Theo đại biểu Mai Thị Phương Hoa, chế tài xử lý lãng phí đã ban hành nhưng tính răn đe chưa cao. Lâu nay, một số cán bộ chỉ coi lãng phí hành vi cần khắc phục, nhưng chưa đến mức nghiêm trọng, chưa coi lãng phí là hành vi nguy hiểm cho xã hội.
Tiếp tục Chương trình Kỳ họp thứ 8, sáng 4/11, Quốc hội tiến hành thảo luận tại hội trường về Đánh kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2024; dự kiến kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2025.
Cụ thể, Quốc hội thảo luận về 4 nội dung: Đánh giá kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2024; dự kiến kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2025; tình hình thi hành Hiến pháp; thi hành luật, nghị quyết của Quốc hội, pháp lệnh, nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội; chủ trương điều chỉnh Quy hoạch sử dụng đất quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050; chủ trương đầu tư bổ sung vốn nhà nước tại Ngân hàng Thương mại cổ phần Ngoại thương Việt Nam (VCB).
Chưa coi lãng phí là hành vi nguy hiểm cho xã hội
Đề cập đến bài viết của đồng chí Tổng Bí thư Tô Lâm về chống lãng phí đã đánh giá đúng thực trạng, chỉ ra nguyên nhân và đưa ra nhiều giải pháp..., đại biểu Mai Thị Phương Hoa - Đoàn ĐBQH tỉnh Nam Định nhấn mạnh "Đây là một thông điệp mạnh mẽ, sâu sắc, khuyến khích mọi người dân, đặc biệt là cán bộ trong bộ máy công quyền cần xem xét lại cách thức sử dụng và quản lý các nguồn lực trong xã hội. Bài viết đã đánh giá, lãng phí còn diễn ra khá phổ biến dưới nhiều dạng thức khác nhau, đã và đang gây ra nhiều hệ lụy nghiêm trọng cho phát triển".
Theo đại biểu Mai Thị Phương Hoa, tình trạng này có những nguyên nhân chủ yếu sau: Còn có một bộ phận cán bộ có tâm lý coi nhẹ việc chống lãng phí ngay trong hoạt động quản lý. "Lâu nay họ chỉ coi lãng phí hành vi cần khắc phục nhưng chưa đến mức nghiêm trọng, chưa coi lãng phí là hành vi nguy hiểm cho xã hội".
Có một số cán bộ còn quan niệm lãng phí chỉ là việc quản lý, sử dụng vốn, tài sản nhà nước không hiệu quả nhưng trên thực tế có lãng phí về cơ hội và thời gian.
Đặc biệt, đại biểu chỉ rõ "Bệnh thành tích, tư duy nhiệm kỳ, tư duy chủ quan của một số cán bộ muốn thực hiện những dự án ở địa phương, bộ, ngành mình vào trong nhiệm kỳ mình làm lãnh đạo để chứng tỏ năng lực, sự năng động nhưng do cách làm cục bộ, sự tính toán chủ quan, sự không tuân thủ đầy đủ các quy trình phụ thuộc nên một số dự án mới đem lại hiệu quả không mong muốn";
Đại biểu Hoa chỉ rõ "Chế tài xử lý lãng phí đã ban hành nhưng tính răn đe chưa cao".
Đại biểu phân tích, Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí đã quy định trách nhiệm của cá nhân, trách nhiệm người đứng đầu, việc xử lý hành vi vi phạm trong việc để xảy ra tình trạng lãng phí. Tuy nhiên, các quy định này chủ yếu có tính chất cảnh báo, nhắc nhở.
Bộ luật Hình sự có 2 điều đề cập đến hành vi phạm tội dẫn đến hậu quả lãng phí là Điều 179 về tội thiếu trách nhiệm gây thiệt hại đến tài sản của Nhà nước, cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp; Điều 219 quy định về tội vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí.
Trên thực tế, các điều luật này ít khi được sử dụng để xử lý hành vi lãng phí mà thường được xử lý bằng các tội danh khác như: tội vi phạm quy định về kế toán gây hậu quả nghiêm trọng; tội vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng. Với cách xử lý này, mặc dù tội phạm vẫn bị trừng trị nhưng tính răn đe, giáo dục về chống lãng phí chưa cao.
“Nếu chúng ta chống lãng phí thành công như chống tham nhũng thời gian qua thì đất nước ta nhất định sẽ vững vàng bước vào kỷ nguyên mới”, đại biểu nhấn mạnh.
Cần chú ý đến khâu lấy ý kiến nhân dân
Quan tâm đến tình hình thi hành Hiến pháp; thi hành luật, Nghị quyết của Quốc hội, pháp lệnh, Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội..., đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga - Đoàn ĐBQH tỉnh Hải Dương cho rằng, để nâng cao chất lượng xây dựng văn bản quy phạm pháp luật, cần tập trung hơn nữa vào khâu xin ý kiến của các tầng lớp nhân dân, các cơ quan, tổ chức vào các dự thảo văn bản quy phạm pháp luật và tổng hợp.
Dẫn báo cáo của Chính phủ, từ năm 2021 đến tháng 8/2024 có 3001 quy định kinh doanh được cắt giảm, đơn giản hóa (chiếm 18.9% trong tổng số các quy định được rà soát). Theo đại biểu, đây là một con số rất lớn. Những thủ tục hành chính không cần thiết, rườm rà trong kinh doanh là nút thắt, sức cản lớn đối với người dân và doanh nghiệp. Những thủ tục không cần thiết này làm lãng phí thời gian, lãng phí các nguồn lực xã hội và lãng phí cả những cơ hội đầu tư của doanh nghiệp.
“Con số hơn 3000 thủ tục được cắt giảm, đơn giản hóa mang cả tín hiệu vui và chưa vui. Tín hiệu vui vì đây là kết quả của sự rà soát tích cực, trách nhiệm và khoa học. Nhưng chưa vui vì con số này cũng là kết quả của sự hạn chế trong công tác xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật thời gian qua”, đại biểu Nga cho biết.
Để hạn chế tối đa tình trạng ban hành các thủ tục hành chính rồi lại rà soát để cắt giảm, đại biểu cho rằng, giải pháp hiệu quả nhất là cần tập trung rà soát ngay từ khâu xây dựng ban hành quy phạm pháp luật, trong đó cần đặc biệt chú trọng vào việc xin ý kiến và tổng hợp nhân dân.
Đại biểu chỉ rõ thực tế, Bộ pháp điển của Việt Nam hiện nay đang rất lãng phí vì chưa có nhiều tổ chức, cá nhân biết đến và sử dụng. Trong khi đó, một trong những mục tiêu hướng đến của bộ pháp điển là giúp các tổ chức, cá nhân tiện lợi trong việc tìm kiếm, tra cứu đáp ứng nhu cầu sử dụng và tìm hiểu các quy định của pháp luật. Báo cáo của Chính phủ cũng nêu rõ: “Mức độ hiểu biết, tra cứu, sử dụng bộ pháp điển của người dân, doanh nghiệp còn hạn chế”.
Do vậy, đại biểu đề nghị trong tổng số các giải pháp để nâng cao hiệu quả hoạt động phổ biến pháp luật, cần tích cực tuyên truyền, hướng dẫn người dân, doanh nghiệp cách tra cứu, sử dụng bộ pháp điển và nâng cao chất lượng hoạt động của cổng thông tin điện tử pháp điển.