Đó là chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc tại phiên họp Thường trực Chính phủ chiều ngày 12/2.
Cuộc họp diễn ra nhằm đánh giá tác động của tình hình dịch bệnh do chủng mới của virus Corona (COVID-19), cập nhật kịch bản tăng trưởng năm 2020 và các giải pháp chỉ đạo, điều hành để thực hiện các chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội năm 2020.
Chưa thay đổi mục tiêu tăng trưởng
Sau khi lắng nghe các ý kiến phát biểu về ảnh hưởng của dịch đến các lĩnh vực như du lịch, hàng không, công thương, nông nghiệp, lao động, giao thông vận tải, tài chính ngân hàng…, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh các ngành lớn cần có đề án riêng để xử lý, giải quyết. Với đường biên giới dài và giao thương lớn với Trung Quốc, ảnh hưởng của dịch là điều tất nhiên và chúng ta cần thấy toàn bộ tình hình để có giải pháp tốt hơn, dài hơi hơn, quyết liệt hơn. Trong đó, không chỉ có biện pháp về kinh tế mà cả biện pháp về thể chế, chính sách để tạo điều kiện cho phát triển.
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại phiên họp
Thủ tướng khẳng định, chưa thay đổi mục tiêu tăng trưởng trong bối cảnh hiện nay. Mặc dù vậy, chúng ta cần có kịch bản theo tình hình dịch để chủ động ứng phó. Bộ Kế hoạch và Đầu tư hoàn thiện các phương án để có mức phấn đấu cụ thể.
Thủ tướng nhấn mạnh, tất cả cán bộ công chức của các Bộ, ngành, địa phương không được vô cảm trước tình hình đầy khó khăn, “lửa thử vàng, gian nan thử sức”, cần bình tĩnh nhưng quyết tâm cao.
Thủ tướng nhắc lại yêu cầu chống 2 loại virus là virus Corona và “virus” trì trệ, không dám tiến công, không hành động. Chúng ta giải quyết 2 virus này thì xã hội, đất nước phát triển. Biện pháp phải mạnh, chủ trương cụ thể, vào cuộc đồng bộ. Những người chiến sĩ trên mặt trận chống dịch và mặt trận kinh tế cùng quyết tâm, phối hợp biến nguy thành cơ, biến bại thành thắng, đưa đất nước tiến lên…
Phải chủ động theo dõi tình hình
Theo Thủ tướng, kiểm soát dịch bệnh mạnh mẽ nhưng bình tĩnh, kiên quyết, bảo đảm an toàn cho người dân. Đi liền với đó, bảo đảm sản xuất, kinh doanh, dịch vụ ổn định, ổn định tâm lý tiêu dùng và tâm lý doanh nghiệp. Giải tỏa điểm nghẽn trong xã hội hiện nay.
Thủ tướng cho biết, ông đã nhận được bức thư của Hội đồng tư vấn du lịch quốc gia cho rằng, vào thời điểm này, dựa trên nghiên cứu của Hội đồng, các thị trường du lịch đường dài vẫn mở ra nhiều cơ hội kinh doanh. Vì vậy, Hội đồng đánh giá cao quyết định của Thủ tướng về việc tiếp tục mở cửa các điểm danh lam, thắng cảnh du lịch để không làm tê liệt thị trường du lịch quốc tế. Từ thông tin phản hồi trong nội bộ ngành rằng du lịch đường dài bị ảnh hưởng ít, Hội đồng kiến nghị biện pháp trước mắt nên được xem xét là miễn visa du lịch thời hạn 30 ngày cho một số thị trường.
Quang cảnh phiên họp
Chống dịch quyết liệt, đồng bộ nhưng không phải đóng cửa tất cả không hoạt động. Thủ tướng yêu cầu các ngành, các địa phương phát động các nhà máy, xí nghiệp, siêu thị, các danh lam thắng cảnh, di tích hoạt động bình thường.
Thủ tướng cũng nêu rõ một số biện pháp giảm chi phí thuộc thẩm quyền của Chính phủ như lệ phí visa. Không tăng giá dịch vụ như điện, y tế, giáo dục và các dịch vụ khác. Đẩy mạnh đầu tư công và các công trình trọng điểm, đẩy mạnh giải ngân ODA, FDI, đầu tư xã hội.
Tổ chức sản xuất, tái cơ cấu thị trường, coi trọng thị trường nội địa, mở rộng thị trường quốc tế. Tính toán kịp thời nhập khẩu nguyên liệu cho sản xuất.
Cùng với đó là việc ổn định kinh tế vĩ mô, đẩy mạnh sản xuất lương thực, thực phẩm, hàng tiêu dùng, không để tình trạng thiếu hàng, găm hàng, đầu cơ tăng giá.
Về điều hành chính sách tiền tệ, phải chủ động theo dõi tình hình, có biện pháp phản ứng kịp thời, nhất là kiểm soát chặt chẽ tỉ giá. Lãnh đạo các bộ, ngành, địa phương, tập đoàn, doanh nghiệp đi sát thực tiễn, thường xuyên tháo gỡ vướng mắc với tinh thần trách nhiệm cao nhất để phát triển sản xuất.
Thủ tướng nhắc lại phát biểu, chúng ta đã thành lập các đội phản ứng nhanh để chống dịch Covid-19 thì chúng ta cũng phải phản ứng nhanh về kinh tế, tài chính, sản xuất để bù đắp giảm sút kinh tế do dịch bệnh.