Chính sách cho người dân tộc: Đặt họ vào vị trí trung tâm để tự làm

Thanh Phương| 05/07/2021 09:34
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Những người lãnh đạo địa phương luôn mong muốn cộng đồng dân tộc thoát nghèo, vươn lên làm giàu. Bản thân người dân cũng khát vọng vượt lên khó khăn thử thách để có của ăn của để. Chung mục tiêu nhưng khi cán bộ và người dân chưa hòa làm một thì rõ ràng nhịp tiến lên vẫn còn lỡ cỡ.

Lực lượng lao động trong cộng đồng dân tộc khá lớn, tinh thần, khát vọng vươn lên chiến thắng đói nghèo và sự cần cù luôn có ở mỗi người dân vùng cao. Cái còn thiếu chính là rào cản ngôn ngữ. Đa phần người dân tộc thiểu số không biết tiếng phổ thông và những cán bộ địa phương, các phòng, ban của huyện lại không thông thạo tiếng dân tộc. Cùng một dòng máu, dân tộc mà như hai thế giới, để hiểu được nhau lại phải cần phiên dịch.

a1ky2.jpg
Bí thư Huyện ủy Mường Lát Hà Văn Ca trăn trở xóa đói, giảm nghèo cho đồng bào

Trao đổi với phóng viên, Bí thư Huyện ủy Mường Lát Hà Văn Ca cho biết: “Cán bộ xuống với đồng bào mà không biết tiếng, nói hướng dẫn một đường họ làm một nẻo. Thậm chí bảo lấy cái cuốc, dân ta lại mang cái xẻng ra. Cơ bản thế đã có bất đồng rồi nên những thuật ngữ, cách thức chăm sóc, diệt trừ sâu bệnh, chữa trị cho gia súc, vật nuôi càng khó mà truyền đạt. Dân cứ theo nếp cũ, theo kinh nghiệm của người đi trước truyền lại để áp dụng. Chính vì thế mà năng suất, chất lượng từ sản xuất nông nghiệp không cao, thậm chí là giảm sút qua các vụ mùa vì đất bạc màu. Sắp tới huyện sẽ làm đề án để cho cán bộ cơ sở đi học tiếng của các dân tộc thiểu số".

Theo báo cáo, hiện tại số lượng học sinh từ lớp 6 tới lớp 9 có 3039 em. Trong đó, dân tộc Thái có 1228, Mông 1490, Mường 79, Dao 60, Khơ Mú 62. Thêm vào đó là hơn 400 em học sinh các dân tộc thiểu số trên đang theo học tại Trường THPT Mường Lát. Đây chính là những “phiên dịch viên” tốt nhất mà chính quyền địa phương cần tận dụng thông qua các chương trình ngoại khóa. Thậm chí có thể "thuê" các em vào những ngày nghỉ, dịp hè, cán bộ xã, phòng, ban về bản, nhà các em tuyên truyền, chỉ dạy những phương thức sản xuất mới, cách trồng cây, chăm sóc vật nuôi, loại bỏ tiến tới xóa các hủ tục lạc hậu.

Trưởng phòng Giáo dục đào tạo huyện Mường Lát Lò Văn Tuấn đánh giá: Đa phần các em dân tộc thiểu số đều rất thông minh, nhanh ý. Khi được giao nhiệm vụ các em đều hoàn thành. Tuy vẫn còn một số tập tục, thói quen cần điều chỉnh nhưng cơ bản là các em cần cù, chịu khó, tích cực tham gia các hoạt động ngoại khoá. Sắp tới phòng sẽ phối hợp với các nhà trường, cùng với các phòng, ban và chính quyền địa phương tổ chức cho các em về nơi cư trú truyền đạt kiến thức, phương pháp để thay đổi việc du canh, du cư, sản xuất thủ công, lạc hậu.

a2ky2.jpg
Tạo sự chuyển biến từ các em học sinh dân tộc đang theo học THCS-THPT

Khi đặt cộng đồng dân tộc thiểu số vào vị trí trung tâm, cán bộ, chính quyền địa phương cũng cần phải biết thích ứng, vận dụng linh hoạt để từng bước khai phá thành trì bảo thủ, lạc hậu. Tư tưởng được đả thông hãy để cho người dân tộc thiểu số nỗ lực phát triển, áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, khi đó mới có thể thoát nghèo.

Hàng trăm lượt cán bộ từ dưới xuôi lên công tác, làm việc tại các huyện vùng biên chỉ một thời gian rồi sẽ luân chuyển trở về. Mong muốn ở gần gia đình, chăm sóc bố mẹ già là chính đáng, nhưng khi những cán bộ này rời đi, một lỗ hổng khó có thể lấp đầy, lỡ nhịp kết nối. Giải pháp bền vững nhất vẫn là giáo dục, đào tạo chính những con người ưu tú trong cộng đồng các dân tộc thiểu số. Họ là hạt nhân cơ bản, am hiểu nhất về đất và người dân tộc mình để điều chỉnh, có cách tiếp cận hợp lý.

a3ky2.jpg
Trưởng phòng Giáo dục đào tạo huyện Mường Lát Lò Văn Tuấn trao đổi với PV

Ở xứ Thanh đã có rất nhiều lớp cán bộ cử tuyển người dân tộc được đưa đi học tập, đào tạo trình độ cao đẳng, cử nhân. Thế nhưng những bất cập trong cơ chế, chính sách đã không dẫn đường họ quay về khai phá quê hương. Một số trường hợp choáng ngợp khi bước chân ra bên ngoài đã sa chân, lạc lối.

Hiện nay toàn huyện Mường Lát còn 23 bản chưa được sử dụng điện lưới quốc gia. Chỉ khi có đường, trường, trạm, điện, thì mới ổn định cuộc sống, góp phần phát triển kinh tế xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Cấp trên cần rà soát, tích hợp nhằm giảm chính sách, tập trung nguồn lực để thực hiện theo hướng cắt bỏ các chính sách hỗ trợ trực tiếp, cho không như chính sách hỗ trợ trực tiếp cho hộ nghèo ở vùng khó khăn, chính sách hỗ trợ tiền điện... vì mức hỗ trợ thấp, manh mún, thủ tục nhiều không còn phù hợp với tình hình giá cả thị trường, chi phí sinh hoạt. 

a4ky2.jpg
Đặt cộng đồng dân tộc vào vị trí trung tâm, để họ phát huy sức mạnh nội tại đi lên làm giàu

Cần dồn nguồn lực hỗ trợ phát triển sản xuất, đầu tư cơ sở hạ tầng thiết yếu. Khuyến khích  hỗ trợ có điều kiện, có thu hồi để luân chuyển nhằm bảo toàn vốn. Đồng thời bố trí đủ nguồn lực để thực hiện, tránh tình trạng “chính sách treo”. Cái cốt yếu vẫn nằm ở cán bộ năng nổ, nhiệt tình, hết mình vì sự phát triển của cộng đồng dân tộc vùng cao. Sự nghiệp vẻ vang nhất chính là ghi dấu ấn trong lòng nhân dân, sự giàu mạnh của bản, làng nơi phên dậu tổ quốc.

Kỳ 3: Cần những cán bộ tận tâm, đừng làm cho xong tay


(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Chính sách cho người dân tộc: Đặt họ vào vị trí trung tâm để tự làm