Xunh quanh việc Công an tỉnh Vĩnh Phúc ra quyết định khởi tố vụ án hình sự Truyền bá văn hóa phẩm đồi trụy xảy ra trên không gian mạng liên quan đến quán bar Sunny, luật sư Hoàng Tùng, Đoàn luật sư TP Hà Nội cho rằng, việc rầm rộ chia sẻ các clip mang tính chất khiêu dâm trên không gian mạng vô tình tiếp tay cho mục đích truyền bá văn hóa phẩm đồi trụy, làm mất đi giá trị của truyền thống văn hóa ở Việt Nam.
Như Báo Công lý đã thông tin, ngày 11/5, Công an tỉnh Vĩnh Phúc cho biết, cơ quan Cảnh sát điều tra đã ra quyết định khởi tố 2 vụ án liên quan bar Sunny để điều tra theo quy định của pháp luật.
Cụ thể, Cơ quan Cảnh sát điều tra khởi tố vụ án hình sự: Vi phạm quy định về an toàn lao động, vệ sinh lao động, về an toàn ở nơi đông người gây ra hậu quả nghiêm trọng theo Điều 295 Bộ luật Hình sự và Truyền bá văn hóa phẩm đồi trụy theo Điều 326 Bộ luật Hình sự 2015 xảy ra tại quán bar Sunny có địa chỉ tại đường Mai Hắc Đế, khu đô thị Đồng Sơn, phường Phúc Thắng, thành phố Phúc Yên.
Trước đó, mạng xã hội Facebook lan truyền một số đoạn video clip nhạy cảm về việc nhiều tiếp viên nữ ăn mặc hở hang, khêu gợi thác loạn cùng với khách được cho là diễn ra tại quán bar Sunny, Công an tỉnh Vĩnh Phúc đã vào cuộc xác minh và khẳng định các clip này là giả mạo, không đúng sự thật.
Trao đổi với phóng viên Báo Công lý, luật sư Hoàng Tùng, Đoàn luật sư TP Hà Nội nêu cho rằng: Clip được tung lên ghi lại cảnh các tiếp viên nữ ăn mặc hở hang, tiếp viên nữ và khách thực hiện những hành vi khiêu dâm. Người phát tán clip này trên các trang mạng xã hội, có thể là định hướng dư luận để những người tham gia mạng xã hội chia sẻ, bình luận nhằm phổ biến diện rộng tiếp xúc của clip, có dấu hiệu của việc việc truyền bá văn hóa phẩm đồi trụy.
"Rất nhiều người dân khi tham gia mạng xã hội lại có thái độ thích thú, chia sẻ clip trên, vận động chia sẻ trên trang cá nhân, các hội nhóm,… nhiều người còn đặt những câu hỏi kiểu dạng “Anh em cho xin đoạn clip Sunny với….". Tôi cho rằng những hành động như vậy cần phải có biện pháp để ngăn chặn, để dừng lại ngay, bởi: Mục đích của những người tham gia mạng xã hội bình luận, đánh giá, chia sẻ đối với đoạn clip nêu trên không phải ai cũng với mục đích là để lên án hành vi vi phạm của một số cá nhân, tổ chức liên quan, phản ánh tình trạng “ngầm” của các quán bar, quán karaoke"-luật sư Hoàng Tùng nêu quan điểm.
Theo luật sư Hoàng Tùng, việc rầm rộ chia sẻ, rầm rộ bình luận, đánh giá chính là vô tình tiếp tay cho mục đích truyền bá văn hóa phẩm đồi trụy, làm mất đi giá trị của truyền thống văn hóa ở Việt Nam. Điều đáng lo ngại, những người tiếp nhận thông tin trên không gian mạng không không kiểm chứng thông tin có chính xác hay không nhưng đã chia sẻ, bình luận, đánh giá các sự việc.
“Cần phải xem xét lại vấn đề này, vừa là để tôn trọng và bảo vệ các quyền lợi ích của bản thân, của người khác mà còn góp phần vào phòng, chống tội phạm", ông Tùng nhấn mạnh.
Tội truyền bá văn hóa phẩm đồi trụy theo quy định tại Điều 326 BLHS năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017.
1. Người nào làm ra, sao chép, lưu hành, vận chuyển, mua bán, tàng trữ nhằm phổ biến sách, báo, tranh, ảnh, phim, nhạc hoặc những vật phẩm khác có nội dung khiêu dâm, đồi trụy hoặc hành vi khác truyền bá vật phẩm đồi trụy thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm: a) Dữ liệu được số hóa có dung lượng từ 01 gigabyte (GB) đến dưới 05 gigabyte (GB);
b) Ảnh có số lượng từ 100 ảnh đến dưới 200 ảnh;
c) Sách in, báo in hoặc vật phẩm khác có số lượng từ 50 đơn vị đến dưới 100 đơn vị;
d) Phổ biến cho từ 10 người đến 20 người;
đ) Đã bị xử phạt vi phạm hành chính về một trong các hành vi quy định tại Điều này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm.