Nhân dịp kỷ niệm 75 năm ngày Truyền thống TAND (13/9/1945-13/9/2020) bà Đặng Thị Thanh, Giám đốc Trung tâm Tư vấn pháp luật cộng đồng và trợ giúp pháp lý cho người chưa thành niên chia sẻ với PV về chính sách pháp luật hình sự đối với người dưới 18 tuổi.
Phóng viên (PV): Từng trải qua nhiều cương vị, thẩm phán, Chánh án Tòa án nhân dân tỉnh Thanh Hóa, Phó chánh tòa hình sự, Tòa án nhân dân tối cao, và hiện nay là Giám đốc Trung tâm Tư vấn pháp luật cộng đồng và trợ giúp pháp lý cho người chưa thành niên, xin bà cho biết các chính sách pháp luật đối với người chưa thành niên của nhà nước ta hiện này có gì đáng lưu ý?
Bà Đặng Thị Thanh: Chính sách pháp luật hình sự của Nhà nước ta thể hiện tại Chương XII “Những quy định đối với người dưới 18 tuổi phạm tội” của Bộ luật Hình sự 2015. Chính sách pháp luật hình sự của Nhà nước ta vẫn mang tính nhân đạo, có tính nương nhẹ đối với người chưa thành niên thể hiện qua phạm vi trách nhiệm hình sự. Ví dụ: Về phạm vi chịu trách nhiệm hình sự của người dưới 18 tuổi, kế thừa các quy định trước đây của Bộ luật Hình sự thì người từ đủ 14 tuổi trở lên phải chịu trách nhiệm hình sự. Đối với người từ đủ 14 tuổi đến dưới 18 tuổi, Bộ luật Hình sự phân loại ra hai nhóm để có chính sách hình sự khác nhau, đó là nhóm từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi và nhóm từ đủ 16 tuổi trở lên.
Bà Đặng Thị Thanh, Giám đốc Trung tâm Tư vấn pháp luật cộng đồng và trợ giúp pháp lý cho người chưa thành niên.
So với Bộ luật Hình sự năm 1999 thì Bộ luật Hình sự năm 2015 không sửa đổi về phạm vi chịu trách nhiệm hình sự của người từ đủ 16 tuổi trở lên, nhưng có sửa đổi lớn về phạm vi chịu trách nhiệm hình sự đối với người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi. Cụ thể, thay vì phải chịu trách nhiệm hình sự về tội rất nghiêm trọng và đặc biệt nghiêm trọng đối với bất kỳ tội danh nào thì với quy định mới, người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi phải chịu trách nhiệm hình sự về tội phạm rất nghiêm trọng, tội phạm đặc biệt nghiêm trọng quy định tại một trong 28 điều, đó là các điều: 123, 134, 141, 142, 143, 144, 150, 151, 168, 169, 170, 171, 173, 178, 248, 249, 250, 251, 252, 265, 266, 286, 287, 289, 290, 299, 303 và 304 của Bộ luật Hình sự năm 2015.
Ngoài ra, Bộ luật Hình sự năm 2015 cũng sửa đổi phạm vi chịu trách nhiệm của người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi chuẩn bị phạm tội theo hướng thu hẹp hơn. Cụ thể, họ chỉ phải chịu trách nhiệm hình sự nếu chuẩn bị phạm tội thuộc một trong 2 tội danh đó là: giết người (Điều 123) và cướp tài sản (Điều 168).
Điều tôi lưu ý là qua các đợt tuyên truyền tư vấn pháp luật ở nhiều địa phương, nhiều đối tượng thì những năm qua, tình hình tội phạm và vi phạm pháp luật do người chưa thành niên gây ra diễn biến phức tạp, nhất là tình trạng bạo lực trong học đường, thanh, thiếu niên tụ tập thành băng, nhóm sử dụng hung khí đâm chém, giết người, hiếp dâm, cướp tài sản, gây rối trật tự công cộng... Bên cạnh đó, số lượng trẻ em trở thành nạn nhân của tội phạm cũng gia tăng.
PV: Thưa bà, vậy đâu là nguyên nhân chủ yếu dẫn đến tình hình tội phạm và vi phạm pháp luật do người chưa thành niên gây ra?
