Trên cơ sở đánh giá tình hình thực tế, Ban Thường vụ Thành uỷ Hà Nội giao Ban Cán sự Đảng UBND Thành phố chỉ đạo UBND Thành phố ban hành công điện mới về việc tiếp tục thực hiện Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ và Chỉ thị 17 của UBND Thành phố trên địa bàn Thành phố Hà Nội.
Chiều 20/8, Phó Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Phong, Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy Bùi Huyền Mai và Phó Chủ tịch UBND thành phố Chử Xuân Dũng chủ trì họp thông tin về công tác phòng, chống dịch Covid-19 trên địa bàn TP Hà Nội.
Thông tin tại hội nghị, Phó Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Phong đánh giá: Trong thời gian qua, cả hệ thống chính trị từ Thành phố đến cơ sở, đặc biệt là các thôn, tổ dân phố đã rất nỗ lực cố gắng trong phòng, chống dịch bệnh Covid-19, tình hình dịch bệnh từng bước được kiềm chế.
Thành phố đã thực hiện một loạt các giải pháp, như tiêm chủng đúng theo chỉ đạo của Trung ương, sát tình hình thực tế, có vắc xin đến đâu tiêm ngay đến đó và theo thứ tự các đối tượng ưu tiên theo đúng hướng dẫn của Trung ương và có những điều chỉnh cho phù hợp với tình hình thực tế. Đến nay, trên 48% công nhân trong các khu công nghiệp, khu chế xuất của Thành phố đã được tiêm vắc xin và tới đây tiếp tục tiêm cho các đối tượng có nguy cơ cao như lực lượng tuyến đầu, bảo vệ các khu nhà, bán hàng, công nhân, người hoạt động làm việc trong các chuỗi cung ứng, shipper, lái xe đã được Thành phố trưng dụng...
Thành phố cũng triển khai xét nghiệm diện rộng nhưng có trọng tâm, trọng điểm là những vùng đỏ, vùng nguy cơ cao, đối tượng có nguy cơ, đặt mục tiêu lấy 1,3 triệu mẫu để xét nghiệm, qua đó đã sàng lọc được những đối tượng F0 trong cộng đồng. Thành phố tập trung nâng cao năng lực mọi mặt của ngành Y tế: Nâng cấp trang thiết bị, cung cấp bổ sung thêm hệ thống oxy; đào tạo, tập huấn đội ngũ y bác sĩ; chuẩn bị các bệnh viện thu dung, điều trị F0 không triệu chứng hoặc triệu chứng nhẹ...
Thành phố cũng đã chuẩn bị cho 3 giai đoạn, với 10.000, 20.000, 30.000 giường điều trị và hiện đã xong giai đoạn 1. Thành phố tranh thủ thời gian này để thành lập thêm các khu cách ly tập trung xa trung tâm, hiện đã vận hành được 30.000 chỗ, đang chuẩn bị tiến tới 70 nghìn và 100 nghìn chỗ. Thực tế cho thấy đây là những hướng đi đúng.
Đồng thời, Thành phố chỉ đạo các cơ quan ứng dụng mạnh mẽ công nghệ vào phòng chống dịch. Trong đó, nâng cấp Trung tâm cấp cứu 115, kết nối tất cả các xe cấp cứu, tập huấn và chuẩn bị thêm 500 xe taxi quản lý bằng phần mềm để phục vụ nhanh chóng cho công tác cấp cứu. Thành phố cũng đang thử nghiệm phần mềm quản lý F1 có liên thông với F0, đảm bảo chặt chẽ, khoa học để chủ động trong trường hợp có nhiều F1.
Theo Phó Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Phong, trong thời gian qua, Thành phố đã nhận được sự hưởng ứng rất tích cực của nhân dân, nhiều cơ sở đã chủ động, tự nguyện thiết lập vùng xanh, huy động được lực lượng rất lớn nhân dân tham gia. “Đây là việc làm rất hiệu quả giúp quản lý từ cơ sở và giảm gánh nặng cho lực lượng tuyến đầu, huy động được sự vào cuộc của nhân dân với nhiều cách làm sáng tạo, hiệu quả”, Phó Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Phong nêu rõ.
