Chuyên gia kinh tế, TS. Vũ Đình Ánh cho rằng, cần làm rõ vấn đề của kinh tế tư nhân trong nền kinh tế và điều kiện tiên quyết là nhà nước tạo ra môi trường kinh doanh bình đẳng.
Doanh nghiệp tư nhân đóng góp 43,22% GDP
Khu vực doanh nghiệp tư nhân trong nước ngày càng đảm đương vai trò quan trọng hơn trong việc đạt được các mục tiêu kinh tế xã hội của đất nước. Khu vực doanh nghiệp tư nhân đóng góp 43,22% GDP; trong khi đó khu vực nhà nước chiếm 28,69%. Đây cũng là khu vực chiếm lượng vốn đầu tư xã hội lớn nhất với 39% và 11,9% việc làm.
Khu vực doanh nghiệp tư nhân đóng góp 43,22% GDP
Theo Cục Phát triển doanh nghiệp, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, xét theo quy mô vốn, hiện cả nước có 94,8% doanh nghiệp nhỏ và vừa. Tài sản cố định bình quân/doanh nghiệp tư nhân nhỏ duy trì ở mức 7-8 tỷ đồng/doanh nghiệp và không có cải thiện đáng kể trong suốt giai đoạn 2011-2015.
Tuy nhiên, theo nhận định của các chuyên gia, gánh nặng cho các doanh nghiệp nhỏ, siêu nhỏ hiện nay khá lớn. Ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng Ban Pháp chế, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) nhận xét doanh nghiệp tư nhân Việt Nam còn gặp nhiều cản trở như là vấn đề về khách hàng, thị trường, vốn, lao động, thủ tục hành chính, đất đai, mặt bằng sản xuất kinh doanh, chi phí không chính thức, môi trường pháp lý chưa an toàn… Điểm yếu vẫn là khoảng cách giữa chính sách và thực tiễn.
Đóng góp ý kiến, ông Phan Đức Hiếu, Phó Viện trưởng Viện Quản lý Kinh tế Trung ương (CIEM) cho rằng: Quy định về điều kiện kinh doanh đã và đang là một rào cản lớn đến sự phát triển của khu vực kinh tế tư nhân và hoạt động của doanh nghiệp, khiến nảy sinh bất lợi cho hoạt động kinh doanh như: rủi ro; hạn chế cạnh tranh; hạn chế sáng tạo - kinh doanh theo chuỗi; gia tăng chi phí; và tác động không cân đối đến doanh nghiệp vừa và nhỏ. Ông Hiếu cũng nhận xét trên thực tế hiện nay, cải cách quy định về điều kiện kinh doanh đạt được kết quả rất hạn chế. Thực tế cho thấy, cải cách theo phương thức áp đặt từ trên xuống và thông qua một cơ quan độc lập đạt được kết quả tốt hơn
Cần môi trường kinh doanh bình đẳng
Tại Diễn đàn Phát triển doanh nghiệp Việt Nam năm 2017 diễn ra vào sáng 22/6, ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng Ban Pháp chế, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho rằng, để tạo động lực cho hộ kinh doanh cá thể chuyển đổi, nâng cấp, cần phải đơn giản hóa các thủ tục nhất là thủ tục về thuế và kế toán, giảm thiểu các chi phí giao dịch doanh nghiệp tối đa cũng như củng cố lại năng lực nội tại và văn hóa kinh doanh, tinh thần doanh nhân của người Việt.
Còn theo chuyên gia kinh tế, TS Vũ Đình Ánh, khu vực doanh nghiệp Việt Nam đang không ngừng phát triển và khẳng định vai trò quan trọng của mình trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa (XHCN) ở nước ta. Để tiếp tục giữ vững và phát huy cao độ vai trò của doanh nghiệp ở nước ta cần có những chuyển biến mạnh mẽ trên tất cả các mặt, từ chủ trương quan điểm, kinh tế - tài chính, lao động - xã hội đến tâm lý - tuyên truyền… trong đó, cần hết sức lưu ý, tiếp tục triển khai thực hiện nhất quán quan điểm chủ trương phát huy cao độ vai trò của khu vực doanh nghiệp trong nền kinh tế thị trường định hướng XHCN.
Ở khu vực tư nhân, TS Vũ Đình Ánh đã chỉ ra sự mẫu thuẫn nội tại, đó là vừa đòi bình đẳng với khu vực nhà nước và khu vực kinh tế có vốn FDI lại vừa yêu cầu Nhà nước có những ưu đãi riêng, trong khi yêu cầu được tôn trọng lại chưa chủ động để được tôn trọng. Tư tưởng chờ đợi sự "ban phát", “xin – cho” và "dựa dẫm" vào Nhà nước tuy không phải là đặc trưng nhưng lại khá phổ biến.
Do đó, ông Ánh nhấn mạnh, doanh nghiệp cần được hoạt động theo đúng tinh thần Luật Doanh nghiệp 2014 là trên tất cả những lĩnh vực mà pháp luật không cấm. “Điều kiện tiên quyết là Nhà nước tạo ra môi trường kinh doanh bình đẳng, không phân biệt đối xử giữa kinh tế nhà nước với kinh tế tư nhân. Đồng thời, chính sách và cơ chế đối với kinh tế tư nhân dựa trên nguyên tắc cơ bản: bình đẳng, không cần ưu đãi; tôn trọng, chủ động” – TS Nguyễn Đình Ánh nói.
Năm 2016, cả nước có hơn 110.000 doanh nghiệp thành lập, tăng 16% so với năm 2015, đạt mức kỷ lục từ trước đến nay. Trong 5 tháng đầu năm nay có thêm 50.534 doanh nghiệp, với gần 1,2 triệu tỷ đồng bổ sung vào nền kinh tế. Tuy nhiên, quy mô của doanh nghiệp tư nhân vẫn nhỏ và không có sự cải thiện qua nhiều năm. Theo quy mô lao động, có tới 97,7% số doanh nghiệp có quy mô nhỏ và vừa. |