Charlie Hebdo và câu chuyện tự do báo chí trong khuôn khổ

Ý Thơ| 21/06/2015 13:27
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Từ sự kiện gây chấn động trong làng báo thế giới mang tên Charlie Hebdo, nhiều phản ứng trái chiều xung quanh việc Charlie Hebdo có “quyền tự do thể hiện” hay cần có “giới hạn quyền tự do ngôn luận”, đặc biệt trên internet và các mạng xã hội.

Khi vừa bước sang năm 2015 được ít ngày, các nước phương Tây và thế giới rúng động bởi vụ thảm sát xảy ra ngay giữa Thủ đô hoa lệ Paris (nước Pháp). Thủ phạm được xác định là các tay súng Hồi giáo tấn công tòa soạn báo châm biếm Charlie Hebdo vì đã “dám nhạo báng” đấng tiên tri của mình.

Cuộc tuần hành lớn nhất trong lịch sử nước Pháp diễn ra sau đó nhằm phản đối hành động mang tính chất “khủng bố” của những phần tử này, đồng thời kêu gọi tinh thần đoàn kết trên toàn thế giới và bảo vệ quyền tự do ngôn luận.

Từ sự kiện gây chấn động trong làng báo thế giới nói trên, đã có những phản ứng trái chiều xung quanh việc Charlie Hebdo có “quyền tự do thể hiện” hay cần có “giới hạn quyền tự do ngôn luận”, đặc biệt trên internet và các mạng xã hội.

Charlie Hebdo - đối tượng “được săn lùng”

Khoảng 11h30 ngày 07/01/2015, trụ sở tòa soạn báo trào phúng Charlie Hebdo ở số 10 phố Nicolas-Appert, quận 11, Paris bị hai kẻ bịt mặt, mặc đồ đen với 2 khẩu AK-47 đột nhập. Vụ xả súng khiến 12 người thiệt mạng, 11 người khác bị thương trong đó có 4 người bị thương rất nặng.

Trong diễn biến liên quan sau đó, thêm 1 cảnh sát và 4 con tin ở một siêu thị thực phẩm của người Do Thái bị bắn chết. Trong chiến dịch đột kích của cảnh sát Pháp, 3 nghi phạm đã bị bắn chết, trong khi cảnh sát Pháp có 1 người bị thương. Đây là có số người thương vong lớn nhất tại Pháp kể từ vụ đánh bom chuyến tàu Strasbourg-Paris ngày 18/6/1961 khiến 28 người thiệt mạng.

Thế nhưng, đây lại không phải là lần đầu tiên tòa soạn báo châm biếm Charlie Hebdo bị tấn công và đe dọa tấn công.

Điển hình, vào năm 2006, Charlie Hebdo đã bị Hiệp hội những tổ chức Hồi giáo tại Pháp cũng như Liên hiệp Hồi giáo Thế giới khởi kiện khi cho đăng lại 12 bức tranh biếm họa Nhà tiên tri Muhammad của tờ báo Đan Mạch Jyllands-Posten. Tuy nhiên, đơn kiện đã bị bác bỏ tại tòa sơ thẩm lẫn phúc thẩm.

Năm 2011, trụ sở tòa soạn báo châm biếm này đã bị thiêu rụi bởi một quả bom xăng Motolov sau khi cho phát hành số đặc biệt mang tên Charia Hebdo châm biếm chiến thắng của Đảng Phục hưng ở Tunisia.

Tháng 01/2013, Charlie Hebdo phát hành số báo mang tên La Vie de Mahomet (Cuộc đời của Mahomet) kể về cuộc đời của Nhà tiên tri Muhammad. Tổng biên tập Stephane Charbonnie (bút danh Charb) đã trở thành đối tượng bị tổ chức Al Qaeda ở bán đảo Arập (AQAP) “được săn lùng, dù sống hay đã chết, vì tội ác chống lại Hồi giáo”.

Charlie Hebdo và câu chuyện tự do báo chí trong khuôn khổ

Tổng biên tập báo trào phúng Charlie Hebdo, ông Stephane Charbonnie (bút danh Charb) với những phát ngôn "mạnh miệng".