Tuy nhiên, Phó Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Phong cho rằng, dù đạt được nhiều kết quả quan trọng, nhưng nguy cơ vẫn rất cao, vẫn còn có F0 trong cộng đồng; dịch bệnh ở phía Nam và các tỉnh lân cận Hà Nội vẫn diễn biến phức tạp; một số mục tiêu của việc giãn cách đặt ra như hạn chế mức thấp nhất người ra đường vẫn chưa đạt được. “Do vậy, nếu không tiếp tục thực hiện chống dịch quyết liệt, thực chất, hiệu quả hơn nữa thì tình hình dịch bệnh vẫn có khả năng bùng phát trên địa bàn Thành phố Hà Nội”, ông Nguyễn Văn Phong nhấn mạnh.
Phó Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Phong cho biết, vừa qua Chủ tịch nước đã đi thăm trực tiếp tại cơ sở, kiểm tra Sở chỉ huy phòng chống dịch của Thành phố. Lãnh đạo Trung ương đánh giá cao sự vào cuộc của toàn hệ thống chính trị và nhân dân Thủ đô, sự chủ động từ cơ sở, mong muốn giữ bằng được sự bình yên, giữ được vùng xanh của Thủ đô.
Trên cơ sở đánh giá tình hình thực tế, Phó Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Phong cho biết, Ban Thường vụ Thành uỷ Hà Nội giao Ban Cán sự Đảng UBND Thành phố chỉ đạo UBND Thành phố ban hành công điện mới về việc tiếp tục thực hiện Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ và Chỉ thị 17 của UBND Thành phố trên địa bàn Thành phố Hà Nội.
Phó Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Phong cho biết, mục tiêu trong giai đoạn tới là tận dụng ngày giãn cách xã hội để tiếp tục đẩy mạnh xét nghiệm diện rộng, trọng tâm để bóc tách F0; tăng cường tiêm vắc xin; nâng cao năng lực của y tế Thủ đô để chủ động hơn một bước, chuẩn bị cao hơn một bước so với thực tế để sẵn sàng ứng phó với dịch bệnh.
Thành phố cũng sẽ tiếp tục hoàn thiện các nội dung công việc còn bộc lộ hạn chế trong thời gian vừa qua, như thực hiện giãn cách nhưng trên thực tế lượng người ra đường vẫn còn đông. “Việc này Thành phố đã giao Công an Thành phố có đánh giá cụ thể về lượng người ra đường, giấy tờ cấp cho người đi đường, đối tượng ra đường để tổng hợp, tham mưu với Sở chỉ huy phòng chống dịch của Thành phố về giải pháp phù hợp hơn, sát tình hình thực tiễn hơn, đảm bảo giãn cách quyết liệt, thực chất và hiệu quả hơn nữa”, ông Nguyễn Văn Phong nêu rõ.
Trong thời gian vừa qua, Hà Nội một mặt tích cực trong công tác phòng, chống dịch; một mặt đẩy mạnh đảm bảo an sinh xã hội, bám sát thực tiễn, hỗ trợ người dân và các cơ quan, tổ chức có khó khăn. Thành phố đã ban hành Nghị quyết hỗ trợ 10 nhóm đối tượng ngoài Nghị quyết 68 của Chính phủ. Chính sách này được người dân hết sức hoan nghênh.
Đáng chú ý, Thành phố đã có chủ trương sau khi dịch bệnh giảm đi, sẽ dùng 500 tỷ từ vốn ngân sách Thành phố ủy thác qua Ngân hàng Chính sách xã hội để cho vay hỗ trợ giải quyết việc làm, Phó Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Phong thông tin.
Ngoài ra, Hà Nội cũng triển khai hỗ trợ một số nước bạn trong phòng, chống dịch; hỗ trợ bằng tiền mặt, trang thiết bị y tế, nhu yếu phẩm cho TP Hồ Chí Minh và 18 tỉnh, thành phố phía Nam. “Hà Nội cũng cảm ơn sự hỗ trợ của các tỉnh, thành bạn, đã chia sẻ một phần khó khăn đối với Hà Nội trong thời gian qua”, Phó Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Phong nhấn mạnh.