Mùa mưa bão năm 2019 tuy chỉ mới bắt đầu, song các tỉnh thuộc khu vực Bắc Trung Bộ đã phải hứng chịu thiệt hại hết sức nặng nề. Theo dự báo, mưa lũ có thể sẽ diễn biến phức tạp, đòi hỏi các cấp, ngành chức năng và người dân chủ động trong ứng phó.
Thiệt hại nặng nề vì bão lũ
Trong mấy năm gần đây, thời tiết ở Việt Nam diễn biến ngày càng bất thường. Hạn hán, ngập lụt, sạt lở, giông tố, bão lũ đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống an sinh của người dân và tác động tiêu cực tới sự phát triển kinh tế của cả nước. Ngay từ những tháng đầu năm 2019, thiên tai đã xảy ra ở khắp các vùng miền trên cả nước, như mưa lớn cực đoan, mưa đá, giông lốc, sạt lở bờ sông, bờ biển... nhất là tại khu vực miền núi phía Bắc, gây thiệt hại người và tài sản.
Theo số liệu thống kê, trong 6 tháng đầu năm 2019, thiên tai đã làm 29 người chết và mất tích, 39 người bị thương; 649 ngôi nhà bị sập đổ và cuốn trôi, hơn 19.000 ngôi nhà bị ngập và hư hỏng; gần 18.000 ha lúa và hoa màu bị hư hỏng. Tổng giá trị thiệt hại về tài sản ước tính hơn 464 tỷ đồng. Chỉ tính riêng cơn bão số 2 (tên quốc tế là Mun), diễn ra trong những ngày đầu tháng 7 vừa qua đã khiến 2 người chết, 3 người bị thương, chưa thống kê được tổng thiệt hại về tài sản.
Còn trước đó, trong năm 2018, thiên tai đã làm 224 người chết và mất tích; 1.967 nhà bị đổ, trôi; 31.335 nhà bị ngập hư hỏng và di dời; 261.377 ha lúa và hoa màu bị ngập, thiệt hại; 29.400 con gia súc và 747.427 con gia cầm bị chết;… tổng thiệt hại về kinh tế ước tính gần 20.000 tỷ đồng. Bên cạnh những thiệt hại về vật chất nêu trên, thiên tai cũng đã làm đình trệ sản xuất, cản trở giao thương, làm gián đoạn việc cung cấp dịch vụ thiết yếu tại nhiều khu vực, nhất là khu vực Đồng bằng sông Cửu Long và khu vực Bắc Trung Bộ.
Chỉ tính riêng ở các tỉnh miền núi phía Bắc, trong gần 20 năm qua đã xảy ra trên 300 trận lũ quét, sạt lở đất với quy mô và phạm vi ngày càng lớn, gây thiệt hại nặng nề về người, tài sản và cơ sở hạ tầng. Đỉnh điểm là năm 2017, các đợt lũ quét, sạt lở đất trong năm đã làm 71 người tử vong và mất tích, 4.109 ngôi nhà bị sập, đổ, cuốn trôi. Ước tính hiện nay vẫn còn hơn 10 nghìn hộ gia đình đang sinh sống tại những nơi không đảm bảo an toàn, có nguy cơ cao ảnh hưởng lũ quét, sạt lở đất.
Nạn nhân trong vụ sạt lở kinh hoàng ở Lai Châu năm 2018
Mới đây, vào rạng sáng ngày 13/7/2019, tại xóm Bản Mới, xã Mỹ Hưng, huyện Phục Hòa, tỉnh Cao Bằng đã xảy ra một vụ lở núi khiến 3 người trong một gia đình (2 vợ chồng và một cô con gái) thiệt mạng. Được biết, khi vụ sạt lở xảy ra, cả 3 nạn nhân đều đang ngủ.
Có thể nói thiên tai, bão lũ đang là thách thức nghiêm trọng đối với nước ta, nếu không ứng phó hiệu quả với mối nguy này thì thành quả phát triển kinh tế xã hội sẽ chịu tổn hại, quá trình phát triển bền vững sẽ gặp nhiều khó khăn, thậm chí là không thể đạt được.
