Theo thông báo của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), vi rút Zika có tốc độ lan truyền rất nhanh, đặc biệt tại các nước khu vực châu Mỹ. Tổ chức Y tế Thế giới đã có cuộc họp ban bố tình trạng khẩn cấp để kiểm soát, ngăn chặn dịch bệnh.
Chiều 2/2, tại cuộc họp trực tuyến của Ban chỉ đạo phòng chống dịch bệnh, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) Trần Đắc Phu cho biết: Hiện nay, dịch bệnh trên thế giới và khu vực đang diễn biến phức tạp, đặc biệt là các dịch bệnh nguy hiểm như Zika, Ebola, MERS-CoV, cúm A(H7N9), cúm A(H5N6)... Nước ta có đường biên giới dài với các nước cùng với việc giao lưu thương mại gia tăng nên việc kiểm soát, ngăn chặn dịch bệnh qua biên giới gặp nhiều khó khăn.
PGS.TS Nguyễn Thị Kim Tiến – Bộ trưởng Bộ Y tế chủ trì cuộc họp
Vì vậy, nguy cơ xâm nhập và bùng phát dịch bệnh vào Việt Nam trong thời gian tới rất lớn. Đồng thời, tại Việt Nam hiện nay đang là mùa đông – xuân cùng với sự gia tăng sử dụng thực phẩm và giao lưu đi lại của người dân trong dịp Tết Nguyên đán làm tăng nguy cơ bùng phát dịch bệnh, đặc biệt là bệnh Zika và bệnh lây truyền qua đường hô hấp.
Cảnh báo nguy cơ xâm nhập
Cục trưởng Trần Đắc Phu khẳng định: Tại Việt Nam, hiện nay chưa phát hiện trường hợp nào nhiễm vi rút Zika. Tuy nhiên, nguy cơ dịch bệnh có thể xâm nhập và lây lan rộng trong cộng đồng là hoàn toàn có thể do sự giao lưu, du lịch, thương mại, lao động rất lớn giữa Việt Nam và các nước trên thế giới. Theo thống kê từ các cửa khẩu quốc tế, hàng tuần Việt Nam có khoảng 200.000 lượt hành khách nhập cảnh và trên 170.000 hành khách xuất cảnh.
Trong khi đó, hiện nay người dân không có miễn dịch đối với vi rút Zika. Đồng thời, nước ta đang lưu hành bệnh sốt xuất huyết cùng với sự lưu hành của loại muỗi Aedes – là loại muỗi truyền vi rút Zika. Đặc biệt, tại miền Trung nước ta dịch sốt xuất huyết vẫn đang diễn biến phức tạp và nguy cơ còn có thể kéo dài một thời gian nữa.
Theo thông báo của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), vi rút Zika có tốc độ lan truyền rất nhanh, đặc biệt tại các nước khu vực châu Mỹ. Tổ chức Y tế Thế giới đã có cuộc họp Ủy ban tình trạng khẩn cấp và các chuyên gia của Tổ chức Y tế Thế giới đã thống nhất: Có một sự liên quan khá rõ ràng giữa việc nhiễm vi rút Zika trong thời kỳ mang thai của người mẹ và chứng não nhỏ của trẻ sơ sinh mặc dù chưa có bằng chứng khoa học đầy đủ chứng minh. Sự lưu hành rộng rãi của muỗi Aedes sẽ tạo điều kiện để vi rút Zika lây truyền rộng rãi trên thế giới. Hiện nay, chưa có vắc xin phòng bệnh, chưa có thuốc điều trị đặc hiệu trong khi đó cộng đồng chưa có miễn dịch nên sẽ tiếp tục ghi nhận thêm nhiều ca bệnh trong thời gian tới...
Thực hiện nhiều biện pháp ngăn chặn
Trước tình hình trên, Việt Nam đã giám sát chặt chẽ các hành khách nhập cảnh từ các quốc gia và khu vực đang có dịch bệnh do vi rút Zika thông qua việc phát hiện các trường hợp sốt bằng máy đo thân nhiệt từ xa; xây dựng Hướng dẫn giám sát và các biện pháp phòng chống bệnh do vi rút Zika. Các cơ sở y tế thực hiện lấy mẫu tất cả các trường hợp nghi ngờ nhiễm vi rút Zika; đồng thời, điều tra dịch tễ, lấy mẫu xét nghiệm, lập danh sách, quản lý, theo dõi tất cả các trường hợp có triệu chứng nghi ngờ với mần bệnh. Các cơ sở điều trị sẵn sàng tiếp nhận bệnh nhân, phối hợp với các đơn vị y tế dự phòng trong việc xét nghiệm, chẩn đoán xác định dịch cũng như điều tra dịch tễ ca bệnh...
Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến cho biết: Hiện trên thế giới và khu vực đang có nhiều dịch bệnh diễn biến phức tạp, đặc biệt bệnh do vi rút Zika có nguy cơ xâm nhập vào nước ta rất lớn. Để phòng chống bệnh này, Bộ Y tế đã khuyến cáo người dân hạn chế đi du lịch đến các nước đang lưu hành bệnh, đặc biệt là phụ nữ có thai; người dân lật úp tất cả các dụng cụ chứa nước để loại bỏ nơi đẻ trứng của muỗi. Bên cạnh đó, ngành y tế cần tiếp tục giám sát tại các cửa khẩu quốc tế để phát hiện sớm các ca bệnh và kịp thời cách ly, điều trị; tăng cường giám sát tại cộng đồng, đặc biệt là những nơi có mật độ muỗi cao...