Chiết khấu 0% và sức mạnh liên kết của doanh nghiệp Việt

Trần Lan| 03/06/2016 07:08
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

250 doanh nghiệp Việt cùng ký kết hợp tác trong khâu sản xuất, phân phối để đưa hàng Việt đến tay người tiêu dùng đã đánh dấu sự đột phá trong vấn đề liên kết.

Ngày 1/6, việc 250 doanh nghiệp Việt cùng ký kết hợp tác trong khâu sản xuất, phân phối để đưa hàng Việt đến tay người tiêu dùng đã đánh dấu sự đột phá trong vấn đề liên kết - khâu luôn được coi là yếu nhất trong kinh doanh của các doanh nghiệp trong nước. Điều này sẽ giúp cho các doanh nghiệp trong nước tăng thêm sức mạnh để cạnh tranh cùng các đối thủ ngoại trong tiến trình hội nhập.

Việt Nam được đánh giá là một trong những quốc gia mới nổi có thị trường bán lẻ hấp dẫn nhờ kinh tế tăng trưởng khá mạnh, nhiều chính sách thu hút đầu tư nước ngoài, đặc biệt là người tiêu dùng thuộc hàng trẻ nhất châu Á và ngày càng mạnh tay chi tiêu. Chính vì thế, thị trường bán lẻ Việt đang là mảnh đất hấp dẫn với các nhà đầu tư nước ngoài.

Tính đến thời điểm hiện tại, thị trường bán lẻ hiện đại của Việt Nam đã có đến 50% thuộc về các nhà đầu tư nước ngoài như Thái Lan, Hàn Quốc, Nhật Bản. Số liệu của Bộ Công Thương cho thấy tuy các điểm bán lẻ của nhà đầu tư nước ngoài chỉ khoảng 90 điểm trong tổng số siêu thị cả nước song doanh số bán ra tại một điểm gấp 3-4 lần, thậm chí 7-8 lần so với một điểm của siêu thị nội do quy mô lớn.

Chiết khấu 0% và sức mạnh liên kết của doanh nghiệp Việt

Thị trường bán lẻ Việt đang là mảnh đất hấp dẫn với các nhà đầu tư nước ngoài

Sự đổ bộ mạnh mẽ của các nhà bán lẻ nước ngoài làm dấy lên sự lo lắng doanh nghiệp nội sẽ lép vế và có nguy cơ thất bại trên sân nhà. Tuy nhiên, nhận xét một cách khách quan, ông Vũ Vinh Phú, Chủ tịch Hiệp hội Siêu thị Hà Nội từng chỉ ra rằng: “Chúng ta đừng vội trách siêu thị ngoại. Thực tế một số siêu thị nội cũng áp dụng nhiều chiêu trò khác nhau như phí kệ hàng, phí sinh nhật để ép nhà cung cấp. Sản xuất chết, người tiêu dùng bị móc túi, nhiều siêu thị ngồi máy lạnh chờ doanh nghiệp mang hàng đến. Chúng ta tự hại chúng ta, phân phối yếu thì sản xuất chết. Sức ép do chính chúng ta tạo ra chiếm 70%, còn các đối thủ ngoại chỉ 30% thôi”.

Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan cũng từng băn khoăn trăn trở về tính liên kết giữa các doanh nghiệp Việt, thậm chí bà còn nói rằng: “Sự liên kết của các doanh nghiệp Việt là niềm mong mỏi của tôi suốt 50 năm qua”. Chính sự liên kết lỏng lẻo của các doanh nghiệp Việt khiến hàng Việt có nguy cơ thua ngay trên sân nhà, khi mà các nhà đầu tư từ nước ngoài đã nhanh chân mua lại khá nhiều hệ thống phân phối lớn như Metro, Big C, Fivimart..

.Mới đây, ngay khi Big C về tay người Thái, siêu thị này đã có động thái thái đòi mức chiết khấu lên đến 17 - 20%, thậm chí có mặt hàng chịu chiết khấu lên đến 25% khiến nhiều doanh nghiệp Việt đã phải rút hàng hóa khỏi hệ thống Big C.

Liên kết để cùng tồn tại và phát triển

Mặc dù rất nhiều cảnh báo cũng như bài học đã được đưa ra, nhưng phải đến ngày 1/6/2016, khi gần 250 doanh nghiệp Việt Nam cùng nhau ký kết hợp tác tham gia chương trình “Đồng hành, hỗ trợ và thúc đẩy sản xuất nội địa”, người ta mới dám tin rằng các doanh nghiệp trong nước đã bắt đầu liên kết lại.