Bà Đặng Thị Thanh: Đầu tiên là thực trạng thiếu hiểu biết pháp luật ở vùng xâu vùng xa. Qua công tác tuyên truyền tư vấn pháp luật tại các địa phương giáp biên thì cả người lớn lẫn trẻ em đều thiếu kiến thức pháp luật, nhất là thanh thiếu niên, thậm chí không có hiểu biết về những quy định tối thiểu nhất như tuổi của trẻ em là bao nhiêu? Chưa nói đến Luật Trẻ em 2016 quy định thêm rất nhiều quyền và nghĩa vụ mới.
Ví dụ: Do thiếu hiểu biết pháp luật dẫn đến bạn trai trên 16 tuổi quan hệ với bạn gái dưới 16 tuổi, nên bạn trai bị truy tố xét xử về tội giao cấu hoặc thực hiện hành vi quan hệ tình dục khác với người từ đủ 13 tuổi đến dưới 16 tuổi theo Điều 145 Bộ Luật hình sự 2015 hoặc bị đưa vào trường giáo dưỡng. Các bạn gái thì bị ép lấy chồng quá sớm.
Đáng nói, nhiều gia đình chưa quan tâm đúng mức trong việc quản lý, giáo dục trẻ em, hoặc áp đặt cách giáo dục không phù hợp, thậm chí còn dung túng, che giấu hành vi phạm tội và vi phạm pháp luật của con em mình.
Tâm sinh lý lứa tuổi thanh, thiếu niên phát triển chưa hoàn thiện, dễ bị lôi kéo, dụ dỗ, kích động tham gia vào những việc làm sai trái, dễ nảy sinh tội phạm và vi phạm pháp luật.
Ngoài ra các văn hóa phẩm độc hại (phim ảnh và games đồi trụy, bạo lực, văn hóa giang hồ mạng…) tác động tiêu cực đối với thanh, thiếu niên đang trong giai đoạn hình thành nhân cách, phát triển nhận thức.
Sự phối hợp giữa gia đình, nhà trường và xã hội trong quản lý, giáo dục học sinh, sinh viên chưa thực sự chặt chẽ, thường xuyên, còn mang tính hình thức; đây là nguyên nhân đáng lưu ý nhất ( mối quan hệ tam giác.)
PV: Là Giám đốc Trung tâm Tư vấn pháp luật cộng đồng và trợ giúp pháp lý cho người chưa thành niên, xin bà cho biết việc phổ biến pháp luật ở cho người chưa thành niên hiện nay có gì khó khăn?
Trung tâm Tư vấn pháp luật cho người chưa thành niên mới đổi tên là Trung tâm Tư vấn pháp luật cộng đồng và trợ giúp pháp lý cho người chưa thành niên. Hiện nay trung tâm cũng đang thực hiện các chương trình tuyên truyền, phổ biến pháp luật, tư vấn pháp luật bằng nhiều hình thức, nhưng vấn đề khó ở đây là giới trẻ ngày nay sử dụng mạng rất nhiều, rất khó quản lý.
Bà Đặng Thị Thanh
Nắm bắt được khả năng tiếp cận thông tin trên mạng xã hội đối với trẻ em, nên trung tâm chúng tôi có một cộng tác viên hiện đang điều hành một trang hỗ trợ pháp luật cho nhóm yếu thế trên mạng xã hội. Qua một cuộc khảo sát nhỏ với các bạn trẻ, các thanh thiếu niên đã đưa ra những ý kiến rằng nội dung các chương trình tuyên truyền pháp luật cho trẻ em rất “đao to búa lớn”, từ ngữ chuyên ngành khó hiểu, các em cần được hướng dẫn với những hành vi, từ ngữ thiết thực và gần gũi hơn. Người lớn chúng ta đang sử dụng tư duy và góc nhìn của người lớn để truyền tải pháp luật cho trẻ em, khiến các em không dễ dàng hiểu được tinh thần của pháp luật.
PV: Để góp phần bảo vệ trẻ em và ngăn chặn tội phạm chưa thành niên, xin bà cho biết cần chú trọng những giải pháp nào?