Những phát ngôn “mạnh miệng” về tự do ngôn luận

Nguyên nhân của vụ tấn công xảy ra đầu năm 2015 được xác định là do Charlie Hebdo đã cho vẽ tranh biếm họa Nhà tiên tri Muhammad - đấng tối cao thiêng liêng của các tín đồ Hồi giáo.

Charlie Hebdo là một tuần báo nổi tiếng ở Pháp chuyên về vẽ châm biếm với luận điệu bất kính và chống các tôn giáo như Hồi giáo, Do Thái giáo, Công giáo… Theo NBC News, Charlie Hebdo đã trở nên quen thuộc trong dư luận Pháp với những vụ tranh cãi và bị đe dọa tấn công từ các tổ chức cực đoan. Song tờ báo vẫn tiếp tục đường lối hoạt động của riêng mình, thậm chí có những phát ngôn “mạnh miệng” không lùi bước.

Còn nhớ, ngay sau sự kiện tòa soạn báo bị đánh bom xăng vào năm 2011, Tổng biên tập Charb, 1 trong 10 nạn nhân của vụ thảm sát ngày 07/01/2015, đã “mạnh miệng” tuyên bố trên AP: “Muhammad không đe dọa được tôi. Tôi sống theo luật của Pháp với quyền tự do ngôn luận được tôi bày tỏ qua tranh vẽ. Tôi không sống theo luật của Hồi giáo”. Charb cũng nổi tiếng với câu hỏi trước khi bị sát hại “Tôi thà chết đứng còn hơn sống quỳ”.

Cũng ngay sau vụ thảm sát, ngày 11/01/2015, một cuộc tuần hành khổng lồ với gần 4 triệu người, trong đó có nhiều nhà lãnh đạo trên thế giới tham gia nhằm phản đối các cuộc tấn công khủng bố nhằm vào nước Pháp, đề cao quyền tự do ngôn luận và tình đoàn kết. "Je suis Charlie" (Tôi là Charlie) trở thành khẩu hiệu tượng trưng cho cuộc diễu hành này.

Thế nhưng, ngay sao đó, một loạt cuộc biểu tình của tín đồ Hồi giáo trên thế giới đã nổ ra khi Charlie Hebdo quyết định ra số báo đặc biệt với hình Nhà tiên tri Muhammad mặc đồ trắng, tay cầm slogan Je suis Charlie cùng  đôi mắt đẫm lệ. Nhiều sự kiện liên quan đến Charlie Hebdo đã xảy ra. Vụ việc cũng dần lắng xuống…

Mặc dù vậy, Charlie Hebdo đã trở thành một tên gọi đặc biệt, để rồi những vụ tấn công sau đó, ở một số quốc gia khác, được gọi bằng cái tên: “cuộc tấn công kiểu Charlie Hebdo”, điển hình là vụ đánh bom vào thánh đường Hồi giáo ở Thủ đô Copenhagen (Đan Mạch) vào giữa tháng 02/2014.

Báo chí cần “tự do trong khuôn khổ” và theo đúng tôn chỉ, mục đích

Charlie Hebdo khẳng định họ có quyền tự do ngôn luận, họ sống theo luật pháp nước Pháp chứ không theo luật của đạo Hồi. Cuộc tuần hành cùng nhiều tác phẩm báo chí, truyền thông ở nhiều nước sau đó vẫn bàn luận về câu chuyện tự do ngôn luận, tự do báo chí của Charlie Hebdo.

Thế nhưng, nhiều cuộc điều tra ý kiến ở nhiều nơi đã chỉ ra rằng, hành động tấn công của các phần tử Hồi giáo nhằm vào tòa soạn báo đáng bị lên án, nhưng việc vẽ tranh biếm họa Nhà tiên tri của - các tín đồ đạo Hồi - không chỉ trước khi xảy ra vụ nổ súng mà cả quyết định ra số đặc biệt sau đó của tòa soạn Charlie Hebdo cũng bị phản đối. Điển hình, ngay tại nước Pháp, có tới gần 50% người dân nước này phản đối việc Charlie Hebdo tiếp tục “nhạo báng” đấng tối cao của người Hồi giáo.

