Ông Nguyễn Nhân Bảo - Chủ tịch HĐQT CTCP Đầu tư thương mại BĐS An Dương Thảo Điền. |
Thị trường Bất động sản (BĐS) trong nước cho dấu hiệu hồi phục nhưng phân khúc xây BĐS cho thuê dường như chưa thu hút đông đảo giới đầu tư tham gia. Ông nhận định việc này như thế nào?
Ông Nguyễn Nhân Bảo: Thị trường BĐS được chia thành hai loại chính đó là BĐS xây để bán, bao gồm xây căn hộ, bán đất nền… và đây chính phân khúc mà hầu hết các doanh nghiệp BĐS đang theo đuổi. Phân khúc còn lại chính là BĐS xây để cho thuê (cho thuê văn phòng thương mại hay cho thuê lưu trú).
Đối với phân khúc BĐS cho thuê, hiện trong nước đang có hai nhà đầu tư quốc tế là Ascott và Fraser của Singapore, một nhà đầu tư trong nước là An Dương Thảo Điền tham gia phát triển và khai thác.
Theo tôi, có hai nguyên nhân chính khiến nhà đầu tư trong nước không tham gia ở phân khúc này. Thứ nhất, để tham gia cần phải có nguồn vốn lớn vì muốn đưa dự án vào khai thác thì chủ đầu tư phải hoàn thiện tất cả về cơ sở vật chất, dịch vụ… Thứ hai, để cung cấp dịch vụ cho người nước ngoài đòi hỏi phải chuẩn bị một tiêu chuẩn cao nhất nếu không muốn bị các đối thủ từ nước ngoài đánh bại.
Vậy ông cho biết tại sao HAR lại chọn chiến lược đầu tư ở phân khúc thị trường này?
Từ năm 2007-2009 HAR đã bắt đầu hình thành và phát triển chiến lược ở phân khúc này. Nguyên nhân là chúng tôi nhận thấy bên cạnh những rào cản ở trên thì hoạt động xây BĐS cho thuê cũng có nhiều lợi ích. Cụ thể, phân khúc này khi phát triển tốt sẽ mang lại nguồn doanh thu và lợi nhuận ổn định, đồng thời ít bị ảnh hưởng tiêu cực khi nền kinh tế rơi vào khủng hoảng.
Ngoài ra, đối với BĐS xây để cho thuê, khi chuyển nhượng, giá trị dự án sẽ được xác định trên dòng tiền mang về. Do đó, lợi nhuận thu về cũng cao hơn. Đây cũng là một trong những định hướng BĐS được yêu thích nhất ở nước ngoài. Việc mua bán BĐS thương mại ở các nước khác không còn hấp dẫn do giá không còn tăng nhiều. Hiện nay, các quỹ đầu tư nước ngoài đang rất quan tâm đến hoạt động này, khi mà lợi nhuận ổn định mỗi năm từ 8-10%.
Theo ông, đây có phải là lý do mà quỹ Mutual Fund Elite (Non-Ucits) của Phần Lan liên tục gom cổ phiếu HAR và trở thành cổ đông lớn với tỷ lệ nắm giữ hiện tại là 7.76%?
Tôi nghĩ vậy.
Ông có lo ngại về việc Mutual Fund Elite (Non-Ucits) nâng sở hữu lên hay không?
Không chỉ riêng HAR, tổ chức này hiện đang mua và trở thành cổ đông lớn của khá nhiều doanh nghiệp trên sàn, vì thế tôi cũng không quá quan ngại về vấn đề này.
Trở lại với phân khúc BĐS mà HAR đang theo đuổi, kế hoạch sắp tới của Công ty là như thế nào, thưa ông?
Ngay tại thời điểm này, HAR đã và đang đẩy mạnh đa dạng hóa sản phẩm theo hai hướng chính:
Thứ nhất, tăng số lượng đơn vị đưa ra khai thác trên thị trường bằng cách đẩy nhanh tiến độ xây dựng. Cụ thể hơn, HAR sẽ tìm kiếm các đối tác có sẵn quỹ đất để hợp tác. HAR sẽ chịu trách nhiệm xây dựng và cung cấp cũng như quản lý chất lượng dịch vụ tại dự án này. Điều này sẽ giúp công ty giảm được đáng kể chi phí về đất.
