Chánh án TANDTC kết luận hội nghị và quán triệt những nội dung quan trọng

Nhóm PV| 10/01/2022 14:57
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Trưa 10/1, sau gần 2 ngày làm việc, Hội nghị trực tuyến triển khai công tác Tòa án năm 2022 đã bế mạc.

Đồng chí Nguyễn Hòa Bình, Ủy viên Bộ Chính trị, Chánh án TANDTC đã có bài phát biểu kết luận hội nghị, trong đó nhấn mạnh nhiều nội dung quan trọng.

Năm 2021 với nhiều kết quả nổi bật

Chánh án TANDTC Nguyễn Hòa Bình cho biết, sau 1 ngày rưỡi làm việc khẩn trương, nghiêm túc, hội nghị đã hoàn thành chương trình đề ra và thành công tốt đẹp.

Chánh án cũng điểm qua những nội dung mà hội nghị đã hoàn thành, cụ thể:

Hội nghị đã nghe quán triệt bài phát biểu của đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị quán triệt nghị quyết Đại hội XIII Đảng đối với các cơ quan nội chính Trung ương. Hội nghị cũng đã nghe trình bày dự thảo Nghị quyết của Ban cán sự Đảng TANDTC và dự thảo Chị thị của Chánh án TANDTC về 10 nhiệm vụ trọng tâm năm 2022 và tham luận, góp ý kiến. Nhiều cá nhân, tập thể có thành tích xuất sắc trong phong trào thi đua năm qua đã được tặng bằng khen và các danh hiệu thi đua.

Các đại biểu đã nghe giới thiệu  Đề án số 21 trong đề án thành phần về Xây dựng nhà nước pháp quyền của Bộ Chính trị. Đây là những nội dung CCTP cốt yếu của Tòa án. Về cơ bản hội nghị đã hoàn thành các nội dung được đề ra với chất lượng cao.

Các ý kiến phát biểu tại hội trường, tại các điểm cầu đều thẳng thắn, chất lượng. Hầu hết các đại biểu đều bày tỏ nhất trí cao với các báo cáo tại hội nghị, làm rõ thêm nhiều vấn đề và nêu lên một số kinh nghiệm, cách làm tốt trong lãnh đạo chỉ đạo và triển khai nhiệm vụ trọng tâm 2021 và định hướng 2022 và những năm tiếp theo. Các ý kiến thảo luận có đề xuất một số ý kiến vướng mắc nghiệp vụ cần giải đáp, kiến nghị đối với công tác điều hành, lãnh đạo sẽ được ghi nhận, tiếp thu vào các văn kiện và phát hành chính thức sau hội nghị.

Chánh án lưu ý về 4 nội dung đã thông qua tại hội nghị, đó là: Một số vấn đề về đánh giá tình hình công tác 2021, nhiệm vụ 2022; Những lưu ý về nhiệm vụ 2022; Những vấn đề về CCTP trong Tòa án đang nghiên cứu và sẽ báo cáo BCH Trung ương vào tháng 10/2022. 

Về công tác năm 2021, trong báo cáo tóm tắt và clip nêu bật 10 sự kiện quan trọng mà ngành Tòa án đã thực hiện trong năm qua. Toàn ngành tòa án đã hoàn thành, đạt và vượt nhiều chỉ tiêu yêu cầu mà Quốc hội đã đề ra, chất lượng ngày càng cao. Nhiều đơn vị có nhiều cố gắng nỗ lực trong công tác chuyên môn, tham gia xét xử nhiều vụ án về tham nhũng mà BCĐ Trung ương về PCTN đã chỉ đạo được dư luận đánh giá cao.

Nội dung nữa mà Chánh án đề cập đến là triển khai thi hành Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án. Đây là thiết chế mới, tác dụng giải quyết những tranh chấp trong xã hội, đảm bảo cuộc sống người dân không tiếp tục bị rạn nứt sau mỗi vụ án; tiết kiệm chi phí cho nhà nước. Hơn 10.000 vụ hòa giải thành, tiết kiệm chi phí cho hơn 10.000 phiên tòa mà lẽ ra phải mở nếu không hòa giải được.

