Cựu Chủ tịch Tập đoàn Nissan Motor Carlos Ghosn vừa bị khởi tố tội danh mới: lạm dụng tín nhiệm, sử dụng sai quỹ công ty cho mục đích cá nhân, sau khi ông này bị bắt giữ lần thứ 4 hôm 4/4 vừa qua, Nikkei Asian Review đưa tin.
Ông Ghosn bị bắt giữ hôm 4/4, theo cáo buộc lạm dụng tín nhiệm, sau khi Nissan Motor phát hiện một số khoản chi trả của tập đoàn cho nhà phân phối ở Oman đã được ông Ghosn sử dụng cho mục đích cá nhân, khiến công ty thất thoát 5 triệu USD. Đây là lần thứ 4 cựu Chủ tịch Nissan bị bắt giữ, chưa đầy một tháng kể từ khi ông này được bảo lãnh tạm tha sau 108 ngày giam giữ.
Ông Carlos Ghosn - cựu Chủ tịch Tập đoàn Nissan Motor
Nikkei Asian Review dẫn các nguồn thạo tin cho biết, lệnh bắt giữ mới nhất nhằm vào ông Ghosn liên quan tới một nhà phân phối ở Oman. Các công tố viên nghi ngờ rằng nhà phân phối này đã nhận 115 triệu USD từ Nissan trong khoảng thời gian từ tháng 12/2015 - 7/2018, và sau đó chuyển 5 triệu USD trong số này tới một tài khoản tiết kiệm của Good Faith Investments - một công ty đầu tư ở Libăng mà ông Ghosn được cho là sở hữu gián tiếp. Họ cho rằng, một phần trong số này đã được chuyển cho Công ty Beauty Yachts của vợ ông Carole Ghosn, có trụ sở tại Quần đảo Virgin thuộc Vương quốc Anh, một “thiên đường thuế”.
Một số nguồn tin còn cho rằng, một phần số tiền nói trên sau đó tiếp tục được chuyển cho công ty của vợ ông Ghosn. Khoản tiền cũng có thể đã được sử dụng để mua một du thuyền hạng sang trị giá 1,6 tỷ yen (14 triệu USD) phục vụ gia đình cựu Chủ tịch Nissan.
Trước khi bị bắt vào ngày 19/11/2018, ông Carlos Ghosn là Chủ tịch của cả Nissan, Mitsubishi (Nhật Bản) và Renault (Pháp). Ông được xem là một trong những nhân vật quyền lực nhất ngành xe hơi Nhật Bản khi giữ vai trò quan trọng giúp Nissan vượt qua giai đoạn khủng hoảng kinh tế trong thập niên 90 và hỗ trợ Mitsubishi chống chọi với thời kỳ kinh doanh giảm sút sau khi hãng này bị cáo buộc làm giả số liệu về chỉ số tiêu thụ nhiên liệu.
Cựu Chủ tịch Nissan bị cáo buộc không kê khai đủ thu nhập, dùng tiền công ty vào mục đích cá nhân và báo cáo tài chính sai sự thật. Theo đó, ông Ghosn bị cáo buộc chỉ khai một nửa của thu nhập 88 triệu USD 5 năm qua; tiền của công ty được dùng mua hoặc thuê nhà xa hoa cho ông Ghosn ở các thành phố Rio De Janeiro, Beirut, Paris và Amsterdam; và các khoản này không được Ghosn kê khai trong thu nhập.
Sau 108 ngày bị bắt giữ, ông Carlos Ghosn đã được Tòa án Tokyo chấp nhận số tiền bảo lãnh tại ngoại lên tới 1 tỷ yen (9 triệu USD). Được tại ngoại vào ngày 6/3 vừa qua, ông Ghosn phải nộp lại hộ chiếu, bị cấm xuất cảnh, hạn chế tiếp xúc với các nhân chứng liên quan vụ việc và thông báo lịch trình hàng ngày cho các công tố viên.
Tuy nhiên, “chạy trời không khỏi nắng”, ngày 22/4, cựu Chủ tịch Nissan đã bị các công tố viên Tokyo khởi tố tội danh mới: sử dụng sai quỹ công ty chi trả cho một nhà phân phối ở Oman với mục đích cá nhân.
Cũng trong ngày 22/4, Nissan Motor thông báo đã khiếu kiện cựu Chủ tịch Ghosn với cáo buộc lạm dụng tín nhiệm theo Đạo luật Doanh nghiệp Nhật Bản. Nissan Motor cho biết công ty khởi kiện sau khi xác định các khoản thanh toán của Nissan gửi tới một công ty nước ngoài thông qua một chi nhánh đã được ông Ghosn sử dụng làm lợi cho cá nhân
Theo Nikkei Asian Review, nhóm luật sư đại diện cho ông Ghosn cho biết họ sẽ xin bảo lãnh tại ngoại cho thân chủ. Ngày 22/4 là ngày cuối cùng trong thời hạn tạm giam theo quyết định của Tòa án Tokyo đưa ra trước đó.
Ông Ghosn, quốc tịch Brazil, Pháp là Liban, cũng bị buộc tội lạm dụng tín nhiệm liên quan việc chuyển các khoản thua lỗ kinh doanh cá nhân vào sổ sách kế toán của Nissan hồi năm 2008 và lấy 14,7 triệu USD từ quỹ của Nissan trả cho một doanh nhân Arab Saudi để người này gia hạn tín dụng cho ông.