Chặt cây phượng và nỗi sợ trách nhiệm

Biên Thùy| 04/06/2020 16:53
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Sau sự cố cây phượng bật gốc trong sân trường khiến một học sinh tử vong thương tâm ở Trường THCS Bạch Đằng, quận 3 (TP.HCM), nhiều nơi rộ phong trào đốn hạ cây.

Nhìn hình ảnh những cây phượng vĩ bị đốn hạ la liệt, bị "cô lập, cách ly" khiến nhiều người không khỏi chạnh lòng.

Hoa phượng vốn là niềm cảm hứng để các nhà thơ, các nhạc sĩ sáng tác ra những tác phẩm thi ca để đời. Không nói quá khi cho rằng nó biểu tượng gắn liền với tuổi học trò qua mấy mươi thế hệ. "Những chiếc giỏ xe chở đầy hoa phượng, em chở mùa hè của tôi đi đâu...". Ai ngờ, mấy hôm nay, khi những cô cậu học sinh vừa mới quay trở lại mái trường thì cây phượng lại bị xem như một tội đồ.

Chặt cây phượng và nỗi sợ trách nhiệm

Cây phượng vĩ ở nhiều nơi bị "khai tử" như một tội đồ

Thảng thốt, người ta đặt câu hỏi, cây phượng có tội tình gì mà người ta đối xử tàn nhẫn, lạnh lùng như thế? Hành vi ấy khiến nhiều người nhớ tới một cơn ác mộng xảy ra nhiều năm trước khi "cơn bão chặt cây" tràn qua Thủ đô Hà Nội.

Những cây cổ thụ hàng trăm năm tuổi xanh mát bị đốn hạ thay vào đó là những cột bê tông sừng sững, cứng quèo. Những "đề án ăn xổi", những suy tính hấp tấp, phản khoa học ấy đang phải trả giá bởi các món nợ khổng lồ.

Vụ việc cây đổ khiến nhiều cháu học sinh thương vong ở TP.Hồ Chí Minh là một nỗi đau, nhưng phong trào chặt hạ tất cả những cây phượng ở sân trường cũng là nỗi buồn không kém.

Chỉ qua một sự việc, chưa đánh giá đầy đủ bản chất, nhiều cơ sở giáo dục đã vội cưa, chặt toàn bộ những cây phượng đã được trồng, chăm sóc hàng chục năm. Cây to cũng như cây nhỏ, cây sâu bệnh cũng như cây khỏe mạnh, đều đốn hạ không thương tiếc.

Thay vì kiểm tra, rà soát những cây mục ruỗng, sâu bệnh để lên kế hoạch thay thế, trồng mới thì họ lại thực hiện với phương châm "chặt nhầm hơn bỏ sót". Nhận thức ấy hết sức đáng ngại.

Mặt khác, sự hấp tấp, vội vã đó cho thấy có một nỗi sợ khác đang tồn tại. Không phải sợ những cây xanh đứng giữa sân trường kia có thể bật gốc, gãy cành bất cứ khi nào mà đó là nỗi sợ phải gánh chịu trách nhiệm nếu những rắc rối ấy xảy ra. 

Chúng ta chỉ đòi hỏi cây xanh phải vững chãi, phải tỏa bóng mát, phải tạo ra sự an toàn nhưng lại không muốn có trách nhiệm với nó. Đã bao giờ việc rà soát, kiểm tra, đánh giá chất lượng cây xanh được thực hiện đầy đủ và khoa học hay chưa?

Theo các chuyên gia, cây phượng vĩ có ưu điểm ưa ánh sáng, phát triển nhanh, không kén đất. Phượng vĩ còn có tác dụng như một loài cây tạo bóng râm trong điều kiện nhiệt đới, thông thường nó có thể cao tới một độ cao vừa phải, nhưng tán lá tỏa rộng và dày đặc tạo ra bóng mát. Tuy nhiên, nhược điểm của cây phượng vĩ là tuổi thọ không cao, chỉ 30, 40 tuổi là già cỗi, thân có dấu hiệu mục ruỗng, sâu bệnh. Nhưng không thể lấy đặc điểm tự nhiên này mà quy làm cái lỗi để "khai tử" nó.

Công cuộc bê tông hóa khắp nơi từ sân trường tới đường phố đã khiến cây xanh không có đủ điều kiện lý tưởng để sinh trưởng, phát triển. Dù vô tri nhưng cây cũng giống như con người, cần được sự chăm sóc thường xuyên mới có thể phát triển tốt. Một khi việc làm đó không được thực hiện một cách nghiêm túc và trách nhiệm thì tất yếu sẽ xảy ra những sự cố đau lòng.

Cuối cùng, với bất kỳ lý do gì thì sân trường với những tàng cây phượng vĩ tỏa bóng mát, những chùm hoa đỏ rực mùa chia tay mãi mãi là không gian thiên nhiên đầy ắp kỷ niệm của tuổi học trò.

Và dĩ nhiên, nếu mỗi người đều có trách nhiệm thì sẽ không có những kỷ niệm buồn. 

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Chặt cây phượng và nỗi sợ trách nhiệm