Thiếu tướng Lê Văn Cương khẳng định: “IS nguy hiểm hơn Al Qaeda, cũng như các nhóm thánh chiến khác ở mức độ tàn bạo và mục đích thành lập nhà nước”.
Vốn là điểm nóng trên bản đồ địa chiến lược, địa chính trị thế giới, Trung Đông lại càng nóng thêm với sự trỗi dậy của lực lượng Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS hay ISIS). Cuộc trò chuyện với Thiếu tướng Lê Văn Cương - Nguyên Viện trưởng Viện Chiến lược Bộ Công an sẽ giúp độc giả có cái nhìn sâu sắc về sự hình thành, mức độ nguy hiểm của tổ chức này, cùng những lý giải xác đáng xung quanh việc cựu Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Chuck Hagel tuyên bố rút lui, hay giá dầu thế giới liên tục sụt giảm khi có nhiều ý kiến cho rằng, nguyên nhân là do IS chiếm các mỏ dầu và bán rẻ dầu, liệu IS có dùng vũ virus Ebola làm vũ khí sinh học khi bị dồn vào ngõ cụt hay không, và thế giới sẽ ra sao nếu Al Qaeda "bắt tay" trở lại với IS…
Thiếu tướng Lê Văn Cương - Nguyên Viện trưởng Viện Chiến lược Bộ Công an. Ảnh: Điệp Nguyễn
IS tàn bạo chưa từng có trong lịch sử loài người
PV: Theo báo cáo mới nhất của Ủy ban Điều tra LHQ về Syria công bố, lực lượng vũ trang Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng đang phạm vô số tội ác chiến tranh và tội ác chống nhân loại. Tuy nhiên, thời gian gần đây một số con tin được giải cứu từ tay IS lại một mực bảo vệ cho nhóm phiến quân này. Những con tin này cho rằng IS vô tội, mọi tội lỗi do nước Mỹ gây ra đã khiến cho Syria bất ổn. Ông lý giải gì về điều này?
Thiếu tướng Lê Văn Cương: Việc những con tin được giải cứu từ tay IS “một mực bảo vệ cho nhóm phiến quân này” phát biểu rằng “IS vô tội, mọi tội lỗi do nước Mỹ gây ra đã khiến cho Syria bất ổn”, chúng ta chưa biết được động cơ thực sự ở đây là gì. Chắc hẳn phải có điều gì đó ẩn sau lời tuyên bố này. Nhưng trong nội dung lời tuyên bố của họ, tôi cho rằng ở đây chỉ đúng một điều.
Thứ nhất, nói rằng IS vô tội là hoàn toàn không đúng. Cho đến thời điểm này, trong số các tổ chức thánh chiến Hồi giáo được biết trên hành tinh này, IS là một tổ chức khủng bố tàn bạo nhất và man rợ nhất. Không thể nói cái gọi là “tổ chức nhà nước Hồi giáo IS vô tội”. Không gì có thể biện minh cho tội ác ghê rợn của IS. Và việc con tin bênh vực IS là hoàn toàn vô lý. Vốn là một nhánh, là “con đẻ” của Al Qaeda, nhưng những hành động của IS còn tàn bạo gấp rất nhiều lần so với “tổ chức mẹ” Al Qaeda và đang bị cả thế giới lên án.
Thứ hai, việc một số con tin được giải cứu từ IS nói rằng, mọi tội lỗi do nước Mỹ gây ra đã khiến cho Syria bất ổn và rơi vào vòng xoáy của bạo lực đẫm máu là đúng. Tôi cho rằng, nếu Mỹ không phát động cuộc chiến tranh xâm lược Iraq để loại bỏ chính quyền Tổng thống Saddam Hussein vào tháng 3/2003, thì có lẽ sẽ không có IS.
