'Chat' với chuyên gia bình luận quốc tế: IS bị dồn vào ngõ cụt, Ebola hay vũ khí hủy diệt đều có thể

Ý Thơ| 09/12/2014 14:31
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Nếu bị dồn đến chân tường, ngõ cụt thì những chiến binh thánh chiến Hồi giáo IS có thể làm mọi thứ kể cả vũ khí hủy diệt, vũ khí vi trùng, và Ebola.

Liệu IS có phải là nguyên nhân tác động chính đến nền kinh tế đang phục hồi khá yếu của nước Mỹ hay giá dầu thế giới đang giảm nhanh hiện nay? Nếu IS bị “lâm vào bước đường cùng” hay “tái hôn” với Al Qaeda thì thế giới sẽ đối mặt với mối hiểm họa như thế nào?

Xin mời độc giả theo dõi tiếp cuộc trò chuyện với Thiếu tướng Lê Văn Cương - Nguyên Viện trưởng Viện Chiến lược Bộ Công an để hiểu rõ hơn về vấn đề này.

'Chat' với chuyên gia bình luận quốc tế: IS bị dồn vào ngõ cụt, Ebola hay vũ khí hủy diệt đều có thể

Thiếu tướng Lê Văn Cương - Nguyên Viện trưởng Viện Chiến lược Bộ Công an. Ảnh: Điệp Nguyễn

IS không phải là nhân tố chính tác động đến kinh tế Mỹ

PV: Việc liên tục tổ chức tấn công IS khiến Mỹ tốn khá nhiều chi phí. Liệu việc này có ảnh hưởng đến nền kinh tế đang phục hồi khá yếu trong bối cảnh nguồn lực của Mỹ bị chia nhỏ ra rất nhiều hiện nay?

Thiếu tướng Lê Văn Cương: Điều này chắc chắn là có. Thế nhưng, chính quyền Obama và giới cầm quyền ở Washington đã khôn khéo tạo ra một tập hợp liên minh đến 60 nước, trong đó có 10 nước trực tiếp san sẻ gánh nặng này. Phần lớn chi phí trong “canh bạc” này Mỹ dựa vào những đồng minh giàu sụ như Arập Xêút với dự trữ ngoại tệ lớn, Qatar - quốc gia giàu nhất thế giới, Jordan… Tuy nhiên, tôi cho rằng cuộc chiến này chỉ có ảnh hưởng đến nền kinh tế đang còn chững lại của Mỹ, mặc dù năm nay bắt đầu khôi phục, chứ không phải là nhân tố chính tác động trực tiếp và chủ yếu.

Giá dầu giảm nhanh - nguyên nhân không nằm ở IS

PV: Nhiều người cho rằng giá dầu thế giới giảm liên tục trong suốt thời gian qua có liên quan tới việc IS hút dầu từ các mỏ dầu chiếm được và bán rẻ cho các nhà buôn với giá chỉ bằng 1/3 giá thị trường và thu về khoảng 2 triệu USD/ngày.

Thiếu tướng Lê Văn Cương: Nếu cho rằng việc IS hút dầu từ các mỏ dầu chiếm được rồi bán lại với giá rẻ với mức giá chỉ bằng 5% giá bình thường khiến cho giá dầu thế giới giảm thì tôi cho điều này là không đúng. Tuy nhiên, chúng ta cần lý giải tại sao giá dầu lại giảm nhanh như vậy?

Trong 6 tháng vừa qua, trong lịch sử giá dầu thế giới, chưa bao giờ giá dầu giảm một cách khủng khiếp như vậy, giá dầu đã tụt 32 - 33%. Có thể nói giá dầu tụt một cách bất ngờ và đáng ngờ, nhanh. Do quan điểm chính trị khác nhau, do cách tiếp cận khác nhau nên cũng có nhiều cách lý giải khác nhau về nguyên nhân dẫn đến giá dầu hạ như hiện nay.