Thành công nổi bật tiếp theo mà Chánh án đề cập đến là những ứng dụng công nghệ thông trong hệ thống Tòa án. Những năm trước Tòa án đưa vào ứng dụng công nghệ thông tin hiệu quả đã trở thành điểm nhấn, như công khai bản án trên cổng thông tin điện tử, đến nay đã công khai trên 800 ngàn bản án; Đưa vào hệ thống quản lý nhân lực, công tác thông kê…

Trước ngày hội nghị, TANDTC đã đưa vào hoạt động 4 ứng dụng công nghệ thông tin trước sự chứng kiến của Chủ tịch Quốc hội và đoàn công tác. 4 ứng dụng gồm: Trợ lý ảo; Trung tâm giám sát điều hành TANDTC; Nền tảng xét xử trực tuyến và Trung tâm tư liệu và Thư viện, trong đó có Thư viện điện tử kết nối với Thư viện Đại học luật, Thư viện Quốc gia, Thư viện Quốc hội…tạo ra kho tri thức khổng lồ cho các Thư ký, Thẩm phán có thể nghiên tự nghiên cứu, tự học để nối dài kiến thức của mình.

z3096201304784_1f9396a97f198c6e794b63610b94d748.jpg
Đồng chí Nguyễn Hòa Bình, Ủy viên Bộ Chính trị, Chánh án TANDTC đã có bài phát biểu kết luận hội nghị.

Tiếp đến là việc đầu tư cơ sở vật chất, cải thiện một bước về cơ sở vật chất cho hệ thống Tòa án. Cho đến nay những trụ sở phải đi thuê đã xây dựng xong; trang bị phương tiện đi lại làm việc cho các cơ quan Tòa án theo đề án đã phê duyệt. Theo kế hoạch, trong năm nay và đến cuối nhiệm kỳ quyết tâm của Ban cán sự đảng là hoàn thành xây dựng trụ sở Tòa cấp tỉnh và hoàn thiện trụ sở cho cấp huyện. Với quyết tâm như vậy, nhiệm kỳ này sẽ cải thiện đáng kể nơi làm việc cho cán bộ Tòa án.

Trong năm qua mặc dù dịch bệnh nhưng các hoạt động đối ngoại được tăng cường, khẳng định vị thế của Tòa án trong các thiết chế song phương và đa phương. Hội nghị Chánh án các nước ASEAN TANDTC đã hoàn thành với vai trò là nước chủ nhà năm 2021, chuyển giao nhiệm vụ cho Indonexia 2022. Duy trì trao đổi với các Tòa án trên các nền tảng trực tuyến như Nga, Trung Quốc; tranh thủ triển khai các nguồn lực hỗ trợ của các tổ chức quốc tế trong phát triển án lệ và xây dựng hệ thống pháp luật.

5 nội dung đặc biệt cần lưu ý

Chánh án Nguyễn Hòa Bình nhấn mạnh những nội dung nhiệm vụ thực hiện trong năm 2022. Ban cán sự Đảng TANDTC đã có nghị quyết với 10 nhiệm vụ trọng tâm. Trên cơ sở đó Chánh án TANDTC cũng đã có chỉ thị với 10 nhiệm vụ chủ yếu, đề nghị các Tòa án nghiên cứu kỹ và triển khai thực hiện.

diem-cau-tp.jpg
Các điểm cầu tại TAND cấp huyện.

Chánh án nhấn mạnh thêm một số nội dung quan trọng gồm:

Thứ nhất là, công tác hòa giải, năm 2021, đã hòa giải thành trên 10.400/28.000 vụ có đủ điều hiện hòa giải. Trong toàn hệ thống cần nhận thức lại ý nghĩa, vai trò của hòa giải và coi là nhiệm vụ trọng tâm, quan trọng như xét xử. 

Dẫn ra kinh nghiệm hòa giải từ các nước trên thế giới, Chánh án nhấn mạnh, phải coi hòa giải là nhiệm vụ trọng tâm, nếu không sẽ không hoàn thành nhiệm vụ chuyên môn và thiếu trách nhiệm với dân, nhất là cấp huyện. Trong chỉ tiêu thi đua, một vụ hòa giải thành tương ứng với 1 vụ án xét xử. Năm 2022, đơn vị nào tỷ lệ hòa giải thấp cũng không có danh hiệu thi đua. Cá nhân, tập thể nào có thành tích trong hòa giải cũng được xét phần thưởng cao quý tương tự như xét xử.

Chánh án cũng đề nghị Tòa án cấp tỉnh sơ kết công tác hòa giải để nghe các Hòa giải viên có ý kiến và rút kinh nghiệm.

Thứ hai là, xét xử trực tuyến có hiệu lực từ 2022. Hiện nay chưa trang bị đủ các thiết bị cho công tác này. Sau hội nghị này, Chánh án yêu cầu Cục Kế hoạch Tài chính hướng dẫn các địa phương xây dựng đề án trang bị các thiết bị phục vụ công tác này; có kế hoạch đầu tư phòng xét xử trực tuyến cho các Tòa án. Các địa phương phải sử dụng hiệu quả nguồn kinh phí chi đầu tư cho công tác xét xử.