Trao đổi với nhà báo Dương Xuân Nam, nguyên Tổng biên tập báo Tiền Phong, ông cho biết: “Đại đa số nhà báo trên thế giới nhất là ở phương Tây và Mỹ đều cho rằng tự do báo chí không có giới hạn, không có vùng cấm nào cả. Nhưng cũng không ít người cho là tự do báo chí cũng cần có một giới hạn nào đó”.

Ông chia sẻ: “Nếu tôi không nhầm thì nước Nhật, một nước dân chủ, tự do báo chí, nhưng bao năm qua không một bài báo, tờ báo nào đưa tin không hay về Hoàng gia, chưa hề có một bài báo nào đả kích Nhật Hoàng. Các bài báo nói về Hoàng gia hay Nhật Hoàng bao giờ cũng với niềm kính trọng”.

Charlie Hebdo và câu chuyện tự do báo chí trong khuôn khổ

Nhà báo Dương Xuân Nam - nguyên Tổng biên tập báo Tiền Phong. Ảnh: NVCC

Theo nhà báo Dương Xuân Nam, ở mỗi đất nước, vùng quê, cộng đồng đều có những nhân vật được tôn thờ, đó có thể là một con người kiệt xuất hay một vị thánh. Những nhân vật, những vị thánh được dân chúng tôn thờ chính là niềm tin làm nên sức mạnh gắn kết cộng đồng, gắn kết người dân trong đất nước đó. “Dù thế nào đó cũng là điều thiêng liêng. Điều đó đòi hỏi các nhà báo phải có những suy nghĩ, cân nhắc thật kỹ khi đề cập đến những vùng thiêng như vậy”, nguyên Tổng biên tập báo Tiền Phong khẳng định.

Còn theo nhà báo Đình Khải - một nhà báo kỳ cựu về mảng thời sự, nội chính, song lại được khán thính giả biết đến là một bình luận viên bóng đá nổi tiếng, ông cho rằng: “Bất kỳ tờ báo nào trên thế giới cũng có tôn chỉ mục đích hoạt động của riêng mình, chính vì vậy người làm báo cần nắm rõ tôn chỉ mục đích. Phóng viên, nhà báo không giấu diếm sự thật, nhưng phải bày tỏ quan điểm chính kiến của mình, của bản báo theo đúng đường lối và tiêu chí, tôn chỉ mà đang đi. Cần nhớ rằng có những điều mà ta chưa nói chứ không phải không nói, giấu diếm”.

Charlie Hebdo và câu chuyện tự do báo chí trong khuôn khổ

Nhà báo Đình Khải. Ảnh: NVCC

Nhà báo Đình Khải nhấn mạnh, các nhà báo Việt Nam cần nắm vững tôn chỉ mục đích của tờ báo mà mình phục vụ và đi theo. “Nếu có gì không đồng tình thì cần có ý kiến, còn nếu như phản đối không chấp nhận thì không tham gia. Nếu tham gia thì cần hiểu và đi theo tôn chỉ mục đích của báo”.­­­

Trong thời đại công nghệ thông tin, trình độ dân trí ngày càng cao, thông tin không chỉ được phản ánh một chiều, chính vì vậy, “mỗi nhà báo cần tích lũy kiến thức, nâng cao trình độ, nâng cao bản lĩnh chính trị, năng lực nghề nghiệp, năng lực báo chí của người làm báo thì mới có thể theo được xã hội ngày càng phát triển”, nhà báo Đình Khải bình luận.

Điều 258 Bộ Luật Hình sự quy định về Tội lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, công dân như sau:

1. Người nào lợi dụng các quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, tự do tín ngưỡng, tôn giáo, tự do hội họp, lập hội và các quyền tự do dân chủ khác xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, công dân, thì bị phạt cảnh cáo, cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ sáu tháng đến ba năm.

2. Phạm tội trong trường hợp nghiêm trọng thì bị phạt tù từ hai năm đến bảy năm.

Đọc tiếp
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Charlie Hebdo và câu chuyện tự do báo chí trong khuôn khổ