Thứ hai, HAR sẽ mở rộng đối tượng khách hàng trong phân khúc xây BĐS cho thuê. Trước đây, Công ty chỉ hướng đến những khách nước ngoài có thu nhập từ 1,500 – 2,500 USD/tháng thì bây giờ sẽ mở rộng thêm những đối tượng có thu nhập từ 500-800 USD/tháng. Thậm chí những cặp vợ chồng trẻ trong nước có thu nhập trong mức này cũng sẽ được HAR đưa vào đối tượng tiềm năng.
Theo như ông nói, kế hoạch phát triển HAR sẽ phụ thuộc nhiều vào việc chọn đối tác có đất và sẵn lòng hợp tác đầu tư. Điều này có trở nên khó khăn hay không?
Việc chọn lựa đối tác để hợp tác đầu tư được HAR thực hiện rất kỹ để đảm bảo không phát sinh mâu thuẫn khi dự án đang triển khai.
Hiện nay, các chủ đất cũng đánh giá được rằng giá trị đất dù ở vị trí đẹp thế nào cũng không thể so sánh với giá trị phát sinh được tạo ra bởi các phương án kinh doanh trên đất đó. Chính điều này mở ra hướng hợp tác mới và HAR cũng không quá khó để lựa chọn đối tác cùng đầu tư.
Dự án Glenwood Residences |
Tại sao HAR quyết định đẩy mạnh đầu tư vào thời điểm này?
Có rất nhiều yếu tố khiến chúng tôi đẩy mạnh vào thời điểm nay. Dễ thấy nhất chính là sự phù hợp của phân khúc này trong điều kiện có nhiều hơn người nước ngoài sang Việt Nam làm việc.
Thêm vào đó, dòng vốn tín dụng giá rẻ đang xuất hiện giúp các doanh nghiệp trong ngành dễ tiếp cận nguồn vốn hơn.
Ngoài ra, hiện có khá nhiều quỹ đầu tư ngoại đang tìm kiếm mô hình mà HAR đang làm. Điều này có thể giúp chúng tôi chuyển nhượng những dự án nhỏ để tập trung phát triển cái lớn hơn.
Từ đầu năm thì HAR đã hoàn thành dự án nào để đưa vào triển khai? Và trong thời gian tới thì sao, thưa ông?
Vào đầu tháng 6 này, HAR đã hoàn thành dự án Glenwood Residences và đang đưa vào khai thác 53 đơn vị, kỳ vọng đến 15/08 thì tỷ lệ lấp đầy là 90-95%.
Với dự án Glenwood Suites, HAR đang bắt đầu triển khai phần móng. Dự án này được thiết kế cho khách nước ngoài là người Nhật. Dự kiến đến quý 2/2015, Glenwood Suites sẽ hoàn thành và đưa vào khai thác.
Kế hoạch đến năm 2015, HAR sẽ cung cấp 200 đơn vị ra thị trường và đến năm 2017 sẽ là 500 đơn vị.
Trở lại với hoạt động sản kinh doanh cụ thể của HAR, ông có thể chia sẻ thêm về kết quả trong 6 tháng đầu năm 2014?
Trong 6 tháng đầu năm 2014, HAR ước sẽ hoàn thành khoảng 50% kế hoạch cả năm.
Việc đưa vào đúng kế hoạch khai thác các dự án sẽ giúp HAR đảm bảo kế hoạch kinh doanh đề ra. Chúng tôi đang hướng đến năm 2015 sẽ tăng trưởng từ 15-20% cả về doanh thu và lợi nhuận.
Xin ông chia sẻ thêm về hoạt động nông sản mà Công ty đang định “lấn sân”?
Lúc đầu, HAR chỉ định làm thương mại trong lĩnh vực này, tức là chỉ mua bán thức ăn chăn nuôi gia súc. Tuy nhiên, hiện nay chúng tôi đang nghiên cứu kỹ hơn và muốn trực tiếp tham gia đầu tư nguồn nguyên liệu.
HAR dự kiến sẽ phát hành 18 triệu cp cho cổ đông hiện hữu, việc này diễn ra như thế nào rồi thưa ông?
Chúng tôi đang hoàn thiện mọi thứ và phát hành sớm nhất trong thời gian tới.
Cũng chia sẻ thêm, hiện đã có hai quỹ nước ngoài ngỏ ý muốn mua lại số lượng cổ phần trong trường hợp phát hành không hết.
Xin cám ơn ông!
Sanh Tín thực hiện