Cần sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị
Những năm qua, Đảng, Nhà nước rất quan tâm đến công tác phòng chống thiên tai (PCTT), thể hiện bằng việc củng cố mạnh mẽ hệ thống cơ quan PCTT từ Trung ương tới địa phương, hoàn thiện pháp luật về PCTT, chỉ đạo gắt gao công tác này và nêu cao tinh thần trách nhiệm trước nhân dân.
Từ năm 2015, Việt Nam đã lập kế hoạch hàng loạt dự án, đầu tư xây dựng hệ thống hồ tích trữ nước ngọt; phát triển và bảo vệ rừng phòng hộ, rừng đầu nguồn, rừng ngập mặn; đầu tư hệ thống quan trắc môi trường, dự báo khí tượng thủy văn; di dời dân cư ra khỏi vùng nguy hiểm...
Công tác PCTT, tìm kiếm cứu nạn (TKCN) đã không còn là trách nhiệm của một hay vài cấp ngành, mà đã huy động được sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị. Cấp ủy, chính quyền các cấp trên tinh thần áp dụng linh hoạt phương châm 4 tại chỗ đã rất nỗ lực giảm nhẹ thiệt hại nhất là thiên tai sự cố ở nhiều vùng.
Việt Nam thường phải gánh chịu thiệt hại rất lớn do thiên tai, mưa lũ
Trong năm 2018, các lực lượng cứu hộ cứu nạn đã ứng cứu, xử lý hàng nghìn vụ, cứu được 6.624 người và 328 phương tiện và làm tốt công tác hướng dẫn các phương tiện trên biển tránh trú bão. Lực lượng vũ trang, công an quan đội đã đóng vai trò quan trọng, kịp thời trong mọi tình huống khẩn cấp và phối hợp cùng các bộ ngành trong các công tác phòng chống, khắc phục. Bên cạnh đó, Việt Nam cũng tham gia ứng cứu thành công, hỗ trợ các nước bạn trong các sự cố thiên tai, như sự cố vỡ đập ở Lào hay gần đây là vụ việc cứu 22 ngư dân Philippines trên biển sau khi tàu cá bị đâm chìm...
Đồng thời, công tác xây dựng thể chế, quy chế tìm kiếm thiên tai, hoạt động từng bước được cải thiện. Công tác dự báo cảnh báo thiên tai có nhiều tiến bộ, chất lượng dự báo từng bước được nâng cao theo hướng ngày càng chi tiết cụ thể hơn. Việc ứng dụng khoa học công nghệ trong quan trắc, dự báo, theo dõi, giám sát công trình, khu vực trọng điểm thiên tai đã bước đầu được coi trọng.
Bên cạnh những kết quả đạt được, công tác PCTT thực tiễn hiện nay bộc lộ những tồn tại, hạn chế như hệ thống văn bản pháp luật, cơ chế chính sách, tiêu chuẩn, định mức kỹ thuật còn nhiều khoảng trống và tồn tại bất cập ảnh hưởng đến việc triển khai, áp dụng trên thực tế; tổ chức bộ máy PCTT còn thiếu đồng bộ từ Trung ương đến địa phương; lực lượng tham gia PCTT còn thiếu các công cụ hỗ trợ các điều kiện bảo đảm để thực thi nhiệm vụ.
