Chiếm đoạt tiền gửi xe của khách, đối mặt 15 năm tù

Đỗ Việt| 25/11/2016 13:30
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Theo luật sư, hành vi của nhân viên giữ xe sử dụng dao nhằm mục đích chiếm đoạt 30 nghìn đồng tiền gửi xe, khi bãi trông giữ xe không thuộc quyền quản lý và không được Nhà nước cho phép đăng ký trông giữ xe đối mặt với mức án 15 năm tù.

Liên quan đến đoạn clip nhân viên trông giữ xe ô tô tại khu đô thị Tây Nam Linh Đàm, quận Hoàng Mai, Hà Nội, cầm hung khí đe dọa khách để lấy số tiền 30.000 đồng tiền gửi xe, sau khi vào cuộc xác minh, Công an quận Hoàng Mai đã ra quyết định tạm giữ hình sự đối với Nguyễn Văn Minh, (36 tuổi, trú ở phường Hoàng Liệt, quận Hoàng Mai) về hành vi cướp tài sản.

Chiếm đoạt tiền gửi xe của khách, đối mặt 15 năm tù

Nguyễn Văn Minh dùng dao đe dọa khách đòi 30 nghìn đồng tiền gửi xe

Theo tài liệu điều tra, vào khoảng 14h30 ngày 21/11, anh N.T.Đ, trú ở quận Hoàng Mai đến chơi nhà bạn sống ở khu chung cư CT1A2 Tây Nam Linh Đàm, phường Hoàng Liệt, quận Hoàng Mai. Khi đến, anh Đ để xe ô tô dưới tầng 1 tòa nhà nhưng không có người trông xe.

Lúc ra về, anh Đ bị Nguyễn Văn Minh cùng 2 người khác dùng hung khí đe dọa, yêu cầu trả 30 nghìn đồng tiền gửi xe. Do không đồng ý trả, hai bên xảy ra cãi vã.

Bức xúc vì phải trả tiền, anh Đ đã quay lại clip Nguyễn Văn Minh có hành vi đe dọa. Đến chiều 22/11, anh Đ đến Công an phường Hoàng Liệt trình báo sự việc. 

Tại cơ quan Công an, Nguyễn Văn Minh thừa nhận hành vi đe dọa bắt khách phải trả 30 nghìn đồng. Nguyễn Văn Minh khai, mở bãi trông giữ xe tại tòa nhà CT4A1 từ ngày 1-11, tuy nhiên, việc mở bãi giữ xe chỉ được thỏa thuận bằng miệng với đơn vị quản lý tòa nhà.

Trong một diễn biến mới nhất, Bí thư Thành ủy Hà Nội Hoàng Trung Hải đã có công văn chỉ đạo Công an thành phố, Chủ tịch UBND quận Hoàng Mai điều tra và xử lý nghiêm hành vi dùng dao cưỡng đoạt tiền gửi xe tại khu đô thị Tây Nam Linh Đàm (Q.Hoàng Mai).

Theo đó, Công văn số 658/CV-VPTU nêu rõ: Công an thành phố phối hợp với Chủ tịch UBND quận Hoàng Mai kiểm tra thông tin báo nêu, điều tra, làm rõ, xử lý nghiêm hành vi dùng dao cưỡng đoạt tiền trông giữ xe. Xử lý dứt điểm tình trạng trông giữ xe trái phép trên địa bàn quận Hoàng Mai và báo cáo thường trực Thành ủy trước ngày 30/11 về kết quả kiểm tra, xử lý những nội dung nêu trên.

Bí thư Thành ủy Hà Nội Hoàng Trung Hải cũng chỉ đạo Công an thành phố rà soát, kiểm tra các địa điểm trông giữ xe trái phép trên địa bàn thành phố, có phương án xử lý, không để xảy ra tình trạng tương tự.

Trao đổi với phóng viên Báo Công lý, luật sư Nguyễn Anh Thơm, Trưởng VPLS Nguyễn Anh, Đoàn LSTP Hà Nội nhìn nhận, hành vi pham tội của đối tượng đã sử dụng dao là phương tiện nguy hiểm nhằm mục đích chiếm đoạt 30.000 đồng tiền gửi xe khi bãi xe không thuộc quyền quản lý của mình và không được nhà nước cho phép đăng ký trông giữ đã có dấu hiệu phạm tội cướp tài sản được qui định tại điểm d, khoản 2 điều 133 BLHS.

Căn cứ Nghị quyết 02/2003/NQ-HĐTP ngày 17.04 2003 hướng dẫn áp dụng một số qui định của BLHS.

“Phương tiện nguy hiểm" là công cụ, dụng cụ được chế tạo ra nhằm phục vụ cho cuộc sống của con người (trong sản xuất, trong sinh hoạt) hoặc vật mà người phạm tội chế tạo ra nhằm làm phương tiện thực hiện tội phạm hoặc vật có sẵn trong tự nhiên mà người phạm tội có được và nếu sử dụng công cụ, dụng cụ hoặc vật đó tấn công người khác thì sẽ gây nguy hiểm đến tính mạng hoặc sức khoẻ của người bị tấn công.

a. Về công cụ, dụng cụ. Ví dụ: búa đinh, dao phay, các loại dao sắc, nhọn...

b. Về vật mà người phạm tội chế tạo ra. Ví dụ: thanh sắt mài nhọn, côn gỗ...

c. Về vật có sẵn trong tự nhiên. Ví dụ: gạch, đá, đoạn gậy cứng, chắc, thanh sắt.

Điều 133. Tội cướp tài sản

1. Người nào dùng vũ lực đe doạ, dùng vũ lực ngay tức khắc hoặc có hành vi khác làm cho người bị tấn công lâm vào tình trạng không thể chống cự được nhằm chiếm đoạt tài sản, thì bị phạt tù từ ba năm đến mười năm.

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ bảy năm đến mười lăm năm:

a) Có tổ chức;

b) Có tính chất chuyên nghiệp;

c) Tái phạm nguy hiểm;

d) Sử dụng vũ khí, phương tiện hoặc thủ đoạn nguy hiểm khác;

đ) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khoẻ của người khác mà tỷ lệ thương tật từ 11% đến 30%;

e) Chiếm đoạt tài sản có giá trị từ năm mươi triệu đồng đến dưới hai trăm triệu đồng;

g) Gây hậu quả nghiêm trọng.

3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ mười hai năm đến hai mươi năm:

a) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khoẻ của người khác mà tỷ lệ thương tật từ 31% đến 60%;

b) Chiếm đoạt tài sản có giá trị từ hai trăm triệu đồng đến dưới năm trăm triệu đồng;

c) Gây hậu quả rất nghiêm trọng.

4. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ mười tám năm đến hai mươi năm, tù chung thân hoặc tử hình:

a) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khoẻ của người khác mà tỷ lệ thương tật từ 61% trở lên hoặc làm chết người;

b) Chiếm đoạt tài sản có giá trị từ năm trăm triệu đồng trở lên;

c) Gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng.

5. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ mười triệu đồng đến một trăm triệu đồng, tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản, phạt quản chế hoặc cấm cư trú từ một năm đến năm năm.

Theo đó, căn cứ vào các tình tiết nêu trên, hành vi phạm tội của Nguyễn Văn Minh đã sử dụng dao là phương tiện nguy hiểm nhằm mục đích chiếm đoạt tài sản có thể đối diện với mức án 15 năm tù.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Chiếm đoạt tiền gửi xe của khách, đối mặt 15 năm tù