Vấn đề quan tâm

Chốt mô hình hoạt động ba cấp cho BHXH Việt Nam

Nguyễn Cúc 20/02/2025 17:27

BHXH Việt Nam vẫn giữ nguyên tên gọi và tiếp tục là đơn vị sự nghiệp công lập thuộc Bộ Tài chính, hoạt động theo mô hình ba cấp: Trung ương, tỉnh và huyện.

bhxh-vn.jpg
Trụ sở Bảo hiểm Xã hội Việt Nam.

Thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Tài chính cùng Bảo hiểm xã hội (BHXH) Việt Nam và các đơn vị liên quan đã tiến hành nhiều cuộc họp nhằm triển khai việc sáp nhập, tinh gọn bộ máy tổ chức. Sau quá trình thống nhất, cơ cấu tổ chức của BHXH Việt Nam đã được điều chỉnh với mục tiêu nâng cao hiệu quả hoạt động và tối ưu hóa nguồn lực.

Theo đó, BHXH Việt Nam vẫn giữ nguyên tên gọi và tiếp tục là đơn vị sự nghiệp công lập thuộc Bộ Tài chính, hoạt động theo mô hình ba cấp: Trung ương, tỉnh và huyện. Ở cấp trung ương, số đơn vị trực thuộc giảm từ 21 xuống còn 14, trong khi ở cấp tỉnh, 63 BHXH tỉnh, thành phố được tổ chức lại thành 35 BHXH khu vực. Đồng thời, ở cấp huyện, 640 BHXH cấp huyện giảm xuống còn 350 BHXH liên huyện, đồng thời bỏ tổ nghiệp vụ.

Như vậy, tổng số đầu mối trực thuộc BHXH Việt Nam giảm 651 trên tổng số 1.466, tương đương mức cắt giảm 44,4%. Tuy nhiên, chức năng, nhiệm vụ của cơ quan vẫn được giữ nguyên, đồng thời bổ sung hai nhiệm vụ quan trọng, bao gồm thực hiện chế độ, chính sách bảo hiểm hưu trí bổ sung và tham gia xây dựng, bổ sung, hoàn thiện chính sách, pháp luật về bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm y tế và bảo hiểm hưu trí bổ sung.

Cơ cấu lãnh đạo BHXH Việt Nam tiếp tục được đề xuất giữ nguyên một cấp trưởng và năm cấp phó. Về nguyên tắc sắp xếp nhân sự, đối với lãnh đạo cấp trưởng, ưu tiên bố trí giữ chức danh tương đương nếu còn vị trí phù hợp. Trong trường hợp không có vị trí tương đương, có thể xem xét bổ nhiệm làm cấp phó hoặc bố trí vị trí phù hợp khác theo quy định. Đối với lãnh đạo cấp phó, trong quá trình sáp nhập, số lượng cấp phó có thể tạm thời cao hơn quy định, sau đó sẽ được điều chỉnh phù hợp.

Đối với công chức, viên chức không giữ chức vụ lãnh đạo, việc điều chuyển, sắp xếp đảm bảo phù hợp với năng lực, chuyên môn, đồng thời ưu tiên phương án sắp xếp nhân sự đồng bộ với tổ chức bộ máy. Bên cạnh đó, nhân sự sẽ được ổn định trong ít nhất 6 tháng kể từ khi sắp xếp để tránh ảnh hưởng lớn đến hoạt động của đơn vị.

Với công chức, viên chức trong diện quy hoạch lãnh đạo, các đơn vị sẽ tiến hành rà soát, duy trì hoặc bổ sung quy hoạch theo đúng quy định. Trường hợp công chức, viên chức hoặc người lao động dôi dư do sắp xếp lại tổ chức, cơ quan sẽ thực hiện điều chuyển trong nội bộ đơn vị. Nếu không có vị trí phù hợp hoặc cá nhân có nguyện vọng xin nghỉ, đơn vị sẽ giải quyết tinh giản biên chế, thôi việc theo quy định.

Việc sắp xếp lại bộ máy tổ chức của BHXH Việt Nam là một bước đi quan trọng nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động, tinh giản bộ máy nhưng vẫn đảm bảo thực hiện đầy đủ các nhiệm vụ trọng yếu. Đây không chỉ là quá trình tổ chức lại cơ cấu nhằm tối ưu hóa nhân lực mà còn góp phần nâng cao chất lượng quản lý, thực hiện tốt các chính sách an sinh xã hội.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Chốt mô hình hoạt động ba cấp cho BHXH Việt Nam