Chủ động cân đối nguồn vốn cho vay xuất khẩu gạo

Lan Trần| 11/10/2018 17:08
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) đã có văn bản yêu cầu các tổ chức tín dụng (TCTD) thực hiện Nghị định số 107/2018/NĐ-CP ngày 15/8/2018 của Chính phủ về kinh doanh xuất khẩu gạo.

Để triển khai thực hiện Nghị định số 107/2018/NĐ-CP, NHNN yêu cầu các TCTD chủ động cân đối nguồn vốn để cho vay kịp thời các nhu cầu vốn quy định tại Khoản 5 Điều 22 Nghị định số 107/2018/NĐ-CP ngày 15/8/2018 của Chính phủ, đảm bảo phù hợp với quy định về cho vay của TCTD đối với khách hàng và chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp nông thôn.

Trường hợp giá thóc, gạo hàng hóa giảm quá thấp bất hợp lý, không phù hợp với giá thóc định hướng quy định tại Điều 14 Nghị định số 107/2018/NĐ-CP, TCTD áp dụng biện pháp cụ thể để điều tiết thị trường, góp phần hạn chế thiệt hại cho người sản xuất theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và hướng dẫn của NHNN trong từng thời kỳ.

Chủ động cân đối nguồn vốn cho vay xuất khẩu gạo

Ảnh minh họa

Trước đó, ngày 15/8/2018, Chính phủ ban hành Nghị định số 107/2018/NĐ-CP quy định về kinh doanh xuất khẩu thóc gạo. Nghị định này có hiệu lực thi hành từ ngày 1/10/2018 và bãi bỏ Nghị định số 109/2010/NĐ-CP.

Theo đó, điều kiện kinh doanh đối với hoạt động xuất khẩu gạo bao gồm: Thương nhân được kinh doanh xuất khẩu gạo khi có ít nhất 1 kho chuyên dùng để chứa thóc, gạo phù hợp với tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về kho chứa thóc, gạo do cơ quan có thẩm quyền ban hành theo quy định của Luật tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật.

Thương nhân phải có ít nhất 1 cơ sở xay, xát hoặc cơ sở chế biến thóc, gạo phù hợp với tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về kho chứa và cơ sở xay, xát, chế biến thóc, gạo do cơ quan có thẩm quyền ban hành theo quy định của Luật tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật.

Với quy định kho chứa, cơ sở xay, xát, chế biến thóc, gạo, Nghị định 107 quy định : Để đáp ứng điều kiện kinh doanh xuất khẩu gạo, thương nhân có thể sở hữu kho và cơ sở xay xát hoặc có thể thuê lại của tổ chức, cá nhân khác. Các hợp đồng thuê các cơ sở này phải bằng văn bản theo quy định của pháp luật với thời hạn thuê tối thiểu 5 năm.

Nghị định 107 được đánh giá là mở hơn so với quy định cũ tại Nghị định 109/2010, trước đó yêu cầu thương nhận phải sở hữu ít nhất 1 kho tối thiểu 5.000 tấn và một cơ sở xay xát công suất 10 tấn thóc/giờ.

Theo đánh giá của Bộ Công Thương, từ cuối năm 2017 đến nay, giá gạo xuất khẩu của Việt Nam liên tục tăng khá. Giá xuất khẩu bình quân 8 tháng đầu năm đạt 504,4 USD/tấn, tăng 14,6% so với cùng kỳ năm 2017. Tính riêng 9 tháng đầu năm, Việt Nam đã xuất khẩu trên 4,89 triệu tấn gạo, tăng 6,7% so với cùng kỳ năm 2017; giá trị xuất khẩu gạo 2,46 tỷ USD, tăng 21, 3% so với cùng kỳ.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Chủ động cân đối nguồn vốn cho vay xuất khẩu gạo