Châu bản Triều Nguyễn: Tư liệu không thể chối cãi khẳng định chủ quyền Hoàng Sa, Trường Sa là của Việt Nam

Phương Vinh| 01/08/2014 08:33
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Sáng 30/7/2014, tại Hà Nội, Cục Văn thư và Lưu trữ Nhà nước (Bộ Nội vụ) đã tổ chức Lễ đón nhận “Bằng Di sản tư liệu Châu bản triều Nguyễn thuộc

Sáng 30/7/2014, tại Hà Nội, Cục Văn thư và Lưu trữ Nhà nước (Bộ Nội vụ) đã tổ chức Lễ đón nhận “Bằng Di sản tư liệu Châu bản triều Nguyễn thuộc Chương trình Ký ức Thế giới khu vực Châu Á - Thái Bình Dương của UNESCO”. Như vậy, Châu bản triều Nguyễn là Di sản tư liệu thứ tư của Việt Nam được UNESCO công nhận, sau Mộc bản triều Nguyễn (năm 2007), 82 Bia đá Tiến sỹ tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám (năm 2010) và Mộc bản Chùa Vĩnh Nghiêm (năm 2012).

Châu bản triều Nguyễn - Kho tư liệu quý giá

Châu bản triều Nguyễn được ghi danh vào Danh mục Di sản tư liệu thuộc Chương trình Ký ức Thế giới khu vực Châu Á - Thái Bình Dương bởi những giá trị nổi bật về nội dung phong phú, hình thức độc đáo, tính duy nhất, không thể thay thế và có tầm ảnh hưởng lớn trong khu vực và thế giới… Đó là các tài liệu hành chính của triều Nguyễn, triều đại cuối cùng trong lịch sử phong kiến Việt Nam từ năm 1802 đến 1945.

Hiện nay, Châu bản triều Nguyễn đang được bảo quản tại Trung tâm Lưu trữ quốc gia I thuộc Cục Văn thư và Lưu trữ Nhà nước, gồm 85.000 văn bản của 11 triều vua nhà Nguyễn. Các tài liệu này hình thành trong hoạt động quản lý nhà nước, được soạn thảo chủ yếu bằng chữ Hán, chữ Nôm và một số ít văn bản bằng cả chữ Hán Nôm, chữ Pháp và chữ Việt của Hoàng đế Bảo Đại - vị vua cuối cùng của triều Nguyễn. Khối tài liệu được viết tay trên giấy dó bằng bút lông bởi một loại mực truyền thống mài thủ công và được soạn thảo bởi các thư lại có khả năng văn chương và chữ viết đẹp.

Châu bản là những tài liệu độc bản được nhà vua phê duyệt trực tiếp lên một bản duy nhất bằng mực màu son đỏ. Sau đó Châu phê được sao lại bằng bút mực đen lên 2 bản phó để chuyển cho cơ quan thực thi và cơ quan viết sử của triều đình. Bản duy nhất có bút tích phê duyệt của Hoàng đế được lưu lại Nội các gọi là Châu bản. Các hình thức ngự phê trên Châu bản rất phong phú như: Châu điểm, Châu phê, Châu khuyên, Châu mạt, Châu sổ, Châu cải…

Châu bản Triều Nguyễn: Tư liệu không thể chối cãi khẳng định chủ quyền Hoàng Sa, Trường Sa là của Việt Nam

Châu bản chứa đựng nhiều thông tin quý giá

Châu điểm là một nét son vua chấm lên đầu văn bản thể hiện sự chấp thuận các vấn đề trình trong văn bản. Châu phê là một từ, một câu hoặc một đoạn văn thể hiện quan điểm và ý kiến chỉ thị của nhà vua. Châu khuyên là các vòng son khuyên lên tên người hoặc điều khoản được nhà vua chấp thuận. Châu mạt là nét son nhà vua phết lên những chỗ không được chấp thuận. Châu sổ, Châu cải là nét son nhà vua gạch sổ trực tiếp lên những chỗ sai sót trong văn bản và viết chữa lại bên cạnh. Những tài liệu này có giá trị cao phục vụ việc nghiên cứu toàn bộ hệ thống chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, con người Việt Nam giai đoạn thế kỷ XIX và nửa đầu thế kỷ XX.

Theo Giáo sư Phan Huy Lê, Chủ tịch Hội Khoa học lịch sử Việt Nam: Châu bản triều Nguyễn là kho tàng tư liệu nổi bật với nhiều giá trị. Thứ nhất, đây là các văn bản chính thức của hoàng đế, có dấu ấn châu phê nên mang tính chính thống, là văn bản có giá trị pháp lý cao nhất. Thứ hai, châu phê dựa trên các bản tấu sớ của các địa phương, các bộ tâu lên, có ghi ngày tháng, niên đại cụ thể, nói lên tình hình các mặt và xin phê duyệt của nhà vua, điều đó phản ánh tính xác thực của thông tin. Như vậy, châu bản có giá trị kép, vừa phản ánh thái độ, chủ trương, chính sách của các vương triều nhà Nguyễn, vừa thể hiện toàn bộ tình hình đất nước ta trong suốt thời kỳ này.