Thứ nhất, chúng ta cần khẳng định với nhau một điều rằng: việc nói IS bán tháo dầu với giá chỉ bằng 1/3 giá thị trường khiến cho giá dầu giảm nhanh là không đúng. Để đáp ứng nhu cầu và mức tiêu thụ dầu trên hành tinh này, lượng dầu IS bán ra không đáng kể so với mức 30 triệu thùng dầu Tổ chức các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) cung cấp cho thị trường mỗi ngày. Chính vì thế, dù IS có bán với giá thấp hơn nữa thì cũng không thể tác động đến giá dầu thế giới được.

Thứ hai, tại sao giá dầu giảm nhanh như vậy? Hiện nay có nhiều cách lý giải khác nhau, nhưng tựu trung trên thế giới này có hai cách lý giải như sau:

Theo Mỹ, châu Âu và một phần đồng minh của Mỹ ở Trung Đông, điển hình là một số tập đoàn nghiên cứu chiến lược và một số học giả của Mỹ đã đưa ra 10 nguyên nhân dẫn đến giá dầu giảm, chẳng hạn như: Mỹ khai thác khí đá phiến nhiều lên; các nền kinh tế của G7, G20 cùng 5 nền kinh tế khổng lồ Brick chững lại; nhu cầu của dầu mỏ trên thế giới thấp, trong khi Lybia, Tunisia, Iraq bắt đầu khai thác dầu mạnh lên... Như vậy, theo cách lý giải này, nền kinh tế thế giới đang chững lại, nhu cầu giảm hẳn xuống, trong khi lượng dầu cung tăng lên, mặc nhiên theo quy luật thị trường thì giá dầu giảm xuống.

'Chat' với chuyên gia bình luận quốc tế: IS bị dồn vào ngõ cụt, Ebola hay vũ khí hủy diệt đều có thể

Ảnh minh họa

Tuy nhiên, tôi không đồng ý với cách lý giải này. Có một cách lý giải mà tôi cho là có sức thuyết phục hơn, chính là của các học giả am hiểu dầu mỏ ở Trung Đông. Họ lý giải rằng giá dầu thời gian qua tụt dốc nhanh đến kỳ lạ như vậy là do hậu quả từ chiến lược phối hợp giữa Mỹ và Arập Xêút.

Mỗi ngày Arập Xêút sản xuất 10 - 12 triệu thùng dầu, chiếm 40% sản lượng dầu mỏ của OPEC cung cấp cho thế giới. Sau khi Nga sáp nhập Crime, Mỹ có chủ trương bàn với Arập Xêút tăng sản lượng dầu mỏ để làm giảm giá dầu. Tại sao lại như vậy? Chúng ta biết rằng thu nhập quốc dân từ dầu mỏ của Nga chiếm 45-50%, Iran: 40%, và cũng khoảng 40% thu nhập của Venezuela là từ nguồn vàng đen này. Như vậy, tất cả chiến lược phát triển kinh tế của cả Nga, Iran và Venezuela đều căn cứ vào dầu mỏ và ở mức 90-100 USD/thùng. Do đó, Mỹ và Arập Xêút quyết tâm khai thác dầu, tăng nguồn cung ứng dầu mỏ trên thị trường thế giới để đánh giá dầu xuống, nhằm đánh thẳng vào nền kinh tế của Nga và Iran.

Riêng trong vấn đề này thì Mỹ và Arập Xêút “gặp nhau”, cùng có kẻ thù chung. Tại Trung Đông, Arập Xêút coi Iran là kẻ tử thù. Arập Xêút cũng coi Nga là kẻ thù vì Nga đang ủng hộ chính quyền Bashar al-Assad và Tehran. Như vậy, chiến lược dùng dầu mỏ làm vũ khí của Mỹ sẽ là một mũi tên nhắm trúng hai đích (Moscow và Tehran), thậm chí một đích thứ ba chính là Tổng thống Maduro của Venezuela ở phía Tây Thái Bình Dương.

