Sau trận lũ lịch sử, chúng tôi ghé lại Yên Bái để cùng thực hiện hành trình thiện nguyện theo kế hoạch thường niên của Báo Công lý. Trên những cung đường chúng tôi đi, bây giờ không còn vẻ đẹp uốn lượn của những con đèo cao vút, đồi núi trập trùng bên những thửa ruộng bậc thang, những bông lúa chín vàng và ngôi nhà sàn nhỏ nhấp nhô bên sườn núi. Thay vào đó, chỉ còn lại là những con đường sạt lở, cây cối đổ gẫy và nhà cửa tan hoang bị vùi lấp trong đất đá.
Vượt qua những đống đổ nát
Những ngày đầu tháng 10 vừa qua, đoàn công tác Báo Công lý đã thực hiện hành trình "Công lý và Trái tim" suốt dọc dài Tây Bắc. Rất vui khi đoàn đã mang tới nhiều nụ cười ấm áp cho bà con ở những địa bàn đã đi qua. Đó là những nụ cười chào đón, nụ cười của hạnh phúc khi nhận được những món quà, hay sự mong đợi đến bất ngờ của người dân khi được ở trong ngôi nhà mới mà Báo Công lý hỗ trợ tiền xây dựng.
Và cứ như vậy, niềm vui luôn được đong đầy trong trái tim giữa người trao và người nhận. Trên suốt hành trình từ Sơn La – Điện Biên – Lai Châu, chúng tôi luôn mang tâm thái hoan hỉ đó vì những con đường đi qua, những món quà gửi tới tay người dân được thực hiện rất suôn sẻ.
Tuy nhiên, khi qua tỉnh Yên Bái thì mọi chuyện có phần khó khăn hơn. Những con đường bị đất đá chặn ngang, những cánh rừng đổ rạp và nhà cửa của người dân siêu vẹo, chông chênh sau trận lũ.
Yên Bái là điểm cuối cùng trong “Hành trình Công lý và Trái tim: Qua miền Tây Bắc 2024” do Báo Công lý tổ chức. Bởi là điểm cuối cùng cho nên các thành viên trong đoàn công tác cũng đã thấm mệt sau chuỗi ngày rong ruổi trên cung đường núi đèo Tây Bắc. Biết rằng cơn bão mới đi qua nên các thành viên trong đoàn vẫn luôn với tâm thế sẵn sàng đối mặt, ứng phó để vượt qua những khó khăn, vất vả trên đường. Nhưng chúng tôi không nghĩ là ở Yên Bái lại còn nhiều sự ngổn ngang đến vậy.
Theo lịch trình công tác, ngày 6/10 đoàn chúng tôi sẽ cùng với TAND tỉnh Yên Bái đến trao quà tại 2 xã Tân Lập và Phan Thanh của huyện Lục Yên. Tham gia cùng đoàn còn có ông Phạm Hồng Quân, Phó Chánh án TAND tỉnh Yên Bái. Do biết trước là đường khó đi bởi địa phương này là một trong những nơi bị ngập và sạt lở khá nhiều của Yên Bái, vậy nên đoàn chủ động đi từ rất sớm.
Xuất phát từ TP. Yên Bái là khoảng 6 giờ sáng, vậy mà phải hơn 10 giờ chúng tôi mới tơi điểm trao quà, trong khi quãng đường chỉ có gần 100 km. Đường quá xấu, cứ vài km là lại có điểm bị sạt lở, đất đá từ trên núi trút xuống tràn ngập hết cả lòng đường, khiến các xe phải nối đuôi nhau xếp thành hàng dài chờ những công nhân làm đường dọn dẹp, múc đất đá mở thành những lối nhỏ để cho dòng xe đi tạm qua. Có những đoạn thì đường há thành “hàm ếch” vì bị xói mòn, xe đi qua phải “mon men” vào bên trong sườn núi, vì chỉ đi lệch ra phía bị xói là có thể sẽ lật nhào xuống vực.
Có phải chạy xe trên cung đường đầy “áp lực” như vậy thì mới cảm nhận được sự vất vả, gian nan của người miền núi khi ngày ngày họ vẫn phải đi chuyển để đảm bảo cuộc sống mưu sinh. Trên cả cung đường, đập vào mắt chúng tôi nếu không phải là cảnh đất đá sạt lở thì cũng lại là những ngôi nhà xập xệ đến tang thương.
Gian nan là vậy, nhưng với chúng tôi dù đường có khó mấy thì đoàn vẫn cứ đi, vòng quay bánh xe vẫn cứ lăn đều vượt qua những đống đổ nát hoang tàn, để mang tình yêu thương và tấm chân thành trao gửi đến với những hoàn cảnh còn khó khăn đang cần sự giúp đỡ.
Dắt nhau đi ở nhờ
Sau khoảng thời gian “nín thở” để vượt qua những cung đường bị lũ tàn phá, chúng tôi cũng đến được điểm để trao tiền hỗ trợ xây nhà với những phần quà cho người dân ở xã Tân Lập và Phan Thanh của huyện Lục Yên, Yên Bái.
Tại xã Tân Lập, đoàn công tác của Báo Công lý và TAND tỉnh Yên Bái đã trao số tiền 50 triệu đồng để hỗ trợ gia đình ông Trương Văn Minh; 80 suất quà cho những hộ nghèo và gia đình chính sách; 93 thùng sữa cho các cháu của Trường Tiểu học và THCS xã Tân Lập. Còn tại xã Phan Thanh, chúng tôi cũng trao 100 phần quà cho người dân nghèo và những gia đình chính sách.