Châu bản đã cho thấy, những vấn đề lớn nhỏ trong nước đều trình lên nhà vua, như tình hình nông nghiệp, mùa màng, giá cả... Châu bản triều Nguyễn còn phản ánh mối bang giao của nước ta với các nước trong khu vực và cả thế giới, như các hoạt động giao thương, thuyền bè ra vào cảng nhà Nguyễn phải tâu lên nhà vua; quan hệ ngoại giao mang tính chất quốc gia giữa nước ta với Trung Quốc, Pháp, Lào, Campuchia... Vì vậy, châu bản là kho tàng văn thư đặc biệt, văn thư ở cấp độ cao nhất - cấp độ hoàng đế.

Dưới triều Nguyễn, Châu bản là nguồn sử liệu quan trọng để biên soạn các bộ sử và các sách điển lệ chính thống như: Đại Nam thực lục chính biên, Đại Nam nhất thống chí, Đại Nam liệt truyện, Khâm định Đại Nam hội điển sự lệ (chính biên, tục biên), Quốc triều chính biên toát yếu, Minh Mệnh chính yếu… Sau khi chấm dứt giai đoạn trị vì năm 1945, Châu bản trở thành nguồn tư liệu gốc đặc biệt quý giá để nghiên cứu về triều Nguyễn giai đoạn lịch sử phong kiến cuối cùng ở Việt Nam từ đầu thế kỷ XIX đến giữa thế kỷ XX. Nhiều nhà nghiên cứu trong và ngoài nước đã khai thác Châu bản cho các công trình nghiên cứu tiêu biểu như: “Uỷ ban Phiên dịch sử liệu Việt Nam”, “Phong trào kháng thuế miền Trung năm 1908 qua các Châu bản triều Duy Tân”, “Hoạt động của Bộ Công dưới đời vua Tự Đức qua các Châu bản nhà Nguyễn”, “Châu bản triều Nguyễn - tư liệu Phật giáo qua các triều đại nhà Nguyễn 143 năm từ Gia Long 1802 đến Bảo Đại 1945”, “Châu bản triều Tự Đức 1848-1883: tuyển chọn và lược thuật”, “Mục lục châu bản triều Nguyễn”…

Có thể nói, Châu bản triều Nguyễn chính là nguồn tư liệu quan trọng để nghiên cứu về triều Nguyễn và giai đoạn cuối cùng của chế độ phong kiến trên toàn thế giới. Đây là khối tài liệu hành chính duy nhất còn lưu giữ được của một vương triều phong kiến Việt Nam, lưu giữ bút tích của các vua triều Nguyễn phê duyệt các vấn đề của đất nước.

 Hoàng Sa, Trường Sa trong Châu bản

Trong số các Châu bản triều Nguyễn được lưu trữ có nhiều Châu bản có nội dung liên quan đến các quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Những tư liệu đang được lưu trữ Trung tâm lưu trữ quốc gia 1, Cục văn thư và lưu trữ Nhà nước thuộc Bộ Nội vụ là những bằng chứng không thể chối cãi về chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.

Nội dung các tờ Châu bản phản ánh quá trình xác lập và thực thi chủ quyền của triều đình nhà Nguyễn trên hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Đây là những bằng chứng sinh động cho thấy các vua triều Nguyễn luôn quan tâm đến vấn đề xác lập và thực thi chủ quyền đối với hai quần đảo này thông qua việc liên tục cử người ra hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa để khảo sát, cắm mốc, đo vẽ bản đồ.

Trong khuôn khổ bài viết này chúng tôi đề cập đến một số Châu bản triều Nguyễn về các hoạt động chủ quyền trên đảo Hoàng Sa.

Trong châu bản ngày 12 tháng 2 năm Minh Mệnh thứ 17 (1836), Bộ Công có phúc trình: Nay tiếp nhận công văn của Nội các vâng mệnh giao cho Bộ thần trong đó có Châu phê: Các thuyền được phái đi Hoàng Sa, mỗi thuyền mang 10 mộc bài khắc sâu dòng chữ to: Minh Mệnh thập thất niên. Năm Bính Thân, các viên Cai đội thủy quân vâng mệnh đi Hoàng Sa khảo sát, đến đó thì cắm mốc đánh dấu”.