Hồi tháng 3 vừa qua, Tổng thống Obama đi Arập Xê út để bàn về kế hoạch đánh vào Nga và Iran thì Arập Xê út hưởng ứng ngay tức khắc. Người Ấn Độ có một câu rất hay rằng: “Không có bà mối nào làm việc tốt bằng khi họ có kẻ thù chung”. Và suốt từ tháng 3/2014 - 9/2014, Ngoại trưởng Mỹ John Kerry và Ngoại trưởng Arập Xêút Saud al-Faisal đã liên tục gặp nhau để bàn thảo, cụ thể, hiện thực hóa chiến lược của Tổng thống Obama và Quốc vương Arập Xêút về đánh tụt giá dầu nhằm làm cho nền kinh tế Nga và Iran suy sụp.

Riêng đối với Mỹ, mục đích sâu xa của Washington khi tiến hành chiến lược đánh sập nền kinh tế Nga là làm cho người Nga không chịu nổi khó khăn, lực lượng đối lập ở Nga sẽ vùng lên làm đầu tàu lật đổ chính quyền Tổng thống V.I. Putin. Ý đồ của Mỹ là đẩy Putin ra khỏi điện Kremlin và đưa người khác ôn hòa hơn, tốt nhất là thân phương Tây lên làm chủ. Còn Arập Xêút nếu đánh sập được nền kinh tế Iran thì đối thủ này cũng suy yếu. Tôi cho rằng lý giải của các học giả Trung Đông có lý hơn. Đặc biệt, ngày 12/9 vừa qua, lần gặp gần đây giữa Ngoại trưởng Mỹ John Kerry và người đồng cấp phía Arập Xêút Saud al-Faisal thì giá dầu chính thức tụt hẳn xuống.

Nguyên nhân khiến cho giá dầu tụt nhanh, bất ngờ, và đáng ngờ như đã nói ở trên thực chất là cuộc chiến Mỹ phát động chống Nga với vũ khí dầu mỏ và khí đốt chứ không phải vũ khí nóng như bom nguyên tử.

Cách đây đúng 30 năm, năm 1984, để khuất phục Liên Xô, chính quyền cố Tổng thống Reagan cũng gặp Arập Xêút nhằm đánh tụt giá dầu xuống. Năm 1984, giá dầu là 30 USD/thùng.  Đến năm 1988, chỉ còn 6 USD/thùng. Và chính giá dầu tụt là nguyên nhân làm cho nền kinh tế Liên Xô cũ bị rối loạn, và dẫn đến sụp đổ vào năm 1991.

Lần này, Tổng thống Obama lặp lại kịch bản ấy nhưng với mức độ khác, phương thức khác, thủ đoạn khác và quyết liệt hơn nhiều. Việc IS khiến cho giá dầu giảm như một số thông tin đưa ra thực ra không có tác động gì cả.

PV: Ông cho rằng giá dầu sẽ giảm đến mức nào và đến khi nào?

Thiếu tướng Lê Văn Cương: Thế giới đang bàn xem giá dầu sẽ tụt đến khi nào? Nhiều người cho rằng giá dầu rất có thể sẽ tụt xuống 50USD/thùng và còn kéo dài đến năm 2015, thậm chí đến năm 2016. Tôi thì có ý kiến khác.

Cho dù Mỹ gặp Arập Xêút để bàn chiến lược đánh thẳng vào Nga và Iran và bước đầu có kết quả: Nền kinh tế Nga đã rơi vào tình trạng khó khăn. Thế nhưng, điều này không có nghĩa rằng Mỹ muốn làm gì thì làm.

Ngay khi giá dầu xuống đến giới hạn 70 USD/thùng thì ngay bản thân Arập Xêút cũng sẽ rơi vào tình cảnh khó khăn. Nó đánh thẳng vào túi tiền của người dân Arập Xêút. Mặc dù dự trữ một nguồn ngoại tệ rất lớn, nhưng người dân nước này có thể chịu nổi không?

