Triển khai chính sách cho đồng bào dân tộc: Đừng hình thức, làm cho xong

Thanh Phương| 03/07/2021 12:08
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Người dân tộc thiểu số nơi phên dậu xứ Thanh luôn cần cù, chịu thương chịu khó, tư liệu sản xuất lại sẵn có, vậy mà cái đói, cái nghèo cứ đeo bám họ. Thành trì bảo thủ, lạc hậu không thể công phá hay là cách tiếp cận đang có vấn đề?

Kỳ 1: Đừng mặc định vùng cao là nghèo, đói

Trong mỗi con người sống trên mảnh đất hình chữ S luôn chịu thương, chịu khó, khát vọng vươn lên làm giàu cho bản thân, gia đình, quê hương. Đừng mặc định vùng miền núi là phải nghèo, phải đói. Cần có các giải pháp thiết thực để giúp người dân an cư, làm giàu trên chính mảnh đất cha ông.

Tháng 7, trời hầm hập như lò bát quái. Trên những thửa ruộng bậc thang, người dân tộc Thái vẫn hăng say gặt lúa. Giữa sườn đồi dốc đứng, cheo leo, bất chấp thời tiết khắc nghiệt, người dân tộc Mông vẫn trồng ngô, trồng sắn... 

a1ky1.jpg
Cuộc sống người dân tộc vùng biên xứ Thanh còn nhiều khó khăn

Trong nhiều dân tộc thiểu số ở vùng biên xứ Thanh, chỉ một số ít ỏi là sống trông chờ vào các chính sách hỗ trợ của Nhà nước. Đa số họ đều tất bật trên cánh đồng để lo toan cho cuộc sống của mình. Đã bao năm, người dân nơi phên dậu vẫn đói, vẫn nghèo do phương thức sản xuất và cách tổ chức giao thương, tích lũy đang lạc hậu, luẩn quẩn. Nếu như được tiếp cận, tiếp thu, chỉ dạy cho các phương pháp sản xuất, canh tác, chăn nuôi, phòng trừ bệnh cho cây trồng, vật nuôi thì cơ bản sẽ không phải lo đến cơm ăn, áo mặc. 

Mường Lát là huyện vùng cao biên giới phía Tây Bắc của tỉnh Thanh Hóa, cách trung tâm thành phố Thanh Hóa 250 km. Do điểm xuất phát của huyện rất thấp, kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội còn nhiều hạn chế, nên đến nay Mường Lát vẫn là huyện nghèo theo Nghị quyết 30a của Chính phủ; 08/08 xã, thị trấn và 73/88 bản, khu phố vẫn thuộc diện đặc biệt khó khăn; 23/88 bản, khu phố chưa có điện lưới quốc gia. Toàn huyện còn 3.262 hộ nghèo, chiếm tỷ lệ 37,67%, gấp 17,1 lần tỷ lệ hộ nghèo bình quân của tỉnh và gấp 6,6 lần tỷ lệ hộ nghèo bình quân 11 huyện miền núi xứ Thanh.

Trao đổi với PV, Phó trưởng phòng Lao động thương binh và xã hội huyện Mường Lát Bùi Thanh Lĩnh cho hay: Những năm qua, cấp ủy, chính quyền huyện biên giới Mường Lát đã nỗ lực liên tục, cùng các tổ chức, doanh nghiệp và toàn thể người dân, chương trình giảm nghèo nhanh và bền vững đã thu được những kết quả bước đầu. Nhận thấy rõ nhất là cơ sở hạ tầng thiết yếu ở các địa phương được tăng cường. Chỉ số tiếp cận dịch vụ xã hội cơ bản đều được cải thiện. Người dân thuận lợi tiếp cận các dịch vụ xã hội. Nhiều mô hình sản xuất mang lại hiệu quả kinh tế cao.

Một số địa phương đã có cách làm hay, sáng tạo, vận động cộng đồng, anh em, họ hàng chung tay giúp đỡ những người thân trong gia đình có hoàn cảnh khó khăn, động viên, hướng dẫn cách làm ăn, chi tiêu hợp lý, xóa bỏ tư tưởng trông chờ, ỷ lại, muốn vào hộ nghèo để nhận sự hỗ trợ của nhà nước. Khi gặp khó khăn rủi ro đột xuất, đã huy động các tổ chức đoàn thể, xã hội cùng chung tay giúp đỡ, hỗ trợ không để các hộ rơi vào hoàn cảnh cùng cực.

a2ky1.jpg
Bất chấp nắng nóng, người dân vẫn hăng say thu hoạch lúa

Bản thân từng người dân, hộ nghèo, hộ cận nghèo đã có ý thức, ý chí vươn lên khi nhận được sự hỗ trợ của Nhà nước, tích cực tham gia tập huấn, hướng dẫn cách thức phát triển sản xuất của các đơn vị, chính quyền địa phương khi triển khai.

