Dự thảo Luật Phá sản sửa đổi do TANDTC trình Quốc hội cho ý kiến vừa qua được đánh giá là đã có những ưu điểm nhất định.
Ủy ban Kinh tế của Quốc hội và nhiều Đại biểu Quốc hội (ĐB) đánh giá cao sự tiếp thu của Ban soạn thảo đã cập nhật đưa vào dự thảo luật xử lý những bất cập của Luật Phá sản hiện hành. Tuy nhiên, bên cạnh đó cũng còn một số vấn đề cần phải bổ sung cho phù hợp.
Liên quan đến vấn đề xử lý tài sản có chủ doanh nghiệp bỏ trốn, ảnh hưởng trực tiếp đến quyền lợi của người lao động là vấn đề được nhiều người quan tâm.
Những năm gần đây, tình hình doanh nghiệp nợ lương, nợ bảo hiểm xã hội và có chủ doanh nghiệp(DN) bỏ trốn ngày càng trở nên phổ biến. Với số tiền nợ hàng chục tỷ đồng, liên quan đến nhiều người lao động trong một doanh nghiệp đã nảy sinh nhiều phức tạp trong giải quyết tranh chấp lao động. Sự việc chỉ được thông tin với cơ quan quản lý Nhà nước về lao động sau khi chủ doanh nghiệp đã bỏ trốn. Tình hình trên đã gây mất an ninh trật tự tại địa phương, nơi có DN đóng trụ sở.
Ảnh minh họa
Theo quy định của pháp luật hiện hành, để xử lý tài sản doanh nghiệp có chủ bỏ trốn, có thể thanh toán lương cho người lao động theo hai hướng: Đề nghị Tòa án mở thủ tục phá sản doanh nghiệp hoặc là khởi kiện dân sự theo dạng nợ lương đối với từng người lao động. Trong khi thủ tục kiện dân sự đòi nợ lương của người lao động chỉ là giải pháp cho từng trường hợp riêng lẻ, không mang tính tổng thể lại có thể thực hiện được, phức tạp đối với Tòa án và cho cả người lao động. Đối với thủ tục đề nghị phá sản DN để thanh toán nợ lương cho người lao động, nợ bảo hiểm xã hội cho cơ quan bảo hiểm xã hội thì lại không thể thực hiện trên thực tế. Theo quy định của Luật phá sản hiện hành, trong trường hợp DN, HTX không trả được lương, các khoản nợ khác cho người lao động và nhận thấy doanh nghiệp, hợp tác xã lâm vào tình trạng phá sản thì người lao động cử người đại diện hoặc thông qua đại diện công đoàn nộp đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản đối với DN, HTX đó.
Trên thực tế, quyền này rất khó thực hiện vì theo quy định này, đại diện cho người lao động được cử hợp pháp sau khi được quá nửa số người lao động trong DN, HTX tán thành. Tuy nhiên, sau khi doanh nghiệp nợ lương có chủ bỏ trốn thì người lao động phải đi tìm việc làm ở nơi khác để giải quyết vấn đề sinh kế, do đó việc lấy ý kiến là việc làm bất khả thi. Đồng thời, trước ngày 1/5/2012 thời điểm Bộ luật Lao động (sửa đổi) có hiệu lực thi hành thì trường hợp DN không có công đoàn cơ sở hoặc công đoàn cơ sở không thực hiện quyền yêu cầu tòa án mở thủ tục phá sản nên việc yêu cầu phá sản đối với doanh nghiệp, hợp tác xã hoàn toàn bị bế tắc. Điều này dẫn đến việc người lao động chủ thể ở vị trí yếu thế trong tương quan với chủ nợ khác bị nợ lương, bị vi phạm pháp luật lao động.
