Mới đây, Nga đã chuyển giao hệ thống tên lửa phòng không S-300 cho Syria. Để đối phó, truyền thông cho rằng, nhiều khả năng quân đội Mỹ sẽ điều tiêm kích tàng hình F-22 Raptor (Chim ăn thịt) đến Syria...
Trong cuộc họp Hội đồng An ninh Liên bang Nga ngày 2/10 do Tổng thống Vldimir Putin chủ trì, Bộ trưởng Quốc phòng Sergei Shoigu cho biết việc chuyển giao các tổ hợp phòng không tên lửa S-300 cho Syria đã được hoàn tất vào ngày 1/10. Bộ trưởng Quốc phòng Nga cho biết, việc kết nối hệ thống điều khiển các hệ thống phòng thủ tên lửa S-300 trở thành một mạng lưới thống nhất sẽ được hoàn thành trước ngày 20/10/2018. Trong khi đó, theo ông Shoigu, các chuyên gia Syria hiện cũng đang được huấn luyện cách điều khiển hệ thống S-300 với thời gian dự kiến trong vòng 3 tháng.
S-300PMU1 - một trong những biến thể của tổ hợp tên lửa phòng không S-300
Việc Nga cung cấp các tổ hợp phòng thủ tên lửa S-300 cho Syria diễn ra trong bối cảnh Moscow và Tel Aviv đang rơi vào khủng hoảng ngoại giao nghiêm trọng từ sau sự kiện chiếc máy bay trinh sát Il-20 của Nga bị bắn rơi trên biển Địa Trung Hải hôm 17/9, khiến 15 quân nhân nước này thiệt mạng. Bộ Quốc phòng Nga lên tiếng chỉ trích mạnh mẽ Israel về vụ việc này. Trong khi đó, tại nội dung văn bản phản hồi từ quân đội Israel đối với tuyên bố của Bộ Quốc phòng Nga đã khẳng định: Không liên quan!
Theo giới phân tích, trong khi Nga quyết định áp dụng các biện pháp nhằm đảm bảo an ninh cho quân nhân Nga tại Syria sau sự cố Il-20 bị bắn rơi, việc Nga cung cấp hệ thống S-300 cho Syria đẩy quan hệ giữa Moskva và Tel Aviv rơi vào cuộc khủng hoảng nghiệm trọng nhất kể từ thời điểm khôi phục quan hệ ngoại vào năm 1991. Mỹ cũng đã kêu gọi Nga cân nhắc lại động thái này.
Và để đối phó với S-300 mà Moscow vừa chuyển giao cho Damascus, giới truyền thông đoán rằng, nhiều khả năng Không quân Mỹ có thể triển khai tiêm kích tàng hình F-22 (chiếc máy bay chiến đấu hiện đại thế hệ thứ 5) và F-16CJ Vipers đến Syria. Theo Sputnik, việc điều F-22 đến Syria ngoài mục đích “đe nẹt” hệ thống phòng không tại Syria, đặc biệt là S-300, thì đây cũng là một cách để quân đội Mỹ thu thập thêm thông tin về tổ hợp S-300 vốn được mệnh danh là “Rồng lửa” của quân đội Nga.
Thế nhưng, giới phân tích cho rằng, ngay cả F-22 có thực sự tham chiến chăng nữa thì chưa chắc “chiến thần bất bại” của Không quân Mỹ có thể tự do… thích làm gì thì làm trên bầu trời Syria!
"Chim săn mồi" F-22 được mệnh danh là "chiến thần bất bại" của quân đội Mỹ
Còn nhớ hồi tháng 4/2018, tờ Air Force Times dẫn lời người phát ngôn của Bộ Chỉ huy Trung ương Không quân Mỹ Đại úy Mark Graff quân đội Mỹ tuyên bố tiêm kích thế hệ thứ 5 của nước này F-22 đã góp mặt vào chiến dịch không kích Syria rạng sáng 14/4, khi liên quân do Mỹ dẫn đầu đã phóng hơn 100 quả tên lửa hành trình nhằm vào Syria. Theo Đại úy Graff, “các máy bay F-22 Raptor đã đóng một vai trò rất quan trọng trong việc bảo vệ lực lượng bộ binh trong suốt quá trình và cả sau khi chiến dịch tấn công các cơ sở vũ khí của Syria vào rạng sáng 14/4”.
