Chánh án TANDTC: Đảm bảo không để lộ bí mật là nguyên tắc bao trùm của chế định hòa giải, đối thoại tại Tòa án

Ngọc Mai| 25/05/2020 14:03
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Tại phiên thảo luận Quốc hội sáng nay (25/5), trước nhiều ý kiến về vấn đề lộ bí mật của dự án Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án, Chánh án TANDTC Nguyễn Hòa Bình khẳng định, đảm bảo không để lộ bí mật là nguyên tắc bao trùm chế định này.

Chánh án TANDTC: Đảm bảo không để lộ bí mật là nguyên tắc bao trùm của chế định hòa giải, đối thoại tại Tòa án

Chánh án TANDTC Nguyễn Hòa Bình giải trình, làm rõ một số vấn đề các ĐBQH quan tâm tại phiên thảo luận Quốc hội sáng ngày 25/5

Tiếp tục kỳ họp thứ 9, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu, Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Lê Thị Nga trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án.

Sau phần thảo luận, đóng góp ý kiến của các ĐBQH, Chánh án TANDTC Nguyễn Hoà Bình đã có phần báo cáo giải trình trước Quốc hội về một số nội dung đại biểu Quốc hội đặt ra tại phiên thảo luận về dự án Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án.

Chánh án bày tỏ sự cảm ơn khi việc Báo cáo giải trình, tiếp thu dự án Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án của Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã đánh giá cao sự tiếp thu, của Tòa án trong quá trình hoàn thiện dự thảo Luật.

Theo Chánh án Nguyễn Hòa Bình, các ý kiến ĐBQH nêu ra đa số đều tán thành, đồng tình với dự thảo Luật, nhưng đề nghị làm rõ hơn bổ sung một số quy định, đề xuất các phương án khác nhau như về phí, kinh phí, bổ sung thêm các điều cấm, được làm không được làm... Trên tinh thần ghi nhận và tiếp tục tiếp thu các ý kiến của ĐBQH. Do không có nhiều thời gian, Chánh án TANDTC giải trình thêm trong vòng 10 phút một số nội dung thảo luận của các đại biểu.

Liên quan vấn đề địa điểm: Chánh án Nguyễn Hòa Bình cho biết, Quốc hội đồng tình ngoài việc hòa giải ở trong cơ quan Tòa án, cũng có thể ở ngoài Tòa án nhưng cần có sự thỏa thuận của hai bên.

Theo Chánh án TANDTC cho rằng, hòa giải về mặt bản chất là tác động vào tâm lý của các bên tranh chấp, là tác động vào tâm lý các bên tranh chấp, làm sao khơi dậy lòng vị tha, sự cao thượng, hướng thiện sẵn sàng chia sẻ những khó khăn và không có những hỗ trợ. Cho nên những hỗ trợ này, thông thường lần lượt các bên và chủ yếu là người đi kiện (bên nguyên). Ví dụ hai bên nợ tiền nhau, bên khó khăn không trả được, bên đòi đâm đơn kiện. Thì khi hòa giải chủ yếu tác động vào bên đi kiện để làm sao chia sẻ được khó khăn của bên bị để người ta chấp nhận bỏ phần lãi suất, hoặc giảm bớt một phần, thu lại một phần để hai bên thỏa thuận với nhau.

Hay hai vợ chồng trục trặc ly hôn. Cô vợ phát hiện chồng có những vi phạm gì đó, khi hòa giải chủ yếu tác động thôi chia sẻ, vị tha vì các con. Và người ta có thể cùng nhau lên chùa, nhờ hòa thượng nói thêm. Như vậy là chỉ cần một bên, không trực tiếp phải hai bên dẫn nhau lên. Như vậy đặt ra câu chuyện là phải có sự thống nhất của cả hai bên là hết sức kho khăn. Cho nên, việc này phải hết sức linh hoạt.

Về quyết định của Tóa án, Chánh án Nguyễn Hòa Bình cho biết, các đại biểu ý kiến nhiều về vấn đề này. Theo Chánh án TANDTC, có những trường hợp không cần quyết định, mà chỉ là hai bên thống nhất với nhau. Chánh án đưa ra ví dụ như: Hai bên nợ nhau 100 triệu, sau đó gặp nhau lấy 70 cũng được, lấy tiền đưa nhau ngay và việc tranh chấp được giải quyết không cần quyết định.