Thứ hai, tiềm lực Arập Xêút cũng suy giảm và điều này sẽ ảnh hưởng đến sự đối đầu với Iran. Như vậy, chính “người tạo ra rốn dầu” cũng phải chịu đòn.

Đối với Mỹ, “canh bạc” liên minh với Arập Xêút trong nhiều trường hợp cũng chỉ là “đồng sàng dị mộng”. Hai nước này lợi dụng nhau là chủ yếu chứ không có “tri âm” gì đối với nhau cả.

Mỹ và Arập Xêút có thể “đoàn kết” với nhau trong cuộc chiến chống kẻ thù chung là Moscow và Tehran, nhưng lợi ích quốc gia mâu thuẫn nhau. Arập Xêút thường xuyên lo ngại Mỹ khai thác khí đá phiến làm giảm giá dầu.

Nếu không có Nga và Iran là đối thủ thì chắc chắn Mỹ và Arập Xêút cũng trở thành đối thủ của nhau trong lợi ích kinh tế.

'Chat' với chuyên gia bình luận quốc tế: IS bị dồn vào ngõ cụt, Ebola hay vũ khí hủy diệt đều có thể

Mỹ đang chơi "canh bạc" liên minh với Arập Xêút nhằm đánh vào nền kinh tế của Nga và Iran

Vì thế, trong chiến lược hạ giá dầu, mặc dù Arập Xêút không nói ra nhưng trong thâm tâm cũng ngầm ý chỉ hạ đến độ nào đó làm ảnh hưởng đến công nghệ khai thác khí đá phiến của Mỹ mà thôi bởi dầu đá phiến tác động trực tiếp đến vị trí trung tâm của Arập Xêút trong OPEC. Nếu giá dầu tụt xuống 50 USD/thùng thì toàn bộ nền công nghệ khai thác khí đá phiến của Mỹ sẽ thất bại hoàn toàn.

Ngay cả Mỹ cũng không có khả năng đẩy giá dầu xuống dưới mức giá mà chúng ta vẫn nghĩ bởi điều này sẽ ảnh hưởng đến công nghệ khai thác khí đá phiến như đã nói ở trên. Như vậy, ngay cả Mỹ cũng không có khả năng đẩy giá dầu xuống một mức nào đó như người ta nghĩ. Bởi điều đó chẳng khác gì Washington tự “lấy đá ghè vào chân mình”.

Ngoài ra, không chỉ có Mỹ và Arập Xêút mà sẽ còn rất nhiều quốc gia chịu tác động tiêu cực nếu giá dầu tiếp tục đi xuống, chẳng hạn như Algeria, đồng minh của Mỹ, hay Lybia, Iraq… cũng rơi vào tình cảnh khó khăn.

PV: Việc này có liên quan gì đến giá xăng trong nước ngày càng giảm, thưa ông?

Thiếu tướng Lê Văn Cương: Giá dầu thế giới giảm nhanh như vậy có tác động hai chiều đến Việt Nam. Nước ta là nước xuất khẩu dầu thô, nên cũng chịu thiệt hại một phần. Nhưng chúng ta lại nhập khẩu xăng dầu. Vì thế, giá xăng dầu giảm xuống thì chúng ta cũng lại có lợi.

Trong sự kiện giá xăng dầu tụt xuống hơn 30% thời gian vừa qua có tác động đến Việt Nam, nhưng không làm cho kinh tế nước ta khó khăn đến mức lâm vào suy thoái. Tôi cho rằng chúng ta có thiệt hại trong việc bán dầu thô với giá thấp thì được bù lại bằng việc khẩu xăng dầu cũng với mức giá thấp.

Nếu IS bị dồn vào ngõ cụt, Ebola hay vũ khí hủy diệt đều có thể

PV: Trong bối cảnh thế giới đang ngày càng siết chặt vòng vây với IS, nhiều ý kiến lo ngại rằng trong bước đường cùng nhóm này sẽ sử dụng bom sinh học là virus Ebola gây nên thảm họa khôn lường. Liệu điều này có xảy ra, theo ông?

