác tư pháp nói chung và Tòa án nói riêng

Về tố tụng, Tờ trình cho rằng: “Thủ tục tố tụng cần được hợp lý hơn và giản dị hơn: 1. Trái với quan niệm xưa cho rằng việc Hộ thường chỉ có lợi hoặc có hại riêng cho tư nhân nên xã hội không cần can thiệp đến, thì nay Công tố viên có quyền kháng cáo các án Hộ nếu xét ra cần thiết. 2. Hiện thời theo Sắc lệnh số 51 ngày 17/4/1946, Biện lý bắt buộc phải đưa sang phòng Dự thẩm để thẩm cứu một số việc Hình dù rằng xét ra không cần thiết. Nay dự án Sắc lệnh giao cho Biện lý quyền xét định một hồ sơ có cần phải thẩm cứu thêm hay không và Biện lý chỉ giao sang phòng Dự thẩm khi xét thật cần thiết mà thôi. 3. Từ trước tới nay mỗi khi thủ tục tố tụng không được theo đúng thì bị tiêu hủy dù không có hại cho việc thẩm cứu, hoặc cho quyền lợi của đương sự. Sự quá câu nệ về hình thức không còn hợp thời nữa. 4. Chế độ dân sự nguyên cáo ghi trong Sắc lệnh số 51 ngày 17/4/1946 và 131 ngày 20/7/1946 nên bãi bỏ.Từ nay người bị thiệt hại về một vụ phạm pháp có thể xin kháng cáo không những để tăng tiền bồi thường mà còn để tăng hình phạt nữa. 5. Việc chấp hành án này giao cho Thẩm phán huyện phụ trách”.

Trong cuốn Pháp quyền nhân nghĩa Hồ Chí Minh (Nhà xuất bản Văn hóa Thông tin, năm 2001), Bộ trưởng Bộ Tư pháp Vũ Đình Hòe hồi tưởng về Phiên họp thông qua Sắc lệnh cải cách tư pháp đầu tiên: “Các vị trong Hội đồng Chính phủ về cơ bản nhất trí với cả ba dự án, hoan nghênh tinh thần mới rất tiến bộ của pháp luật ta”.

Tuy nhiên, với những trăn trở, suy tư về tiền đồ, sự nghiệp của ngành Tư pháp, Bộ trưởng Vũ Đình Hòe vẫn trình bày một số ý kiến thiết thực, xuất phát từ thực tiễn công tác tư pháp: “Riêng tôi chỉ xin có vài ý kiến nhỏ đề nghị Chính phủ xét xem có nên bàn thêm không. Một là đưa thêm các đại biểu đoàn thể quần chúng do các cấp Hội đồng nhân dân chọn lựa là thực hiện đường lối dân chủ hóa bộ máy nhà nước, là rất đúng và cấp bách, phải làm, nhưng tôi nghĩ phải làm từ từ cùng với việc huấn luyện pháp luật cho các vị ấy. Hiển nhiên là họ sẽ nâng cao chất chính trị của các Tòa án, nhưng cũng nên chú ý việc xét xử không thể quá tin ở nhận thức coi xét xử chỉ cần đến “lương tri cách mạng” là đủ.

Cũng vì lý do ấy, điểm thứ hai tôi lo, là: Chế độ Hội thẩm nhân dân trao quyền quyết định cho các vị có quá lớn, quá rộng hay không. Vì trong Dự án, họ chiếm đa số trong Hội đồng xét xử, rồi họ lại tham gia xét xử cả những vụ kiện dân sự. Tôi nghĩ có lẽ phải đi từng bước, bước đầu chưa nên để họ chiếm đa số, mà nên bồi dưỡng để tăng cường chất chính trị cho thẩm phán chuyên môn… Cả hai loại thành phần đều phải rèn luyện kỹ, vừa phải công nông hóa trí thức, vừa trí thức hóa công nông.

Ý thứ ba tôi muốn trình bày, điều này thật tinh tế, đáng lẽ tôi không dám đụng đến, nhưng vì tiền đồ của ngành, tôi cứ xin bộc lộ thành khẩn. Đó là đứng trên lập trường nào mà xét xử? Có danh từ mới: Lập trường nhân dân, Tòa án nhân dân, Hội thẩm nhân dân. Tôi có cảm giác như ở các cấp cao bên chính trị cũng như bên chuyên môn đều cần phải nghiên cứu nhiều, thảo luận nhiều, cọ xát với thực tế nhiều thì dần dần mới rõ, mới thấy cụ thể được thế nào là lập trường nhân dân.”

Kết thúc phiên họp Hội đồng Chính phủ, Chủ tịch Hồ Chí Minh đưa ra một số ý kiến chỉ đạo: “1. Về cơ bản, tán thành cả ba dự án Sắc lệnh cải cách Tư pháp do Thứ trưởng Tư pháp Trần Công Tường trình bày. 2. Tán thành ý kiến bổ sung của Bộ trưởng Vũ Đình Hòe: “Không đụng” đến Đoàn Luật sư; nhấn mạnh sự cần thiết phải rèn luyện cả hai thành phần: Thẩm phán chuyên môn do Chính phủ bổ nhiệm và Hội thẩm nhân dân do dân cử; nhấn mạnh cải cách tư pháp tiến hành dần dần từng bước”. Trước ý kiến của Bác, mọi người đều giơ tay biểu quyết tán thành.

Tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh về tư pháp và cải cách tư pháp cùng những lời dạy của Người với cán bộ tư pháp nói chung, cán bộ Tòa án nói riêng càng có ý nghĩa hơn trong sự nghiệp cải cách tư pháp ở nước ta hiện nay.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Chủ tịch Hồ Chí Minh và cuộc cải cách tư pháp đầu tiên