Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng yêu cầu nếu chưa có danh mục trình Quốc hội thì không vội thông qua Luật Phí, lệ phí.
Phải trình Quốc hội danh mục phí
Việc quy định ngay trong Luật Danh mục chi tiết phí, lệ phí bảo đảm rõ ràng, minh bạch hay Luật chỉ quy định nhóm danh mục phí và lệ phí, danh mục chi tiết giao Chính phủ quy định là nội dung lớn còn có ý kiến khác nhau giữa cơ quan trình dự án luật và cơ quan thẩm tra là Uỷ ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội. Đây cũng là vấn đề nhận được nhiều ý kiến tại phiên làm việc của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội sáng 10/8.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng nhấn mạnh, kinh tế thị trường thì các khoản thu phải minh bạch vì hiện tại có những khoản thu còn tuỳ tiện, khi đưa vào danh mục và khi đề nghị rút ra lý sự không chắc. Cùng với đó, Luật cũng phải thể hiện rõ quy trình thủ tục: Ai nộp, ai thu, thu ở đâu, biên lai ra sao.
“Ngay phí qua trạm trên đường thôi mà cải cách lên xuống vẫn phiền hà. Trong khi rất nhiều khoản phí lệ phí theo luật này ảnh hưởng đến sản xuất, kinh doanh. Nói tên phí, loại phí thôi đã mệt mà nay mai thủ tục cho phí đó chưa biết thế nào thì có khổ dân không? Làm luật này phải trên tinh thần đổi mới và hội nhập”, Chủ tịch Quốc hội nói.
Nhấn mạnh đây là vấn đề ảnh hưởng đến toàn dân, Chủ tịch Quốc hội đề nghị làm rõ cái nào giá, cái nào phí và lệ phí để từ đó rà soát, hình thành danh mục trình Quốc hội. Vì chỉ Quốc hội mới có quyền cho hay không cho thu, phân cấp mức thu cho Chính phủ và HĐND quyết định và chịu trách nhiệm trước dân. Đẻ thêm một khoản thu, một loại phí, lệ phí là không được.
“Nếu chưa có một danh mục phí, lệ phí các loại thì Quốc hội chưa thông qua luật này. Thủ tục thu và nộp phải thật đơn giản. Nếu kỳ họp tới thông qua được thì tốt, không kịp thì kỳ 11 chứ không vội vàng. Quan trọng số 1 vẫn là chất lượng”, Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh.
Luật công bố thì dân phải biết khoản nào thu hay không thu
Bà Trương Thị Mai, Chủ nhiệm Uỷ ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội đề nghị phân biệt rõ giữa phí và giá dịch vụ để loại bỏ, thu gọn danh mục phí và lệ phí. Việc này cũng giúp người dân hiểu rõ được bản chất, vì giá là tính đúng, tính đủ còn phí có yếu tố phúc lợi của Nhà nước và Nhà nước phải quản chặt khoản này.
“Nếu luật này không nói được danh mục phí, lệ phí thì công bố ra người dân chẳng biết đóng cái gì, đóng thế nào. Luật Đầu tư và Luật Kinh doanh trước đây khó như thế ta còn làm được thì Luật này phải thể hiện cụ thể để người dân hiểu cái nào đóng, cái nào không đóng, cái nào có phúc lợi xã hội”, bà Mai nêu ý kiến.
Đề cập nguyên tắc xác định mức thu phí, bà Trương Thị Mai cho rằng không nên dùng từ “hợp lý” mà nên cụ thể là phù hợp với thu nhập của người dân. “Thế giới thu bảo hiểm đều căn cứ trên thu nhập của người dân. Ngay mức thu của y tế cũng căn cứ thu nhập chứ cứ tăng lên quá cao người dân đâu có đỡ nổi”.
Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu thì lưu ý phạm vi trong mối quan hệ giữa Luật phí, lệ phí với các luật khác cũng có quy định về phí, lệ phí.
“Ví dụ Bộ luật Hàng hải Việt Nam quy định phí, lệ phí hàng hải rất nhiều. Vậy mối quan hệ giữa hai luật thế nào? Hay trong Bộ luật Tố tụng hình sự và Bộ luật Tố tụng dân sự cũng quy định trong khi ta xây dựng luật riêng về phí, lệ phí thì tính thống nhất ra sao?”, Phó Chủ tịch Quốc hội đặt vấn đề.
Ngoài ra, theo ông Uông Chu Lưu, căn cứ các khoản thu thì có những loại phí và lệ phí không phải do Nhà nước, đơn vị sự nghiệp thực hiện mà tư nhân cũng làm được. Vậy khi nào gọi là phí, khi nào là giá vì cuối cùng cũng đến người hưởng thụ dịch vụ, ảnh hưởng đến túi tiền của người dân cũng như đảm bảo công bằng cho doanh nghiệp.
Phó Chủ tịch Quốc hội đề nghị nghiên cứu, rà soát kỹ để tránh trường hợp như phí xe máy vừa qua có tỉnh thu, tỉnh không thu và tác động dư luận rất lớn.