Các tay súng IS
Xét về mặt lịch sử, về mặt phương thức hình thành và hoạt động của IS trên mọi phương diện, thì IS là “con đẻ” của hành động xâm lược của Mỹ ở Iraq. Điều này về khoa học đã được chứng minh. IS phát sinh ban đầu là một nhánh của Al Qaeda ở Iraq sau khi Mỹ lật đổ chính quyền S. Hussein. IS có thời kỳ hoạt động đánh bom đẫm máu ở Iraq suốt từ năm 2004 - 2010. Sau đó, IS chuyển trọng tâm hoạt động sang Syria khi vào tháng 3/2011, tình hình ở nước này bắt đầu xảy ra bạo loạn chống chính quyền Tổng thống Bashar al - Assad. IS đã trở thành một lực lượng quan trọng trong các cuộc biểu tình chống Bashar al - Assad. Chính Mỹ và phương Tây, các đồng minh của Mỹ ở phương Tây cũng như ở Trung Đông như Arập Xêút, Qatar… đã hỗ trợ và hậu thuẫn cho IS bằng nguồn tài chính, bằng cung cấp thông tin tình báo, thậm chí, bằng cả huấn luyện. Mỹ và đồng minh quyết tâm dàn dựng, “hà hơi” tiếp sức cho IS để nhóm trở thành một lực lượng xung kích trong cuộc chiến loại bỏ chính quyền Bashar al - Assad ở Syria.
Vì thế, trong những lời khai của con tin được giải cứu khỏi tay IS, thì vế thứ nhất hoàn toàn không đúng, còn vế thứ hai thì đúng. Có thể khẳng định rằng, nếu Mỹ không phát động chiến tranh chống chính quyền Saddam Hussein thì sẽ không có lực lượng IS. Và chính trong năm 2011 và 2013, Mỹ và các đồng minh phương Tây cũng như các đồng minh ở Trung Đông như Arập Xêút cũng đã trực tiếp hậu thuẫn mọi mặt cho IS để chống lại Tổng thống Bashar al - Assad.
PV: Hiện Mỹ đang ngày càng tăng cường nguồn lực để chống lại IS, trong khi còn nhiều mối nguy hiểm khác như Al Qaeda hay Khorashan - một nhóm khủng bố mới được giới tình báo Mỹ đánh giá là còn nguy hiểm hơn cả IS. Ông có cho rằng thực sự Mỹ “bỏ quên”, hay đây là chiến lược của nước này?
Thiếu tướng Lê Văn Cương: Cần khẳng định việc tình báo Mỹ cho rằng còn có những nhóm khủng bố nguy hiểm hơn IS như Al Qaeda hay các nhóm ở Bắc Phi, hoặc ở những khu vực khác là không đúng. Cá nhân tôi cho rằng, mặc dù Cục Tình báo Trung ương Mỹ (CIA) được đào tạo cực kỳ tinh nhuệ, được trang bị hiện đại bậc nhất thế giới hiện nay, nhưng điều này không có nghĩa là mọi thông tin của CIA đưa ra đều đúng cả.
Lịch sử mách bảo chúng ta phải cảnh giác với CIA. Để phục vụ mục đích chính trị của chính quyền Washington, CIA sẵn sàng tung ra những thông tin giả. Ví dụ, năm 2003, chính CIA đã đưa tin bịa đặt hoàn toàn nói rằng “Chính quyền Saddam Hussein đang sở hữu vũ khí giết người hàng loạt, và đang có quan hệ chặt chẽ với nhóm khủng bố quốc tế Al Qaeda”. Đây là cái cớ để chính quyền Tổng thống George W.Bush thu hút sự quan tâm và đồng thuận trong nước Mỹ, đặc biệt là trong Quốc hội Mỹ để từ đó cho phép chính quyền Bush phát động cuộc chiến tranh xâm lược Iraq năm 2003. Thông tin này cũng nhằm thuyết phục cộng đồng thế giới rằng, hành động của Mỹ ở Iraq là hợp pháp. Thế nhưng, thực tế lại chứng minh rằng chính quyền cố Tổng thống Saddam Hussein không sở hữu vũ khí giết người hàng loạt và cũng chẳng hề có quan hệ với Al Qaeda.