Trước hết tuyên truyền nâng cao nhận thức pháp luật là giải pháp cần được quan tâm đầu tiên nhưng cần lưu ý nội dung và phương pháp tuyên truyền.
Hai là xã hội hóa công tác phổ biến, giáo dục pháp luật và trợ giúp pháp lý, quan tâm vai trò của tổ chức xã hội trong việc nâng cao nhận thức pháp luật cho thanh thiếu niên. Trong khi ngân sách nhà nước cho hoạt động này còn nhiều khó khăn, thì các tổ chức xã hội thông qua các hoạt động của mình sẽ nâng cao nhận thức pháp luật cho trẻ em nói chung, và cho thanh thiếu niên vùng sâu vùng xa nói riêng. Gần đây Trung ương Hội Luật gia Việt Nam đang hoàn chỉnh “Báo cáo nâng cao hiểu biết, nhận thức pháp luật cho trẻ em, kinh nghiệm quốc tế và kiến nghị cho Việt Nam” cũng đề cấp tới vai trò của các tổ chức xã hội. Còn Trung tâm của chúng tôi đã tham gia vào hoạt động xã hội hóa công tác phổ biến, giáo dục pháp luật và trợ giúp pháp lý miễn phí từ khi thành lập 20/10/2013 đến nay.
Ba là tăng cường sự giám sát và giáo dục của cha mẹ, nhà trường. Gia đình và nhà trường cần phối hợp chặt chẽ trong quản lý và giáo dục trẻ em, tránh tình trạng đổ trách nhiệm cho nhau. Cần phải thường xuyên gần gũi, tâm sự với con trẻ để các con có thể thổ lộ, chia sẻ không giấu giếm vì cha mẹ phải là người trực tiếp góp phần nâng cao ý thức chấp hành pháp luật cho con em mình. Gia đình và nhà trường là hai nơi các em tiếp xúc nhiều nhất. Nếu gia đình và nhà trường không coi trọng các vấn đề của trẻ, sẽ khiến các em hiểu sai lệch về vấn đề mình gặp hoặc mất đi sự tin tưởng vào việc mình có thể được giúp đỡ. Có nhiều em tâm sự rằng khi mình còn nhỏ đã từng bị kẻ xấu dâm ô, quấy rối tình dục, nhưng khi báo với người lớn thì lại bị gạt đi, không ai quan tâm. Do đó Trung tâm tư vấn pháp luật cho người chưa thành niên thường tổ chức các chương trình tuyên truyền tư vấn pháp luật cho cả phụ huynh lẫn học sinh.
Bốn là chúng ta cần hướng dẫn thêm về kỹ năng sống và các thông tin tự bảo vệ bản thân cho trẻ, vì một em học sinh cấp 2 đã tâm sự với chúng tôi rằng: “Hầu hết các bài giảng pháp luật trong sách giáo khoa của học sinh đều rất mơ hồ về việc học sinh có thể tìm thấy hỗ trợ ở đâu. Chẳng hạn như chúng em bị quấy rối, bắt nạt, đe dọa, dụ dỗ… thì phải làm thế nào, tìm đến đâu, nếu cha mẹ và nhà trường không xử lý được thì có các cơ quan hay trung tâm, hội nhóm nào mà học sinh có thể liên lạc đến để được giúp đỡ không”. Các em không biết gọi đến đường dây nóng quốc gia là 111 để được trợ giúp hoặc không có khả năng, điều kiện để gọi hỗ trợ.
Việc nâng cao nhận thức pháp luật cho trẻ em ở Việt Nam hiện nay được cả xã hội quan tâm, đặc biệt là thanh thiếu niên vùng sâu vùng xa. Sau rất nhiều kinh nghiệm gần gũi và làm việc với trẻ em, tôi thấy cần lắng nghe trẻ em nhiều hơn để xây dựng những chương trình lấy nhu cầu của trẻ làm trọng tâm nhằm phát triển các biện pháp tuyên truyền, giáo dục và phổ biến pháp luật. Cần có các chương trình phù hợp với trẻ em, theo kịp sự phát triển của thời đại, thì mới mang lại chất lượng trong nâng cao hiểu biết pháp luật của thanh, thiếu niên trong xã hội hiện đại.
PV: Xin trân trọng cảm ơn bà!