Chỉ số giá tiêu dùng CPI quý II/2022 tăng 2,96%

Trang Nhi| 29/06/2022 11:26
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Nhóm giao thông vẫn là nhóm có mức tăng cao nhất, góp phần đáng kể làm CPI tháng 6, quý II và 6 tháng đầu năm 2022 tăng.

Theo số liệu được công bố sáng 29/6 của Tổng cục Thống kê, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 6/2022 tăng 0,69% so với tháng trước, tăng 3,18% so với tháng 12/2021 và tăng 3,37% so với cùng kỳ năm trước.

lam-phat-cpi.jpg
Lạm phát tăng cao nhất trong hơn 2 năm

Giá xăng dầu trong nước liên tục tăng cao theo giá nhiên liệu thế giới; giá hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng thiết yếu tăng theo giá nguyên liệu đầu vào và chi phí vận chuyển là những nguyên nhân chủ yếu làm CPI tháng 6 tăng.

Trong mức tăng 0,69% của CPI tháng 6/2022 so với tháng trước có 9 nhóm hàng hóa và dịch vụ có chỉ số giá tăng và 2 nhóm hàng có chỉ số giá giảm.

Nhóm giao thông có mức tăng cao nhất với 3,62% (làm CPI chung tăng 0,35 điểm phần trăm) do ảnh hưởng của các đợt điều chỉnh giá xăng dầu theo giá nhiên liệu thế giới vào ngày 01/6/2022, 13/6/2022 và 21/6/2022 làm cho giá xăng tăng 8,23%; giá dầu diezen tăng 8,5%.

Bên cạch đó, giá dịch vụ giao thông công cộng tăng 4,98% so với tháng trước do giá nhiên liệu tăng. Trong đó, giá vận tải hành khách bằng đường hàng không tăng 13,38%, đường bộ tăng 3,02%; taxi tăng 2,91%; đường sắt tăng 2,67%; xe buýt tăng 1,69%.

Mặt khác, giá xe ô tô mới, giá xe máy tăng lần lượt 0,62%, 0,86% do thiếu nguồn cung linh kiện bán dẫn khi Trung Quốc thực hiện chính sách "Zero COVID" khiến nhiều nhà máy phải sản xuất cầm chừng, thậm chí đóng cửa.

CPI bình quân quý II/2022 tăng 2,96% so với cùng kỳ năm trước. Trong khi đó, nếu tính CPI bình quân 6 tháng đầu năm 2022 sẽ tăng 2,44% so với bình quân cùng kỳ năm 2021.

Lạm phát cơ bản tháng 6/2022 tăng 0,44% so với tháng trước, tăng 1,98% so với cùng kỳ năm trước. Bình quân 6 tháng đầu năm 2022, lạm phát cơ bản tăng 1,25% so với cùng kỳ năm 2021, thấp hơn mức CPI bình quân chung (tăng 2,44%), điều này phản ánh biến động giá tiêu dùng chủ yếu do giá lương thực và giá xăng dầu.

Trong báo cáo trước đó, Ngân hàng Thế giới (WB) cho rằng Việt Nam cần thận trọng với rủi ro lạm phát liên quan đến xu hướng giá nhiên liệu và hàng hóa nhập khẩu tăng. Điều này có thể cản trở quá trình phục hồi tổng cầu trong nước.

Các chuyên gia cho rằng cần có những biện pháp hỗ trợ tạm thời, bao gồm hỗ trợ trực tiếp có mục tiêu để giúp các hộ nghèo chống chọi với giá nhiên liệu tăng.

Trong khi đó, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) cũng cảnh báo sẽ có những rủi ro và sự bất định đáng kể đối với triển vọng kinh tế Việt Nam. Rủi ro đối với tăng trưởng nghiêng về phía tăng trưởng chậm lại, trong khi rủi ro đối với lạm phát nghiêng về phía tăng lạm phát.

Trong ngắn hạn, rủi ro bên ngoài trước mắt là sự gia tăng căng thẳng địa chính trị có thể ảnh hưởng tiêu cực đến hoạt động kinh tế và lạm phát do cầu bên ngoài yếu hơn, giá hàng hóa cao hơn và sự gián đoạn chuỗi cung ứng toàn cầu kéo dài.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Chỉ số giá tiêu dùng CPI quý II/2022 tăng 2,96%