Tôi cho rằng tháng 8/2013 vừa qua, cũng chính CIA đã đưa ra thông tin rằng chính quyền Bashar al - Assad ở Syria đã sử dụng vũ khí hóa học ở ngoại ô Thủ đô Damascus. Việc sử dụng vũ khí hoa học là có thật, nhưng việc ai sử dụng thì chưa thể xác minh được. Cá nhân tôi hoàn toàn không tin việc chính quyền Bashar al - Assad sử dụng vũ khí hóa học. Chúng ta cần nhớ rằng, trong thời điểm Bashar al - Assad còn rất nhiều khó khăn, đang bị Mỹ, liên minh châu Âu và các nước Arập cấm vận, bao vây tứ phía thì chắc chắn họ không bao giờ sử dụng vũ khí hóa học. Vì nếu như vậy chẳng khác gì Bashar al - Assad “tự lấy đá ghè vào chân mình”.
Tổng thống Bashar al - Assad
Rõ ràng, CIA đưa ra thông tin này để tạo cớ: Thứ nhất, nhằm tạo ra áp lực để dư luận trong nước Mỹ ủng hộ việc can thiệp quân sự trực tiếp vào Syria; thứ hai là, tạo áp lực để Thượng viện và Hạ viện Mỹ chống lưng cho chính quyền Tổng thống Barrack Obama tiến hành cuộc xâm lược Syria. Đối với cộng đồng quốc tế, thông qua thông tin này, Mỹ muốn kêu gọi chia sẻ trách nhiệm cộng đồng với Mỹ, thông cảm với Mỹ trong việc can thiệp vào Syria. Và tôi cho rằng, đây là lần bịa đặt thứ hai của CIA.
Như vậy, việc CIA đưa ra thông tin là còn những nhóm khủng bố còn nguy hiểm ở IS là không có. Đến giờ phút này, IS vẫn là nguy hiểm nhất đối với Mỹ nói riêng và phương Tây nói chung. Chưa có lực lượng nào có thể nguy hiểm hơn IS cả. Chính vì vậy, Mỹ mới thiết lập một liên minh quốc tế đến 60 quốc gia tham gia chống IS và đây là mặt trận chính hiện nay của Tổng thống Obama. Mặc dù các tổ chức khủng bố ở Bắc Phi hay những nơi khác cũng cực kỳ nguy hiểm nhưng tính chất nguy hiểm không thể bằng IS.
Tuy nhiên, cũng phải đánh giá một cách khách quan rằng, ở trên phương diện chống khủng bố, Mỹ đã và đang có vai trò tích cực trong việc hỗ trợ cho các quốc gia trong cộng đồng quốc tế tổ chức các hoạt động chống khủng bố. Bản thân khủng bố là vô nhân đạo, vô đạo đức, là phi pháp, cho nên việc chống khủng bố thì trách nhiệm thuộc về mọi quốc gia. Thế nhưng, chúng ta cũng cần phân biệt rõ hành động này với việc lợi dụng chống khủng bố để thực hiện ý đồ chính trị.
Chuck Hagel từ chức chỉ là việc “thay ngựa giữa dòng” bất đắc dĩ
PV: Liệu việc cựu Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Chuck Hagel vừa từ chức có liên quan gì tới sự thất bại khi đối đầu với IS, khi nhiều ý kiến cho rằng, đây là sự “thải hồi” của chính quyền Obama buộc ông ta phải “ra đi”?
Thiếu tướng Lê Văn Cương: Việc cựu Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Chuck Hagel vừa từ chức chúng ta cần phải đánh giá khách quan. Trong điều hành công việc tôi cho rằng, giữa Tổng thống Obama và cựu Bộ trưởng Quốc phòng Hagel trong thời gian qua không có mâu thuẫn gì. Giữa hai người này không có khác biệt gì cả. Và vì thế, cũng không có lý gì để Obama lại “thải hồi” Chuck Hagel.