Do đường khó đi nên tới điểm xã Phan Thanh thì cũng đã thời gian cũng quá 12 giờ trưa. Dưới cái nắng gắt những làn da đen sạm, lấm lem của người dân đang tất bật tới nhận những phần quà. Trong đoàn người có mặt ở trụ sở UBND xã hôm đó, tôi đã bắt gặp một ánh mắt đang “thất thần”, với vẻ mặt buồn rầu đang ngồi bên hiên để chờ cán bộ xã đọc tới tên thì mới lên nhận phần quà của mình.
Lại gần để trò chuyện với anh thì được biết, anh tên Nguyễn Văn Nhất, sinh năm 1981, hiện gia đình anh ở thôn Năn Kè, xã Phan Thanh, anh có vợ kém 1 tuổi và đã hạ sinh được 2 cô con gái. Đứa lớn thì cũng đã xây dựng gia đình và có con đầu lòng, nhưng do đi làm xa nên vợ chồng con gái cũng gửi cháu ngoại cho vợ chồng anh trông nom hộ, nên hiện giờ nhà vẫn có 4 người ở cùng với nhau.
Thấy anh buồn tôi cũng không dám hỏi nhiều, vì sợ nhỡ đâu lại động đến một nỗi đau nào mà anh không muốn nhắc tới nên chỉ trò chuyện về cuộc sống hiện tại của gia đình. Thế nhưng nào ngờ tôi lại vô tình động đến điều đó, động đến cái mất mát quá lớn mà thiên nhiên cướp đi của gia đình anh Nhất.
Nhìn thoáng qua tôi đã thấy đôi mắt anh nặng trĩu, nghẹn ngào trong từng câu nói anh kể cho tôi nghe về cái đêm định mệnh ấy. Anh kể rằng, hôm đó do mưa lớn kéo dài nên lực lượng chức năng địa phương cũng đã cảnh báo đến người dân về hiện tượng sạt lở và ngập úng, nên các gia đình cũng có phần chủ động ứng phó nhưng không nghĩ là nó đến nhanh và sạt lở nặng như vậy.
Anh Nhất kể: “Lúc đó vào khoảng 8 giờ tối, nhà 4 người chúng tôi đang trong nhà thì nghe thông báo của lực lương chức năng địa phương là phải di dời ngay. Vì biết rất có thể đất đá sẽ sạt lở vào nhà, nên gia đình chúng tôi cũng chỉ biết ôm lấy nhau rời khỏi nhà. Đúng là may mắn, chỉ vài tiếng sau thì ngôi nhà yêu dấu của tôi đã bị đất đá vùi lấp hoàn toàn. Cơn lũ như một con thú giữ, không nhìn thấy miệng, nhưng cũng có thể nuốt trọn ngôi nhà nhỏ của chúng tôi vào bụng”.
Vậy là chỉ sau một đêm, quay nhìn lại mái ấm nhỏ của gia đình mình mà anh Nhất không thể khóc, cũng chẳng biết than ai! Anh chỉ biết rằng giờ đây gia đình anh đã bắt đầu phải sống trong cảnh bơ vơ, không nhà không cửa.
Anh Nhất bảo, nhà anh không có nhiều ruộng vườn, nương rẫy, tài sản chỉ có ngôi nhà nhỏ đó và gần 1 ha đất rừng sau nhà, cộng với 1 sào ruộng để trồng lúa nước. Nhưng giờ đây rừng đã sạt lở, nhà bị đất đá vùi lấp hoàn toàn, ruộng thì ngập úng hoàn toàn nên cuộc sống thật chẳng biết sẽ thế nào nữa.
“May là trong thôn còn có nhà chú ruột, giờ gia đình 4 người chúng tôi dọn qua đó ở tạm cho qua ngày, gọi là có chỗ che mưa, che nắng chứ nhà chú 7 người, cộng thêm nhà tôi nữa là hơn chục người cùng ở trong ngôi nhà nhỏ thì làm sao mà ở lâu dài được. Nhưng trong hoạn nạn có người thân đùm bọc, cho mình có chỗ tá túc là may mắn rồi”, anh Nhất sụt sùi.
Giờ đây, bão lũ đã đi qua, nhưng người dân ở những vùng bị sạt lở, ngập úng của tỉnh Yên Bái nói chung và các địa phương như Tân Lập, Phan Thanh của huyện Lục Yên nói riêng vẫn còn vô cùng khó khăn bởi hệ quả của nó để lại. Những cung đường bị sạt lở gây cản trở giao thông, nhà cửa bị vùi lấp trong đống đổ nát, sự hoang tàn của ruộng vườn sau khi bị ngập úng, hoa màu chết thối nằm chỏng chơ phơi nắng, nhìn vào cảm thấy rất xót xa.
Trong suốt thời gian qua, các cơ quan ban ngành từ trung ương đến địa phương, nhân dân cả nước, tất cả đều hướng về Yên Bái để cùng san sẻ, chia vơi những khó khăn mà người dân ở đây phải chịu. Những đoàn xe cứu trợ nối dài, những đoàn người thiện nguyện xuất hiện ở hầu khắp các “điểm đen” mà trận bão lũ kinh hoàng tràn qua, điều đó nói lên rằng: Trong cuộc chiến chống lại thiên nhiên, Yên Bái không hề cô đơn.