Theo Châu bản này, viên Chánh đội trưởng Thủy quân được cử đến Hoàng Sa là Phạm Hữu Nhật. Nội dung chính của châu bản là xin triều đình chuẩn bị gấp số cột gỗ để đội thuỷ quân lên đường đúng lịch trình. Điều thú vị của Châu bản này là dòng chữ do nhà vua Minh Mệnh viết bên cạnh chữ mộc bài với nội dung ghi rõ “cột gỗ, mỗi cột dài 4 đến 5 thước, dày 1 tấc”. Văn bản này hiện được lưu trữ tại Ủy ban biên giới quốc gia. Điều này thể hiện chính sách và sự quan tâm sâu sắc của triều đình đến việc bảo vệ chủ quyền biển đảo của đất nước.

Châu bản triều Nguyễn ngày 21 tháng 6 năm Minh Mệnh thứ 19 (1838) có nội dung: "Bộ Công tâu trình đoàn đi khảo sát Hoàng Sa lần này có Đỗ Mậu Thưởng, Thị vệ Lê Trọng Bá là người của Bộ”. Đoàn khảo sát được 25 đảo thuộc vùng thứ 3, vẽ được 4 bản đồ mang về (có 3 bức vẽ riêng từng vùng, một bức vẽ chung). Bộ Công tâu xin cho họ chỉnh sửa hoàn thiện để dâng trình.

Hay việc nhà Nguyễn thưởng, phạt việc thực thi công vụ ở Hoàng Sa và nhà Nguyễn cứu hộ tại Hoàng Sa, Trường Sa cho thấy cùng với nhiều căn cứ pháp lý khác.

 Tư liệu này không chỉ là bằng chứng hùng hồn về chủ quyền biển đảo quê hương mà nó còn ghi đậm dấu ấn chính sách của triều đình về vấn đề chủ quyền biển đảo cũng như ẩn chứa trong đó những câu chuyện thú vị của lịch sử.

Châu bản ngày 2 tháng 4 nhuận năm Minh Mệnh thứ 19 (1838) do Bộ Công trình tấu về việc xem thời tiết để xuất phát đi khảo sát Hoàng Sa của hải đội hai tỉnh Quảng Ngãi và Bình Định. Qua nội dung của những tài liệu này, chúng ta có thể dễ dàng nhận thấy chính sách cũng như mối quan tâm của triều đình nhà Nguyễn đến chủ quyền biển đảo lãnh thổ.

Châu bản ngày 21 tháng 6 năm Minh Mệnh thứ 19 (năm 1838) do Bộ Công trình tấu về kết quả khảo sát Hoàng Sa. Theo tài liệu này thì hàng năm các đoàn đi khảo sát các xứ ở Hoàng Sa, mỗi năm đoàn khảo sát được 12 hòn đảo. Nếu cuộc khảo sát bắt đầu từ năm 1833 thì đến năm 1838, các đoàn đã khảo sát được 85 hòn đảo…

Những tư liệu đang được lưu trữ Trung tâm lưu trữ quốc gia I, Cục Văn thư và lưu trữ Nhà nước thuộc Bộ Nội vụ là những bằng chứng không thể chối cãi về chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa thiêng liêng của Tổ quốc.

Những năm gần đây, Châu bản ngày càng được các nhà nghiên cứu trong và ngoài nước quan tâm khai thác. Đặc biệt qua hai cuộc triển lãm Ấn chương trên Châu bản triều Nguyễn năm 2011 và Ngự phê trên Châu bản triều Nguyễn năm 2012 do Trung tâm Lưu trữ quốc gia I tổ chức đã đón nhận những phản hồi rất tích cực từ công chúng, nó đã góp phần làm chứng cứ lịch sử để chứng minh chủ quyền của Việt Nam trên hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.

Các văn bản Châu bản về Hoàng Sa - Trường Sa trích rút từ nguồn Châu bản tại Trung tâm Lưu trữ quốc gia I đã được các cơ quan như Ủy bản Biên giới quốc gia - Bộ Ngoại giao, Bộ Thông tin và Truyền thông… tổ chức trưng bày trong nhiều cuộc triển lãm chuyên đề về biển đảo tại Hà Nội, Đà Nẵng, TP. Hồ Chí Minh và mới đây là Đắk Lắk. Năm 2013, Ủy ban Biên giới quốc gia - Bộ Ngoại giao đã tuyển chọn, biên tập, xuất bản cuốn Tuyển tập các Châu bản triều Nguyễn về thực thi chủ quyền của Việt Nam trên hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa do Nhà xuất bản Tri thức ấn hành. Cuốn sách gần như được coi là sách trắng công bố những tư liệu gốc, lịch sử về Hoàng Sa - Trường Sa.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Châu bản Triều Nguyễn: Tư liệu không thể chối cãi khẳng định chủ quyền Hoàng Sa, Trường Sa là của Việt Nam