Cựu Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Chuck Hagel
Tuy nhiên, ở đây, cũng cần phải thấy rằng, việc ông Chuck Hagel ra đi nằm trong bối cảnh, trong điều kiện Đảng Cộng hòa đã chi phối cả Thượng viện và Hạ viện Mỹ sau cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ. Đảng Cộng hòa có thái độ không vừa lòng với chính quyền Obama trong nhiều vấn đề, cả đối nội và đối ngoại. Về đối ngoại, có thể thấy Đảng Cộng hòa không vừa lòng, thậm chí bất bình với Tổng thống Obama trong việc giải quyết các cuộc xung đột điểm nóng thế giới. Quan điểm của giới tân bảo thủ Đảng Cộng hòa cho rằng, Obama mềm yếu trong vấn đề Syria, đáng lẽ tháng 8/2013 phát động chiến tranh chống Syria để loại bỏ Bashar al - Assad, nhưng ông Obama đã không làm. Giới diều hâu tân bảo thủ trong Thượng viện, Hạ viện cũng cho là chính quyền Obama “có phần mềm yếu” trong xử lý cuộc khủng hoảng Ukraine; cũng như phê phán Obama trong việc hợp tác với Iran tại cuộc đàm phán P5 +1 về chương trình hạt nhân bí mật của Iran. Đảng Cộng hòa và giới diều hâu tân bảo thủ đã không thể đưa ra chính sách mềm dẻo với Tehran như vậy. Ngay cả một số người cũng yêu cầu phải sử dụng biện pháp quân sự, tiếp tục bao vây cấm vận, siết chặt Iran hơn nữa.
Trong bối cảnh này, Tổng thống Obama phải lựa chọn việc thay Bộ trưởng Quốc phòng để tạo ra một không khí cởi mở, có vẻ như dễ hợp tác hơn với cơ quan lập pháp, với Thượng viện và Hạ viện. Vì thế, xét ở một phương diện nào đó, thì ông Chuck Hagel cũng phải “chịu tội”, coi như là người “thí tốt”, việc thay ngựa giữa dòng bất đắc dĩ.
Tóm lại, cần khẳng định, việc “thay ngựa” này không phải do mâu thuẫn của Chuck Hagel và Obama, bởi trong hai năm vừa qua, ông Chuck Hagel không làm điều gì xấu, cũng không làm việc gì ngược lại ý kiến của Tổng thống Obama. Thế nhưng, trong tình huống chính trị bắt buộc, trong khi quan hệ Quốc hội khối hành pháp và lập pháp có nhiều khó khăn, trong hai năm còn lại cuối cùng của Obama, thì việc ông Chuck Hagel rút lui có thể sẽ xoa dịu căng thẳng giữa chính quyền Washington với Đảng Cộng hòa do Thượng viện và Hạ viện chi phối. Có lẽ đây chính là nguyên nhân để ông Chuck Hagel buộc phải “ra đi”, chứ không phải là do sai lầm trong cuộc chiến với IS, bởi cuộc chiến này chắc chắn vẫn còn tiếp tục, chưa thể chấm dứt ngay được.
(Còn nữa)
Mời độc giả đón đọc phần tiếp theo của cuộc trò chuyện với Thiếu tướng Lê Văn Cương về các vấn đề liên quan đến lực lượng Nhà nước Hồi giáo tự xưng IS, đặc biệt là, việc lý giải nguyên nhân tại sao giá dầu thế giới lại sụt giảm một cách nhanh chóng như vậy; liệu IS có sử dụng virus Ebola làm vũ khí sinh học khi lâm vào bước đường cùng hay không?... trên Congly.com.vn vào ngày 09/12/2014. |