Cùng với đó, các chế tài xử lý vi phạm trong PCTT còn thiếu và chưa đủ mạnh; quy trình tiếp nhận viện trợ, phục vụ cứu trợ khẩn cấp và khắc phục hậu quả thiên tai còn phức tạp; cơ chế chính sách trong xã hội hóa công tác PCTT còn hạn chế, chưa thu hút sự tham gia tích cực của khối tư nhân vào hoạt động PCTT; công tác dự báo, cảnh báo chưa đáp ứng yêu cầu thực tiễn đặt ra trong điều kiện diễn biến thiên tai ngày càng phức tạp, khó lường;…
“Xây dựng xã hội phát triển an toàn trước thiên tai”
Mới đây, tại Hội nghị Tổng kết công tác Phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, công tác PCTT cần phải tạo được chuyển biến trong tư duy, hành động, lập kế hoạch và triển khai kế hoạch. Yêu cầu của xã hội an toàn hơn trước thiên tai ngày một cao hơn và đặt ra những thách thức, đòi hỏi công tác phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn phải ngày càng tốt hơn, quyết liệt hơn.
Hiện trường vụ lở núi ở Phục Hòa, Cao Bằng
Đồng thời, Thủ tướng cũng nêu rõ quan điểm chỉ đạo đối với công tác PCTT là cần “xây dựng xã hội phát triển an toàn trước thiên tai”, theo hướng quản lý rủi ro, phòng ngừa là chính. Tác động trực tiếp của biến đổi khí hậu đã làm cho thiên tai ngày càng phức tạp, bất thường, cực đoan, không theo quy luật. Đây là thách thức lớn đối với công tác dự báo, cũng như phòng chống thiên tai, đặc biệt là mưa lũ cục bộ, lũ quét, sạt lở đất, triều cường… Trong khi đó, một số bộ, ngành, địa phương ý thức phòng chống thiên tai còn kém, trong khi bất cứ vùng nào cũng có thể có thiên tai trong thời tiết biến đổi cực đoan như hiện nay.
Định hướng thời gian tới, Thủ tướng chỉ ra một số nhiệm vụ trọng tâm cần triển khai. Trong đó, cần khẩn trương kiện toàn cơ quan chỉ đạo, chỉ huy phòng chống thiên tai các cấp, phân công rõ thẩm quyền, trách nhiệm của từng thành viên. Rà soát, cập nhật, hoàn thiện phương án ứng phó thiên tai và tìm kiếm cứu nạn, tránh tình trạng bị động, lúng túng khi tình huống bất lợi xảy ra. Tiếp tục tuyên truyền, nâng cao nhận thức, hướng dẫn kỹ năng phòng, chống với thiên tai cho người dân và cộng đồng thông qua tập huấn, đào tạo, diễn tập.
Chất lượng công tác dự báo, cảnh báo thiên tai và khả năng chống chịu trước thiên tai của công trình kết cấu hạ tầng cần tiếp tục được nâng cao. Năng lực tham mưu, chỉ đạo điều hành, hiệu lực, hiệu quả chỉ đạo của hệ thống cơ quan chỉ đạo từ Trung ương đến địa phương cần tiếp tục cải thiện, đồng thời, hoàn thiện thể chế, chính sách, pháp luật bảo đảm tính đồng bộ, hiệu lực, hiệu quả; xây dựng được đội ngũ làm công tác tham mưu phòng chống thiên tai chuyên nghiệp, chủ động.
Bên cạnh đó, Ban chỉ đạo Trung ương về PCTT khẳng định, năm 2019 cần triển khai quyết liệt các giải pháp PCTT đồng bộ từ phòng ngừa đến ứng phó và khắc phục hậu quả. Mục tiêu hàng đầu vẫn là giảm thiệt hại về người do thiên tai, đặc biệt là đối với bão, lũ và lũ quét, sạt lở đất ở các tỉnh miền núi; giảm thiệt hại về vật chất, nhất là trong lĩnh vực dễ bị tổn như: nông nghiệp, thủy sản, đê điều, thủy lợi, giao thông, hệ thống lưới điện, y tế, giáo dục.
Đồng thời, Ban chỉ đạo Trung ương về PCTT cũng yêu cầu các địa phương theo dõi chặt chẽ tình hình thời tiết trên địa bàn, chuẩn bị mọi phương án ứng phó với mùa mưa bão trong 6 tháng cuối năm 2019 để giảm thiểu tối đa thiệt hại về người và của do thiên tai gây ra.