Một diện tích lớn rừng nhiệt đới Amazon bị thiêu rụi bởi đám cháy tàn khốc nhất trong lịch sử khiến lá phổi của trái đất đang bị đe dọa nghiêm trọng.
Trong suốt hai tuần qua, rừng mưa Amazon - lá phổi của trái đất sản sinh 20% lượng ôxy toàn cầu đan bốc cháy dữ dội, khiến cộng đồng quốc tế phải liên tục hối thúc chính phủ Brazil nhanh chóng có các biện pháp quyết liệt hơn để chống "giặc lửa".
Lá phổi của trái đất sản sinh 20% lượng ôxy toàn cầu đang bốc cháy dữ dội
Trong khi đó, trên mạng xã hội Twitter hôm 22/8, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron kêu gọi các thành viên của Hội nghị Thượng đỉnh G7 nhanh chóng thảo luận về trường hợp khẩn cấp này. Ông gọi đây là một “cuộc khủng hoảng quốc tế”.
Thủ tướng Anh Boris Johnson ngày 23/8 cũng lên tiếng kêu gọi sự hợp tác quốc tế để bảo vệ các rừng mưa nhiệt đới.
Ngày 23/8,Tổng thống Brazil Jair Bolsonaro cũng đã phê chuẩn quyết định cử quân đội nước này tới hỗ trợ chữa cháy rừng Amazon, cũng như trấn áp các hoạt động tội phạm tại những bang khu vực có liên quan. Ông khẳng định, bảo vệ rừng là nhiệmvụ quan trọng của Brazil, và đất nước này sẽ có những hành động mạnh tay đối với nạn phá rừng và các hoạt động đe dọa tới rừng nhiệt đới Amazon.
Báo cáo từ Trung tâm Nghiên cứu Không gian Brazil (INPE) cho thấy, số vụ hỏa hoạn ở Brazil đã tăng 80% so với cùng kỳ năm ngoái, trong đó hơn một nửa xảy ra ở Amazon. Trong đó, 99% nguyên nhân các vụ hỏa hoạn là do con người (dù vô tình hay cố ý), nhà khoa học của INPE Alberto Setzer cho biết.
60% diện tích rừng mưa Amazon thuộc địa phận Brazil. Amazon được coi là lá phổi của thế giới. Vì thế, bất kỳ đe dọa nào đối với Amazon cũng có thể gây ra hậu quả nghiêm trọng đối với khí hậu, lượng mưa toàn cầu, kinh tế thế giới và chính sách ngoại giao.