Tuy nhiên công tác giảm nghèo còn nhiều khó khăn, thách thức. Kết quả giảm nghèo ở Mường Lát vẫn chưa thật sự bền vững, nguy cơ tái nghèo còn cao, nhất là khi có thiên tai, dịch bệnh xảy ra. Việc phối kết hợp giữa các ban, ngành, các tổ chức đoàn thể chưa thực sự chặt chẽ, đồng bộ. Ban chỉ đạo giảm nghèo các cấp chưa quyết liệt, thường xuyên liên tục. Một số thành viên được phân công phụ trách địa bàn chưa bám sát trong công tác chỉ đạo, nên hiệu quả công tác không cao.

Việc thực hiện các tiểu dự án đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng tại một số địa phương còn chậm, hiệu quả của một số dự án hỗ trợ phát triển sản xuất chưa hiệu quả. Tỷ lệ cân đối vốn đối ứng của cấp xã thấp, chưa đạt yêu cầu; chất lượng công trình còn hạn chế, đặc biệt là đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng tại các xã, thôn, bản đặc biệt khó khăn thuộc Chương trình 135 còn chậm.

Thêm vào đó, tập quán sản xuất, sinh hoạt, tiêu dùng của đồng bào các dân tộc trên địa bàn huyện chưa thực sự thoát khỏi tính tự túc, tự cấp. Trong nhân dân, người nghèo, thậm chí một số cấp ủy, chính quyền địa phương ở cơ sở vẫn còn tư tưởng trông chờ, ỷ lại Nhà nước và cấp trên. Tình trạng lao động trong các hộ nghèo chưa qua đào tạo, trình độ học vấn thấp, thiếu chuyên môn kỹ thuật và kiến thức làm ăn vẫn còn phổ biến, thiếu tính sáng tạo.

a3ky1.jpg
Cần các giải pháp thiết thực để trẻ em vùng cao có tương lai tươi sáng

Với điều kiện tự nhiên vùng núi cao, địa bàn rộng, hệ thống giao thông chưa thuận lợi, khí hậu, thời tiết, dịch bệnh diễn biến bất thường. Hàng năm, thiên tai, lũ ống, lũ quét đe dọa tới tài sản, tính mạng của nhân dân. Xuất phát điểm của đồng bào dân tộc thiểu số thấp nên khó có khả năng tiếp cận với các phương thức, kỹ thuật mới. 

Trong khi đó, cấp uỷ, chính quyền một số địa phương chưa thực sự quan tâm đến phát triển kinh tế trên địa bàn. Thiếu những giải pháp đồng bộ, hữu hiệu để thu hút nguồn lực và sử dụng nguồn lực hiệu quả. Trình độ quản lý, điều hành và trình độ chuyên môn, đội ngũ cán bộ xã còn yếu, chưa năng động. Công tác tuyên truyền, vận động quần chúng nhân dân về chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước chưa thực sự sâu rộng. Công tác chính trị, tư tưởng chuyển biến còn chậm, sự ỷ lại trông chờ vào bao cấp có xu hướng gia tăng, chưa phát huy mạnh nội lực trong nhân dân và tiềm năng thế mạnh của địa phương.

Các chính sách, dự án giảm nghèo còn đầu tư dàn trải, có những bất cập nhất định, chưa có sự gắn kết, lồng ghép hiệu quả giữa một số chính sách, chương trình, dự án phát triển kinh tế xã hội với chương trình giảm nghèo bền vững.

Nhận thức của người nghèo ở một số nơi chưa có sự thay đổi, vẫn giữ những phong tục tập quán lạc hậu; tư duy và các kỹ năng phát triển kinh tế hộ gia đình rất yếu, còn mang nặng tính tự cung, tự cấp; trình độ văn hoá cũng như kiến thức làm ăn của người nghèo còn hạn chế.

a4ky1.jpg
1 góc thị trấn Mường Lát

Để rút ngắn được khoảng cách giàu nghèo, chất lượng cuộc sống giữa các vùng, miền, các dân tộc rất cần các giải pháp thiết thực, đồng bộ. Những người cán bộ phải thực sự gần dân, hiểu dân, tận tâm, tận lực triển khai các chủ trương, chính sách đừng hình thức, làm cho xong tay. Từ một mô hình, điểm sáng người dân tộc thiểu số vươn lên thoát nghèo để nhân rộng, trở thành một phong trào sâu, rộng. Các dân tộc thiểu số thường có phong tục, tập quán, văn hóa riêng, cần phải tôn trọng khác biệt, từng bước đấu tranh, loại bỏ cái lạc hậu. Đặt người dân vào vị trí trung tâm, dân hiểu, dân biết tự triển khai thực hiện mới có hiệu quả bền vững.


(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Triển khai chính sách cho đồng bào dân tộc: Đừng hình thức, làm cho xong