Chánh án TAND TP. Hà Nội: Tội phạm tham nhũng, kinh tế vẫn diễn biến phức tạp ở một số ngành

Trọng Bằng| 01/12/2015 11:04
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Báo cáo tại kỳ họp thứ 14 HĐND TP Hà Nội khóa XIV sáng nay (1/12), Chánh án TAND TP. Hà Nội Nguyễn Hữu Chính đánh giá: Tội phạm tham nhũng, kinh tế chức vụ vẫn diễn biến phức tạp ở một số ngành, lĩnh vực kinh tế trọng điểm gây thiệt hại lớn về tài sản...

Chánh án TAND TP. Hà Nội: Tội phạm tham nhũng, kinh tế vẫn diễn biến phức tạp ở một số ngành

Chánh án TAND Thành phố Hà Nội Nguyễn Hữu Chính báo cáo tại kỳ họp. Ảnh HNM 

Theo báo cáo của Chánh án TAND TP Hà Nội Nguyễn Hữu Chính, từ ngày 01/10/2014 đến 30/9/2015, hai cấp TAND thành phố Hà Nội đã thụ lý 27.130 vụ, tăng 425 vụ, tương đương 1,6%; đã giải quyết được 26.122 vụ (tăng 311 vụ), đạt tỷ lệ 96,3%.

Hai cấp TAND thành phố Hà Nội đã tiếp tục đẩy nhanh tiến độ và nâng cao chất lượng giải quyết, xét xử các loại án đồng thời đẩy mạnh việc tranh tụng nên hầu hết các vụ án đều được giải quyết trong thời hạn luật định, có căn cứ và đúng pháp luật. Kết thúc năm công tác, hai cấp Tòa án còn quá hạn 46 vụ, giảm 39 vụ so với năm 2014. Số vụ án bị hủy, sửa do lỗi chủ quan của Thẩm phán chiếm tỷ lệ thấp so với tổng số vụ án đã giải quyết: có 70 vụ án bị huỷ do lỗi chủ quan, chiếm 0,26 % số án đã giải quyết, 65 vụ án bị sửa do lỗi chủ quan, chiếm 0,25% số án đã giải quyết.

Về án hình sự, năm qua, tổng số án hình sự đã được thụ lý là 8.887 vụ/14.921 bị cáo, giảm 263 vụ so với năm 2014; đã giải quyết 8.716vụ/14.516 bị cáo (giảm 347 vụ), đạt tỷ lệ giải quyết 98%.

Công tác xét xử án hình sự đã đảm bảo đúng người, đúng tội, đúng pháp luật, không có trường hợp nào kết án oan người vô tội và bỏ lọt tội phạm. Tòa án đã phối hợp thực hiện tốt quy chế làm việc với các cơ quan tiến hành tố tụng, định kỳ họp trao đổi những vấn đề còn có ý kiến khác nhau về đánh giá chứng cứ và áp dụng pháp luật, nhằm giải quyết tốt vụ án.

Tòa án hai cấp đã trả hồ sơ điều tra bổ sung 2.235 vụ, tăng 1.408 vụ, tương đương 170% so với năm 2014, trong đó Viện kiểm sát chấp nhận 1.342 vụ, không chấp nhận 728 vụ, còn lại 165 vụ chưa có kết quả.

Trong năm qua, nhiều vụ án hình sự trọng điểm, nhạy cảm, phức tạp, được dư luận xã hội quan tâm, đặc biệt là các vụ án tham nhũng đã được Tòa án khẩn trương nghiên cứu hồ sơ để đưa ra xét xử kịp thời, nghiêm minh đáp ứng yêu cầu chính trị của địa phương, được dư luận đồng tình ủng hộ. Điển hình như vụ án xét xử bị cáo Nguyễn Mạnh Tường và Đào Quang Khánh bị truy tố về các tội “Vi phạm quy định về khám bệnh, chữa bệnh, sản xuất, pha chế thuốc, cấp phát thuốc, bán thuốc hoặc dịch vụ y tế khác” và “Xâm phạm thi thể, mồ mả, hài cốt” (vụ án xảy ra tại thẩm mỹ viện Cát Tường); vụ án Hà Huy Hoàng bị truy tố về tội “Gián điệp”; vụ án Phạm Hải Bằng và đồng phạm bị truy tố về tội “Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ” (đây là vụ án tham nhũng tại Tổng công ty đường sắt Việt Nam liên quan đến thực hiện dự án có vốn ODA của Nhật Bản – thuộc diện Ban chỉ đạo Trung ương phòng chống tham nhũng theo dõi yêu cầu xử trước khi diễn ra Đại hội Đảng); vụ án Nguyễn Văn Bảo bị truy tố về tội “Vu khống” (đây là trường hợp bị cáo vu khống cán bộ cấp huyện, trong thời gian chuẩn bị tổ chức Đại hội Đảng các cấp).