Rạng sáng 14/4/2018, Mỹ và đồng minh triển khai không kích sau cáo buộc chính phủ Syria sử dụng vũ khí hóa học tấn công dân thường ở Douma, Đông Ghouta khiến ít nhất 40 người thiệt mạng. Giới chức Nga và Syria sau khi điều tra đã phát hiện cuộc tấn công hóa học chỉ là “dàn dựng”, để làm cái cớ cho liên quân do Mỹ dẫn đầu tấn công Syria. |
“Nhờ những khả năng độc đáo chỉ các chiến đấu cơ thế hệ 5 mới có, F-22 là loại máy bay duy nhất thích hợp với sứ mệnh hoạt động bên trong vùng bảo vệ của các hệ thống phòng không tích hợp của Syria… Chúng giúp vô hiệu hóa mối đe dọa với các lực lượng và cơ sở quân sự của chúng tôi ở khu vực, đồng thời yểm trợ từ trên không, bảo vệ cho Mỹ, đồng minh và các đối tác hoạt động dưới mặt đất”, ông Mark Graff kết luận.
Tuy nhiên cũng tại thời điểm đó, giới chức Lầu Năm Góc đã không hề thông báo về sự xuất hiện cũng như vai trò của “Chim ăn thịt” F-22 trong các cuộc không kích mục tiêu tại mặt trận Syria ngay từ đầu. Theo truyền thông, gần như trong tất cả các báo cáo gửi tới báo giới sau không kích, quân đội Mỹ chỉ tập trung vào việc sử dụng chiến đấu cơ F-15 và F-16. Trong khi đó, Chủ tịch đốc Hội đồng tham mưu trưởng liên quân Mỹ, Trung tướng Kenneth McKenzie lúc đó cũng khẳng định tiêm kích tàng hình F-22 đã không được sử dụng trong cuộc không kích Syria rạng sáng 14/4.
Mới đây, Sputnik dẫn lời ông Sergei Sudakov, Giáo sư thuộc Học viện Khoa học Quân sự, cho biết, với khả năng tàng hình của mình, F-22 có thể xâm nhập vùng phủ sóng của đối phương mà không bị phát hiện. Tiếp đó, F-22 thực hiện triệt tiêu sóng vô tuyến điện tử và gây nhiễu hệ thống định vị; đồng thời không kích hệ thống radar, bệ phóng, bộ phận chỉ huy hệ thống phòng không của đối phương.
Cuối cùng, sau khi phá được hệ thống phòng thủ, một phi đội máy bay ném bom xuất kích (của Không quân Mỹ) sẽ hoàn thành nốt nhiệm vụ tiêu diệt mục tiêu đối phương. “Đến lúc này, hệ thống phòng không của địch hoàn toàn không có khả năng chống đỡ”, ông Sudakov nói.
Cũng theo ông Sudakov, ngay cả khi với khả năng tàng hình của mình, hệ thống radar của S-300 không phát hiện ra F-22, thì “Chim ăn thịt” vẫn sẽ bị lộ diện khi kích hoạt hệ thống triệt tiêu vô tuyến điện tử đối phương. Và như vậy rõ ràng là… “Lạy ông tôi ở bụi này”, hệ thống điều khiển trên mặt đất của S-300 có thể định vị nguồn phát ra bức xạ và phóng tên lửa đối không đuổi theo F-22. Điều đó có nghĩa là gì? Đơn giản là chẳng có cái gọi là “tàng hình hoàn toàn” - một khả năng đặc biệt của “Chim ăn thịt” như Lầu Năm Góc tuyên bố. Và dĩ nhiên, như lời ông Sudakov, “tất cả kịch bản này chỉ vẽ ra trên giấy mà thôi”!
Một kịch bản trên giấy, những lời đánh giá cao về khả năng của “chiến thần bất bại” F-22 mà Mỹ tuyên bố thực tế như thế nào thì chỉ khi F-22 tham gia thực chiến mới có thể khẳng định được. Trong khi đó, theo ông Sudakov, “chắc chắn cả Israel hay Mỹ đều sẽ không tấn công S-300 trong khi quân nhân Nga vẫn còn đang làm nhiệm vụ ở đó, huấn luyện binh sĩ Syria”.
Trong khi đó, Sputnik dẫn lời nhà quan sát quân sự Andrei Kotz nhận định: Lầu Năm Góc vẫn phải cân nhắc thật kỹ trước khi “ném” máy bay tối tân nhất của mình vào hệ thống phòng không như S-300. “Việc duy trì danh tiếng của một loại vũ khí trong cuộc chiến thực sự là một con dao hai lưỡi”, ông nói.