Theo thông tin tại lễ ký kết, Vingroup là đơn vị chịu trách nhiệm phân phối, tiêu thụ các mặt hàng do doanh nghiệp Việt Nam sản xuất thuộc bảy ngành hàng tiêu dùng cơ bản gồm: Thực phẩm, hóa mỹ phẩm, đồ chơi, văn phòng phẩm, hàng gia dụng, hàng thực phẩm tươi sống, thời trang và bông vải sợi đến từ 18 tỉnh, thành phố trên toàn quốc.

Cũng theo thỏa thuận, trong vòng một năm, từ ngày 1-6-2016 đến 1-6-2017, các doanh nghiệp sẽ được hỗ trợ đưa hàng vào hệ thống siêu thị Vinmart và Vinmart+ với các điều kiện ưu đãi hợp lý. Riêng các doanh nghiệp cung ứng thực phẩm, đặc biệt là thực phẩm tươi sống như thịt, cá, gia cầm, rau củ quả, trái cây… sẽ được hưởng mức chiết khấu bằng 0%.

Chiết khấu 0% và sức mạnh liên kết của doanh nghiệp Việt

Các doanh nghiệp hợp tác để đưa sản phẩm Việt đến tay người tiêu dùng

Đánh giá về sự hợp tác mạnh mẽ lần đầu tiên của cộng đồng doanh nghiệp, trong đó có sự hỗ trợ của các doanh nghiệp lớn với doanh nghiệp nhỏ, bà Vũ Kim Hạnh, Chủ nhiệm câu lạc bộ Hàng Việt Nam chất lượng cao nói: “Sự hợp tác này tạo ra một không khí tích cực để những doanh nghiệp lớn khác của Việt Nam cũng sẽ nhảy vào hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa trong nước”. Là một người có nhiều năm đồng hành cùng các doanh nghiệp Việt, bà Hạnh cho rằng doanh nghiệp phải cùng liên kết để củng cố vị thế hàng Việt, xây dựng thương hiệu quốc gia và quốc tế. Tuy nhiên, bà cũng nhấn mạnh quan trọng hơn là những gì doanh nghiệp sẽ làm và quá trình đồng hành giữa các doanh nghiệp hiệu quả ra sao.

Việc hợp tác nêu trên diễn ra trong bối cảnh doanh nghiệp bán lẻ Việt Nam đang bị cạnh tranh quyết liệt bởi các đại gia ngoại. Nhiều nhà sản xuất trong nước khó đưa hàng vào các hệ thống phân phối nước ngoài vì phải chịu mức chiết khấu cao. Vì thế việc đưa hàng vào hệ thống siêu thị của Vingroup với mức chiết khấu năm đầu tiên là 0% đang mở ra cơ hội cho sản phẩm Việt tiếp cận nhiều hơn đến tay người tiêu dùng. Không chỉ doanh nghiệp sản xuất lớn mà các doanh nghiệp nhỏ cũng có cơ hội bán sản phẩm nhiều hơn.

Nhìn nhận cơ hội của mình, chủ trang trại hữu cơ Tuệ Viên ở Hà Nội, bà Nguyễn Thị Phương Liên cho rằng hợp tác sẽ giúp cho việc đưa sản phẩm an toàn và sản phẩm hữu cơ đến người tiêu dùng được đảm bảo hơn. Đồng thời, hợp tác sẽ mang lại công bằng cho nhà sản xuất, nhà thương mại và cả người tiêu dùng trong việc minh bạch thông tin.

Theo chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan, hiện nay, 97% doanh nghiệp Việt Nam là nhỏ và vừa, chỉ đủ khả năng tập trung sản xuất. Vì thế sự hợp tác với doanh nghiệp cung ứng phân phối dịch vụ như Vingroup là rất cần thiết. Bản thân các doanh nghiệp tham gia hợp tác cũng nhìn nhận để việc hợp tác thực sự có hiệu quả, các doanh nghiệp phải nỗ lực hơn nữa trong việc cải tiến sản xuất, nâng cao chất lượng và mẫu mã sản phẩm. Có như thế việc liên kết mới được kéo dài, mới có thể giữ vững được thị phần trong nước và xa hơn là vươn ra thị trường quốc tế.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Chiết khấu 0% và sức mạnh liên kết của doanh nghiệp Việt