Qua công tác giải quyết, xét xử các vụ án hình sự cho thấy tình hình tội phạm chủ yếu tập trung vào các loại tội phạm về ma túy với 3.182 vụ/3.747 bị cáo chiếm tỷ lệ 36,5%; Trộm cắp tài sản; Cướp tài sản; Đánh bạc; Lừa đảo chiếm đoạt tài sản; Cố ý gây thương tích và Giết người... Tội phạm công nghệ cao, chiếm đoạt tài sản qua mạng là loại tội phạm mới đang nổi lên với nhiều thủ đoạn tinh vi, rất khó phát hiện, xử lý, Tòa án đã xét xử 21 vụ/50 bị cáo. Tội phạm về tham nhũng, kinh tế chức vụ vẫn diễn biến phức tạp ở một số ngành, lĩnh vực kinh tế trọng điểm gây thiệt hại lớn về tài sản, tập trung chủ yếu ở lĩnh vực quản lý tài sản công, đầu tư công, quản lý sử dụng đất đai, tài chính, ngân hàng với 53 vụ/155 bị cáo.

Kiểm sát các hoạt động tư pháp trên các lĩnh vực có chuyển biến rõ nét

Liên quan đến công tác kiểm sát và thực hành quyền công tố, báo cáo hoạt động năm 2015 của ngành tại kỳ họp, Viện trưởng VKSND Thành phố Nguyễn Quang Thành cho biết, về tội phạm, trên cơ sở đề nghị khởi tố của cơ quan điều tra, Viện Kiểm sát đã quyết định khởi tố 9.567 bị can, giảm 1.420 vụ và 2.667 bị can so với năm 2014.

Thực hiện chủ trương nâng cao hiệu quả công tác thực hành quyền công tố và kiểm sát xét xử, Viện Kiểm sát đã thụ lý kiểm sát xét xử sơ thẩm 6.885 vụ/11.711 bị cáo, Tòa án đình chỉ 33 vụ/57 bị cáo, tạm đình chỉ 9 vụ/20 bị cáo. Viện Kiểm sát 2 cấp đã thực hành quyền công tố, kiểm sát xét xử sơ thẩm 5.552 vụ/9.607 bị cáo, kiểm sát giải quyết theo thủ tục phúc thẩm 689 vụ/1.017 bị cáo. Qua công tác kiểm sát xét xử, Viện Kiểm sát hai cấp đã ban hành kháng nghị được Tòa án cấp phúc thẩm xét xử chấp nhận 45 vụ/63 bị cáo, tỷ lệ chấp nhận đạt 92,64%.

Quan hệ phối hợp giữa các cơ quan tố tụng được duy trì có hiệu quả. Viện Kiểm sát đã phối hợp với cơ quan điều tra, Tòa án hai cấp xác định 1.069 vụ án hình sự trọng điểm, áp dụng thủ tục rút gọn giải quyết 29 vụ án; phối hợp với Tòa án tổ chức 1.127 phiên tòa xét xử lưu động ở những địa bàn trọng điểm, phức tạp về tội phạm nhằm tuyên truyền, giáo dục ý thức pháp luật trong nhân dân; nhiều vụ án đặc biệt nghiêm trọng, án điểm, các vụ án dư luận xã hội quan tâm đều được tập trung giải quyết kịp thời, đáp ứng yêu cầu đấu tranh phòng, chống tội phạm.

Qua hoạt động, trách nhiệm công tố của Viện Kiểm sát trong hoạt động điều tra đã được nâng lên rõ rệt, công tác phê chuẩn các lệnh, quyết định của cơ quan điều tra được xem xét thận trọng, việc truy tố đảm bảo đúng người, đúng tội, không để xảy ra oan, sai.

Công tác kiểm sát các hoạt động tư pháp trong lĩnh vực dân sự, hành chính, lao động, kiểm sát giải quyết khiếu nại, tố cáo... đều có sự chuyển biến rõ nét. Đặc biệt, các chỉ tiêu Quốc hội giao đều đạt ở mức cao như: kiểm sát giải quyết tố giác, tin báo tội phạm đạt 92,4% (chỉ tiêu Quốc hội là 90%), đã kiểm sát chặt chẽ 100% các vụ án từ khi khởi tố, tỷ lệ truy tố đúng thời hạn đạt 99,63% (chỉ tiêu Quốc hội là 90%), truy tố bị can đúng tội đạt 99,75% (chỉ tiêu Quốc hội là 95%). Chất lượng kháng nghị của Viện Kiểm sát được Tòa án chấp nhận ở tất cả các khâu công tác đều đạt trên 92% (chỉ tiêu Quốc hội giao là 70%).

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, quá trình thực hành quyền công tố và kiểm sát các hoạt động tư pháp, chất lượng kiểm sát điều tra ở một số vụ án chưa tốt, còn có vụ án phải trả hồ sơ để điều tra bổ sung, vẫn còn án hình sự, dân sự, hành chính... bị Tòa án cấp trên hủy.

Đọc tiếp
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Chánh án TAND TP. Hà Nội: Tội phạm tham nhũng, kinh tế vẫn diễn biến phức tạp ở một số ngành