Đồng thời Chánh án TANDTC cũng khẳng định, có những quyết định dứt khoát phải có, kể cả sự công nhận của Tòa án. Ví dụ như ngân hàng mà đòi doanh nghiệp do điều kiện khó khăn vì COVID-19 không trả được là 1 tỷ cộng tiền lại 100 triệu nữa là 1 tỷ 100 triệu đồng. Nếu ra tòa, tòa không còn cách nào khác là phải tuyên là doanh nghiệp phải trả đúng số tiền trên cả gốc và lãi. Nhưng ngân hàng sẵn sàng do khó khăn chỉ lấy 800 triệu hoặc 1 tỷ đồng không lấy lãi. Phải có quyết định này thì lãnh đạo ngân hàng và cấp trên mới có căn cứ để công nhận.

Hay một ví dụ khác: Hai bên tranh chấp với nhau về đất cát cha mẹ để lại. Di chúc cho ông anh vì trông coi bàn thời cha mẹ có thể được 60%, ông em được 40% miếng đất. Nhưng khi xảy ra tranh chấp với nhau, hai anh em có thể tự thỏa thuận chia đôi mỗi người một nửa. Và trên cơ sở quyết định công nhận của Tòa án, cơ quan chức năng mới cấp giấy công nhận quyền sử dụng đất cho các bên. Cái này liên quan đến trách nhiệm, nghĩa vụ của mỗi đơn vị.

Liên quan đến tiêu chuẩn của Hòa giải viên, có ý kiến đề nghị bổ sung thêm một số đối tượng: Hội thẩm nhân dân, Thanh tra viên, Điều tra viên…; về thời hạn thì có ý kiến khác nhau về tái bổ nhiệm; thời hạn về thâm niên có ý kiến cho thời gian phù hợp là 5 năm, 7 năm, 10 năm… Cho biết sẽ tiếp thu những ý kiến này, tuy nhiên, Chánh án Nguyễn Hòa Bình cũng nêu rõ, đây là lần đầu tiên đặt ra tiêu chí này, Cơ quan soạn thảo và Cơ quan thẩm định xét thấy, với thời hạn 10 năm là phù hợp, nhằm đảm bảo Hòa giải viên có chất lượng tương đối. Với thâm niên này, Hòa giải viên sẽ có kinh nghiệm và kinh nghiệm tốt.

“Đây là hướng tới việc giải quyết việc của dân, chứ không phải để thuận tiện cho việc mở rộng đối tượng tham gia vào chế định hòa giải. Nếu kinh nghiệm tốt hơn thì giải quyết câu chuyện của dân cũng tốt hơn. Còn nếu chỉ vì việc lựa chọn Hòa giải viên cho thuận tiện chúng ta có thể chọn 3 năm- 5 năm. Tuy nhiên, ban đầu đặt ra chế định này là hướng tới chất lượng của Hòa giải viên, cơ quan soạn thảo xác định là 10 năm là hướng tới mục tiêu này của chế định”, Chánh án Nguyễn Hòa Bình nhấn mạnh; đồng thời cho rằng, những ý kiến đóng góp của đại biểu , cùng với quá trình thực hiện, dự án Luật sau này, nếu Hòa giải viên có kinh nghiệm 5 năm mà làm tốt, thì chúng ta cũng có thể xem xét lại thời hạn này.

Trước nhiều ý kiến về vấn đề lộ bí mật của dự án Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án, Chánh án Nguyễn Hòa Bình khẳng định, nguyên tắc đảm bảo  không để lộ bí mật luôn là nguyên tắc cao nhất của câu chuyện hòa giải từ trước tới giờ và bao trùm chế định này.

Chánh án dẫn ví dụ và phân tích thêm: Bởi đôi khi người ta thổ lộ tâm tình với hòa giải viên, những điều thầm kín trong lòng, tại sao người ta li hôn; hay chia tài sản, tất cả đều không muốn công khai việc gia định có bao nhiều tiền… những đã ra tòa thì tất cả phải công khai: cất bao nhiêu, nhà bao nhiêu, tiền, cổ phiếu bao nhiêu… Vì vậy khi đã chia sẻ những thông tin bí mặt về đời tư thì Hòa giải viên phải giữ bí mật cho các bên.

"Bản thân các Thẩm phán cũng không được biết về những nội dung chia sẻ này. Chính vì vậy, theo luật không được ghi biên bản, không ghi âm hay ghi hình để bảo đảm rằng tất cả những điều mà người ta đã chia sẻ với hòa giải viên được giữ kín”. Chánh án Nguyễn Hòa Bình cho biết.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Chánh án TANDTC: Đảm bảo không để lộ bí mật là nguyên tắc bao trùm của chế định hòa giải, đối thoại tại Tòa án