Thiếu tướng Lê Văn Cương: Điều này không loại trừ. IS nguy hiểm hơn Al Qaeda cũng như các nhóm thánh chiến khác ở mức độ tàn bạo và mục đích thành lập nhà nước. Thứ nhất, ở mức độ tàn bạo, IS tàn bạo chưa từng có trong lịch sử loài người. Tàn bạo đến độ người cầm đầu Al Qaeda không chịu nổi. Thậm chí người đứng đầu IS còn phê phán người cầm đầu Al Qaeda là “trí thức quá, nhu nhược quá” đến nỗi không chấp nhận được.

'Chat' với chuyên gia bình luận quốc tế: IS bị dồn vào ngõ cụt, Ebola hay vũ khí hủy diệt đều có thể

Các tay súng IS

Thứ hai, mục đích hoạt động của IS là tổ chức thành lập một nhà nước của người Sunni, trước hết là ở Iraq và Syria, và sau đó có ý đồ lan tỏa ra toàn bộ Trung Đông. Còn Al Qaeda cũng như những tổ chức thánh chiến khác chỉ có nhằm trả thù, “đánh cho đã” chứ không có mục đích “sâu xa” như vậy.

Thêm vào đó, công cụ mà IS sử dụng “hơn” Al Qaeda và mọi nhóm khủng bố khác là trả lương binh sĩ rất cao. Trong nền kinh tế đang chững lại hiện nay, một bộ phận thanh niên không có việc làm, và với mức lương hấp dẫn như vậy, thì tham gia lực lượng thánh chiến của IS là điều có thể dễ hiểu.

Song cũng nên nhìn nhận một cách công bằng, trong vùng IS chiếm đóng hiện nay, lực lượng này vô cùng tàn bạo đối với những người chống đối thì vẫn có sự yên ổn, không có trộm cướp, cuộc sống thanh bình nếu như chấp hành quy định của nhóm.

Còn nếu đẩy IS đến chân tường, ngõ cụt thì họ có thể làm mọi thứ kể cả vũ khí hủy diệt, vũ khí vi trùng, và Ebola.

PV: Thế giới sẽ như thế nào nếu IS liên kết với Al Qaeda, thưa ông?

Thiếu tướng Lê Văn Cương: IS là con đẻ của Al Qaeda và chính thức “ly dị nhau” vào tháng 02/2014 vừa qua. Người đứng đầu Al Qaeda đã tổ chức họp bộ sậu cao nhất tuyên bố khai trừ IS.

Mặc dù không còn quan hệ với Al Qaeda, nhưng IS lại có cơ sở ở khắp cả năm châu. Hiện nay, theo một thông tin chưa được kiểm chứng, nhưng đáng tin cậy, là có 3.500 chiến binh thánh chiến tham gia vào đội quân IS đều là công dân của Mỹ, công dân 28 nước châu Âu (Anh, Pháp, Đức, Italy), ở châu Á thì có công dân của Australia, và thậm chí mới đây còn có cả công dân của Singapore.

Chúng ta nên nhớ rằng, khi những nhóm khủng bố đang hoạt động ở Bắc Phi, Tây Phi hay rải rác ở một số nơi trên thế giới có cùng một kẻ thù, một mục tiêu chung là Mỹ và phương Tây, dù cho không có quan hệ về mặt tổ chức với IS đi chăng nữa, thì chỉ cần một lời kêu gọi, họ sẵn sàng hợp tác, đoàn kết với nhau một cách rất đơn giản mà không cần thông qua bất cứ hiệp định nào.

Tóm lại, dù IS có hợp tác với Al Qaeda hay không cũng không phải là vấn đề, bởi bản thân IS đã vô cùng nguy hiểm rồi. 

Xin cảm ơn ông!

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
'Chat' với chuyên gia bình luận quốc tế: IS bị dồn vào ngõ cụt, Ebola hay vũ khí hủy diệt đều có thể