Nhiều ý kiến cho rằng, việc tự bảo vệ này phải đảm bảo thủ tục vốn rất khó thực hiện, thậm chí như phương án 2, Điều 4, dự thảo Luật quy định khoản nợ đến hạn phải từ 200.000.000 đồng trở lên thì việc nộp đơn yêu cầu Tòa án mở thủ tục phá sản càng khó, bởi thủ tục của một người lao động qua tính toán phải mất hơn 3 năm mới đủ điều kiện nếu bình quân thu nhập 5.000.000 đồng/tháng. Tương tự như vậy đối với chủ thể cơ quan bảo hiểm xã hội vốn là đơn vị được giao quản lý quỹ bảo hiểm xã hội và thực hiện các chính sách đối với người lao động khi bị doanh nghiệp nợ bảo hiểm xã hội có chủ bỏ trốn, đáng lẽ Nhà nước phải cưỡng chế thu hồi tiền nợ bảo hiểm xã hội từ doanh nghiệp thì phải bị động chờ thanh toán từ việc phá sản doanh nghiệp hoặc tự khởi kiện dân sự.
Dự thảo Luật Phá sản (sửa đổi) đã mở rộng đối tượng có quyền đề nghị mở thủ tục phá sản đối với doanh nghiệp lâm vào tình trạng phá sản bao gồm cá nhân người lao động, đại diện của họ hoặc đại diện công đoàn.
ĐB Lê Trọng Sang, TP. Hồ Chí Minh đồng tình rất cao với việc mở rộng đối tượng có quyền đề nghị mở thủ tục phá sản, điều đó sẽ tạo sự linh hoạt, khắc phục những hạn chế của luật hiện hành. Tuy nhiên do tính đặc thù của khoản nợ lương, người lao động so với nợ của DN với các chủ nợ khác là khoản nợ phải được nhà nước ưu tiên bảo vệ, đồng thời chủ thể người lao động là chủ thể dễ bị tổn thương trong xã hội khi nguồn tiền lương để nuôi sống bản thân và gia đình họ không được bảo đảm.
Vì vậy đề nghị bổ sung thêm chủ thể có quyền đề nghị Tòa án mở thủ tục phá sản đối với DN, HTX lâm vào tình trạng phá sản là cơ quan quản lý lao động ở địa phương cấp huyện, cấp tỉnh vào Điều 4 của dự thảo luật. Bên cạnh đó, dự thảo luật cũng nên có quy định thủ tục tuyên bố phá sản rút gọn đối với trường hợp có chủ doanh nghiệp bỏ trốn mà không cần thủ tục hội nghị chủ nợ.
Mặt khác dự thảo luật cũng cần bổ sung các chế định đủ mạnh để xử lý nghiêm khắc đối với các DN, HTX lâm vào tình trạng phá sản nhưng không thực hiện nghĩa vụ nộp đơn yêu cầu phá sản hoặc nộp đơn chậm, không đúng, tùy mức độ có thể phạt tiền hoặc bồi thường thật nặng hoặc cấm tham gia quản lý đối với cá nhân để tăng trách nhiệm trước pháp luật của pháp nhân doanh nghiệp hoặc hợp tác xã lâm vào tình trạng phá sản. Việc này sẽ khắc phục tình trạng né tránh, không tự nguyện nộp đơn, cố tình kéo dài để tẩu tán tài sản, gây khó khăn cho quá trình giải quyết phá sản.
Còn ĐB Trần Du Lịch, TP. Hồ Chí Minh cho rằng, không nên quá dễ dãi trong vấn đề tự xin phá sản mà chỉ tập trung xử lý những doanh nghiệp thực sự lâm vào tình trạng phá sản để đưa những chủ doanh nghiệp này ra khỏi cuộc chơi một cách có trật tự và bảo đảm quyền lợi của các chủ nợ và các thành phần có liên quan. Do đó, trong Điều 4 dự thảo luật quy định phần quyền và nghĩa vụ đề nghị tách thành hai nhóm: Quyền của các chủ nợ bao gồm cả người lao động và nghĩa vụ của DN khi nộp đơn xin phá sản.
“Chúng ta chỉ chấp nhận về quan điểm triết lý Luật Phá sản là xử lý doanh nghiệp lâm vào tình trạng phá sản thực sự, chứ không chấp nhận chủ DN muốn nghỉ làm ăn là mượn Luật Phá sản để tuyên bố phá sản”, ĐB Trần Du Lịch nhấn mạnh.
Quốc Huy