Nói thêm về công tác xét xử trực tuyến, Chánh án cho biết, trong buổi làm việc với Tòa án mới đây, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đã hoan nghênh và đánh giá cao TANDTC, vì chỉ trong thời gian rất ngắn, sau khi nghị quyết Quốc hội ban hành Tòa án đã xây dựng được nền tảng điện tử điều hành phiên tòa trực tuyến.

Chánh án yêu cầu, trong và sau quý I/2022, tất cả địa phương đều phải tổ chức phiên tòa trực tuyến và báo cáo TANDTC. Tất cả các tỉnh phải giao nhiệm vụ này cho Tòa chuyên trách, lựa chọn những vụ án đơn giản để tổ chức phiên tòa đầu tiên. Các Vụ chuyên môn của TANDTC cũng phải theo dõi về vấn đề này. Yêu cầu các Tòa cấp cao phải thường xuyên áp dụng các phiên tòa trực tuyến này. Cuối năm nay, các tòa có báo cáo thống kê về số lượng các phiên tòa xét xử trực tuyến.

Thứ 3 là sử dụng phần mềm trợ lý ảo: Đây được xem là bước tiến lớn, điểm sáng trong ứng dụng công nghệ thông tin của Tòa án.

Giai đoạn 1, Trợ lý ảo chỉ cung cấp 4 dịch vụ: Giới thiệu điều luật, hệ thống luật để các Thẩm phán áp dụng; Giới thiệu những án lệ liên quan đến vụ án để vận dụng xét xử; Những vấn đề trong giải đáp nghiệp vụ (gồm hai phần là giải đáp chính thống của HĐTP gồm 300 câu và giải đáp của các Thẩm phán có kinh nghệm để tham khảo); Đưa ra các vụ án có tỉnh huống pháp lý tương tự để tham khảo.

z3096325066384_8e8ae06eb51981a39ceef844bc188ea2.jpg

Trong 4 năm qua Tòa án đã công bố được trên 700 ngàn bản án, là nguồn dữ liệu quan trọng cho Trợ lý ảo tìm kiếm, chỉ dẫn áp dụng. Từ đó, Chánh án đề nghị các Tòa án tăng cường công bố bản án trên Cổng thông tin điện tử để phục vụ cho công tác này. Coi việc công khai bản án là thực hiện nhiệm vụ năm 2022.

Thứ tư là, giám đốc thẩm, tái thẩm: Chánh án lưu ý, “vi phạm tố tụng nghiêm trọng và làm thay đổi bản chất vụ án” mới là điều kiện kháng nghị giám đốc thẩm. Vì vậy các Tòa án cấp cao lưu ý về vấn đề này. Các Tòa án cấp trên cần nhận thực rõ chức năng của mình là: sửa sai những bản án có sai sót cấp dưới và bổn phận bảo vệ quyền xét xử của Tòa án/Thẩm phán. Hội đồng Thẩm phán TANDTC cũng đã có hướng dẫn cụ thể về vấn đề này. Từ đó, Chánh án đề nghị kháng nghị/xét xử giám đốc thẩm, tái thẩm phải hết sức thận trọng.

Thứ 5 là, cải cách tư pháp. Đây được xem như là cơ hội để biến đổi ngành, cơ hội để phát triển thêm, xây dựng Tòa án thực sự trong sạch vững mạnh, hiện đại liêm chính, chỗ dựa của công lý, cơ hội để tăng uy tín niềm tin của nhân dân. Trong phiên thảo luận hôm qua đã có một số ý kiến đóng góp, đề nghị các đại biểu tiếp tục nghiên cứu các nội dung và tham gia ý kiến về cải cách tư pháp.

Về những nội dung cần triển khai sau hội nghị này, Chánh án nhấn mạnh: Các đơn vị tổ chức triển khai công tác năm 2022, lưu ý những nội dung đã được nêu trong hội nghị này; khẩn trương nghiên cứu, những kiến nghị, dự kiến về đổi mới của Tòa án sau đó tiến hành tham mưu, góp ý kiến cho dự kiến này. Lãnh đạo các Tòa án cần chỉ đạo quyết liệt các giải pháp đột phá, đặc biệt là lưu ý những vấn đề vừa nêu. Công tác quy hoạch cán bộ cũng là việc làm quan trọng và cần tập trung thực hiện; quy hoạch bài bản, hệ thống theo hướng dẫn của Bộ Chính trị.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Chánh án TANDTC kết luận hội nghị và quán triệt những nội dung quan trọng